Phỏng vấn độc quyền Nguyễn Công Trí: “Thời trang luôn có ngôn ngữ riêng”

Nối tiếp liền sau tuần lễ thời trang Paris, tại châu Á sẽ diễn ra tuần lễ thời trang Tokyo. Năm nay đại diện từ Việt Nam, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí sẽ mang bộ sưu tập số 9 mang tên "Lúa" đến trình diễn tại xứ sở hoa anh đào. Trước khi lên đường, Bazaar đã kịp ngồi xuống cùng anh để lắng nghe những chia sẻ cảm hứng trong bộ sưu tập lần này.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Lúa sắp được mang sang trình diễn tại Tokyo

Harper’s Bazaar (HB): Ở Việt Nam có rất nhiều biểu tượng, trong đó sen là nổi tiếng hơn cả, nhưng vì sao anh lại chọn lúa làm ý tưởng cho bộ sưu tập để mang sang trình diễn tại Tokyo Fashion Week?

Nguyễn Công Trí (NCT): Đâu nhất thiết biểu tượng sen là nổi tiếng hơn thì tôi phải chọn hoa sen để làm cho bộ sưu tập của mình. Ngay lúc này đây thì tôi thích lúa, vì cái sự “lúa” có nhiều nghĩa khác nhau. Nói vui vậy chứ tôi thích hình ảnh phụ nữ nông thôn trong chiếc áo bà ba trên cánh đồng lúa, luôn tần tảo và không kém phần mạnh mẽ.

Nhà thiết kế bên khung dệt lụa.

Nhà thiết kế bên khung dệt lụa.

HB: Lãnh Mỹ A hiếm khi được sử dụng trong thời gian gần đây. Anh có gặp khó khăn khi tìm nguồn nguyên liệu, cũng như tìm nhà máy sản xuất loại lụa đặc biệt này không?

NCT: Cũng ít người sử dụng lụa Lãnh Mỹ A trong thời gian này vì đây cũng là loại lụa “khó tính”. Tôi được 1 anh bạn giới thiệu về lụa Lãnh Mỹ A và tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Tiếp đến là tìm người có thể giúp mình sản xuất ra loại lụa khó tính này cũng không dễ vì hầu như cũng chẳng còn nhiều người biết về kỹ thuật dệt và nhuộm này.

Nhà thiết kế Công Trí trong quá trình làm nên bộ sưu tập.

Nhà thiết kế Công Trí trong quá trình làm nên bộ sưu tập.

HB: Sau bộ sưu tập này, anh có dự định sẽ phổ biến rộng rãi chất liệu Lãnh Mỹ A thông qua các thiết kế ready to wear, để tiếp cận đại đa số khách hàng hay không?

NCT: Bộ sưu tập Lúa cũng không hẳn hoàn toàn là ready to wear, cũng khó tính và kén người mặc như loại lụa này. Mình bị thuyết phục bởi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ trong khâu sản xuất cho ra đời loại lụa này, nên hứng thú và làm nó. Bên cạnh đó tôi còn sử dụng đến 90% những loại vải, lụa tơ tằm sản xuất tại Việt Nam trong BST. Hy vọng qua Lúa mọi người sẽ có cái nhìn khác hơn về chất liệu vải Việt Nam cũng thú vị không kém. Riêng về Lãnh Mỹ A thì chẳng nói trước được gì, cứ làm bằng cảm xúc của mình, chứ hứa hẹn rồi để nó bơ vơ thì cũng không nên (cười).

HB: Lãnh Mỹ A là một trong những chất liệu được phụ nữ Sài Gòn xưa ưa dùng, thông qua loại lụa này, anh gởi gắm cảm giác hoài cổ gì đến với người yêu thích thời trang thời nay?

NCT: Tôi chỉ muốn mọi người để ý thêm và ủng hộ cho vải vóc hàng hóa made in Viet nam mà thôi chứ tôi chẳng gởi gắm những hoài niệm nào cả. Vì thời trang luôn có những tuyên ngôn bằng hình ảnh thuyết phục chứ không phải bằng lời hoa mỹ.

HB: Lãnh Mỹ A là loại vải mang màu đen bóng và không có sự đa dạng về màu sắc. Anh có gặp những hạn chế gì khi lên ý tưởng thiết kế trên loại vải này không?

NCT: Tôi kết hợp lụa Lãnh Mỹ A cùng các chất liệu khác như: chiffon, satin, đũi, nhung, organza… Bằng các kỹ thuật xử lý bề mặt chất liệu, đan, đính kết và 365 kiểu đan móc khác nhau. Làm cho màu đen của Lãnh Mỹ A không còn đơn điệu khi đứng cùng các chất liệu và màu sắc khác. Có những mẫu thì Lãnh Mỹ A chỉ có tác dụng điểm xuyết mà thôi.

Lụa Lãnh Mỹ A chỉ mang màu đen bóng.

Lụa Lãnh Mỹ A chỉ mang màu đen bóng.

HB: Thông thường, các nhà thiết kế thường chọn cảm hứng từ áo dài Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt. Tại sao anh lại chọn cảm hứng từ chiếc áo bà ba?

NCT: Tôi muốn mọi người có thêm nhiều cảm xúc thú vị về chiếc áo bà ba duyên dáng ngoài chiếc áo dài truyền thống.

HB: Áo bà ba luôn được cắt may theo kiểu tay raglan. Anh đã phát triển phom dáng của chiếc áo bà ba trong các trang phục mang tính hiện đại xuyên suốt bộ sưu tập ra sao?

NCT: Các chi tiết trong cấu trúc của áo bà ba đôi khi tôi chỉ dùng 1 hoặc 2 điểm để thiết kế nên bộ trang phục. Vẫn có đầm, quần, áo, váy kết hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên hình bóng chiếc áo bà ba ẩn hiện đâu đó, chứ không phải hoàn toàn tả thực. Thời trang luôn có ngôn ngữ riêng của nó là vậy.

Chân dung nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, đại diện Việt Nam tại tuần lễ thời trang Tokyo.

Chân dung nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, đại diện Việt Nam tại tuần lễ thời trang Tokyo.

HB: Kim Nhung là “nàng thơ” của bộ sưu tập số 9 lần này của anh. Anh đã thể hiện góc nhìn của bộ sưu tập Lúa thông qua Kim Nhung như thế nào?

NCT: Tôi không có nàng thơ. Kim Nhung là người mẫu tôi chọn làm first face (người mẫu diễn mở màn) và cũng đảm nhận vị trí vedette cho BST lần này. Tôi ấn tượng với khuôn mặt, vóc dáng và cách trình diễn của Kim Nhung nên tôi chọn cô ấy. Bật mí là, Lúa sẽ được kết màn trong 1 bộ trang phục toát lên hình ảnh làng quê yên ả và thanh bình của Việt nam.

HB: Anh có cảm giác gì khi là đại diện đến từ Việt Nam được mời tham gia tuần lễ thời trang Tokyo sắp diễn ra?

NCT: Tôi vui, tôi tự hào vì mình mang một BST Made in Vietnam hoàn toàn đi trình diễn ở nước bạn như lời chia sẻ: “Hôm nay tôi làm được như vậy và ngày mai các bạn trẻ nước tôi sẽ làm được nhiều điều hay hơn nữa.”

HB: Cám ơn anh và chúc anh thành công.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm