Nhiều du khách nước ngoài khi nghĩ về Vương quốc Anh thường nhớ ngay đến câu vè quen thuộc “at haft past three, everything stops for tea” (tạm dịch: mọi thứ đều dừng lại vào lúc ba giờ rưỡi chiều để dành thời gian cho việc thưởng trà).
Dường như đối với đại đa số người Anh, không gì có thể sánh được sức quyến rũ của mùi hương lá trà tỏa ra từ chiếc ấm sứ Trung Hoa nghi ngút khói. Không chỉ thế, một buổi tiệc trà chiều hoàn mỹ không thể thiếu hình ảnh của những chiếc bánh nướng nóng giòn mới ra lò phết mứt trái cây hoặc một lớp kem béo ngậy. Thú vui thưởng trà chiều đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng vô cùng độc đáo của một trong những quốc gia giàu có nhất Châu Âu này.
Truyền thống lâu đời của trà chiều kiểu Anh
Tuy là tinh hoa văn hóa của ẩm thực Anh, trà lại xuất hiện ở xứ sở sương mù khá muộn. Trong khi người Trung Quốc đã có tập tục uống trà từ trước Công nguyên, người Anh chỉ biết đến loại thức uống đến từ thiên nhiên này vào thế kỉ XVII.
Mãi đến thế kỉ XIX, các loại trà mới bắt đầu được tiêu thụ mạnh tại Anh quốc. Người có công đầu trong việc tạo ra phong trào uống trà vào buổi chiều ở nước Anh chính là nữ công tước đời thứ bảy của Bedford, Anna Maria Russell.
Vào thời điểm đó, ở Anh, một ngày chỉ có hai bữa ăn chính là bữa sáng và bữa tối. Bữa tối thường diễn ra lúc tám giờ. Khoảng cách giữa hai bữa ăn khiến nữ công tước cảm thấy đói bụng và buồn chán vào khoảng bốn giờ chiều.
Để khắc phục tình trạng này, bà bắt đầu uống một ấm trà và ăn kèm bánh mì phết bơ hoặc bánh ngọt trong phòng riêng của mình. Thậm chí nữ công tước còn bắt đầu mời bạn bè đến nhà riêng của mình ở Woburn Abbey để “thưởng trà và bách bộ quanh những cánh đồng bát ngát”. Cho đến khi trở về London, sở thích uống trà cùng bạn bè của bà vẫn không hề thay đổi.
Nguồn gốc của cái tên Low Tea, High Tea và Afternoon Tea
Từ đó, phong trào uống trà chiều dần lan rộng và trở thành một nghi thức xã hội sang trọng của tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ. Thậm chí, những phụ nữ thuộc giới quý tộc sẽ thay đầm dài, đeo găng tay và đội nón kiểu để đến các buổi tiệc trà sang trọng.
Đó chính là nguồn gốc của một buổi tiệc trà đậm chất quý tộc Anh hay còn gọi là low tea hoặc afternoon tea diễn ra vào khoảng bốn giờ chiều. Trong khi đó, cụm từ high tea lại mang nghĩa là những buổi tiệc trà của giới trung lưu và bình dân vào lúc năm giờ chiều, thường là sự kết hợp giữa afternoon tea và bữa tối.
Những tên gọi này hoàn toàn dựa trên độ cao của những chiếc bàn uống trà. Tại các buổi tiệc trà của giới thượng lưu, trà thường được chuẩn bị trên một chiếc bàn thấp đặt giữa các ghế sofa trong phòng khách. Trong khi đó, đối với tầng lớp trung lưu trở xuống, việc thưởng trà thường diễn ra ngay tại bàn ăn, có thể kèm với các món ăn chính.
Menu điển hình của một buổi tiệc trà chiều kiểu Anh
Theo truyền thống, người Anh thường pha trà lá trong một chiếc ấm sứ có hoa văn cổ điển, thanh lịch. Không chỉ thế, tất cả tách ấm và đĩa lót đều đi theo bộ và phải được làm từ gốm sứ trắng. Để tăng thêm vị đậm đà cho chén trà, họ có thể kết hợp với một lượng sữa, kem sữa, đường trắng hoặc nâu tùy theo khẩu vị và sở thích từng người.
Tại những khách sạn hạng nhất ở Anh quốc, một menu đầy đủ của buổi tiệc trà luôn bao gồm một sự tuyển chọn kỹ càng các loại bánh sandwich, bánh nướng nhỏ có nhân kem, trái cây hoặc các loại bánh ngọt chocolate xinh xắn.
Bên cạnh đó, bạn có thể chọn một trong vô số loại trà phong phú cả về màu sắc lẫn mùi vị để thưởng thức. Tuy nhiên, nếu muốn tận hưởng phong vị nước Anh, bạn có thể pha cho mình một tách trà lá Assam, Darjeeling hay Earl Grey. Đây có thể nói là những loại trà mà người dân Ăng-lê đặc biệt yêu thích.
Trà Assam
Là loại trà đen của Ấn Độ, tách trà Assam luôn thơm nồng vị mạch nha đặc biệt, không thể nhầm lẫn với các loại trà khác.
Trà Darjeeling
Cũng là một loại trà đen Ấn Độ nhưng lá trà se khô Darjeeling lại khiến cho không gian của buổi tiệc trà thoang thoảng mùi thơm trầm lắng của hạnh nhân và hoa dại.
Trà Earl Grey
Tên của Earl Grey, hay còn gọi là trà Bá tước Anh quốc, được đặt theo Charles Grey, Earl Grey đệ nhị, vị Thủ tướng Anh trong những năm từ 1830 đến 1834. Ông chính là người đã nghĩ ra công thức của loại trà ngọt ngào hương cam bergamot này. Hầu hết người dân xứ sở sương mù đều nhắc đến trà Earl Grey như một biểu tượng quốc hồn quốc túy của nước Anh.
Thật không ngoa khi nhận xét tách trà lá đậm đà và những chiếc bánh ngọt phết kem bơ béo ngậy được xem là một nét văn hóa thi vị của xứ Ăng-lê.
Khi du lịch đến nước Anh, bạn có thể đến những địa điểm nổi tiếng sau để trải nghiệm một buổi tiệc trà truyền thống: The English Tea Room tại Brown’s Hotel London, The Lanesborough Hotel London hay The Ritz London. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ qua vùng đất Devon nổi tiếng với trà Devonshire cùng bánh nướng, kem đông và mứt trái cây.
Với một tách trà nóng sau chuyến shopping dài tại Oxford Circus, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng hương vị của Vương quốc Anh một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất.
Bài: Khánh Linh – Ảnh: Corbis
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam