Phim ngắn Trong Nhà Ngoài Nhà: Reply 1988 phiên bản Trung

"Trong Nhà Ngoài Nhà" là một bộ phim ngắn đậm chất Tứ Xuyên, táo bạo tiến quân vào đường đua phim đề tài thời đại, vừa đã mắt lại vừa ấm lòng.

Ảnh: Weibo

Ở Trung Quốc, ngoài các bộ phim điện ảnh ra rạp, và phim truyền hình nhiều tập phát sóng trên các nền tảng chiếu phim, thì thị trường này cũng rất đón nhận các bộ phim ngắn (gọi là micro drama). Thị trường phim ngắn Trung Quốc ngày càng tăng trưởng, tính đến năm 2024 đã đạt trị giá 5 tỷ đô-la Mỹ khi khán giả ngày càng chuộng xem phim trên điện thoại thay vì phải ra rạp. Do mỗi tập phim chỉ vài phút, khán giả có thể xem trọn vẹn trong lúc nghỉ giải lao ăn trưa hoặc sau khi tan ca.

Ảnh: Weibo

Một trong những bộ phim ngắn bùng nổ nhất trong năm 2025 chính là Trong Nhà Ngoài Nhà, do đội ngũ của Thính Hoa Đảo sản xuất. Lấy bối ảnh Tứ Xuyên thời đại, nội dung nhẹ nhàng mà không sến súa, sau khi phát sóng lần đầu tiên trên nền tảng Hồng Quả vào ngày 14/3, series nhanh chóng trở thành hiện tượng, tạo nên cơn sốt toàn mạng ở xứ Trung.

Một blogger phim ảnh bình luận: “Trong Nhà Ngoài Nhà ấm áp đến tan chảy. Anh chồng “sợ vợ” và cô vợ “chị đại” hóa giải từng rắc rối nhỏ trong cuộc sống bằng sự hài hước. Tường gạch đỏ, phố cổ, ly sứ cũ, lá trà vụn, hàng kẹo kéo ven đường,… đúng là một tác phẩm hiếm hoi chất lượng hàng đầu trong giới phim ngắn”.

Ngay khi công chiếu, các hashtag như “Phim ngắn Tứ Xuyên Trong Nhà Ngoài Nhà”, “Thẩm mỹ phim ngắn đã lên một tầm cao mới”, “Phim ngắn chuyển từ tổng tài sang hơi thở đời thường”,… đã nhanh chóng leo top bảng tìm kiếm của Douyin. Chỉ sau 12 giờ phát sóng, tổng lượt thảo luận toàn mạng đã vượt mốc 100 triệu. Sau 3 ngày, lượt xem nội bộ trên nền tảng Hồng Quả đã vượt 1 tỷ, lượt thảo luận toàn mạng vượt 4 tỷ. Tính đến ngày 3/4, độ nóng trên Hồng Quả đã cán mốc 50 triệu.

Bộ phim ngắn Trong Nhà Ngoài Nhà chỉ mất vỏn vẹn 17 ngày để ghi hình

Ảnh: Weibo

Theo chia sẻ từ đạo diễn Dương Khoa Nam, ngay từ giai đoạn viết kịch bản, cả đội ngũ đã thể hiện trình độ chuyên môn cao và tinh thần phối hợp mạnh mẽ. Ba biên kịch chính cùng giám đốc biên kịch cùng nhau thảo luận kỹ càng, đảm bảo nội dung vừa phong phú vừa logic. Họ nghiên cứu sâu về bối cảnh và đặc điểm nhân vật, tra cứu tư liệu và mài giũa kịch bản nhiều lần để vừa đảm bảo tính chân thực lịch sử, vừa giữ được sức hấp dẫn của kịch tính.

Trong quá trình quay, đạo diễn sử dụng nhiều cảnh nhấn mạnh tương tác giữa các nhân vật, giúp khán giả tự nhiên hiểu được mối quan hệ và tình cảm yêu thương. Ngoài ra, anh còn sử dụng cú twist tinh tế để khuếch đại cảm xúc, ví dụ như cảnh nhân vật Thiệu Nhất Phàm cắt bánh sinh nhật, cố tình cắt mất chữ “Thiệu”, ngụ ý cắt đứt mối quan hệ với người cha ruột bỏ rơi mình. Hoặc cảnh nữ chính đan áo cho con gái riêng, áo cũ được nối thêm bằng len mới, và cô nói: “Phần len trên là mẹ con đan, phần dưới là mẹ đan tiếp nối”, thể hiện tình mẫu tử luôn tiếp diễn, và cô sẽ tiếp tục yêu thương đứa trẻ như người mẹ mới.

Lấy bối cảnh Tứ Xuyên thập niên 1980 sau trận đại hồng thủy, cũng là một dụng ý sâu xa của đạo diễn. “Lúc ấy đất nước đang ở giai đoạn xây dựng mới, sau thiên tai, cuộc sống con người cũng cần tái thiết. Cảnh tượng sơn hà phục hồi cũng phản chiếu sự tái hợp của hai gia đình trong câu chuyện”.

Ảnh: Weibo

Dù là một phim ngắn, Trong Nhà Ngoài Nhà lại khéo léo cân bằng được giữa sự “đã mắt” và xúc động. Hình tượng nam chính cưng chiều vợ một cách quyết liệt và nữ chính mạnh mẽ xử lý việc gia đình đã đáp ứng nhu cầu giải trí “đã” của khán giả. Nhưng điều chạm sâu hơn chính là cảm xúc ấm áp xuyên suốt toàn phim. Từ sự yêu thương chân thành giữa các thành viên trong gia đình, đến những tương tác dịu dàng giữa mẹ kế, bố dượng và con riêng, đều dễ dàng chạm đến trái tim người xem.

Đoàn phim thậm chí còn đặt KPI rõ ràng cho kịch bản: ít nhất phải có 5 phân đoạn khiến khán giả rơi lệ. Sự kiểm soát “mật độ cảm xúc” như vậy đã giúp Trong Nhà Ngoài Nhà nổi bật giữa biển phim ngắn. Các thành viên trong đội đều có sự yêu thích và nghiên cứu sâu về dòng phim đề tài thời đại, từng phân tích kỹ lưỡng bộ phim Hàn Quốc Reply 1988, thậm chí viết hẳn một bản báo cáo 100.000 chữ.

Ảnh: Weibo

Chính nhờ kinh nghiệm tích lũy đó mà họ mới đủ can đảm thử nghiệm thể loại phim ngắn đề tài đời sống xưa. Dương Khoa Nam chia sẻ thêm: “Dù là phim ngắn, nhưng cả ê-kíp đều sản xuất theo tiêu chuẩn phim truyền hình chất lượng cao. Có thể tưởng tượng được độ khó thế nào”.

Thời gian viết kịch bản mất khoảng một tháng, chuẩn bị quay gần một tháng, quay phim trong 17 ngày, hậu kỳ khoảng 2-3 tuần. Tổng thể toàn bộ quy trình kéo dài khoảng 3 tháng, một con số hiếm thấy với phim ngắn hiện nay. Nhưng Dương Khoa Nam vẫn rất tỉnh táo: “Chúng tôi là phim ngắn, không đủ dung lượng để tái hiện chiều sâu lịch sử như phim, nhưng hoàn toàn có thể thể hiện khát vọng về mối quan hệ gia đình tốt đẹp, cùng nhau nỗ lực vươn lên”.

Ảnh: Weibo

Chi phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 3 triệu NDT, bộ phim ngắn Trong Nhà Ngoài Nhà thành công vang dội với chiến lược lấy nhỏ thắng lớn. Trong bối cảnh nhiều người trong ngành cho rằng phim ngắn khó có thể thay thế các phim dài mang tính hiện thực hay đề tài đời sống thời đại, thì Trong Nhà Ngoài Nhà lại như một hồi chuông thức tỉnh. Cốt lõi vẫn là kể được một câu chuyện hay, một câu chuyện có thể đánh trúng cảm xúc của một thế hệ, truyền tải được giá trị, và khơi gợi sự đồng cảm nơi khán giả. Bất kể thời lượng bao nhiêu, chỉ có những người thật sự nghiêm túc làm nội dung, mới có thể tạo ra tác phẩm thực sự lan tỏa trên mạng xã hội.

Trong quá trình tuyển chọn diễn viên và ký hợp đồng, ê-kíp đặt ra tiêu chí rõ ràng: “Những diễn viên muốn dùng phim ngắn làm bàn đạp để nổi tiếng, chúng tôi không ký. Muốn làm idol? Cũng không ký. Ai hỏi chúng tôi cách tổ chức fan meeting, làm fanpage, vận hành fandom? Chúng tôi càng không ký”.

Ngược dòng thời gian trở về Tứ Xuyên những năm 1980

Ảnh: Weibo

Bộ phim ngắn Trong Nhà Ngoài Nhà kể câu chuyện ấm áp về một gia đình tái hôn. Nam chính Trần Hải Thanh được mệnh danh là “người chồng điểm 10”, năng lực công việc xuất sắc, ý thức trách nhiệm gia đình cao, không những chủ động làm việc nhà mà còn giao toàn bộ quyền tài chính cho vợ, luôn bảo vệ vợ con hết mực. Nữ chính Thái Hiểu Diễm thì can đảm, kiên cường, không tiêu cực nội tâm, xinh đẹp thiện lương và có tinh thần trách nhiệm, là hình mẫu phụ nữ hiện đại tiêu biểu. Với biệt danh “Khủng long Tứ Xuyên – Trùng Khánh”, cô thể hiện tinh thần kiên cường và năng lực ứng phó mạnh mẽ khi đối mặt với các vấn đề trong gia đình.

Nhiều khán giả đã chia sẻ cảm xúc khi xem phim: “Hiếm khi thấy một bộ phim ngắn kể chuyện đời sống thường nhật của một gia đình bốn người một cách chỉn chu như vậy, rất chân thực và gần gũi”. Có khán giả còn thẳng thắn bày tỏ rằng bộ phim gợi nhớ thời thơ ấu đơn giản mà hạnh phúc, khiến họ cảm nhận được ý nghĩa thực sự của một mái ấm.

Ảnh: Weibo

Bộ phim táo bạo sử dụng phương ngữ Tứ Xuyên xuyên suốt, điều này đặc biệt hiếm gặp trong các phim ngắn hiện nay. Đạo diễn Dương Khoa Nam chia sẻ: “Trên các nền tảng video ngắn, rất nhiều nội dung bằng tiếng Tứ Xuyên được đón nhận nhiệt liệt. Ví dụ như chương trình Đàm Đàm Giao Thông, hay các video hài lồng tiếng Tứ Xuyên, tất cả những điều này đảm bảo rằng định vị của bộ phim có cơ sở khán giả rộng lớn”.

Để đảm bảo độ chân thực và chuẩn xác của phương ngữ, gần như toàn bộ diễn viên trong phim đều là người gốc Tứ Xuyên. Trong quá trình sáng tác kịch bản, đội ngũ đã thảo luận kỹ lưỡng từng lời thoại của mỗi cảnh quay. Họ còn mời chuyên gia tiếng Tứ Xuyên tham gia chuyển ngữ và chỉnh sửa kịch bản sao cho sát với thói quen biểu đạt của người địa phương.

Ảnh: Weibo

Trong quá trình quay, Dương Khoa Nam kiên quyết sử dụng âm thanh hiện trường thay vì lồng tiếng hậu kỳ, đảm bảo sự thống nhất về hệ thống ngôn ngữ và cao độ của nhân vật, giúp khán giả cảm nhận trọn vẹn sự duyên dáng và thú vị của tiếng Tứ Xuyên, như thể thực sự đang sống trong bối cảnh Tứ Xuyên thời kỳ đó.

Để tăng cảm giác đồng điệu nơi khán giả, Trong Nhà Ngoài Nhà đã tái hiện nhiều yếu tố đậm chất thời xưa. Từ đồ nội thất trong nhà đến bối cảnh sân tập thể ngoài trời, tất cả đều dựa trên thẩm mỹ và lối sống của thời kỳ đó. Ví dụ như trận đấu bóng chuyền nữ phát trên tivi gợi nhớ tinh thần thể thao tập thể của thời ấy; hay tập thơ em gái tặng chị dâu, đoàn phim đã cẩn thận tra cứu để thay bằng phiên bản phù hợp với mốc thời gian của câu chuyện. Các yếu tố như nước ngọt Thiên Phủ, tivi Thanh Dương,… đều là đặc trưng của Tứ Xuyên thời đó.

Ảnh: Weibo

Dù chọn lối kể chuyện “ngược dòng”, bộ phim không né tránh những tác động và thử thách mà dòng chảy thời đại mang lại cho người thường: nữ chính thất nghiệp, con cái bệnh tật, người chồng bị bạn làm ăn lừa tiền,… đều là tình tiết vượt khỏi cách kể chuyện “sướng mắt” đơn thuần thường thấy trong phim ngắn dọc, mà tiến gần hơn với đời sống thực của người bình thường.

Trong Nhà Ngoài Nhà hiện thực hóa hình ảnh gia đình lý tưởng trong lòng mỗi người. Một gia đình bốn người đủ nếp đủ tẻ. Người cha là phó giám đốc nhà máy, sau này bỏ việc ra ngoài lập nghiệp thành chủ tịch. Người mẹ là công nhân nhà máy, dù chồng có thu nhập khá, bà vẫn kiên trì lao động chăm chỉ. Con trai tính cách trầm lặng, nhưng lại rất thông minh và coi trọng tình nghĩa. Còn cô con gái nhờ thể chất vượt trội mà được tuyển vào đội bóng chuyền nữ, cuối cùng giành chức vô địch. Em vợ thuộc lứa sinh viên đầu tiên sau khi kỳ thi đại học được khôi phục năm 1977, đang theo học tại Quảng Châu, một trong số ít người trong gia đình từng trải qua sự phồn hoa của đô thị lớn. Các thành viên trong gia đình không ngừng sưởi ấm cho nhau trong cuộc sống, tái hiện một thế giới ngập tràn yêu thương.

PHIM TRUNG QUỐC BỐI CẢNH HOÀI NIỆM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm