
Nam diễn viên trẻ Owen Cooper trong vai Jamie Miller, nhân vật chính của phim Biến cố tuổi thành niên – Adolescence (2025) trên Netflix. Ảnh: Netflix
Thu về 24.300.000 lượt xem chỉ sau bốn ngày lên sóng Netflix, bộ phim Biến cố tuổi thành niên (Adolescence) đã dẫn đầu bảng xếp hạng trong trung tuần tháng 3/2025 mặc dù không sở hữu dàn diễn viên quá nổi tiếng. Tác phẩm Top 1 này thậm chí dẫn trước bộ phim ở vị trí thứ hai 18 triệu view. Những con số này đủ cho thấy rằng Biến cố tuổi thành niên (Adolescence) đáng xem vì nội dung.
Tuy nhiên, nếu kỳ vọng bộ phim sẽ có những màn phá án căng thẳng hay một cú ngoặt xoay chuyển cục diện vụ án thì Adolescence sẽ khó thỏa mãn bạn. Bộ phim chỉ vỏn vẹn bốn tập này không có cảnh tượng đẫm máu, đến cả hung khí cũng chưa một lần xuất hiện trên màn ảnh, cũng chẳng có vị thám tử tìm ra sự thật nào khiến người xem phải thót tim. Thậm chí, tập 3 chỉ có một cảnh duy nhất là cuộc trò chuyện, kéo dài hết thời lượng 50 phút, giữa bị can Jamie Miller (Owen Cooper) và nhà tâm lý học Briony Ariston (Erin Doherty).
Dẫu vậy, trên khắp các trang nhất đến các chuyên trang về phim, mini series Netflix này lại được tán thưởng nhiệt liệt bởi cả giới chuyên môn lẫn các mọt phim.
Rốt cuộc thì chất lượng và độ đáng xem của Adolescence đến từ đâu?

Ảnh: Netflix
Nội dung mini series Biến cố tuổi thành niên (Adolescence) trên Netflix
*Lưu ý: nội dung sau có spoiler. Hãy bỏ qua nếu bạn muốn xem phim trước.
Câu chuyện xoay quanh Jamie Miller (Owen Cooper), một nam sinh 13 tuổi bị tình nghi và tạm giam vì liên quan đến vụ sát hại một bạn nữ cùng lớp, Katie Leonard (Emilia Holliday).
Ban đầu, Jamie Cooper luôn khẳng định sự vô tội của mình. Cậu bé hành xử ngoan ngoãn và nhút nhát và khiến khán giả thực sự tin rằng cậu bị oan. Tuy nhiên, cuối tập 1, video bằng chứng cho thấy cậu đâm Katie đã được tiết lộ cho cả Jamie lẫn bố cậu là Eddie, khiến người bố sụp đổ tinh thần.
Dù vậy, các tập tiếp theo, Jamie vẫn phủ nhận và cho rằng “mình không làm gì sai”.
Các tình tiết sau đó xoay quanh cuộc điều tra của cảnh sát đi tìm hung khí, cũng như cuộc điều tra của nhà tâm lý học để đào sâu vào những động cơ của Jamie. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều chứng cứ cho thấy cậu là người đã ra tay, bất chấp lời chối bỏ của Jamie.
Dù vậy, 13 tháng kể từ ngày bị tạm giam, Jamie thay đổi suy nghĩ. Bộ phim kết thúc với việc Jamie dự định sẽ nhận tội, kéo theo sự đau buồn của gia đình cậu.
Adolescence không hẳn là phim phá án, mà là một tác phẩm muốn khán giả nhìn sâu vào tâm lý của từng nhân vật, nên cốt truyện cũng không có nhiều nút thắt mở. Tuy nhiên, mỗi tình tiết, mỗi hội thoại đều soi chiếu vào hiện thực xã hội nước Anh hiện tại và gieo rắc nhiều thứ để gia đình, trường lớp tự vấn.
Tính chất gay cấn đến từ kỹ thuật quay one-shot

Hậu trường Adolescence do Netflix phân phối. Ảnh: Netflix
Trong thời đại của những bộ phim có tiết tấu nhanh, thay đổi góc quay mỗi khoảng chục giây để chiều lòng khả năng tập trung ngày một rút ngắn của khán giả, Adolescene lại ứng dụng kỹ thuật quay one-shot với những cú máy dài tận 50 phút. Có nghĩa rằng, toàn bộ tập phim đều là một lần quay liền mạch, không cắt cảnh.
Đích thân đạo diễn Philip Barantini đã xác nhận thông tin. Ông không vận dụng thủ thuật cắt ghép cảnh sao cho giống như one-shot (như phim điện ảnh 1917), mà thực sự chỉ dùng một cú máy duy nhất xuyên suốt hàng chục phút của một tập phim. Điều này có nghĩa rằng, nếu có sai sót nào thì toàn bộ tập phim phải ghi hình lại từ đầu.
Adolescence còn là một bộ phim Netflix nặng về những cuộc hội thoại. Tưởng chừng khi quay one-shot, với những khoảng lặng nhất định khi lia máy quay từ nhân vật này đến nhân vật khác có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, nhưng Adolescence lại là một trải nghiệm gay cấn khó rời mắt. Việc không cắt cảnh cho phép khán giả được dán mắt nhìn sự thay đổi biểu cảm nhỏ nhất của từng nhân vật, chứng kiến toàn bộ quá trình trò chuyện như thể họ cũng có mặt ở đó.

Tập 3 được đánh giá là cao trào của Adolescence, khi nhà tâm lý Brioni Ariston trò chuyện cùng Jamie Miller. Ảnh: Netflix
Kỹ thuật quay này phát huy tối đa hiệu quả ở tập 3 khi Jamie trò chuyện cùng nhà tâm lý học Briony Ariston. Người xem như hứng chịu toàn bộ cơn giận bộc phát bất ngờ của cậu bé này, trong lúc phải giữ giao tiếp bằng ánh mắt tương tự như nhân vật Briony, khiến cho bầu không khí của phim bí bách, ngộp thở và căng thẳng tột cùng.
Trải nghiệm thực tế như hóa thành nhân vật trong phim như vậy đặc biệt nhấn mạnh giá trị hiện thực của bộ phim. Vụ án trong Adolescence dù không dựa trên tình tiết có thật nào, nhưng được ra mắt trong bối cảnh nước Anh đang ngày càng hứng chịu những bạo lực liên quan đến giới tính, có những vụ án xảy ra ở độ tuổi vị thành niên. Diễn viên kiêm nhà sản xuất Stephen Graham và Jack Thorne theo dõi những vụ án đó, và một câu hỏi nảy lên trong tâm trí họ, cũng là câu hỏi được khai thác trong Adolescence.
Vấn nạn nào khiến cho những vụ bạo lực liên quan đến giới tính xảy ra với trẻ vị thành niên trong Adolescence?
Manosphere: Tính nam độc hại tiêm nhiễm cho nam giới từ mạng xã hội và bắt nạt trong trường lớp

Ảnh: Netflix
Adolescence vạch trần cách mà những quan niệm sai lệch về sự nam tính, tình dục và quyền lực len lỏi vào tâm trí của những cậu bé vị thành niên ở xã hội hiện đại như Jamie.
Động cơ của Jamie, được hé lộ dần qua tập 2 và 3, chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng độc hại lan truyền trong trường học và mạng xã hội, cụ thể là “Incel” hay “Quy luật 80/20” – những khái niệm có thật mà những người lớn trong phim không biết, nhưng lại được thuộc nằm lòng bởi các nam sinh, nữ sinh trong trường.
“Incel” là viết tắt của Involuntary Celibacy, tạm dịch là “độc thân không tự nguyện”. Thuật ngữ ám chỉ những nam giới không thể có mối quan hệ tình cảm mặc dù họ rất mong muốn.
Cụm từ Incel gắn liền với “Quy luật 80/20“, một quan điểm cho rằng 80% phụ nữ chỉ hẹn hò với 20% nam giới hấp dẫn nhất, đẩy 80% đàn ông còn lại vào cảnh bị bỏ rơi.
Những tư tưởng này phổ biến trong cộng đồng trực tuyến của nam giới – nơi được gọi là manosphere – với mục đích đổ lỗi cho phụ nữ, phản đối nữ quyền và khuyến khích thái độ thù ghét giới tính. Manosphere tồn tại qua website, blog, các nội dung trực tuyến và thậm chí là được lan truyền bởi cả người có sức ảnh hưởng (influencer) như Andrew Tate.
Những cụm từ kể trên có lẽ có đôi chút xa lạ nếu bạn không thường sử dụng mạng xã hội trong tiếng Anh, song vấn đề này không gói gọn trong biên giới của một quốc gia nào. Ở Hàn Quốc cũng xuất hiện nhan nhản những influencers, trang blog hạ thấp phụ nữ, dù ở đây, cụm từ manosphere ít được sử dụng.

Jamie và những hành vi giận dữ bất thường cho thấy cậu bị ảnh hưởng bởi tính nam độc hại. Ảnh: Netflix
Trong bộ phim Netflix Adolescence, nạn nhân Katie đã gọi Jamie là “Incel” trên mạng xã hội, khơi mào cho cuộc bắt nạt nhắm đến cậu bạn cùng lớp Jamie và sau cùng là cái chết thương tâm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hành vi của Jamie không chỉ xuất phát từ sự chế giễu của Katie. Ngay từ đầu, Jamie đã có những quan điểm lệch lạc về giá trị của phụ nữ và chính bản thân mình. Cậu tự thấy mình không đủ hấp dẫn, nhưng đồng thời lại thường xuyên để lại những bình luận mang tính tình dục trên trang cá nhân của các người mẫu. Khi hình ảnh nhạy cảm của Katie bị lan truyền trong trường, Jamie mới dám ngỏ lời hẹn hò với cô bé, vì tin rằng cô đang ở “thế yếu” và có thể chấp nhận một người như cậu.
Điều này cho thấy, dù bình luận incel có thể là giọt nước tràn ly, nhưng tư tưởng của Jamie đã sẵn bị ảnh hưởng bởi văn hóa tính nam độc hại. Những suy nghĩ ấy khiến cậu xem nhẹ giá trị của phụ nữ, nuôi dưỡng sự thù ghét giới tính và cuối cùng dẫn đến hành vi bạo lực để trả thù.
Ngoài việc kết nối với một hiện thực xã hội, cách Adolescence lồng ghép thông điệp lên án tính nam độc hại cũng tinh tế vô cùng, khiến cho trải nghiệm xem phim trở nên khác biệt.

Jamie bộc phát sự giận dữ với Brioni. Ảnh: Netflix
Đỉnh cao của việc dàn dựng này chính là để Jamie nói chuyện với Briony Ariston, một nữ chuyên gia tâm lý, ở tập 3 của phim. Cậu bé cho thấy tính nam mong manh của mình trước những câu hỏi liên quan về giới của Briony bằng cách bộc lộ sự giận dữ, bạo lực và truyền bá những tư tưởng phân biệt giới.
Khoảnh khắc khi cuộc trò chuyện kết thúc, với câu hỏi không thể ngờ được mà Jamie đặt ra cho Briony – “Cô có thích cháu không?” , cho thấy được cậu bé này mong muốn có được sự công nhận đến chừng nào khi phải hứng chịu cái danh “incel” từ lũ bắt nạt. Và khi Briony từ chối trả lời, cậu bé lại một lần nữa không kiềm chế được sự giận dữ của mình với phụ nữ – có lẽ cũng chính là sự giận dữ thúc đẩy cậu ra tay với Katie.
Cái cách mà cậu bé biện hộ: “Cháu không làm gì sai cả”, mà không phải “Cháu không ra tay với Katie” thực sự khiến khán giả rùng mình: Cậu bé ấy không nhận ra sức nặng trong hành vi của mình, dù thời điểm trò chuyện với Briony đã là 7 tháng kể từ khi Jamie bị tạm giam. Rốt cuộc thì tính nam đọc hại đã tiêm nhiễm thứ gì để cậu xem nhẹ mạng sống của một con người đến vậy?
Phim Adolescence chia sẻ thế giới của trẻ vị thành niên mà người lớn không thể hiểu

Jamie trong tập 1 phim Adolescence của Netflix, một cậu bé nhút nhát, lại có thái độ khác hoàn toàn trong tập 3. Ảnh: Netflix
Cũng chính trong phân cảnh bộc phát sự tức giận của Jamie ở tập 3, khán giả mới thực sự nhận ra họ chưa hiểu hết về cậu bé rụt rè, bối rối khi bị áp giải ở tập 1. Thực chất, những người lớn trong phim cũng có những khoảnh khắc nhận ra thế giới của trẻ vị thành niên không hề đơn giản.
Viên cảnh sát không hiểu được những bình luận của bạn học Jamie trên Instagram, vốn là những bằng chứng cho thấy việc Jamie bị bắt nạt, cho đến khi con trai anh giải thích. Cha mẹ Jamie luôn tin rằng cậu bé rất ngoan và không có vấn đề tiềm ẩn nào cả, bởi họ cứ nghĩ đứa trẻ về được đến nhà lành lặn là an toàn, nhưng họ không biết mạng xã hội mới là nơi đả kích Jamie nhiều nhất. Những thầy cô giáo thờ ơ, ngăn cản học sinh gây gổ bằng những câu nói đơn thuần rồi rời đi, tin rằng như vậy là đủ, để rồi khiến trẻ con dần khép mình với người lớn.
Và cũng vì thế, góc nhìn của Adolescence rất đa chiều. Bộ phim phê phán nguyên căn của sự độc hại bắt nguồn từ Internet. Đồng thời, phim cũng chỉ ra cách mà sự độc hại đó đến với mỗi con người, đặc biệt là trẻ vị thành niên: Khoảng cách giữa trẻ em và người lớn – những người có trách nhiệm giáo dục và dìu dắt trẻ nhỏ. Từ khoảnh khắc đó, bộ phim trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh đến với bậc phụ huynh, thầy cô và cả những học sinh đang lan truyền những cụm từ độc hại một cách tùy tiện.

Thanh tra vào trường học để điều tra các học sinh về động cơ của Jamie trong phim Adolescence của Netflix. Ảnh: Netflix
Đọng lại trong tập cuối cùng của Adolescence là khoảnh khắc người bố òa khóc nức nở trên chiếc giường trống của cậu con trai bé nhỏ chuẩn bị vướng vào vòng lao lý. Lời xin lỗi và tự trách “lẽ ra bố nên cố gắng hơn” của ông Eddie Miller nói với người con trai không còn có mặt ở đó có ý nghĩa gì? Chẳng phải bộ phim cho thấy gia đình của Jamie đã bao bọc cậu bằng sự yêu thương và dịu dàng? Cha của Jamie từng lớn lên trong cảnh bạo lực, nhưng lại đối xử với cậu bé bằng sự cảm thông và trân trọng. Điều tương tự cũng có thể nói về mối quan hệ giữa Jamie với mẹ hoặc chị. Vậy họ còn có thể “cố gắng hơn” thế nào nữa?

Eddie Miller, bố của Jamie Miller, đóng bởi nhà sản xuất kiêm diễn viên Stephen Graham, trong phân cảnh cuối của phim Adolescence của Netflix. Ảnh: Netflix
Có lẽ là bao bọc con bằng tình thương và dịu dàng là không bao giờ đủ. Phụ huynh cần chủ động quan sát hơn mà không chỉ dừng lại ở vai trò lắng nghe khi con cần. Cũng trong Adolescence, ta hiểu được thứ hình thành nên nhận thức của một con người bao phủ rộng hơn cả phạm vi gia đình. Rằng khi rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ, cuộc đời của một đứa trẻ ngoan cũng phải chịu nhiều biến số từ trường lớp, từ mạng xã hội – những thế giới thu nhỏ đầy hiểm nguy với con trẻ. Rằng khi cậu bé về nhà an toàn và lành lặn, nhưng tâm lý và nhận thức của cậu cũng ngày một méo mó từ sự bắt nạt trực tuyến và từ chính những nội dung thiếu sự giám sát của người lớn.
“Để nuôi dạy một đứa trẻ, cần đến cả ngôi làng”
“It takes a village to raise a child”
– Ngạn ngữ châu Phi –
Lời răn này một lần nữa được khắc sâu trong tâm trí những người trưởng thành khi xem phim Biến cố tuổi thành niên (Adolescence) trên Netflix. Một đứa trẻ không chỉ lớn lên từ sự dạy dỗ của gia đình mà còn cần một xã hội an toàn để hình thành nhân cách và trở thành một người tử tế.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
11 BỘ PHIM HÀN QUỐC RA MẮT TRÊN NETFLIX 2025
53 BỘ PHIM NETFLIX HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI, ĐỪNG BỎ QUA
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ CỦA JOHNNY DEPP, AMBER HEARD ĐƯỢC NETFLIX CHUYỂN THỂ THÀNH PHIM
Harper’s Bazaar Việt Nam