Dune: Thế giới kỳ vĩ và bộ óc thiên tài của nhà văn Frank Herbert

Trong không gian rộng lớn nhưng trống rỗng của khoa học viễn tưởng bấy giờ, sự xuất hiện của Dune từ Frank Herbert năm 1965 như một siêu tân tinh chói lòa

Tháng 3 này, màn ảnh đón chờ màn ra mắt của Dune: Part Two (tựa Việt: Dune: Hành Tinh Cát – Phần Hai). Hậu truyện của bom tấn từng làm mưa làm gió hai năm trước, bộ phim viết tiếp những thiên sử thi của cố nhà văn Frank Herbert – cha đẻ của nguyên tác tiểu thuyết.

Dù đã ra mắt hơn 60 năm, nhưng dấu ấn mà Dune (tên phát hành tại Việt Nam: Xứ Cát) để lại trong văn hóa đại chúng vẫn rõ rệt, thôi thúc trí tưởng tượng và khơi gợi loạt chủ đề còn nguyên giá trị tới ngày nay.

Trong cuốn sách The Worlds of Dune, cây viết Tom Huddlestone viết: “Một số nhà văn xây dựng thế giới. Số khác một tay dựng nên cả vũ trụ.”

Trong nhiều thập kỷ kể từ khi xuất bản, Dune của Frank Herbert có lẽ đã trở thành cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bán chạy nhất và chắc chắn là nổi tiếng nhất từng được viết, với năm phần hậu truyện do chính Frank Herbert viết, các phần mở rộng do con trai cả và cộng sự chắp bút, hàng loạt phiên bản chuyển thể điện ảnh lẫn truyền hình.

Cốt truyện đồ sộ với quy mô liên hành tinh của Dune chứa đựng bộ sưu tập các nhân vật độc đáo, cùng vận động và đấu tranh trong một xã hội phức tạp khiến tiểu thuyết và sau này là bản chuyển thể của đạo diễn Denis Villeneuve thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ. Trước khi thưởng thức Dune: Hành Tinh Cát – Phần Hai, cùng nhìn lại thế giới mà Frank Herbert đã tạo nên.

Bối cảnh của Dune: Hành Tinh Cát

Dune lấy bối cảnh tương lai xa, lúc này con người tỏa ra sống khắp vũ trụ, lập nên Đế chế thiên hà. Mỗi hành tinh có nền văn hóa, tài nguyên và vị thế chính trị riêng, dẫn đến động lực liên hành tinh phức tạp. Dưới thời trị vì của Hoàng đế Padishah Shaddam IV, gia đình quý tộc khác nhau kiểm soát thái ấp trên các hành tinh. Mỗi hành tinh có nền văn hóa, tài nguyên và vị thế chính trị riêng, dẫn đến thế trận đa chiều phức tạp.

Gia đình Atreides quý tộc từ thế giới đại dương Caladan chuyển tới hành tinh sa mạc Arrakis với nhiệm vụ kiểm soát nguồn hương dược (spice) – một hợp chất độc nhất vô nhị được dùng để du hành vũ trụ. Vì hương dược chỉ có thể được sản xuất ở Arrakis nên việc kiểm soát hành tinh này là một công việc đáng thèm muốn và nguy hiểm. Nguồn tài nguyên trung tâm này thúc đẩy các liên minh chính trị, lợi ích kinh tế và lòng nhiệt thành tôn giáo.

Câu chuyện khám phá những tương tác sâu sắc về chính trị, tín ngưỡng, sinh thái, công nghệ và cảm xúc của con người, khi các phe phái của đế chế đối đầu với nhau trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát Arrakis và hương dược. Nhà Atreides đã bị dụ vào một cái bẫy do kẻ thù truyền kiếp của họ là nhà Harkonnen giăng ra, kẻ đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ, dẫn đến cái chết của Công tước Leto Atreides và đẩy người tình của ông là Lệnh bà Jessica cùng con trai Paul của họ vào vùng sa mạc khắc nghiệt của Arrakis.

Tại đây, họ liên minh với Fremen, một cộng đồng bộ lạc gồm những chiến binh sa mạc cừ khôi – những người bản địa từ lâu chống đối sự cai trị của Hoàng đế. Paul lấy tên Fremen là Muad’dib và dẫn đầu một cuộc chiến chống lại gia tộc Harkonnen và Hoàng đế. Trong quá trình đó, anh trở thành đấng cứu thế của người Fremen, sử dụng hương dược để đạt được sức mạnh phi thường.

Lịch sử ra đời của Xứ Cát

Trong không gian rộng lớn nhưng trống rỗng của khoa học viễn tưởng bấy giờ, sự xuất hiện của Dune (Xứ Cát) từ Frank Herbert năm 1965 như một siêu tân tinh chói lòa. Đó là kết quả của chuỗi hội tụ tình cờ, của tài năng và nghiên cứu.

Một bài báo năm 1959 về những cồn cát tại Oregon, Mỹ đã khơi gợi sự tò mò của Herbert khiến ông lặn lội tới đây. Herbert, người sở hữu khả năng quan sát nhạy bén, đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp khắc nghiệt và sự mong manh về mặt sinh thái của sa mạc. Niềm đam mê này đã trở thành nền tảng cho Arrakis trên trang truyện sau này.

Quá trình nghiên cứu đưa Herbert tìm hiểu sâu về chính trị sa mạc, lối sống du mục của bộ tộc Bedouin – trụ cột của văn hóa Jordan. Ông được truyền cảm hứng bởi cuốn Bảy Trụ Cột của sự khôn ngoan (Seven Pillars of Wisdom) của T.E. Lawrence.” Có thể thấy thành quả của những tri thức này trong hình ảnh người Fremen – những chiến binh dũng mãnh với mối liên hệ sâu sắc với sa mạc – nổi lên như một lực lượng quan trọng trong vũ trụ của Dune.

Herbert đã tạo ra một vũ trụ hư cấu đa dạng, phong phú, bao gồm các nền văn hóa như Nhà Atreides cao quý, Harkonnen tàn bạo, các chiến binh sa mạc Fremen và Bene Gesserit – một tổ chức bí mật gồm những phụ nữ có khả năng thể chất và tinh thần cao cấp. Mỗi nhóm có truyền thống, động cơ và xung đột riêng, tạo nên một bức tranh về sự tương tác giữa con người với nhau.

Không chỉ thêu dệt nên một thế giới giả thưởng, Frank Herbert cài cắm tính bình luận xã hội trong sự tương đồng giữa cuộc chiến tranh dầu mỏ thời của mình với cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát hương dược tại Arrakis. Lòng tham, quyền lực và sự cướp đoạt từ môi trường là những chủ đề vẫn hiện hữu cho tới ngày nay.

Frank Herbert viết Dune trong sự túng thiếu. Đối mặt với khó khăn tài chính, ông đã dồn cả trái tim và tâm hồn vào tiểu thuyết, các nhân vật trong Xứ Cát phản ánh những trận chiến nội tâm và hy vọng của chính tác giả. Paul Atreides bị đẩy vào một số phận đầy nguy hiểm chính là phản ánh hành trình tìm kiếm ý nghĩa của Herbert.

Những tầng ý nghĩa trong nội dung của Dune: Hành tinh cát

Dune hấp dẫn và thách thức khán giả ngay từ những trang đầu: thoạt tiên đó là câu chuyện khoa học viễn tưởng, công nghệ tiên tiến trong tương lai kết hợp tính cổ điển của một xã hội phong kiến, có Hoàng đế, quý tộc, có tranh quyền đoạt vị. Trung tâm câu chuyện là mô típ Hoàng tử trẻ bị tước quyền thừa kế (Lion King, Game of Thrones…) phải lên đường tìm kiếm sứ mệnh của bản thân và giành lấy những gì đã mất.

Nội dung phim Dune: Hành tinh cát là một câu chuyện phiêu lưu thú vị của Paul Atreides giữa tình hình chính trị hỗn loạn và những nguy hiểm trên sa mạc. Dune của Frank Herbert không chỉ là một cuộc giải trí ly kỳ. Nó là sự pha trộn mạnh mẽ giữa khoa học viễn tưởng, giả tưởng và triết học, đan xen bình luận xã hội kích thích tư duy về các chủ đề lớn.

Ảnh hưởng của cuốn Bảy Cột trụ của Trí khôn từ T. E. Lawrence nói riêng, tín ngưỡng và văn hóa người du mục sa mạc đã truyền cảm hứng cho Frank Herbert. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Padishah và các nền văn hóa hành tinh khác nhau thể hiện sự phê phán rõ ràng đối với chủ nghĩa thực dân. Người Fremen đứng lên chống lại Hoàng đế trong Dune phảng phất bóng dáng của cuộc nổi dậy Ả Rập chống lại Đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất (1916-1918).

Đi đôi với chỉ trích chủ nghĩa thực dân, Dune cảnh báo về vấn nạn bóc lột môi trường mà đến tận ngày nay đây vẫn là một vấn đề nan giải. Sự tôn trọng sâu sắc của người Fremen đối với sa mạc và các hoạt động bền vững của họ hoàn toàn trái ngược với việc khai thác tài nguyên một cách tàn bạo của người ngoài. Dune thách thức người đọc xem xét mối liên hệ giữa cuộc sống và hậu quả của sự suy thoái môi trường không được kiểm soát.

Cuốn sách khám phá mối quan hệ phức tạp giữa tôn giáo, bản chất thối nát của quyền lực và tầm quan trọng tự do cá nhân, đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cuồng tín. Bene Gesserit thao túng niềm tin tôn giáo vì mục đích riêng của họ, trong khi tín ngưỡng Fremen trở thành điểm tập hợp cho cuộc nổi dậy. Dune xem xét những mối nguy hiểm tiềm ẩn của tôn giáo cuồng tín và tầm quan trọng của tư duy phản biện khi đối mặt với giáo điều.

Những người yêu mến triết học tìm thấy trong Dune câu hỏi về ý chí tự do, phức cảm cứu rỗi (Messiah complex). Paul Atreides được coi là đấng cứu thế tiềm năng, phải vật lộn với số phận và sự thao túng của những người khác coi anh như một công cụ. Câu chuyện khám phá sự nguy hiểm của vị trí lãnh đạo, gánh nặng của lời tiên tri và cuộc đấu tranh để duy trì cái tôi trước những kỳ vọng của xã hội.

Quyền lực của Bene Gesserit và việc nhóm này can thiệp vào di truyền, hướng dẫn Lệnh bà Jessica hạ sinh một người con gái nắm giữ vận mệnh thiên hà phần nào đã phản ánh chủ đề về giới trong Dune: Hành tinh cát. Câu chuyện khám phá những động lực phức tạp giữa Paul và mẹ, nêu bật cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết và trao quyền cho phụ nữ. Điều này có thể thấy rõ trong phiên bản điện ảnh Hành Tinh Cát, với Timothée Chalamet và Rebecca Ferguson lần lượt thủ vai khi hai mẹ con dành cho nhau sự ủng hộ tuyệt đối, vượt qua kẻ thù để lập liên minh với người Fremen.

Tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve và hậu truyện sắp tới đây sẽ tiếp tục khám phá vẻ đẹp, quy mô của Dune cả về thị giác lẫn các tầng ý nghĩa mà Frank Herbert gửi gắm. Mỗi khán giả có thể tìm thấy những cách giải thích cho riêng mình, biến việc thưởng thức Dune: Hành Tinh Cát trở thành khoảng thời gian ý nghĩa khơi dậy những cuộc thảo luận mang tính chiêm nghiệm.

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm