Hậu Covid-19, Việt Nam chứng kiến một làn sóng của những nghệ sĩ, nhà giám tuyển, nhà sưu tầm trẻ. Các triển lãm, chương trình nghệ thuật nở rộ. Ngoài các tên tuổi gạo cội, nghệ thuật Việt Nam còn đón nhận những người thực hành nghệ thuật thế hệ mới. Họ trẻ trung, có góc nhìn mới mẻ và quan trọng hơn, họ là những công dân toàn cầu.
Trong nghệ thuật luôn xảy ra tranh cãi vì đó là thiên kiến của mỗi cá nhân. Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, nếu so với thập niên đầu của thế kỷ XXI, thị trường tranh và làng nghệ thuật Việt hiện trở nên đa dạng thành phần tham gia hơn. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi mang đến cho bạn những góc nhìn từ “người trong cuộc”: các giám tuyển, nhà sưu tập nghệ thuật trẻ.
Những giám tuyển, nghệ sĩ trẻ đáng chú ý hiện nay
Tháng 5/2023, triển lãm Mảnh linh hồn diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh trưng bày 16 tác phẩm điêu khắc và 16 bức tranh của hai nghệ sĩ Lập Phương và Trịnh Cẩm Nhi. Không chỉ các nghệ sĩ có tuổi đời khá trẻ, giám tuyển cũng là cái tên mới: Nguyễn Hồng Nhung. Đó là triển lãm đầu tay của Hồng Nhung.
Cô chia sẻ:
“Khi theo học cao học ngành Công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở King’s College, em có cơ hội tiếp xúc với môi trường nghệ thuật đương đại ở bảo tàng Tate Modern và các phòng tranh ở London. Công việc tiếp theo của em là làm admin ở một hội chợ triển lãm.
Tất cả những trải nghiệm của em đều thiên về điều phối. Chưa bao giờ em nghĩ mình có thể trở thành một giám tuyển thực thụ. Triển lãm Mảnh linh hồn là kỷ niệm rất đặc biệt đối với em. Dòng suy nghĩ về chủ đề của triển lãm, tác phẩm và sự kết hợp giữa một điêu khắc gia và một họa sĩ đều đến một cách rất tự nhiên”.
Ở một chiều kích khác, Vũ Tuấn Việt vừa là họa sĩ, vừa là giám tuyển nghệ thuật. Anh giám tuyển cho những triển lãm như Cứ như thế một chuyến bay, Lớp lớp Hà Nội, Non Côi sông Vị, Em có 21 nghìn và một chai nhựa. Tuấn Việt đã tổ chức những triển lãm cá nhân như Dịch chuyển và Luân chuyển.
Thuận lợi của người trẻ trong nghệ thuật
Vũ Tuấn Việt chia sẻ:
“Điểm thuận lợi khi xuất thân là nghệ sĩ cực kỳ rõ ràng khi mình có chuyên môn, những kiến thức cần có cho lĩnh vực này. Từ đó, mình có cách nhìn nhận và thấu hiểu suy tư của nghệ sĩ, dễ nắm bắt hơn tinh thần, nội dung truyền tải của các tác phẩm. Đi cùng đó là những kiến thức học được khi thực hành giám tuyển.
Các cách thức điều phối công việc giúp mình có tư duy mạch lạc hơn, có kinh nghiệm hơn trong các xử lý, sắp xếp công việc mang tính khoa học và logic. Từ đó cải thiện khả năng ngôn ngữ, kết nối với nhiều người ở các mảng”.
Tuổi trẻ có thể chưa mang đến cho các bạn kinh nghiệm, nhưng đó là thuận lợi. Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ:
“Em nghĩ giới trẻ đang ở vị trí rất thuận lợi. Với nghệ thuật đương đại đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Chúng em có rất nhiều cơ hội để gặp gỡ và tìm ra được những nghệ sĩ tiềm năng.
Tuy vậy, trong thuận lợi cũng có những khó khăn. Vị trí giám tuyển thực thụ rất ít trong các bảo tàng, thế hệ trẻ sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người khác, vừa là những người giàu kinh nghiệm trong nghề lâu năm hơn và cả những bạn cùng trang lứa. Một thách thức khác có thể là khía cạnh tài chính của công việc này”.
Ariel Phạm – nhà sưu tập, nhà sáng lập trung tâm nghệ thuật The Outpost, cũng có cùng quan điểm. Cô cho rằng:
“Các nhà sưu tập trẻ như mình ngày nay có vô vàn thuận lợi. Công nghệ đưa ta đi muôn nơi, mọi thông tin, giá cả, giao dịch đều (có thể) minh bạch. Mọi quyết định đều trên đầu ngón tay (một cú tap). Thị trường nghệ thuật chào đón và hấp thụ tất cả như một hố đen khổng lồ.
Người trẻ có kiến thức, sự tự tin, sự liều lĩnh dấn thân nhưng lại hay chạy theo “trend”, thiếu lòng tin và sự nhẫn nại. Để nhìn ra nghệ sĩ và tác phẩm tốt cần rất nhiều thời gian. Mình luốn cố gắng cháy ngấu chậm rãi, quan sát và học hỏi, không hoắng lên nhất thời, theo đuổi các quan tâm nghệ thuật riêng tư với sự bền bỉ và niềm tin”.
Người trẻ vận hành các phòng tranh, trung tâm nghệ thuật độc lập
Việt Nam không có nhiều bảo tàng nghệ thuật, đó là thực trạng. Những nhà sưu tầm trẻ lại chủ động hơn, khi tự tạo sân chơi cho riêng mình. Ariel Phạm, nhà sưu tầm, nhà sáng lập trung tâm nghệ thuật The Outpost là ví dụ. The Outpost – đúng như tên gọi – là “tiền đồn” cho những nghệ sĩ trẻ.
Ariel Phạm bộc bạch:
“Xuất phát điểm của mình là tấm bằng Kinh tế học và sau đó là thời gian làm việc trong ngành tài chính. Đó là một thế giới khô khan và gần như đối lập hẳn với nghệ thuật. Thế nhưng những năm làm việc ở nhà băng đã cho mình cơ hội đại diện khách hàng thu mua nhiều tác phẩm từ hai nhà đấu giá Sotheby’s và Christie’s ở London.
Năm 2014, tích góp được chút tài chính, mình trở về Việt Nam và bắt đầu sưu tập nghệ thuật. Đến cuối năm 2022, trung tâm nghệ thuật The Outpost ra đời và hoạt động trên tôn chỉ của một bảo tàng tư nhân.
“Đại dịch và những ngày đóng cửa thu mình khiến nhu cầu tái kết nối và giao lưu của con người trở nên mạnh mẽ hơn. Xã hội hiện đại từng bước nhận thức được tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần và kết nối cộng đồng. Khác với mười, hai mươi năm trước, bây giờ người ta không chỉ nói về giá tranh Việt trong phòng đấu giá hay sự quan tâm của phương Tây tới nghệ thuật Việt như một xu hướng dị biệt (exotic) nữa.
Người ta nói nhiều hơn về việc ‘làm’ nghệ thuật thực thụ: thực hành của nghệ sĩ, công việc của giám tuyển, vai trò của nhà bảo trợ, chương trình của các không gian, khả năng kết nối và ảnh hưởng đến xã hội ở cấp độ ý thức của văn hoá nghệ thuật. Đó không phải là xu hướng, đó là sự trưởng thành của ý thức, tiến bộ dân trí và trách nhiệm xã hội.”
Nguyễn Hồng Nhung đúc kết:
“Với sự phát triển của các phòng tranh tư nhân, em thấy giới nghệ sỹ trẻ dần có cơ hội để được trưng bày tác phẩm trong những không gian chuyên nghiệp. Trong năm nay, các ngân hàng và nhiều mạnh thường quân đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động trưng bày các tác phẩm của các hoạ sĩ nổi tiếng. Có thể kể đến là Bùi Xuân Phái, Vũ Cao Đàm, Tạ Tỵ…
Tất cả nhằm mục đích để người xem hoà mình vào thưởng thức nghệ thuật hội hoạ cũng như trải nghiệm thêm về kiến thức của những chuyên gia trong ngành. Đây là những hoạt động mà em thấy rất được quan tâm đến hiện nay, khi mà công chúng đang có hứng thứ tìm tòi và học hỏi thêm về giá trị của những tác phẩm thuộc thế hệ họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương”.
Còn với Ariel Phạm:
“Rào cản lớn nhất giữa công chúng và nghệ thuật có lẽ là nỗi lo lắng họ ‘không hiểu gì về nghệ thuật’. Thế nhưng một nhà sưu tập, người được cho là am hiểu nghệ thuật, cũng lo lắng rằng 300 năm nữa trong mắt người đời thứ họ có là một bộ sưu tập chân chính hay chỉ là một đống lộn xộn mà thôi? Chưa bao giờ người ta mua nghệ thuật đương đại nhiều đến thế,. Và hầu hết những gì được mua sẽ trở nên vô nghĩa trong lịch sử nghệ thuật.”
“95% nghệ thuật đương đại là tào lao”, trích lời ông chủ tạp chí Artforum. “Làm sao để phát hiện ra thứ nghệ thuật ở tầm cao nhất, thứ nghệ thuật xứng đáng có mặt trong lịch sử nghệ thuật? Điều gì sẽ còn mãi, điều gì sẽ trôi qua, chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Việc của chúng ta là phụng sự thời gian, bình thường và bình thản đón nhận nghệ thuật trong thế giới này với tất cả những gì nó mang lại”.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam