Họ không cần sải bước điêu luyện trên sàn catwalk. Cũng không cần khả năng biến hóa tài tình trong các buổi chụp ảnh. Nhưng họ vẫn có thể là những gương mặt được săn đón. Họ trẻ, đẹp và sở hữu hàng nghìn bảng Anh cũng như những chiếc túi đắt tiền. Họ là những người mẫu chân chính. Người ta gọi họ là người mẫu trong bóng tối. Đó là một thế hệ “giá treo đồ di động” xinh đẹp mới, giàu có. Dù họ không phải là những siêu mẫu lừng danh.
THU NHẬP KHỦNG
Gemma Sanderson, Portia Okotcha, Kirstie Bennett, Leomie Anderson, Jamie Gunns… Họ không phải là những cái tên quá nổi tiếng, nhưng vẫn là những nữ hoàng thương mại điện tử. Những người mẫu này làm việc cho các website mua hàng online nổi tiếng. Trong danh sách này có ASOS, Littlewoods, Urban Outfitters, Mark & Spencer’s và my-wardrobe.com. Những người mẫu trong bóng tối làm tăng doanh số bán hàng cho các website. Mỗi cô gái có thể kiếm được 20.000 bảng Anh (khoảng 670 triệu đồng) mỗi tuần. Dù họ chưa đạt đến danh tiếng như các đàn chị Kate Moss, Cindy Crawford, Naomi Campbell hay Gisele Bündchen.
Gemma Sanderson, nghệ danh là Body, là một trong những người mẫu trong bóng tối kiếm nhiều tiền nhất từ nghề này. Cô thừa nhận: “Thương mại điện tử vô cùng tuyệt vời. Tôi sẽ dành dụm thật nhiều để có thể thay đổi cuộc đời”. Gemma là quán quân của Australia’s Next Top Model mùa đầu tiên năm 2005.
Portia Okotcha là một cái tên may mắn hiếm hoi khác. Portia có thể kiếm được mức thu nhập khổng lồ không thua gì doanh thu phòng vé của các bộ phim bom tấn bởi cô vừa là người mẫu catwalk vừa chụp ảnh cho các tạp chí, vừa cộng tác với các trang shopping trực tuyến. Dù hiện diện ở cả ba lĩnh vực của nghề người mẫu, Portia vẫn thích làm người mẫu thương mại điện tử hơn. Với cô, đó là công việc như bao việc khác và giúp cô cảm thấy mình giống người thường hơn.
CHỈ THIẾU NIỀM VUI
Tuy nhiên, đối với hầu hết các siêu mẫu thầm lặng, công việc không mấy vui thích. Chẳng có những bãi biển Caribbean ngập nắng với những nhiếp ảnh gia thiên tài như Mario Testonio đang cầm máy đợi họ. Thay vào đó, họ phải làm việc trong những studio sáng trưng ở Milton Meyes của nước Anh trong nhiều giờ liền. Các cô gái phải thay khoảng 30 bộ trang phục, mỗi bộ chụp với năm tư thế khác nhau, nghĩa là phải tạo dáng cho cả nghìn tấm ảnh mỗi ngày. Nếu còn phải quay phim đi catwalk (trong những video giới thiệu bộ trang phục mà có thể bạn thấy trên website của Mark & Spencer’s hay ASOS), họ buộc phải mang giày cao gót đi tương đương khoảng 8km trên sàn diễn ảo mỗi ngày.
TIÊU CHÍ CỦA SIÊU MẪU THẦM LẶNG
Vậy một người mẫu trong bóng tối phải sở hữu những tiêu chí gì? Họ đẹp, nhưng là vẻ đẹp mang tính thương mại, dễ tạo được cảm tình với đại chúng chứ không phải đẹp kiểu thách thức người nhìn. Hãy nghĩ đến diện mạo của một cô gái đủ đẹp để lên ảnh nhưng không quá rạng ngời khiến người xem xao lãng khỏi bộ trang phục. Họ còn phải có một hình thể hoàn hảo, vai không thô và ngón chân không gân guốc, xương xẩu. Khiếm khuyết là điều tối kỵ vì không nhà bán lẻ nào muốn tốn thêm tiền để thuê thiết kế chỉnh sửa lại những chỗ không hoàn thiện trên bức ảnh.
Ruth Cozens, giám đốc mỹ thuật của website bán quần áo nổi tiếng mywardrobe.com nhấn mạnh: “Người mẫu thương mại phải hoàn hảo hơn các đồng nghiệp chụp ảnh cho tạp chí. Tìm kiếm các cô gái hoàn hảo để làm mẫu cho sản phẩm là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà bán lẻ. Các cô gái cần phải có ngoại hình không tì vết”. Một lý do khác để các hãng cần đến những người mẫu hoàn hảo là vì họ có thể khiến một chiếc đầm không có chút sức hút nào khi mặc trên người một người mẫu trước đó sẽ trở nên đắt hàng với sức mua tăng đến 80%.
KHẢ NĂNG BÁN HÀNG CỦA NGƯỜI MẪU TRONG BÓNG TỐI
Cứ mỗi phút trôi qua, Littlewoods bán được 5 chiếc quần jeans trong số 200 mẫu. Một người mẫu có thể thúc đẩy lượng mua đến mức nào. Điều đó cũng giải thích vì sao cuộc cạnh tranh để tìm ra người mẫu phù hợp cho sản phẩm và giữ được họ trong catalogue vô cùng khốc liệt. Yếu tố độc quyền về một khuôn mặt hay cơ thể là điều rất quan trọng đối với các hãng bán lẻ. Vậy nên, người săn người mẫu sẽ loại trừ những cô gái đã làm mẫu cho các công ty đối thủ.
Để tồn tại trong nghề, người mẫu thương mại phải làm việc với nhịp độ nhanh. Họ thay trang phục thường xuyên, chuyển động tốt trước ống kính. Phải linh hoạt trong các tấm ảnh và có sức khỏe dẻo dai. Điều này giúp khách hàng có thể chọn ra nhiều tư thế để sản phẩm trông đẹp nhất khi trưng lên mạng. Người mẫu còn được yêu cầu về thể chất. Công việc nặng nhọc đòi hỏi ở họ sức khỏe và sức chịu đựng về tinh thần. Họ phải chịu khó lặp đi lặp lại vài kiểu tạo dáng từ tuần này sang tuần nọ. Bởi vậy, trong ngành người mẫu, đây được xem là công việc khó nhọc nhất.
HẤP DẪN TRONG MỌI MÔI TRƯỜNG
Kirstie Bennett, một trong những người mẫu thầm lặng có mức thù lao cao là gương mặt được yêu thích của ASOS. Cô gái sinh ra ở Manchester này có biệt danh là Barbie vì sở hữu mái tóc vàng, hình thể chuẩn và khả năng biến hóa linh hoạt hay theo lối giải thích của cô là: “Vì tôi mang nhiều tính cách trong một ngày. Tôi có thể là Barbie đầy màu sắc lễ hội, cũng có thể là một Barbie bụi bặm. Khó mà biết được mình sẽ là ai vào cuối ngày”.
Một điều nữa khiến các người mẫu này nổi trội và thành công là họ có khả năng hấp dẫn người mua ở mọi quốc gia và không phân biệt màu da, sắc tộc. Các cô gái còn phải tạo được cảm hứng, có phong thái gần gũi bởi người mua muốn có một bộ trang phục mà khi mặc lên người mình, nó cũng đẹp giống như khi khoác lên người mẫu trong ảnh.
KHI HỌ NỔI TIẾNG
Một gương mặt thành công khác của ASOS là Cara Delevingne. Cara trải qua hai năm là người mẫu thương mại điện tử cho ASOS trước khi được Burberry chọn là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng cáo Xuân Hè 2012. Kể từ đó, sự nghiệp của cô cất cánh, trở thành người mẫu catwalk và tạp chí. Một số những khuôn mặt của ngành bán lẻ qua mạng cũng có lượng fan hâm mộ riêng. Họ được theo dõi trên blog và trang Twitter riêng.
Tuy nhiên, khách hàng 30 tuổi trở lên lại có xu hướng thích những người mẫu “không đầu”. Họ không muốn mua món đồ gắn liền với gương mặt người mẫu. Các website như my-wardrobe.com và Net-a-porter thường xóa bớt phần đầu, chỉ còn lại từ cằm trở xuống (dù mặt người mẫu có đẹp mấy đi nữa). Kỹ thuật này gọi là “unrec”, nghĩa là không nhận ra được (unrecognisable). Ruth Cozens cho biết: “Các cô người mẫu trong bóng tối càng vô danh càng tốt cho chúng tôi. Trong ngành này, những cô xuất sắc nhất thường hét giá cao. Chúng tôi lại cần những “tấm vải trắng” có khả năng tôn lên và đẩy doanh thu sản phẩm của mình”.
Harper’s Bazaar Việt Nam