Những đỉnh núi tuyết đang bị rác thải che phủ. Bally quyết định sẽ dọn dẹp chúng.

Quỹ từ thiện Bally Peak Outlook Foundation là dự án ý nghĩa từ thương hiệu Bally để giúp bảo tồn hệ sinh thái mong manh trên những đỉnh núi tuyết

 

Khi nói đến dãy Himalaya, bạn nghĩ đến gì? Những ngọn núi tuyết trắng phau, hùng vĩ và trải dài bất tận? Thực trạng thì khác. Ngày nay, đỉnh núi ngày càng nhiều…rác. Rác đến từ những cuộc chinh phục đỉnh núi thất bại. Có thể là đồ đạc bị rơi trong lúc di chuyển. Lều trại bị cuốn mất trong bão tuyết. Cũng không ít bị rơi rớt theo những người bỏ mình trên đỉnh do không chịu nổi sự khắc nghiệt.

Những đỉnh núi tuyết trắng cũng đang dần biến mất khi Trái đất nóng lên. Băng hà tan chảy, để sườn núi trơ khấc. Điều này dẫn đến những hệ quả nguy hiểm khôn lường. Băng tan khiến mực nước biển tăng, mang đến nguy cơ nhấn chìm nhiều quốc gia liền kề với biển. Chưa kể, băng hà còn cung cấp nguồn nước sạch cho hơn phân nửa dân số toàn cầu. Nếu băng hà từ các đỉnh núi tuyết biến mất, chúng ta sẽ mất đi một nguồn dự trữ nước sạch đang ngày càng khan hiếm.

Trước tình trạng này, thương hiệu Bally mong muốn làm nên điều gì đó để giúp gìn giữ núi tuyết.

Bally và những đỉnh núi tuyết

Ông Tenzing Norgay, con người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest năm 1953. Chân ông đi đôi bốt do Bally thiết kế. Ảnh: Times Magazine

Từ lâu, Bally đã có một mối liên hệ mật thiết với nơi đây. Bally từng ủng hộ những chuyến thám hiểm dãy Alps tận từ đầu thế kỷ 20. Thương hiệu cũng tài trợ cho các đội thi đấu Thế vận hội mùa đông. Năm 1953, Bally đã thiết kế nên đôi giày bằng da hươu tuần lộc mà nhà thám hiểm Tenzing Norgay sử dụng khi lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest – đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử nhân loại.

Năm ngoái, Bally thành lập quỹ Peak Outlook Foundation. Quỹ từ thiện nhằm bảo vệ hệ sinh thái trên các đỉnh núi tuyết. Bước đầu tiên là trở lại dãy Himalaya, dọn dẹp rác thải từ chân núi lên đến đỉnh núi.

Rác trên dãy Himalaya đến từ đâu?

Ảnh: Quỹ từ thiện Bally Peak Outlook Foundation

Năm 2019, 891 người đã chinh phục đỉnh Everest. Một con số đạt kỷ lục. Nhưng họ không phải là những người duy nhất đặt chân đến “nóc nhà của nhân loại”. Có đến hàng nghìn người tụ tập với tham vọng thành công đặt chân lên đỉnh Everest.

Đi đôi với lượng người tăng vọt là rác. Ngày nay, hành trình lên đỉnh Everest đã có nhiều luật lệ hơn về cách điều tiết lượng rác thải nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tại đây. Nhưng trước đây thì không. Đỉnh núi tuyết lấm tấm rác đến từ những chuyến hành trình cũ trong quá khứ. Đặc biệt là nhựa. Vì nhựa là chất liệu giữ ấm rất tốt trong thời tiết khắc nghiệt.

Để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất, quỹ từ thiện Bally đã mời những chuyên gia hàng đầu, có nhiều năm kinh nghiệm sống và thám hiểm núi tuyết, để tổ chức chuyến dọn dẹp. Ước tính, quỹ đã dọn sạch khoảng 2 tấn rác. Và phân nửa đến từ Vùng Tử thần, nơi lượng oxy không đủ để nuôi dưỡng cơ thể người.

Không chỉ riêng dãy Himalaya…

Ảnh: Quỹ từ thiện Bally Peak Outlook Foundation

…Rất nhiều các đỉnh núi tuyết khác toàn cầu cũng gặp vấn đề tương tự. Một ví dụ rất nổi tiếng khác là đỉnh Fuji (Phú Sĩ) ở Nhật Bản. Trong những năm gần đây, đỉnh Fuji bị tràn ngập rác thải do có lượng du khách tăng đột biến. Năm 2020, Bally sẽ bắt tay với nhà hoạt động môi trường người Nhật, Ken Noguchi, và hội thám hiểm Fujisan Club để dọn dẹp những khu vực khó đặt chân đến của núi Fuji.

Năm 2021, Bally dự kiến sẽ đến Kilimanjaro, đỉnh núi cao nhất châu Phi, nằm tại Tanzania. Thương hiệu muốn cải thiện nạn phá rừng gây xói mòn đất, và xây dựng các cơ sở vật chất cho kiểm lâm địa phương.

Có thể ví tham vọng của thương hiệu Bally như một chuyến chinh phục đỉnh núi tuyết. Rất tốn nhiều thời gian, nhưng khi đạt được thì mang lại thành tựu to lớn cho nhân loại.

>>> Xem thêm: TẬP ĐOÀN KERING MỜI EMMA WATSON LÀM CỐ VẤN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trích Fashionista, Bally
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm