Những biến chuyển của Lanvin dưới sự sở hữu của tập đoàn Trung Quốc

CEO của Lanvin, ông Jean-Phillipe Hecquet và giám đốc sáng tạo Bruno Sialelli nói về nỗ lực thay đổi nhà mốt Lanvin

Màn trình diễn đặc sắc của Lanvin tại tuần lễ thời trang Paris Xuân Hè 2020 khiến nhiều người mê đắm. Khách mời được phát áo choàng chống thấm và những chiếc ô trong suốt. Người mẫu ung dung sải bước dưới làn mưa. Tất cả đều quyến rũ và thơ mộng. Tuy nhiên, dưới vỏ bọc đậm chất thơ ấy là một nhà mốt đang đấu tranh để sống còn trong thị trường thời trang khốc liệt.

Chuyện gì đã xảy ra với Lanvin?

Câu chuyện của Lanvin là một câu chuyện buồn. Tuy là nhà mốt lâu đời nhất lịch sử thời trang Pháp, thương hiệu này đã từ lâu không còn được ưu ái. Vì đâu?

Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ năm 2001. Lúc ấy, L’Oréal Paris bán lại Lanvin cho bà Shaw-Lan Wang, một tài phiệt người Đài Loan. Bà Wang làm giàu từ ngành truyền thông; nhưng có lẽ không phải là một người phù hợp để điều hành Lanvin. Nguồn tin nội bộ cho biết, bà không đủ tiền để đầu tư vào sản phẩm, dây chuyền sản xuất hay thậm chí là các cửa hàng toàn cầu của thương hiệu. Trong vòng 15 năm qua, Lanvin đã thay đổi một loạt CEO – đa phần là rời bỏ thương hiệu vì sự bê tha trong quản lý. Chưa kể vụ lùm xùm khi bà đuổi việc cựu giám đốc sáng tạo Alber Elbaz.

Bà Shaw Lan Wang, chủ sở hữu Lanvin, bên cựu giám đốc sáng tạo Alber Elbaz

Trong 3 năm liên tiếp, từ 2014 đến 2017, doanh thu sụt giảm nặng nề ở Lanvin. Riêng trong 2017, thương hiệu gần như sắp hết tiền để vận hành. Lanvin cần một người giải vây.

Bà Wang bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư. Cần có một tập đoàn lớn hơn bước vào để châm tiền, cũng như nhân lực cho Lanvin. Bà nhận được sự chào đón từ hai tập đoàn lớn: Mayhoola của Qatar; và Fosun của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mayhoola chỉ đồng ý mua nếu được sở hữu 100% Lanvin – như cách họ đã làm với Balmain và Valentino. Cuối cùng, bà Wang chọn Fosun, vì họ cho phép bà giữ lại 20% cổ phần.

Sự trẻ hóa tại Lanvin

Tập đoàn Fosun ngay lập tức chọn một CEO mới, ông Jean-Philippe Hecquet. Một người từng trải với 11 năm kinh nghiệm tại Louis Vuitton. Và nhiệm vụ đầu tiên của ông là tìm một giám đốc sáng tạo.

“Tôi muốn một người có tầm nhìn rộng, có thể bao quát cả nhóm hàng nam, nữ và phụ kiện.” Ông phát biểu.

Người được chọn là một gương mặt trẻ măng. Bruno Sialelli. Mới chỉ 31 tuổi. Liệu anh ấy có quá trẻ để đảm nhiệm trọng trách vực dậy Lanvin?

Ông Hecquet hoàn toàn tự tin vào lựa chọn của mình. “Cái nhìn trẻ trung của Bruno sẽ hiện đại hóa Lanvin. Chúng tôi đã sẵn sàng viết một chương mới.”

Chân dung giám đốc sáng tạo Bruno Sialelli

Còn Bruno Sialelli thì nhìn nhận công việc của mình bao quát nhiều hơn vị trí một giám đốc sáng tạo truyền thống.

“Tôi không tự tay thiết kế cho riêng lĩnh vực nào cả. Ví dụ, túi xách. Không. Tôi có một nhóm các nhà thiết kế trẻ tài năng. Họ đề nghị, tôi cho họ ý kiến để cải thiện. Tôi như một nhạc trưởng dẫn đầu đội ngũ tài năng do chính tôi chọn lựa”.

Bruno Sialelli trẻ, nhưng không thiếu kinh nghiệm. Nhà thiết kế gốc Pháp–Tunisie này từng có ba năm nắm cương vị sáng tạo thời trang nam tại Loewe, và hai năm thiết kế thời trang nữ tại Balenciaga.

Thay đổi để sống còn

Kế hoạch gấp rút của CEO Jean-Philippe Hecquet và anh Bruno Sialelli là tái hiện hình ảnh cao cấp của nhà mốt.

“Chúng tôi sẽ đi theo quỹ đạo của Dior, Chanel, Louis Vuitton. Cao cấp – như những gì show diễn Lanvin Xuân Hè 2020 miêu tả”, ông Hecquet nói. “Sang trọng, nhưng vẫn có gì đó mới mẻ. Chữ “sáng tạo” rất quan trọng trong ngành thời trang xa xỉ.”

Không ai nghi ngờ khả năng của Bruno Sialelli. Show diễn Lanvin Xuân Hè 2020 đã đủ khẳng định điều này. Với những chiếc ô trong suốt làm từ hợp chất tái chế từ ngô (bắp), show diễn dẫn đầu trào lưu thời trang xanh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Lanvin vẫn là về mặt tài chính. Năm 2016, Lanvin lỗ 18 triệu Euro. Năm 2017, cái lỗ tăng lên 30 triệu Euro. Dù đã có khoản đầu tư lớn từ tập đoàn Fosun, nhưng thương hiệu vẫn cần thời gian để hồi phục.

Tay nghề của Bruno Sialelli được đánh giá cao hơn một số những giám đốc sáng tạo trước. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đủ mới lạ để giúp đẩy mạnh doanh thu cho Lanvin.

Những kế hoạch mới cho Lanvin

Theo lời ông Hecquet, Lanvin hiện có 25 cửa hàng tại 30 quốc gia. Tuy nhiên, thị trường lớn nhất vẫn là ở Mỹ, Trung Quốc, và châu Âu. Ngoài ra, Trung Đông cũng là một thị trường đang lên nhờ đối tác mạnh.

“Chúng tôi đã có hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ tại các thị trường này. Nhưng cũng đã đến lúc họ nhìn nhận Lanvin của hiện tại chứ không phải của quá khứ.”

Ngoài ra, ông Hecquet cũng phủ nhận việc bị sở hữu bởi tập đoàn Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thiết kế và mô hình kinh doanh. Ông nhấn mạnh, Lanvin hoàn toàn có thể thay đổi mẫu mã để tăng doanh thu đến từ Trung Quốc đến cả 30, 40 phần trăm. Nhưng họ sẽ không làm như vậy. “Các bộ sưu tập phải mang tính chất hấp dẫn toàn cầu”, ông Hecquet quả quyết.

Mất bao lâu để những ý tưởng mới mẻ này có thể vực dậy Lanvin? Có lẽ phải mất một thời gian dài. Ví dụ, tập đoàn LVMH đã cần 2 thập kỷ để vực dậy Céline. Còn Kering thì cần hơn 10 năm cho Yves Saint Laurent. Chúng ta chỉ có thể hy vọng bộ đôi Hecquet–Sialelli sẽ có thể nán lại Lanvin đủ lâu để thấy ước nguyện của họ thành sự thật.

>>> Xem thêm: LIỆU BRUNO SIALELLI CÓ THỂ TRỤ TẠI LANVIN SAU CÚ “HẤT CẲNG” ALBER ELBAZ?

Theo Fashionnetwork, V.Business, Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm