Nhìn tình hình kinh doanh nội y của Song Ji Hyo, dễ hiểu vì sao sao Hàn ít khi mở thương hiệu riêng

Thời trang và làm đẹp - Hai lĩnh vực mà những ngôi sao Hàn Quốc rất có sức ảnh hưởng nhưng đa phần những ngôi sao hạng A cũng không chọn mở thương hiệu riêng. Lý do đằng sau là những rủi ro từ một thị trường không ngập sắc hồng như vẻ ngoài.

bzvn-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng

Song Ji Hyo vừa thành lập thương hiệu nội y Nina.Ssong vào cuối năm 2024, nhưng tình hình kinh doanh của ngôi sao Hàn Quốc này tới nay không mấy khả quan. Ảnh: @_nina.ssong_

Song Ji Hyo, nữ diễn viên và thành viên lâu năm của chương trình truyền hình thực tế Running Man, đã ra mắt thương hiệu nội y Nina.SSong của riêng mình vào ngày 29/12/2024. Cô đã tâm huyết chuẩn bị cho kế hoạch này suốt 8 năm.

Song Ji Hyo còn tự mình đóng vai trò người mẫu trong chiến dịch đầu tiên cho hãng, chứng minh khả năng quản lý bản thân cực kỳ tốt với thân hình gợi cảm. Từ đó, dự án nhận được sự ủng hộ tích cực của những người theo dõi Song Ji Hyo.

Tuy nhiên, sau khoảng hai tháng hoạt động, trang cá nhân của thương hiệu Nina.SSong chỉ đạt hơn 15,000 người theo dõi, một tỉ lệ rất nhỏ so với 4 triệu follow tài khoản cá nhân của Song Ji Hyo. Trong Running Man tập 739 vừa phát sóng ngày 9/2/2025 vừa qua, Yoo Jae Suk đã hé lộ một chút về tình hình kinh doanh nội y của Song Ji Hyo: “Em ấy hơi lo lắng vì chỉ được khoảng 1-2 đơn hàng mỗi ngày mà thôi.”

bzvn-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng-2

Song Ji Hyo đã chia sẻ về công việc kinh doanh của mình trong tập Running Man mới nhất. Ảnh: @_nina.ssong_

Tình hình của thương hiệu nội y của Song Ji Hyo đi ngược lại với quan điểm về tiềm năng kinh doanh thương hiệu riêng của các sao Hàn. Nhiều người mở thương hiệu riêng nhưng khó ăn nên làm ra. Ví dụ Kim Jae Joong từng thành lập là Moldir, và đã phải dừng kinh doanh sau sáu năm (2014 – 2020). Hay Jessica Jung thành lập Blanc & Eclare vào năm 2014, bành trướng khắp Trung Quốc và Hoa Kỳ tính đến 2016, nhưng cuối cùng cũng đã ngừng hoạt động.

Nói về các sao Hàn có thể trụ vững khi kinh doanh riêng, người ta chỉ nhớ đến G-Dragon và thương hiệu PEACEMINUSONE thường xuyên cháy hàng của anh.

Thật lạ, chẳng phải họ vẫn luôn là những đại sứ, KOL cho nhiều nhãn hàng thời trang, làm đẹp trên thế giới và mang đến hiệu quả kinh doanh tốt cho thương hiệu nhờ sức ảnh hưởng với lượng fan hùng hậu? Vì sao khi kinh doanh riêng, họ lại không thành công như vậy?

Câu trả lời cho thắc mắc này cũng là lý do vì sao đến cả những ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc, dễ thấy nhất là bộ tứ BLACKPINK với sức ảnh hưởng hàng đầu trong lĩnh vực thời trang, làm đẹp, luôn dẫn đầu giá trị truyền thông (EMV)  cũng chưa có động thái mở thương hiệu riêng.

Sao Hàn có nhiều thuận lợi nếu muốn kinh doanh, khởi nghiệp

bzvn-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng-6

Cha Eun Woo trong chiến dịch của Chaumet. Như vậy, sao Hàn là yếu tố thu hút hàng đầu cho các thương hiệu. Vậy sao họ không mau chóng kinh doanh, hoặc đạt được ít thành công với việc kinh doanh như trường hợp của Song Ji Hyo? Ảnh: Chaumet

Việc một ngôi sao giải trí trở thành doanh nhân không hiếm gặp đến thế trên thế giới. Đó là lối đi tất yếu được theo đuổi bởi rất nhiều ngôi sao Âu Mỹ. Rihanna với Fenty Beauty, Selena Gomez với Rare Beauty, Kylie Jenner với Kylie Cosmetics hay gần đây nhất là Hailey Bieber với chiếc kem dưỡng môi Rhode rất viral.

Ngoài các ngôi sao, những fashionista có lượng fan hâm mộ lớn trên mạng xã hội cũng thành lập thương hiệu riêng. Vậy chỉ cần là biểu tượng trong một mảng nào đó, chẳng phải việc khởi nghiệp sẽ rất dễ dàng?

bzvn-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng-3

Hailey Bieber và thương hiệu mỹ phẩm Rhode vô cùng thành công. Ảnh: Rhode skin

Hàn Quốc có ngành công nghiệp sản phẩm làm đẹp, thời trang danh tiếng, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên toàn cầu. Nếu xét riêng về mảng làm đẹp đã có những thương hiệu đình đám ở nhiều phân khúc như Laneige, Innisfree, Sulwhasoo… Rất dễ tìm kiếm nơi sản xuất ra những sản phẩm có hình thức và chất lượng cao và gia nhập thị trường. Tức có nghĩa, để mở thương hiệu thời trang hay làm đẹp, các ngôi sao không thể nào gặp khó trong việc tìm nguồn cung trong nước.

Về lợi thế kinh doanh, theo Harvard Business Review, có 4 điều tiên quyết để giúp các thương hiệu do người nổi tiếng làm chủ thành công:

  • Một là phải có lượng người theo dõi lớn;
  • Hai là hình ảnh phù hợp giữa ngôi sao và ngành hàng;
  • Ba là phải tương tác tích cực với fan;
  • Cuối cùng là khả năng nắm lấy đà phát triển.

Các diễn viên và thần tượng với độ nổi tiếng như Song Ji Hyo đã đáp ứng được hầu hết những quy tắc trên.

  • Thứ nhất, sao Hàn từ lâu đã sở hữu sức ảnh hưởng có thể chi phối quyết định mua hàng của người dùng. Phương thức bảo chứng truyền thông (brand endorsement) được các thương hiệu đẩy mạnh là minh chứng.
  • Thứ hai, sao Hàn vốn có phong cách, ngoại hình được mến mộ trên khắp thế giới, thường xuyên biết cách tạo xu hướng để hội tín đồ theo đuổi.
  • Thứ ba, họ còn có một lực lượng fan hâm mộ trung thành và chịu chi, đặc biệt là lực lượng fan Đông Nam Á. Bằng chứng là những giải thưởng bình chọn trả phí cao vẫn thu về kết quả tích cực, cũng như khả năng khiến sản phẩm cháy hàng vì muốn có khoảnh khắc đồ cặp cùng thần tượng hay mua sản phẩm bất chấp nhu cầu, miễn là có tặng kèm những vật phẩm liên quan đến thần tượng như photocard hay poster.

Như vậy, việc họ bắt đầu một thương hiệu chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý. Bản thân việc sao Hàn sử dụng chủ yếu nền tảng YouTube, Instagram và TikTok cũng rất phù hợp để quảng bá sản phẩm.

bzvn-jennie-gentle-monster-pop-up-office (2)

Kính mắt On Ring 02 trong BST Jewelry 2025 của Gentle Monster, diện bởi Jennie (BLACKPINK). Cô đã nhiều lần hợp tác với thương hiệu và khiến GENTLE MONSTER nổi đình đám. Jennie đảm bảo có sức ảnh hưởng lớn về phong cách. Ảnh: GENTLE MONSTER

Tuy nhiên, nhiều sao Hàn dù có sức ảnh hưởng lớn hầu như không có ý định kinh doanh riêng, chỉ vui vẻ làm gương mặt đại diện cho một nhãn hàng nào đó, quá lắm thì bắt tay nhãn hàng ra mắt bộ sưu tập đặc biệt. Chẳng hạn như Jennie. Với khả năng tạo trend của cô, không khó để Jennie bắt đầu một thương hiệu thời trang hay làm đẹp. Cô đã được ủng hộ rất nhiều khi kết hợp với thương hiệu mắt kính Gentle Monster hay thậm chí là BST bánh ngọt với Nudakke cũng tạo điểm thảo luận. Song, Jennie chưa từng có động thái bắt đầu thương hiệu riêng.

Lý do sao Hàn không mấy mặn mà với việc mở kinh doanh riêng

Chuyên gia Choi Wan, chuyên viên marketing tại thương hiệu Hàn Amore Pacific cho biết, trừ khi nghệ sĩ có quyết tâm rất lớn và một kế hoạch trên cả chỉn chu cho thương hiệu, họ nên tập trung vào sự nghiệp làm thần tượng, diễn viên của mình, bởi họ sẽ nhận được kết quả ổn định hơn. Việc mở kinh doanh riêng có quá nhiều rủi ro như:

Không đáng đánh đổi sự nghiệp chính

bzvn-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng-7

Jessica Jung trở thành một nữ doanh nhân, nhưng cô hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng tại Hàn Quốc như thời còn hoạt động cùng SNSD. Ảnh: Blanc & Eclare

Rihanna khi mở Fenty Beauty dường như đã tạm ngừng hầu hết hoạt động âm nhạc. Việc vận hành một thương hiệu rõ ràng là một điều cần đầu tư rất nhiều tiền bạc, tâm sức và thời gian nếu muốn thành công. Điều này hoàn toàn không phù hợp với lịch trình bận rộn của sao Hàn.

Đặc biệt là với các thần tượng có hoạt động trong nhóm, việc chú tâm cho thương hiệu cá nhân sẽ được xem là sao nhãng khỏi hoạt động nhóm vì lợi nhuận cá nhân. Trường hợp của Jessica Jung, khi cô cho rằng mình bị “khai trừ” khỏi Girls’ Generation vào năm 2014 với một số nguyên do, trong đó có liên quan đến việc kinh doanh thương hiệu Blanc & Eclare là ví dụ điển hình. Nhiều fan của nhóm lúc đó cũng không đồng tình với công việc kinh doanh riêng của Jessica.

Trong khi đó, buông bỏ một sự nghiệp làm thần tượng, có sự quản lý hình ảnh chuyên nghiệp từ công ty và đường hướng phát triển được tính toán kỹ càng để theo đuổi công việc kinh doanh còn mới chớm là rất rủi ro.

Đánh mất khả năng ký kết hợp đồng đại sứ với những thương hiệu lớn

Việc làm chủ thương hiệu đồng nghĩa họ đánh cược vào một bài toán kinh doanh không rõ thiệt hay lời. Tuy nhiên, nếu ký hợp đồng đại sứ với thương hiệu lớn, họ sẽ đảm bảo một dòng tiền ổn định (dù có khả năng dòng tiền đó có thể không bằng lợi nhuận từ thương hiệu riêng nếu họ thành công).

Có thương hiệu riêng cũng đồng thời biến họ thành đối thủ cạnh tranh với các thương hiệu khác, ảnh hưởng đến cơ hội người mẫu quảng bá. Càng trầm trọng hơn nếu bạn làm việc trong một nhóm, cả nhóm có thể bị hạn chế cơ hội chỉ vì một người.

Nếu muốn mở thương hiệu riêng, ngôi sao phải rất thông minh trong việc lựa chọn khách hàng tiềm năng. Ví dụ G-Dragon ra mắt Peaceminusone nhắm vào đối tượng niche là thích hàng thời trang phong cách swag, kiểu hip-hop underground, không nhắm đến đối tượng khách hàng chủ đạo của Chanel mà anh là đại sứ.

Chặng đường dài nhiều khó khăn nếu thương hiệu mãi dựa dẫm vào sức hút cá nhân của thần tượng

bzvn-thumb-song-ji-hyo-kinh-doanh-thuong-hieu-rieng-2

Jaejoong từng mở thương hiệu phụ kiện Moldir, nhưng cũng đóng cửa sau 6 năm. Ảnh: WeloveJJ.Net

Vào thời điểm vừa ra mắt thương hiệu hay ra mắt các BST mới, sao Hàn dễ dàng đạt kết quả kinh doanh tốt bởi người hâm mộ có thể mua vô điều kiện để ủng hộ thần tượng. Tuy nhiên, một thương hiệu không thể tồn tại chỉ với tệp fan mua hàng. Danh tiếng và lượng fan của các ngôi sao, đặc biệt là sao nữ, rất dễ phai nhạt sau vài năm, bởi hàng tuần, hàng tháng trong làng giải trí Hàn đều có những tân binh mới hơn, trẻ hơn ra mắt. Trong khi đó, để một doanh nghiệp bình thường hòa vốn đã có thể mất đến 3-4 năm. Để đi đường dài, thương hiệu riêng của các ngôi sao Hàn phải được yêu thích bởi khách hàng đại chúng thay vì riêng fan hâm mộ của họ.

Đối với dòng mỹ phẩm, các ngôi sao lại càng chật vật. Hầu hết khách hàng không phải fan sẽ mua vì muốn có ngoại hình không tì vết như các ngôi sao, nhưng ngày nay, họ đều hiểu được rằng không chỉ nhờ có mỹ phẩm mới đạt được ngoại hình mà còn thông qua các can thiệp thẩm mỹ.

Riêng với địa hạt thời trang, người dân Hàn còn có tâm lý ưu tiên các thương hiệu quốc tế. Các nhãn hàng thời trang xa xỉ Hàn Quốc dù hoạt động lâu năm vẫn còn đang chật vật tìm chỗ đứng, chỉ có một vài điểm sáng như Hyein Seo hay KUSHIKOHC.

Nếu không thấu đáo, các ngôi sao có thể bị chính người hâm mộ quay lưng khi kinh doanh thương hiệu riêng

jean-somi-ra-mat-thuong-hieu-my-pham-GLYF

Ảnh: GLYF

Giá trị thương hiệu cho phép các ngôi sao dễ dàng đặt mức giá cao cho sản phẩm, nhưng cũng dễ dàng làm phật lòng fan nếu làm cho họ cảm thấy thần tượng đang cố gắng kiếm lời từ mình.

Jessica Jung bị chỉ trích nặng nề vì chất lượng sản phẩm Blanc & Eclare không được tốt mặc dù mức giá lên đến hàng triệu đồng. Đi kèm với việc nữ thần tượng sống xa hoa, chi xài phóng khoáng, nên fan hâm mộ cảm thấy bị bòn rút tiền bạc.

Tương tự, Jeon Somi cũng bị đả kích khi ra mắt thương hiệu mỹ phẩm GLYF. Phấn bắt sáng với giá 43,000 won (khoảng 730,000 đồng) của cô bị phản ánh là quá đắt đỏ. Để so sánh, highlight từ The Face Shop, Club Clio có mức giá khoảng 300,000 – 500,000 VND.

Những ví dụ trên không chỉ ảnh hưởng đến lượng sản phẩm bán ra mà còn ảnh hưởng đến chính hình tượng của người nổi tiếng.

Liệu có con đường thành công khác cho những ngôi sao muốn kinh doanh độc lập?

Với những phân tích trên, trở thành đại sứ thương hiệu hay KOL cho thương hiệu vẫn là một con đường ổn định hơn cả cho các ngôi sao. Với những ngôi sao vẫn quyết tâm duy trì thương hiệu, họ phải xác định lại thị trường chủ chốt.

Theo chuyên gia Choi Wan, hiện tại Hàn Quốc không còn là thị trường chủ chốt vì đang cạnh tranh vô cùng gay gắt. Đổi lại, hướng đến các thị trường Đông Nam Á với văn hoá ủng hộ thần tượng, ngôi sao nhiệt liệt sẽ là con đường trơn tru hơn. Vì lẽ đó, Jessica Jung đã quyết liệt đưa thương hiệu Blanc & Eclare đến Trung Quốc, Hoa Kỳ thay vì chỉ an phận với Hàn Quốc. Nhưng sau nhiều năm hoạt động, cô dường như cũng đã từ bỏ đứa con tinh thần của mình khi fan hâm mộ phát hiện thương hiệu ngừng ship hàng.

Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực lại dễ dàng thành công. Ví dụ như bố của Jimin mở quán Café MAGNATE vẫn hoạt động từ 2019 đến nay, hay anh trai của Jin có mở nhà hàng Nhật Ossu Seiromushi (Jin đồng thời tham gia trong vai trò giám đốc). Nhờ danh tiếng của hai thần tượng mà hai điểm đến này thu hút được lượng thực khách lớn. Họ đến vì tò mò, nhưng có thể sẽ quay lại nếu yêu thích hương vị. Dù gì, chi tiền cho thức ăn, thức uống cũng là một khoản thiết yếu, tần suất dày hơn và đòi hỏi ít sự cân nhắc hơn so với thời trang hay mỹ phẩm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm