Tib Hoàng: Tình yêu đưa tôi trở lại Việt Nam

Tib Hoàng, cô cháu gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trò chuyện với Bazaar bằng giọng nói đậm chất Huế về châm ngôn sống và tâm huyết của cô, hệ thống L'usine

Lúc này, tôi ngồi chờ đợi chị trong không gian thoáng đãng của L’usine, art concept boutique ngay giữa trung tâm Sài Gòn, dưới kia là đường Đồng Khởi tấp nập người qua. Nhưng ở đây, những âm thanh ồn ã của phố thị như được bỏ lại đằng sau ngay khi bạn bước qua cánh cửa.

L’usine dường như có tất cả mọi thứ để khám phá. Người ta có thể bị cuốn vào sự bí ẩn của thời trang vintage, những món đồ nội thất đủ sức gây nghiện với bất cứ ai mê đắm hàng handmade hay ly cà phê cappuccino thơm ngào ngạt bên chiếc bánh phô mai đầy quyến rũ… Tất cả những thứ tưởng tách rời, lại hòa quyện thành một phong cách rất riêng được tạo bởi Tib Hoàng và những người thân của chị. Và chị xuất hiện trước mặt tôi với nụ cười ấm áp của một người phụ nữ Việt.

BAZAAR (BZ): Từ nhỏ đã quen sống ở Canada, vậy mà chị quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp. Thật hiếm!

TIB HOÀNG (TB): Tôi sinh ra tại Việt Nam nhưng chuyển sang Canada từ bé. Khi lớn lên, hình dung về Việt Nam trong tôi rất mơ hồ. Có lẽ yếu tố Việt Nam cụ thể nhất trong nhà là việc bố mẹ nói chuyện với con cái bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam luôn nằm sâu xa đâu đó trong tiềm thức nên khi tôi trở về, tình yêu đó đã được đánh thức. Đó là một trong những lý do tôi quyết định về đây sống.

Thực ra trước đây, tôi vẫn trở về đều đặn vào mỗi mùa hè, vì cậu Sơn (nhạc sỹ Trịnh Công Sơn) muốn như vậy. Cậu nói đó là một thông lệ hạnh phúc. Tôi được cậu cưng chiều lắm. Cậu dẫn tôi đi khắp mọi ngõ ngách Sài Gòn, những nơi có món ngon, những nơi có đồ đẹp, những nơi chốn cậu đã đi qua và đã ngồi cùng bạn bè, sáng tác. Cậu Sơn chính là người thầy dạy cho tôi nhiều nhất về nền văn hóa muôn màu và truyền cho tôi tình yêu mãnh liệt đối với đất nước này. Những ngày ngắn ngủi bên cậu đã nung nấu trong lòng tôi một cuộc trở về, để sống với đất nước mình.

Không chỉ vậy, trước đây, khi đi qua mỗi con phố, cửa tiệm ở Canada, nếu thấy có món đồ nào đẹp, tôi luôn nghĩ: Liệu đem về Sài Gòn, người Việt mình có cảm thấy nó đẹp không? Tôi muốn mang điều gì đó mới mẻ về với đất nước mình. Thế nên, khi bố mẹ quyết định trở lại Việt Nam sinh sống, tôi và em gái cũng về theo.

Những ngày đầu trở về, tôi tiếp tục công việc của một chuyên gia truyền hình. Sau đó, tôi và em gái cùng hai người thân nữa quyết định mở một mô hình kinh doanh mới mẻ hơn.

20140910_tib-hoang-lusine-04

Một góc của L’usine Đồng Khởi, tâm huyết của Tib Hoàng

 

BZ: Dường như trong câu chuyện của chị, những mốc ra đi và trở về đều có hình bóng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn?

TH: Mỗi bước đi trong đời mình, tôi luôn nghĩ đến cậu Sơn. Trong gia đình và dòng tộc, cậu Sơn không phải là một người nổi tiếng như ngoài công chúng, mà chỉ là một người thân ngập tràn tình yêu thương. Chính tình yêu thương cậu dành hết cho mọi người không mong đáp trả đã biến cậu thành một người số một trong gia đình.

Trong mắt gia đình, cậu là một người đàn ông tuyệt vời, có tài hoa, sống trước sau chu toàn, không si hận, hờn ghét. Người ta ác với cậu, cậu cũng không bận tâm trách móc. Ngay đến lúc này, tôi vẫn chưa tìm được người thứ hai như cậu. Tôi e có lẽ không bao giờ! Sống chỉ biết yêu thương, vị tha như cậu quả rất khó.

BZ: Mở được một boutique như L’usine, chắc chị không chỉ có một mình?

TH: Tôi gặp chồng mình tại Việt Nam. Tôi quyết định cùng anh ở lại đây để xây dựng sự nghiệp. L’usine chính là nơi tôi và mọi người trong gia đình dành tâm trí, công sức và tiền bạc để hiện thực hóa tình yêu đó. Quyết định xây dựng lại toàn bộ khu nhà thành boutique mang dáng dấp của một nhà máy cũ với phong cách retro quả là mạo hiểm. Sự đồng lòng đã giúp chúng tôi thành công.

Sự kiên nhẫn và nỗ lực tới tận cùng khả năng là cách tôi làm việc. Chúng tôi chỉ mong tạo cho mọi người một không gian khác: mỹ thuật hòa quyện với thời trang mà vẫn mang tính thư giãn. Mỗi sáng sớm, tôi rời nhà đến thẳng L’usine và ở đó đến tối khuya. Nơi này tựa như mái nhà thứ hai của tôi vậy. Chính vì thế, tôi có thể tỉ mẩn với từng góc nhỏ của nó hàng ngày mà không biết chán.

20140910_tib-hoang-lusine-03
20140910_tib-hoang-lusine-02

Trong L’usine bao giờ cũng có những mặt hàng handmade dễ thương, phản ánh cái nhìn lạc quan về cuộc sống của nữ doanh nhân.

 

BZ: Lúc nào cũng thấy chị làm việc. Cách giữ gìn năng lượng của chị thật hiếm có.

TH: Đơn giản vì tôi thích có nhiều đồ. Tôi làm việc nhiều và chơi cũng rất nhiều. Chơi đối với tôi đơn giản là đi du lịch. Tôi thích đi khắp nơi trên thế giới để quên đi những căng thẳng và tích cóp vốn liếng văn hóa. Tôi không ngại tìm tới từng ngôi nhà, cửa hàng để tìm những món đồ hay.

BZ: Nghe như nhân vật chính trong Ăn, Cầu nguyện, Yêu (Eat, Pray Love) của Elizabeth Gilbert ấy!

TH: (cười) Tôi không đẹp bằng nhân vật đó đâu. Tuy nhiên, Bazaar làm tôi nhớ tới một kỷ niệm với cậu Sơn. Có lần tôi hỏi: “Sao chưa bao giờ cậu khen cháu xinh đẹp cả?”. Cậu đáp lại tôi rằng :“Cái duyên của cháu đánh chết cái đẹp rồi”. Cậu nói thế nên tôi tin mình không đẹp nhưng có duyên. So với cô gái trong Ăn, Cầu nguyện, Yêu, tôi nghĩ mình đạt 100% phần phiêu lưu, đam mê khám phá ẩm thực và yêu thương.

 

20140910_tib-hoang-lusine-05

BZ: Tài năng, ham học hỏi, kinh doanh thành công, chị có nghĩ mình hoàn hảo?

TH: Với tôi, mẹ mới là người phụ nữ hoàn hảo. Tôi không được bằng một góc của bà đâu. Mẹ nấu ăn ngon, lo việc nhà giỏi, chăm chồng cũng tốt. Tôi chỉ tự tin mình là người phụ nữ hạnh phúc. Thấy gia đình vui vẻ, khỏe mạnh, khách hàng hài lòng, đi làm về được gặp em gái để trò chuyện là tôi mãn nguyện rồi. Tôi là người như vậy, chỉ hạnh phúc khi thấy người xung quanh hạnh phúc!

BZ: Cảm ơn chị Tib Hoàng rất nhiều.

Bài: Harry Nguyễn – Ảnh: Vinh VLK – Stylist: Minh Vân – Trang điểm: Việt Vũ

Xem thêm