Khi đụng đến thời trang, dường như Công nương Diana luôn biết chính xác mình đang làm gì. Từ chiếc đầm cưới trắng lộng lẫy trong ngày trọng đại đến chiếc đầm đen “báo thù” đình đám, mọi khoảnh khắc thời trang Công nương đều được tính toán và lên kế hoạch chặt chẽ mà không hề có chút sơ hở.
Công nương đã đi được khá xa trong thời gian khá ngắn, để biến mình từ nàng công chúa e ấp sang biểu tượng thời trang thế giới. Stylist của Diana, Anna Harvey, cho biết xuất phát điểm của bà là khái niệm an toàn trong thời trang. Đây cũng là nhận định được Kerry Taylor, người đứng đầu doanh nghiệp đã bán đấu giá 10 chiếc đầm đáng nhớ nhất của Công nương với giá 800.000 bảng Anh, hết sức đồng tình. Bà nói: “Ban đầu, thời trang Công nương Diana mang đậm chất công chúa. Trên trang phục có đính rất nhiều nơ và diềm xếp. Điều này biến bà thành hình tượng công chúa cổ tích của mọi bé gái”.
Tuy nhiên, giai đoạn “công chúa cổ tích” không kéo quá dài. Công nương Diana sớm nhận ra gu thời trang này không còn phù hợp nữa. Đó cũng là lúc bà bắt đầu chấp nhận mạo hiểm, tất nhiên, vẫn trong giới hạn của hoàng gia. Bà sử dụng trang phục để thể hiện bản thân. Và mỗi món phục trang bà chọn đều có tầm ảnh hưởng.
Những bộ đầm biết nói
Gây tranh cãi nhất, và cũng mang tính biểu tượng nhất là chiếc đầm Victor Edelstein mà bà mặc khi tình tứ khoác tay John Travolta trên sàn nhảy. Trong câu chuyện phiếm trước thềm đêm tiệc, Diana từng thổ lộ mong muốn gặp gỡ ông với phu nhân Nancy Reagan. Ngay sau đó, người ta thấy ông đường hoàng bước vào bữa tiệc, với lời mời từ Ronald Reagan. Điều mà, ngay cả chính ông cũng không hiểu vì sao.
Nửa buổi tiệc trôi qua, bà Nancy Reagan đề nghị ông mời Công nương nhảy. Đáp lại cái lắc đầu cự tuyệt của ông là lời gợi ý liên tiếp của Đệ nhất phu nhân. Cuối cùng, câu chuyện kết thúc với 30 phút nhảy không ngừng nghỉ giữa Diana và John Travolta.
Dưới ánh sáng rực rỡ của đèn chùm hoàng gia, bộ đầm nhung xanh óng lên tuyệt mỹ. Chiếc tà đuôi cá dập dìu, uyển chuyển theo từng bước nhảy của Diana. Chiếc đầm đã được chọn ngẫu nhiên, hay đó là sự sắp đặt trước? Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này, kể cả Hoàng tử Charles.
Xem thêm về những vị Công nương mặc đẹp nhất thế giới tại đây.
Tầm ảnh hưởng bên ngoài khuôn khổ
Công nương Diana có thể mất một thời gian để định vị phong cách. Nhưng một khi đã đủ tự tin, những gì bà mặc có thể ảnh hưởng ngược lại nhà thiết kế. Và phong cách ấy đã được sử dụng một cách khôn ngoan. Trong suốt 15 năm tại vị, bà chưa bao giờ bị xoay chuyển theo xu hướng hay các mốt nhất thời.
“Về khía cạnh thời trang, bộ váy Victor Edelstein chính là một bước ngoặt đối với Diana. Đến lúc đó, bà đã nhận ra những gì bà thật sự thích. Bà ấy luôn nghĩ về những gì bà sẽ mặc, và nghiên cứu nó kỹ lưỡng”, bà Anna cho biết.
“Tuy vậy, nó không liên quan lắm đến những gì được cho là thời trang đương đại”, Anna tiếp tục. “Toàn bộ những gì bà ấy thích là vòng cổ nhiều tầng và ngọc trai. Đó chính là bà ấy”. Bà ấy thật sự có ảnh hưởng đến sàn catwalk, nhưng không phải như cách mà mọi người khác làm.
Không ai có thể quên được hình ảnh yêu kiều của Công nương Diana trong chiếc đầm voan trễ vai. Xuất hiện ngay trong ngày Hoàng tử Charles công khai mối quan hệ với người thứ ba Camilla Parker Bowles, “chiếc đầm báo thù” trở thành cơn sốt chưa từng có trong lịch sử thời trang hoàng gia.
Chiếc đầm lụa kinh điển do nhà thiết kế Hy Lạp Christina Stambolian tạo nên dường như quá hấp dẫn. Trước đó, bà đã lên kế hoạch dùng trang phục của Valentino. “Chiếc đầm báo thù” bị bỏ qua một bên, cho đến khi bà thay đổi quyết định vào phút cuối. Vì nguyên nhân gì, có lẽ ai cũng hiểu.
Mỗi trang phục là một phép tính
Một trong những biểu tượng khác trong thời trang Công nương Diana chính là chiếc đầm nhung Catherine Walker màu đỏ rượu. Chiếc đầm được bà mặc đến lễ công chiếu Steel Magnolias năm 1990. Bà mặc lại lần nữa trong chuyến thăm Hàn Quốc năm 1992. Trước khi lựa chọn trang phục ấy, bà từng được gợi ý một chiếc đầm lụa màu ngà. Nhưng Công nương đã bỏ qua nó, vì cho rằng màu đỏ rượu linh động và dễ mặc hơn.
Hình ảnh bên dưới là chiếc đầm dạ hội đính sequin của Catherine Walker. Chiếc đầm được Công nương yêu thích đến nỗi mặc đi mặc lại nhiều lần. Lần đầu tiên là trong chuyến công du đến Áo năm 1989. Diana chọn mặc nó với chiếc vòng cổ kim cương và ngọc lục bảo, được chính Nữ hoàng tặng trong lễ cưới.
Catherine Walker là nhà thiết kế được Diana ưa chuộng nhất. Trong suốt quãng đời xuất hiện trước công chúng, Công nương đã mặc tổng cộng hơn 500 thiết kế của bà. Nhiều chiếc trong số đó đã trở thành huyền thoại. Chiếc đầm đen buộc dây cổ được Diana mặc đến buổi chụp hình cho Vanity Fair này là một ví dụ.
Điều thú vị nhất trong cuộc cách mạng thời trang Công nương Diana chính là nó tương thích với cuộc hành trình của bà trong hoàng gia. Từ những ngày đầu dậy sóng trong đám cưới, cho đến sự tự tin tiền ly hôn, những thăng trầm của cuộc đời bà đều có thể được dõi theo thông qua sự lựa chọn trang phục.
Thời trang Công nương Diana: Những gì để lại
Sau 15 năm tại vị, những gì Diana để lại còn nhiều hơn cả một phong vị Công nương. Như Kerry đã nói, “ảnh hưởng của bà ấy có nghĩa là hoàng gia không nhất thiết lúc nào cũng phải ứng nhắc. Bạn không phải mặc các màu pastel, mang túi xách lớn hay đội nón. Bạn có thể yêu thời trang và trở nên sành điệu.” Và Công nương Diana đích thực là người đã mang lại bầu sinh khí ấy. Qua những bộ trang phục biểu tượng mang đậm tính thời trang lẫn lịch sử.
Harper’s Bazaar Việt Nam