Trần Minh Nhựt kể lại hành trình mang tranh cổ triều Nguyễn đến độc giả Việt

Sau 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế “Grande tenue de la Cour d’Annam” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, cũng được hậu thế biết đến qua cuốn sách “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” của tác giả Trần Minh Nhựt

Sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt

Đầu tháng 3/2023, Nhà xuất bản Dân Trí và Omega Plus ra mắt cuốn sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt. Cuốn sách gây chú ý với giới thời trang và nghệ thuật khi hé lộ những hình ảnh chi tiết của trang phục vua chúa, phi tần, quan lại triều Nguyễn nằm trong bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch: Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902, dưới triều vua Thành Thái.

Trần Minh Nhựt, nhà nghiên cứu trẻ đam mê nghệ thuật thời kỳ An Nam

Tác giả Trần Minh Nhựt

Trần Minh Nhựt tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Anh là Á khoa Fashion Creation 2014 của Trường Đại học Hoa Sen với chương trình liên kết Trường Mod’Art International Paris. Hiện tại, Minh Nhựt là giảng viên ngành Thiết kế Thời trang, trường Đại học Hoa Sen.

Làm việc trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật nên lần đầu tiên nhìn thấy trang phục triều Nguyễn ở Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, Minh Nhựt đã bị lôi cuốn. Anh muốn thực hiện một đề tài nghiên cứu về triều phục nhà Nguyễn.

Khi chưa biết bắt đầu từ đâu thì năm 2017, Minh Nhựt tình cờ thấy bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam in trong cuốn sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (18021945) của Trần Đình Sơn.

“Lúc vừa nhìn thấy tranh của Nguyễn Văn Nhân, tôi đã rất cảm mến tài năng hội họa của ông. Nghệ thuật vẽ tranh truyền thần của ông quá sắc sảo, từng chi tiết được chăm chút tỉ mỉ. Vì thế tôi, quyết định nghiên cứu bộ tranh này theo hướng nghệ thuật minh họa trang phục”, Trần Minh Nhựt cho hay.

Sáu năm để nghiên cứu và truy tìm bản gốc

Khi bắt tay vào nghiên cứu, Minh Nhựt mới biết rằng bộ tranh đang trong tình trạng lưu lạc ở nước ngoài và cũng có rất nhiều tranh cãi về tính chân thực của nó. Để hoàn thiện cuốn sách này, Trần Minh Nhựt được ví như một “thám tử điều tra”. Anh mất tới sáu năm để vừa nghiên cứu vừa truy tìm bản gốc của bộ tranh.

“Khoảng đầu năm 2021, tôi vỡ òa hạnh phúc khi National Gallery Singapore (NGS) xác nhận rằng bộ tranh gốc đang nằm trong bộ sưu tập của họ. Đây cũng chính là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nên tôi không thể đến Singapore để tiếp cận bộ tranh gốc. Nhưng thật may mắn, tôi được trao đổi trực tiếp với bộ phận Phát triển Bộ sưu tập của NGS thông qua email. Quá trình đàm phán luôn làm tôi hồi hộp lo lắng. Bởi có những email tôi phải đợi gần hai tháng mới được phản hồi.

Phép màu đã đến vào tháng 9 năm 2021, khi NGS đồng ý lời đề nghị hợp tác của tôi và hào phóng chia sẻ hình chụp kỹ thuật số sắc nét bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam cho mục đích nghiên cứu mỹ thuật tại Việt Nam”, Trần Minh Nhựt tiết lộ.

Anh cho biết thêm: “Trong sáu năm thực hiện cuốn sách, có ba năm tôi nghiên cứu bộ tranh in trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Sau khi tìm được bản gốc ở NGS, tôi mất thêm hai năm để viết lại và bổ sung thêm những khám phá mới. Gần một năm sau đó, tôi làm việc với đơn vị xuất bản Omega Plus để cho ra đời những trang sách chỉn chu nhất”.

>>> XEM CHI TIẾT QUYỂN SÁCH NGHỆ THUẬT MINH HỌA ÁO MŨ THỜI NGUYỄN ĐẦU THẾ KỶ XX

Trần Minh Nhựt viết sách không vì mục đích thương mại

Dù dành rất nhiều tâm huyết và công sức cho cuốn sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, nhưng Trần Minh Nhựt cho biết anh không viết sách vì mục đích thương mại.

“Ngay từ đầu, khi xuất bản cuốn sách này, tôi đã xác định sẽ không vì mục đích lợi nhuận. Mục đích chính của tôi là tôn vinh tài năng của một họa sĩ An Nam đã bị lịch sử bỏ quên. Vì thời đó, những người làm công việc nghệ thuật chỉ được gọi là “nghệ nhân”. Tôi muốn trả lại vị trí công bằng hơn cho nghệ thuật minh họa trong bức tranh chung của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ở giai đoạn mà người ta chỉ xem nó nhỏ như bàn tay.

Kế tiếp, tôi muốn giới thiệu nơi lưu giữ bộ tranh gốc đến dân tộc mình, để nếu có ai quan tâm thì sẽ đến tận nơi để chiêm ngưỡng. Và cuối cùng tôi muốn bổ sung thêm vào kho tài liệu tham khảo trong lĩnh vực đào tạo nhóm ngành thiết kế, văn hóa, mỹ thuật.” Trần Minh Nhựt khẳng định.

Hành trình lưu lạc của bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam

• Tháng 4–2011

TS. Trần Đức Anh Sơn nhận được một e-mail từ TS. Pierre Baptiste, quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Quốc gia Guimet về Nghệ thuật châu Á ở Paris, Pháp. Ông báo tin Eric Chaim Kline Bookseller ở Santa Monica, California, Mỹ, đang rao bán bộ tranh vẽ minh họa Lễ phục của vua quan và binh lính nhà Nguyễn mặc trong lễ tế Nam Giao. Bộ tranh được bán với mức giá 35.000 đô-la Mỹ, tương đương hơn 722 triệu đồng (tính theo tỷ giá đô-la Mỹ năm 2011). Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã không kịp đặt mua các họa phẩm ấy. Được biết, bộ tranh đã được bán cho một người ẩn danh tại Hội chợ sách New York cuối tháng 4–2011. Sau đó, bộ tranh được bán lại cho một người khác.

• Ngày 3–10–2011

Bộ tranh trên được lên sàn đấu giá tại Sotheby’s, và bán thành công với giá 680.000 đô-la Hồng Kông, tương đương gần 2 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá bán tại Eric Chaim Kline Bookseller.

• Năm 2012

Một thời gian ngắn sau đó, khoảng năm 2012, bộ tranh xuất hiện và được giới thiệu công khai tại National Gallery Singapore – Phòng Trưng bày Quốc gia Singapore.

(Trích lược từ chương 1 của tác phẩm).

QR code đặt mua sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Nhập mã MINHHOA60 để được giảm giá 35%.

Hạn sử dụng đến tháng 10–2023.

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm