Trong một buổi chiều mùa hè, xuôi theo con đường từ Montauk đến Manhattan, nơi có những biệt thự bên biển của các tỷ phú, tôi đến thăm nhà thiết kế Ralph Lauren lừng danh.
Người tạo nên giấc mơ Mỹ
Những ai là fan hâm mộ của nhà văn F Scott Fitzgerald chắc đều từng tự hỏi dinh thự của nhân vật Gatsby vĩ đại, nơi có những ngọn tháp kiểu Normandy và thư viện Gothic của Pháp, là ở đâu. Có một sự trùng hợp thú vị ở đây, Ralph Lauren chính là nhà thiết kế trang phục cho diễn viên Robert Redford khi đóng phim The Great Gatsby vào năm 1974.
Tương tự hình ảnh nhân vật Jay Gatsby (đổi tên từ James Gatz) của Fitzgerald, xuất thân từ một gia đình nghèo nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nhà thiết kế Ralph Lauren, cũng đổi tên mình từ Ralph Lifshitz, là con trai út một gia đình Do Thái ở Đông Âu nhập cư vào New York.
Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey đã nói về Ralph Lauren: “Ngoài thời trang, Ralph Lauren còn bán nhiều hơn nữa. Ông ấy bán cả một cuộc đời mà bạn muốn hướng tới. Sở hữu một món đồ của Ralph Lauren giống như bạn sở hữu một hương vị của giấc mơ Mỹ. Quan trọng hơn hết, Ralph mang lại cho người Mỹ một câu chuyện về cuộc đời và phong cách sống”.
Đại gia đình Ralph Lauren
Tôi đang đứng trước ngôi nhà ven biển được xây theo kiểu kiến trúc Frank Lloyd Wright thật đẹp của Ralph Lauren ở Montauk. Cuối tuần này, cả đại gia đình Ralph đến cư ngụ ở đây, gồm có: Ralph và vợ, Ricky; con gái Dylan (chủ nhân của chuỗi cửa hàng bánh kẹo The Dylan’s Candy Bar ở New York, East Hampton, Miami and LA); con thứ David (phó giám đốc toàn cầu về quảng cáo, tiếp thị và truyền thông của Ralph Lauren) cùng vợ là Lauren, cháu gái cựu tổng thống George W. Bush; con trai cả của họ, Andrew, là nhà sản xuất phim.
Ralph Lauren xuất hiện và mỉm cười thân thiện. Trông ông có vẻ ngoài đúng như hình dung của tôi: tóc bạc trắng, da nâu, gọn gàng trong trang phục mang thương hiệu do ông thiết kế là áo polo đen và quần shorts cùng chiếc đồng hồ kiểu safari. Ralph có giọng nói nhẹ nhàng giống như tính cách dịu dàng của ông ấy. Song hành với sự giàu có và nổi tiếng của mình nhưng Ralph Lauren vẫn không thay đổi, lúc nào cũng có trách nhiệm với người khác.
Điều này khiến tôi một lần nữa liên tưởng đến nhân vật Gatsby: “Nếu nhân cách của một người không thay đổi sau hàng loạt chuỗi thành công liên tiếp thì chắc chắn, ẩn đằng sau nhân cách ấy có một điều gì đó rất vĩ đại”.
Tấm lòng nhân ái
Chúng tôi trò chuyện về dự án từ thiện mới nhất của Ralph Lauren. Đây là một chương trình nằm trong chuỗi hoạt động quyên góp to lớn và kéo dài của Ralph. Trong số đó, có trung tâm chữa bệnh ung thư vú ở Harlem do Ralph sáng lập hay dự án đóng góp 10 triệu đô-la Mỹ để phục chế lá cờ gốc Star-Spangled Banner ở Washington.
Cam kết mới nhất của Ralph là trang trí lại và hiện đại hóa trường Mỹ thuật Quốc gia ở Paris, Pháp. Dù có nhiều đóng góp nhưng ít khi Ralph nói về những việc mình đã làm hay giải thưởng nhận được (Ralph nhận giải thưởng danh dự Chevalier de la Légion d’Honneur vào năm 2010).
Khi nói về Paris, nơi ông phục chế khu nhà thuộc thế kỷ XVII ở đại lộ Saint-Germain và bây giờ là cửa hàng flagship của thương hiệu Ralph Lauren ở châu Âu, giọng ông rất trìu mến: “Tôi luôn yêu mến vẻ đẹp của Paris và tôi nghĩ tôi là nhà thiết kế Mỹ đầu tiên ở châu Âu. Song, câu chuyện lãng mạn có thực của tôi bắt đầu khi tôi mở cửa hiệu ở Tả ngạn Paris. Tôi thực sự thích nơi đó dù có rất nhiều việc phải làm. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã trả lại cho ngôi nhà còn lộn xộn đó vẻ đẹp vốn có”.
Người kể chuyện vĩ đại
Có thể nói, Ralph là một “great story teller”. Suốt buổi gặp gỡ, tôi bị thu hút vì những câu chuyện ông kể. Trong đó có câu chuyện về người cha. “Ông ấy rất lãng mạn, thường chơi đàn piano, violon và mandolin bằng tai. Ông ấy vẽ những bức tranh trên tường, trang trí cho nhà thờ và giáo đường Do Thái, trang trí trần nhà. Khi tôi lên bốn, cha cũng thường dắt tôi đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York để xem tranh…”.
Nói về nguồn cảm hứng cho các thiết kế của mình, Ralph Lauren chia sẻ: “Ngay từ bé, tôi đã thích điện ảnh Hollywood. Tôi hâm mộ diễn viên Rita Hayworth, John Travolta… Cho tới giờ, tôi vẫn còn bị mê hoặc bởi những người da đỏ và cao bồi, xứ Scotland cùng những chiếc yên ngựa cũ kỹ, chất liệu vải tuýt và những đôi ủng, găng tay bằng da. À, và cả những chiếc xe mô-tô nữa chứ! Đó là những thứ thật sự khiến tôi xúc động. Để tôi cho bạn thấy những gì tôi thấy. Tôi sẽ khiến bạn phải yêu nó. Hãy để tôi kể chuyện cho bạn nghe…”.
Bài: Justine Picardie – Ảnh: Tom Allen, Getty Images, Tư liệu – Chuyển ngữ: Anh Đỗ
Harper’s Bazaar Việt Nam