Pierre Cardin vừa là một nhà thiết kế thời trang tài ba, vừa là một doanh nhân thức thời. Ông không chỉ thiết kế trang phục cho tầng lớp thượng lưu. Mà còn rất nhanh nhạy tìm ra cơ hội mở rộng thị trường khi áp dụng thương hiệu của mình lên các mặt hàng bình dân. Vào hôm 29/12/2020, ông qua đời tại Neuilly-sur-Seine, ngoại ô Paris, hưởng thọ 98 tuổi.
Pierre Cardin là ai?
Sinh năm 1922 ở San Biagio di Callalta, một thị trấn nhỏ ở miền Đông Bắc Ý, ông vốn có tên là Pietro. Nhưng sau đó cả gia đình Cardin rời đến Pháp, khi trốn chạy phát xít Mussolini. Và cậu bé được đổi tên thành Pierre.
Pierre Cardin đến với thời trang rất ngẫu nhiên. Ban đầu, chàng trai trở thành người mẫu, diễn viên hay vũ công. Năm 17 tuổi, cậu bắt đầu đi làm cho một nhà may ở vùng Vichy để kiếm tiền lên thành phố lớn theo đuổi giấc mộng.
Khi chuyển đến Paris năm 1956, chàng trai trẻ làm ở phòng thiết kế phục trang cho bộ phim Người đẹp và Quái vật của Jean Cocteau. Năm 1946, cậu trở thành nhân viên may đo cho Christian Dior, khi nhà thiết kế ra mắt thương hiệu couture riêng ở Paris.
Bốn năm sau đó, khi mới 28 tuổi, Pierre Cardin đã gầy dựng nên thương hiệu riêng. Thoạt nhiên, thương hiệu chỉ thiết kế phục trang biểu diễn, sân khấu, phim ảnh. Đến năm 1953 thì chính thức bước vào địa hạt thời trang cao cấp (haute couture).
Cha đẻ của khái niệm phát triển thương hiệu
Khởi đầu, Pierre Cardin cũng là một nhà thiết kế thời trang “đúng chuẩn” Pháp. Ông từng cung cấp trang phục may đo cho các nghệ sỹ, doanh nhân, giới thượng nghị sỹ. Những cái tên ăn vận trang phục của ông gồm ban nhạc The Beatles, Elizabeth Taylor, Barbra Streisand, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy…
Nhưng, chỉ thiết kế thời trang thôi thì không đủ. Đây là điều Pierre Cardin từng thổ lộ trong một bài phỏng vấn cùng nhà báo Eugenia Sheppard. Và ông luôn mong muốn bành trướng ra ngoài vòng tròn nho nhỏ của giới haute couture.
Với lối tư duy mới mẻ này, Pierre Cardin từng bị xem là kẻ ngoại đạo. Trong khi cả thế giới haute couture tìm cách co cụm về mặt hàng đắt đỏ, bảo vệ giá trị thương hiệu của mình. Ông lại bành trướng bằng cách tấn công thị phần thời trang may sẵn giá mềm.
Năm 1959, Pierre Cardin bắt tay với trung tâm Printemps để tung ra dòng ready-to-wear đầu tay. Ông là nhà thiết kế haute couture đầu tiên bày bán mặt hàng giá mềm cho công chúng.
BẠN CÓ BIẾT?Vì thiết kế mặt hàng ready-to-wear mà Pierre Cardin bị Hiệp hội thời trang cao cấp Chambre Syndicale của Paris khai trừ! Vì để trở thành một couturier của hiệp hội, các bộ sưu tập của nhà thiết kế bắt buộc phải trình diễn ở salon mà hiệp hội đề ra. Phong tác làm ăn của Pierre Cardin như một cú đấm trời giáng vào quy định của họ. Vài năm sau, các nhà thiết kế haute couture khác nhận ra khả năng mở rộng kinh doanh khi đến với dòng ready-to-wear. Họ đề nghị hiệp hội cho phép mình thiết kế mặt hàng giá mềm hơn này. Và lúc ấy thì hiệp hội mới mời Pierre Cardin quay trở lại. |
Pierre Cardin hướng ra toàn cầu
Ông cũng là một trong những nhà thiết kế đầu tiên mở cửa hàng tại các quốc gia khác. Nhật, Trung Quốc, Nga… cái tên Pierre Cardin trở nên lẫy lừng toàn cầu.
Chưa kể, ông còn bán bản quyền thương hiệu cho hàng loạt ngành hàng khác, từ xe hơi đến nước hoa. Ông nhận ra rằng, một thương hiệu mang sức mạnh toàn cầu có thể bán đủ thứ mặt hàng chẳng liên quan gì đến nhau.
“Cho dù tôi đang thiết kế tay áo hay chân bàn, đều như nhau cả thôi”
– Pierre Cardin –
Lúc ấy, điều này khiến nhiều người khó tin. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, các công ty khác đều mau chóng học theo. Bulgari có khách sạn. Gucci có mắt kính. Armani có socola. Coach có nước hoa. Họ đều học theo bộ óc kinh doanh của Pierre Cardin.
Người đàn ông giúp thay đổi ngành may mặc Việt
Pierre Cardin cũng là một trong những thương hiệu toàn cầu đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Năm 1997, Pierre Cardin đến Việt Nam thông qua công ty An Phước. Công ty này được nhượng quyền sản xuất chính thức các sản phẩm như áo sơ-mi, quần tây, cà vạt… nói chung là nhóm hàng thời trang công sở của Pierre Cardin.
Việc bắt tay với Pierre Cardin đã giúp An Phước phát triển vượt bậc. Thương vụ này mang nhiều khái niệm kinh doanh đặc thù cho ngành dệt may Việt. Từ việc cách phát triển rập, theo kích cỡ quần áo chuẩn… cho đến việc phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Quan trọng nhất là học quy trình giám sát, quản lý khâu sản xuất, đề ra tiêu chí kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Từ đó, các doanh nghiệp dệt may Việt bắt đầu hoạt động có bài bản hơn. Đồng thời giúp Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu trong ngành gia công và xuất khẩu thời trang may mặc sẵn.
Theo những nhà sử học thời trang ghi nhận, đặc điểm dễ nhận thấy ở các thiết kế của Pierre Cardin là luôn đi trước thời đại. Luôn tích hợp công nghệ kỹ thuật mới. Luôn thúc đẩy bản thân và những người xung quanh tìm tòi cách phát triển mới.
Ông từng nói, “Tôi thiết kế cho ngày mai. Tôi không bao giờ nhìn về quá khứ”. Những viễn tưởng thời trang của Pierre Cardin sẽ vẫn tiếp tục được các thương hiệu ngày nay học theo.
Đi vào lịch sử: chiếc váy Bubble Dress của Pierre CardinChiếc đầm Bubble Dress của Pierre Cardin Trong sự nghiệp trải dài 3/4 thế kỷ, với vô số ngành nghề (từ thời trang qua nhà hàng khách sạn, thậm chí là bất động sản), Pierre Cardin được nhớ đến ở khía cạnh một doanh nhân nhiều hơn là một nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, có một mẫu thiết kế của ông vẫn lẫy lừng sau nhiều thập kỷ: Đó chính là Bubble Dress (chiếc đầm bong bóng) ra đời năm 1954. Chiếc đầm này có phom dáng thoải mái. Phần eo được siết lại, hơi giống phom dáng New Look của Christian Dior. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là gấu váy được túm lại, khiến phần tùng váy trông như một chiếc bong bóng. Kiểu dáng thoải mái lại vô cùng tôn dáng, nên ngay lập tức gây sức hút mãnh liệt với khách hàng. |