Khi có dịp ngồi im để ngắm Thoa, chẳng hạn trong một quán rượu vắng người, thấy nàng thật là… xưa, đẹp như một mỹ nhân thập niên 60, ngồi nghịch ngón tay vòng quanh miệng ly rượu nhìn không phớt đời mà giống cô công chúa trong phim Frozen, chạm tay vào cái gì là đóng băng cái đó… Thoa đúng kiểu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, cẩn thận từng cái đưa tay, vuốt tóc hay cầm đũa có phần điệu đà đài các. Nhưng đó chính là một phần cuộc đời và công việc mà cô đã phải rèn giũa: luôn phải xuất hiện rạng ngời, tươi tỉnh, vì cô là tổng giám đốc của một công ty quan hệ công chúng.
Công chúa
Người đầu tiên gọi Kim Thoa bằng biệt danh công chúa là anh Guy Trumpete, giám đốc một công ty chuyên tổ chức các chuyến tham quan học tập cho sinh viên MBA của các trường đại học Mỹ đi vòng quanh thế giới. Anh kể: “Lần đó đến Việt Nam, không may là những diễn giả chúng tôi thường mời như bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Phạm Chi Lan… đều không sắp xếp được. Qua nhiều lời giới thiệu, chúng tôi mời Kim Thoa đến trao đổi về văn hóa Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên là cách làm việc chuyên nghiệp, chu đáo và cẩn trọng của cô gái trẻ này: trao đổi rất kỹ qua email và điện thoại, sau đó còn đề nghị một cuộc gặp ngắn khi chúng tôi vừa xuống máy bay để chuẩn bị cho buổi trình bày. Tôi còn nhớ, hôm ấy, cô mặc áo dài lụa rất truyền thống, nhưng mái tóc thấp thoáng màu nâu đỏ hiện đại. Cô nói một thứ tiếng Anh rất chuẩn, trò chuyện thân tình, pha trò duyên dáng nhưng nội dung thì sâu sắc, vừa đủ để tự hào về văn hóa Việt Nam nhưng cũng có phần rụt rè khiêm tốn
Sau này tôi mới biết đó là một thứ kỹ năng hoàn hảo của một người chuyên về thương hiệu và tiếp thị, dùng sự rụt rè đó để mở cánh cửa cho mọi thành viên trong đoàn tha hồ mà hỏi han, trao đổi. Lần đó, có tới bốn thành viên trong đoàn ghi trong phiếu đánh giá: cô nàng đúng là công chúa! Dĩ nhiên, những lần sau đưa các nghiên cứu sinh khác đến Việt Nam, chúng tôi đều đề nghị công chúa này đến trao đổi, vì cũng ít người mà chúng tôi biết được, có cái nhìn cụ thể về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ở Việt Nam như cô gái trẻ này”.
Lần thứ hai, gặp Kim Thoa chung với nhà văn trẻ Anh Khang. Chàng tác giả Buồn làm sao buông giải thích: “Đây là bà chị trẻ mãi không già, và tâm hồn thì lúc nào cũng mơ màng như một cô công chúa trong cổ tích: thích những gì lãng mạn, thích hát nghêu ngao và giờ này vẫn còn mơ mộng những chàng hoàng tử đẹp trai trên sân cỏ, trên màn ảnh để có chút thời gian là ngồi xem bóng đá rồi viết bài bình luận, đi xem phim để viết bài điểm phim…”.
Tướng quân
Nguyễn Anh Tuấn, giờ đã là một chuyên gia truyền thông kỳ cựu, cười to khi hỏi đến Kim Thoa: “Ồ, sếp cũ của tôi. Tụi tôi gọi là chị cả, có đứa còn gọi là mẹ nuôi. Vì công ty mang tiếng là đa quốc gia, là toàn vùng Đông Dương (5 nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar & Việt Nam), nhưng cũng phải tự bươn chải tìm khách hàng như mọi người. Mà công việc đi kiếm cơm, đa phần phải do sếp Thoa tự thân đi đàm phán”.
Thoa cày giỏi tới cỡ nào? Nhớ lại vài dự án có dịp làm chung, phát hiện ra một sự thật đáng sợ về sức làm việc của nàng. Nửa đêm về sáng gởi email trao đổi, năm phút sau là thấy cô trả lời. Họp để tranh luận về một hạng mục sân khấu, Thoa dịu dàng nhưng lại góp ý kiến một cách vô cùng cương quyết và có phần hung dữ. Cô có khả năng bọc đường phèn cho tất cả những ý kiến riêng, trái chiều của mình. Cô bảo vệ quan điểm cá nhân của mình không phải bằng giọng nói lấn át người khác, mà bằng tiếng cười giòn tan nhưng có uy của một người từng trải. Thế nhưng khi có ai khen thì Thoa cười: “Trời ơi mọi người làm hết trơn đó chứ, Thoa chỉ phụ thôi. Còn mấy thứ mà mọi người tưởng Thoa tham công tiếc việc, thì thiệt ra là mình đích thân làm cho khách hàng thấy yên tâm, thấy mình tận tụy thôi hà…”.
Anh bạn phóng viên ảnh đi chung thì thầm: “Đừng tin, cô nàng này có sức chiến đấu dã man lắm”. Một lần góp mặt trên Bazaar trong tiết mục “có gì trong túi xách”, Thoa cho biết thường mang theo cái máy tính nhỏ nhưng siêu mạnh để lúc nào cũng có thể xử lý công việc, một mớ bánh kẹo để chống đói vì thường xuyên làm việc quá giờ. Cô cũng tự nhận là chẳng bao giờ “biến mất” hoàn toàn, vì công việc luôn đòi hỏi sự quan tâm của mình gần như là 24/7. Công việc mà cô gọi là “vệ sỹ thương hiệu” thường đòi hỏi sự sáng tạo để cùng với khách hàng tạo nên sức mạnh thương hiệu, hoặc nỗ lực vượt qua sóng gió khủng hoảng truyền thông, đối phó với những bất trắc không lường được của chuyện kinh doanh.
Và phụ nữ
Ngày quốc tế phụ nữ năm nay, Kim Thoa lên máy bay đi công tác. Có lẽ như mọi lần, cô lại đi một mình, kéo theo cái va-li đựng rất nhiều bộ quần áo xinh đẹp cho đủ mọi mục đích, tính chất công việc khác nhau cùng với những dữ liệu hồ sơ, giấy tờ mà cô cần để “chiến đấu”. Thoa chẳng bao giờ có dáng đi lầm lũi buồn phiền, vì lúc nào cô cũng tươi cười, tay bắt mặt mừng với đủ mọi người quen. Nhưng không biết cô gái phi thường này có chút nào tủi thân hay không, khi mà suốt ngày cứ bị công việc, các mối quan hệ bủa vây, đến mức cô thỉnh thoảng còn đem nỗi buồn của mình lên Facebook mà tự giễu: “Tết năm nay ba mình chúc: Năm ngoái thì Mã đáo thành công, năm nay Mùi đáo thành… hôn nghen con! Chắc là ba cũng sốt ruột quá rồi…”.
Thoa có một đôi mắt biết nói, biết cười và biết buồn. Đột ngột hỏi: “Khi nào thì Thoa khóc?”, cô nàng cười lớn và bảo: “Mới khóc tối hôm qua, khi xem một bộ phim. Đúng là sống càng lâu, tôi thấy mình càng cứng cỏi trước nỗi sợ. Và ngược lại, càng dễ xúc động với những gì chạm đến trái tim”. Hỏi tiếp: “Lúc đó tình hình ra sao?” – “Bao giờ khóc thì tôi cũng… rơi lệ, rồi sau đó luôn nhớ đi lấy nước đá chườm cho mắt mình không bị sưng…”.
Chia sẻ:
+ TRÂN TRỌNG NHỮNG GIÁ TRỊ SỐNG:
Bazaar (BZ): Nghề của chị có phải là “đẩy” cho mọi sự tốt đẹp hơn nó vốn có?
Kim Thoa (KT): Tôi tôn trọng sự thật, quan niệm làm PR là “nói sự thật một cách tốt đẹp nhất”. Sự thật thì chỉ có một, nhưng các kênh và cách thức truyền tải sự thật ấy thì rất nhiều.
BZ: Cách chị đối diện với những sự cố trong truyền thông?
KT: Đối diện với những việc căng thẳng, tôi chọn cách điềm tĩnh… đi xuyên qua nó. Tôi thà bắt tay vào giải quyết minh bạch, rốt ráo còn hơn để nó canh cánh bên lòng.
BZ: Quan niệm của chị về sự quyến rũ? Đâu là cách chị thu hút khách hàng và nhân tài cho công ty mình?
KT: Tôi đặc biệt thích câu danh ngôn “Đường cong quyến rũ nhất trên cơ thể người phụ nữ chính là nụ cười của cô ấy” (Bob Marley), nên nghĩ nụ cười là yếu tố chính cấu thành nét duyên của phụ nữ. Tôi nghĩ mối quan hệ trong tình yêu và hôn nhân, mối quan hệ giữa công ty và khách hàng, giữa công ty và nhân viên, giữa thương hiệu và người tiêu dùng đều dựa trên quá trình vun đắp, “quyến rũ nhau suốt đời”.
+ Tôi đặc biệt thích thể loại phim hành động, trinh thám và triết lý. Xem The Pursuit of Happyness, tôi thú vị với định nghĩa về “Hạnh phúc” khi Chris giải thích với con trai rằng người ta không đánh vần chữ Happyness với chữ “Y” mà với chữ “I”. Trong hạnh phúc, nhân tố quyết định phải là “I” – là “TÔI” chứ không phải là “Y” – “YOU”, một người nào khác .
+ Tôi làm “dày” thời gian bằng cách sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc và với mỗi việc mình làm.
Bài: Kiên Chinh. Ảnh: Lê Thiện Viễn