Con đường hồi phục danh tiếng của NTK thiên tài John Galliano

NTK John Galliano đã trải qua những thăng trầm trong cuộc đời như thế nào để một lần nữa phục hồi danh tiếng và thành công?

John Galliano

Bộ phim tài liệu “High & Low: John Galliano” ra mắt vào 8/3 này sẽ kể lại những nốt thăng trầm trong sự nghiệp của ông. Ảnh: Jacques Brinon

John Galliano, tên đầy đủ là Juan Carlos Antonio Galliano-Guillén, đã khắc sâu tên tuổi mình vào lịch sử thời trang với những đóng góp không thể phủ nhận. Ông hiện đang là một trong những nhà thiết kế danh tiếng nhất, nhờ vào sự thành công rực rỡ của các bộ sưu tập gần đây cho Maison Margiela.

Vào ngày 8/3, khán giả sẽ được chứng kiến sự ra mắt của bộ phim tài liệu High & Low: John Galliano, một tác phẩm đi sâu vào những thăng trầm của ông trong ngành công nghiệp thời trang. Bazaar, nhân dịp này, mời quý độc giả cùng điểm qua lại hành trình đầy cảm hứng của nhà thiết kế tài hoa này.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của thiên tài John Galliano

John Galliano

Ảnh: DSF

John Galliano, người từng được gọi là “đứa trẻ hư” (enfant terrible) của ngành công nghiệp thời trang, đã bắt đầu sự nghiệp của mình với bộ sưu tập đầu tay lấy cảm hứng từ Cách mạng Pháp khi còn là sinh viên tại trường Central Saint Martins ở London. Bộ sưu tập Les Incroyables đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của phong trào thời trang giải cấu trúc (deconstructed fashion) và thu hút sự chú ý rộng rãi.

>>> THAM KHẢO: DECONSTRUCTION FASHION: THỜI TRANG GIẢI CẤU TRÚC NGỖ NGHỊCH

Sau khi ra trường, thay vì học việc ở các nhà mốt đã thành danh, Galliano đã quyết định mạo hiểm với việc thành lập thương hiệu riêng. Ông đã tạo ra những thiết kế vừa tiên tiến vừa mang tính lịch sử, nhanh chóng chiếm được lòng yêu mến của giới thời trang thượng lưu Anh.

Dù được giới phê bình ca ngợi, thương hiệu của John Galliano lại thiếu sự hỗ trợ tài chính và các thiết kế của ông, mặc dù đầy tính sáng tạo, lại không thực sự phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày.

Đối mặt với nguy cơ phá sản, sự can thiệp kịp thời của hai biên tập viên từ tạp chí Vogue Anna Wintour và Andre Leon Talley đã giúp thay đổi vận mệnh của thương hiệu. Họ đã đàm phán để tài trợ cho Galliano mở rộng thương hiệu tại Paris.

Givenchy Couture Fall 1996

John Galliano thiết kế bộ sưu tập Givenchy Haute Couture Thu 1996. Ảnh: X/Twitter @heslunars

Sự nghiệp của John Galliano tại kinh đô ánh sáng đã nhận được sự chú ý từ Bernard Arnault, CEO kiêm chủ tịch của LVMH. Doanh nhân đã mời John Galliano gia nhập ban giám đốc sáng tạo tại Givenchy. Dù chỉ ngắn ngủi, thời gian của ông tại Givenchy đã để lại dấu ấn mạnh mẽ. Bộ sưu tập haute couture năm 1996, được trình diễn tại Stade de France, đã gây ấn tượng với sự kết hợp giữa phong cách của những kỹ nữ thế kỷ 18 và các ca sĩ cabaret từ những năm 1920.

>>> XEM THÊM: BERNARD ARNAULT: BỘ NÃO ĐẰNG SAU CHIẾN LƯỢC CAO TAY CỦA LVMH
John Galliano

John Galliano thiết kế bộ sưu tập Christian Dior Couture Xuân 1998. Ảnh: Dior

Từ Givenchy chuyển sang Dior trong cùng năm, John Galliano đã đối mặt với sự hoài nghi từ các nhà thiết kế danh tiếng. Nhưng với phong cách táo bạo, ông đã mang lại sự thay đổi mà Dior cần, tăng gấp ba doanh thu cho nhà mốt này.

Tuy nhiên, áp lực từ việc sản xuất đến sáu bộ sưu tập mỗi năm tại Dior đã trở thành gánh nặng cho John Galliano. Trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng, ông đã tìm đến rượu và ma túy, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự nghiệp.

Sự sa ngã của John Galliano đạt đến đỉnh điểm vào năm 2010, khi những lời lẽ say xỉn và phát ngôn chống người Do Thái của ông tại một quán bar đã được ghi lại. Ông liền bị bắt giữ và phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng tại Pháp, cuối cùng dẫn đến việc ông bị sa thải khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của Dior và từ thương hiệu của chính mình.

John Galliano

John Galliano thiết kế đầm cưới cho Kate Moss. Ảnh: Pinterest

Sự nghiệp, uy tín và địa vị của Galliano đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau quãng thời gian điều trị cai nghiện, ông đã rút lui khỏi ngành và ở ẩn trong suốt ba năm sau đó, chỉ xuất hiện một lần để thiết kế váy cưới cho Kate Moss vào năm 2011. Đối với nhiều người, đây dường như là hồi kết cho sự nghiệp của John Galliano.

Sự trở lại chậm nhưng chắc của John Galliano

Nicole Kidman diện đầm trong bộ sưu tập Oscar de la Renta Thu Đông 2013. Ảnh: X/Twitter @1stDibs

Anna Wintour một lần nữa ủng hộ John Galliano trở lại sàn catwalk. Theo đề nghị của tổng biên tập, Oscar de la Renta đã mời John Galliano tham gia vào quá trình chuẩn bị cho bộ sưu tập ready-to-wear mùa thu năm 2013 cho tuần lễ thời trang New York.

Mặc dù chỉ xuất hiện kín đáo phía sau hậu trường, nhưng bộ sưu tập của Galliano đã nhận được nhiều lời khen ngợi, gợi nhớ về quãng thời gian ông làm việc tại Dior với những thiết kế cổ áo xếp nếp (draped). Việc tham gia thiết kế tại Oscar de la Renta đã đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của cái tên John Galliano trong ngành thời trang.

>>> XEM THÊM: VÌ SAO JOHN GALLIANO KHÔNG DỪNG CHÂN Ở OSCAR DE LA RENTA

Sau quá trình cai nghiện, John Galliano lần đầu tiên lên tiếng về những phát ngôn đầy thị phi của mình trong một bài phỏng vấn cùng tờ Vanity Fair. Ông giải thích rằng mình không kỳ thị dân Do Thái, nhưng trong những giây phút tức giận bốc đồng đã sử dụng từ ngữ kém văn minh.

Sự thẳng thắn nhận lỗi của nhà thiết kế đã được cộng đồng thời trang đón nhận, vì cho rằng ông đã dám nhìn nhận và sửa chữa sai lầm. Câu chuyện của John Galliano có thể được coi là bài học về trách nhiệm và sự tha thứ cho những ai đã mắc phải sai lầm nhưng sau cùng đã sẵn sàng đối mặt và khắc phục hậu quả.

John Galliano định hình lại Maison Margiela

John Galliano

Maison Margiela Xuân Hè 2019, thiết kế bởi John Galliano. Ảnh: Emon Toufanian

John Galliano đã chính thức trở lại vào năm 2014 với tư cách giám đốc sáng tạo tại Maison Margiela, kế nhiệm Martin Margiela. Sự trở lại của ông được đánh dấu bằng bộ sưu tập đỏ rực, phản ánh đam mê cháy bỏng của ông đối với ngành công nghiệp này. Với hợp đồng kéo dài đến năm 2019, ông đã dẫn dắt các lĩnh vực từ thời trang nữ, nam, phụ kiện cho đến haute couture, mang đến làn gió mới cho thương hiệu nhưng vẫn trân trọng giá trị lịch sử của Margiela.

Trái ngược với những áp lực từng trải qua tại Dior, Galliano đã tiếp cận công việc tại Margiela với tâm thế bình tĩnh và thực tế hơn. Kết quả là, doanh thu của Maison Margiela đã tăng trưởng mạnh mẽ dưới bàn tay của ông, khi ông không ngần ngại phá cách trong thiết kế nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của thương hiệu.

>>> XEM THÊM: JOHN GALLIANO TRÌNH LÀNG BỘ SƯU TẬP ĐẦU TIÊN CHO MAISON MARTIN MARGIELA

Hành trình được ghi nhận

Cuộc đời “lên voi xuống chó”, hành trình tìm kiếm sự tha thứ, chuộc lỗi và phục hồi danh tiếng cho bản thân của nhà thiết kế đã được đạo diễn Kevin Macdonald chuyển thể thành bộ phim tài liệu High & Low: John Galliano.

Galliano chia sẻ rằng mục đích của ông khi nhận lời tham gia làm phim không phải để tìm kiếm sự tha thứ, mà là để mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về con người và hành trình của mình. Ông nhấn mạnh rằng, giống như trẻ em, chúng ta cần phải trải qua vấp ngã để học hỏi và phát triển.

>>> ĐỌC TIẾP: PAT MCGRATH TỎA SÁNG NHẤT KHI KẾT HỢP VỚI JOHN GALLIANO

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm