Lê Yến tiết lộ về viên đá quý độc nhất vô nhị của Việt Nam

Lê Yến, một nhân tài mới trong làng trang sức Việt Nam, thanh thuần mà tỏa sáng như một viên đá quý

Lê Yến với viên ngọc ốc màu vàng quý hiếm.

Có điều gì đó ở cô gái này làm người ta bị hút vào ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Gương mặt xinh xắn với lúm đồng tiền trên má. Đôi mắt hiền như nước hồ thu. Cách nói chuyện của cô cũng dịu dàng, phảng phất như gió trời. Có buổi sáng, cô nhắn tôi: “Gửi tặng chị chút Hà Nội. Sáng mưa bên nhà thờ cổ”. Lúc khác, cô lại nhắn: “Em đang đứng trên ban công, thưởng thức cơn gió se lạnh mơn man…”

Mấy ai biết Lê Yến – cô gái lãng đãng, mơ màng ấy – có vị thế đáng nể trên thế giới. Cô là đại diện tại Việt Nam của ICA – International Colored Gemstone Association (tạm dịch: Hiệp hội Quốc tế về Đá quý màu). Cô có niềm yêu thích cuồng nhiệt với các loại đá màu trong thiên nhiên.

Là người yêu đá, tôi gặp cô giống như bắt được đá quý. Một buổi chiều, chúng tôi ngồi với nhau. Cô kể cho tôi nghe đủ chuyện về đá, về cuộc sống – những câu chuyện không đầu không đuôi, mênh mông khác nào lịch sử trầm mặc muôn màu của đá.

Chiếc nhẫn cẩn ngọc ốc quý hiếm của Lê Yến. Đây là loại ngọc từ ốc biển chỉ tìm thấy ở vài nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

HARPER’S BAZAAR: Lê Yến này, được biết bố em là một người có tên tuổi trong ngành đá quý Việt Nam, và em gần như vào nghề từ khi còn nhỏ.

LÊ YẾN: Ngày nhỏ em chưa có tình yêu với đá. Mãi sau khi học thẩm định đá quý, hiểu về nó và lịch sử của nó, em mới thích ngành này.

Ngành đá quý cha truyền con nối. Em từng gặp những người trong gia đình đã bảy đời làm đá, trong khi em mới là thế hệ thứ hai. Em yêu đá không chỉ vì vẻ lấp lánh của đá. Em thấy đá giống người Việt. Những thứ bình thường kết tinh để trở thành quý báu, đầy giá trị.

Trong nghề đá quý, lời nói có giá trị hơn luật pháp, giấy tờ và tiền. Lên mỏ là vấn đề của uy tín và bản lĩnh. Ngày xưa khi nhìn thấy những cái vất vả của bố em, nhất là khi đi mỏ, thì em sợ. Nhưng dần dần em trở nên tự tin hơn khi bước chân vào ngành này.

HARPER’S BAZAAR: Em đã từng mở công ty bốn năm ở Thái Lan? Vì sao giờ đây em lại quay về Việt Nam?

LÊ YẾN: Bangkok là trạm trung chuyển lớn thứ 2 của Châu Á sau Hồng Kông. Các giao dịch thương mại của em với khách hàng và đối tác nước ngoài đều ở Bangkok. Lúc ấy Bangkok là một sân chơi lớn cho em học hỏi. Thời gian ấy em cũng gây dựng được uy tín cá nhân trong ngành công nghiệp đá quý tại sân chơi quốc tế như một nữ doanh nhân (trước đây là trợ thủ của bố và uy tín của bố).

Tuy nhiên về con đường dài, Việt Nam vẫn là cái nôi tốt nhất. Cây phát triển từ gốc là văn hoá của người Việt Nam mà. Thời điểm hiện tại là lúc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về ngành công nghiệp đá quý kim hoàn.

Một mẫu cài áo LEYEN hình chim phụng hoàng với thân là viên ruby Việt Nam phát quang rực rỡ.

HARPER’S BAZAAR: Vậy trong số rất nhiều ý tưởng muốn làm, hiện giờ em thích làm gì nhất?

LÊ YẾN: Em muốn giúp mọi người kết nối. Em muốn lập một trung tâm đá quý. Bên cạnh khoảng 300 đến 500 gian hàng, trung tâm có khu vực cho các nhà thiết kế, máy móc, trường dạy về đá quý, viện thẩm định… Tòa nhà sẽ thật sự là một trung tâm đá quý, giống như tòa nhà 56 tầng ở Thái Lan. Giới trẻ Việt Nam hiện nay rất sáng tạo. Nhưng muốn thiết kế được thì cần công nghệ và máy móc từ nước ngoài.

HARPER’S BAZAAR: Người ta chỉ thích kim cương trong vắt, em lại thích đá màu. Vì sao vậy?

LÊ YẾN: Khi làm nhẫn cầu hôn hay nhẫn cưới, mọi người thường nghĩ đến kim cương. Nhưng đá màu cũng là một lựa chọn rất thú vị bởi có những huyền thoại hay lắm.

Ấn Độ tin rằng 5 dải màu căn bản của đá quý tượng trưng cho 5 vị Bồ Tát. Ngày xưa khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, sắc lệnh đầu tiên là chỉ có vua mới được dùng ruby (hồng ngọc). Người Đài Loan sang Việt Nam mua rất nhiều ruby sao, vì tin ruby mang lại sự may mắn. Ngoài ra, em rất tự hào về viên spinel xanh cobalt của Việt Nam.

HARPER’S BAZAAR: Vì sao vậy?

LÊ YẾN: Spinel có rất nhiều màu. Người ta tìm thấy viên spinel đỏ ở cả Việt Nam và Myanmar, nhưng chỉ Việt Nam mới có viên spinel màu xanh cobalt phát quang. Đá càng hiếm thì càng quý.

Đá spinel màu xanh cobalt hiếm lạ được tìm thấy tại tỉnh Lục Yên, được hiệp hội đá quý của Mỹ GIA loan báo thông tin. Ảnh: J.B Senoble © Senoble & Bryl.

HARPER’S BAZAAR: Nếu so sánh bản thân với một viên đá, em nghĩ mình sẽ là viên đá nào?

LÊ YẾN: Một viên kim cương màu xanh lá non. Em thích chạy nhảy trong rừng thông xanh. Em thấy tình yêu thực hơn, gần gũi hơn, tự nhiên hơn trong thiên nhiên xanh. Em yêu màu xanh.

Câu chuyện của chúng tôi càng lúc càng miên man. Lê Yến kể với tôi về đá quý Việt Nam, rằng Việt Nam nổi tiếng thế giới về đá quý. Đá vừa đẹp, lại vừa dễ khai thác. Nhưng thôi. Tôi sẽ kể những chuyện này trong một bài báo khác nhé.

>>> Xem thêm: GIẢI VÂY CHO SPINEL, “VIÊN RUBY GIẢ MẠO”

Bài: TRẦN NGUYỄN THIÊN HƯƠNG – Ảnh: LEE STARNES
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

Lê Yến tiết lộ về viên đá quý độc nhất vô nhị của Việt Nam
Lê Yến
Nơi sinh : Hà Nội
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Thẩm định đá quý
Thành tựu chính
    • Điện tại Việt Nam của ICA – International Colored Gemstone Association (tạm dịch: Hiệp hội Quốc tế về Đá quý màu