Đầu năm 2012, bộ phim We’ll Take Manhattan chiếu trên kênh BBC Four đã tạo nên cơn sốt với khán giả yêu thời trang. Lấy bối cảnh thập niên 1960, We’ll Take Manhattan kể lại chuyện tình của siêu mẫu người Anh Jean Shrimpton và nhiếp ảnh gia David Bailey đã mang lại nhiều hoài niệm về thời trang. Bộ phim cũng gợi nhắc lại chân dung hoàn chỉnh của người được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên trên thế giới: Jean Shrimpton.
Năm 1965, nhà tạo mẫu Colin Rolfe được giao thiết kế trang phục cho người mẫu Jean Shrimpton đến dự cuộc thi đua ngựa ở Melbourne, Úc. Tuy nhiên, ông lại rơi vào tình thế lúng túng khi số vải nhận được không đủ để hoàn thành một bộ đầm. Jean Shrimpton, khi đó 22 tuổi, gợi ý Colin Rolfe may một chiếc đầm trắng với phần gấu ngắn trên gối 10cm.
Chiếc đầm là một sự tương phản hoàn toàn với trang phục kín đáo, chuẩn mực của người Úc, không những thế còn làm dậy sóng dư luận toàn cầu. Sự kiện váy ngắn khiến cô người mẫu Anh bị chỉ trích nặng nề. Mặt khác, Jean Shrimpton và chiếc váy “tai tiếng” cũng báo hiệu sự ra đời của váy, đầm ngắn thống trị những năm 1960 và củng cố vị trí biểu tượng cho thời đại sôi động của mình.
Bình luận về điều này, Mary McGowne, người sáng lập Scottish Style Awards, cho biết: “Phản ứng giận dữ ở Melbourne gây tranh cãi về độ dài chiếc đầm Jean Shrimpton minh chứng cho sự bất chấp những quy ước phục trang lỗi thời khi không mũ, không tất hay găng tay của nữ người mẫu. Cô ấy dám khác biệt và phong cách này đại diện cho tinh thần tự do. Khoảnh khắc thời trang ở Melbourne là một dấu hiệu cho những thay đổi lớn về văn hóa và xã hội của thời đại, là một huyền thoại và thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn xu hướng ăn mặc”. Bạn có thể hình dung Jean Shrimpton đã làm đảo lộn những chuẩn mực thời trang thời đó ra sao khi thấy các tấm ảnh cô chụp ở ngày hội Victoria Derby năm đó, tươi trẻ với phông nền là những phụ nữ lớn tuổi ăn mặc chỉnh tề đang trố mắt nhìn về phía cô.
BIỂU TƯỢNG CỦA TRÀO LƯU SWINGING SIXTIES
Giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp (năm 1979 khi 36 tuổi), Jean Shrimpton đã để lại cho thế giới thời trang một dấu son ấn tượng. Cô trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ mình bên cạnh Twiggy, Penelope Tree và Edie Sedgwick. Vào thời đại mà những thân hình đầy đặn khiêu gợi là chuẩn mực của cái đẹp, Jean Shrimpton bước vào thế giới thời trang và tạo ấn tượng mạnh bằng dáng người thanh mảnh, đôi mắt bồ câu, mái tóc so le, lông mày cong. Chẳng bao lâu sau, Jean Shrimpton trở thành biểu tượng của làn sóng Swinging London, một London của thời trang, nghệ thuật do giới trẻ tạo dựng.
Trước khi theo học trường người mẫu ở London và khởi nghiệp năm 17 tuổi, Jean Shrimpton lớn lên trong một trang trại ở Buckinghamshire. Năm 18 tuổi, cô có cuộc gặp gỡ định mệnh với nhiếp ảnh gia thiên tài David Bailey tại một studio. David Bailey nhìn thấy cô và bị cuốn hút ngay lập tức bởi đôi mắt bồ câu, vẻ mỏng manh và sự tươi trẻ mà anh gọi là “một kiểu đẹp dân chủ” khác biệt hoàn toàn với vẻ đẹp quý phái của những năm 1950.
Họ bắt đầu mối quan hệ lãng mạn kéo dài bốn năm và đã đưa nhau lên tầm biểu tượng thời đại với những bộ ảnh mang tính cách mạng. Trong đó phải kể đến là bộ ảnh cho một tạp chí Anh vào tháng 4–1962 đã đưa Jean Shrimpton lên thành ngôi sao, mở đầu cho thời kỳ sôi động ở London thập niên đó và được tổng biên tập danh tiếng lúc đó, Diana Vreeland gọi là “cơn sốt trẻ” của những năm 1960.
Kể từ đó, Jean Shrimpton xuất hiện trên hàng loạt bìa tạp chí trong suốt những năm 1960. Với các tấm ảnh bìa ấn tượng trên Vogue, Harper’s Bazaar, Vanity Fair, Glamour hay thậm chí là Time, Jean Shrimpton chính là chủ thể của một trong số những shot ảnh thời trang nổi tiếng nhất thế kỷ XX.
Cô gái có nickname “Shrimp” (con tôm) này làm dấy lên khao khát của các cô gái trẻ đã không còn muốn ăn mặc như thế hệ mẹ mình. Những chiếc váy ngắn (miniskirt) hay đầm suôn do Jean Shrimpton “khơi mào” trở thành một hiện tượng thời trang lúc bấy giờ. Trước đó, nhà thiết kế Mary Quant, André Courrèges cũng từng cho ra đời các kiểu váy ngắn cách tân tương tự. Nhưng có lẽ chính Jean Shrimpton mới làm cho váy ngắn khuấy động dư luận và vượt ra ngoài các trung tâm thời trang của Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh khả năng khởi tạo xu hướng, Jean Shrimpton còn được biết đến với khả năng diễn xuất tự nhiên trước ống kính. Cách tạo dáng tự nhiên, diễn mà không diễn của Jean Shrimpton trở thành “hàng hiếm” trong giới thời trang thập niên 1960. Cũng nhờ khả năng diễn xuất thiên bẩm này, Jean Shrimpton nhanh chóng trở thành người mẫu có thù lao cao nhất, người mẫu xinh đẹp nhất và là gương mặt được chụp ảnh nhiều nhất.
Với những lý do trên, giới thời trang đã tôn vinh Jean Shrimpton là siêu mẫu của thời đại 1960. Bên cạnh đó, vì là người đầu tiên có tên tuổi nổi tiếng ở mức độ quốc tế nhờ vào nghề người mẫu, Jean Shrimpton được xem là siêu mẫu đầu tiên của thế giới.
Dù vậy, Jean Shrimpton lại miễn cưỡng với sự nổi tiếng. Cô thấy mình vỡ mộng với thế giới thời trang khi cho rằng đó là “môi trường đầy áp lực, gây tổn thương và vắt kiệt sức người”. Thế là, cô người mẫu kiếm tiền giỏi nhất một thời rời bỏ ánh hào quang khi bước sang độ tuổi 30, chuyển đến Cornwall, Anh sinh sống và kết hôn năm 1979. Thật kỳ lạ khi người phụ nữ đại diện cho tinh thần của cả một thời đại viết trong tự truyện rằng: “Tôi không quan tâm đến quần áo và ghét người khác liếc nhìn mình”. Tuy nhiên, những gì tuổi thanh xuân của cô đã vẽ nên cho lịch sử thời trang thật quá ấn tượng.
Bài: Trinh Pak – Ảnh: Getty Images, Tư liệu