Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn kể chuyện lịch sử bằng nghệ thuật

“Chúng ta không chỉ tái hiện lịch sử qua nghệ thuật mà còn làm sống dậy tinh thần của thời đại, để quá khứ hòa quyện cùng hiện tại và tạo cảm hứng cho tương lai” – Nguyễn Thế Sơn

Chân dung họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Thế Sơn vào một chiều Hà Nội se lạnh tại xưởng vẽ ở 75 Tam Trinh, thế nhưng, dư âm ấm cúng của Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo vừa diễn ra dường như vẫn còn vương lại nơi đây. Giản dị và điềm đạm, anh mang dáng dấp của người nghệ sĩ tận tụy, nhà giáo tâm huyết và một giám tuyển tiên phong trăn trở với nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Hành trình nghệ thuật vượt biên giới của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Khi tôi hỏi về hành trình nghệ thuật, anh cười nhẹ, rồi trầm ngâm kể lại bước đi đầu tiên.

“Thời trẻ, tôi bắt đầu với những gì mà nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam đã định hình: tranh lụa, tranh sơn mài, những thứ mang tính biểu tượng và là niềm tự hào của nền hội họa nước nhà. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam và có khoảng thời gian chỉ gắn bó với những chất liệu đó”, anh nhớ lại.

Bước ngoặt đến khi anh nhận được học bổng của chính phủ để theo học chương trình nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA). Anh sang học tại Bắc Kinh vào năm 2008.

“Thời điểm đó, tôi biết rằng mình cần điều gì đó mới mẻ hơn. Bắc Kinh mở ra cho tôi một cánh cửa hoàn toàn khác. Trong bốn năm ở đó, tiếp xúc với những gì mà tôi ước ao được trải nghiệm với nghệ thuật đương đại: nhiếp ảnh nghệ thuật, video art, sound art, installation art (nghệ thuật sắp đặt)… Bắc Kinh không còn là nơi để học, mà là nơi tôi tìm thấy một phần con người khác của mình”.

Chính sự giao thoa giữa hai nền văn hóa đã giúp anh mở rộng tầm nhìn và thay đổi tư duy sáng tạo. Anh kể:

“Khi thực hành nghệ thuật ở Bắc Kinh, tôi bắt đầu nhận ra rằng truyền thống và hiện đại không phải là hai khái niệm tách biệt, mà chúng có thể hòa quyện với nhau. Tôi muốn mang tư duy đó trở về Việt Nam, để thử nghiệm và đưa vào các dự án của mình”.

Đưa nghệ thuật thị giác trở thành cầu nối quốc tế

Tranh lụa về sự thay đổi trong triển lãm Tầm cao mới năm 2009

Tôi chuyển câu chuyện sang sự nghiệp giảng dạy, nơi anh không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đặt nền móng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ.

“Hai mươi năm công tác và giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi luôn đau đáu với câu hỏi: Tại sao chúng ta không có nhiếp ảnh nghệ thuật, không có video art trong chương trình đào tạo chính quy? Chúng ta chỉ có sơn mài, lụa, sơn dầu, những môn học truyền thống. Nhưng thế giới thì khác, họ công nhận mọi hình thức sáng tạo đều có giá trị ngang nhau. Vậy tại sao chúng ta phải bó hẹp mình?”.

Năm 2022, anh chuyển sang Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh bắt tay xây dựng chương trình đào tạo nghệ thuật thị giác đầu tiên tại Việt Nam.

“Tôi muốn đưa vào chương trình tất cả những gì mà mình từng học và trải nghiệm với hướng tạo hình nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh nghệ thuật, video art, sound art, nghệ thuật sắp đặt… Tôi và các đồng nghiệp cùng chí hướng cố gắng dần xây dựng ba mảng kiến trúc, mỹ thuật, thiết kế từ tinh thần của trường Mỹ thuật Đông Dương xưa kia để phát triển dần thành các mảng đào tạo mang tính đa ngành và liên ngành trong xu hướng đào tạo và thực hành ngày hôm nay… Đây không chỉ là các môn học, mà còn là cách giúp sinh viên hiểu rằng nghệ thuật không có giới hạn. Điều quan trọng nhất là làm sao để mỗi sinh viên tìm thấy tiếng nói riêng của mình”.

Anh nhấn mạnh chương trình đào tạo của mình hướng đến tính quốc tế hóa nhưng vẫn giữ vững cốt lõi truyền thống.

“Tôi không muốn sinh viên của mình chỉ sao chép những gì thế giới làm. Chúng ta có lịch sử, có văn hóa, và tôi muốn họ tìm cách kể câu chuyện của Việt Nam bằng ngôn ngữ hiện đại”.

Tác phẩm D8 Thành Công nằm trong Dự án Thay hình Đổi mặt triển lãm ở L’espace năm 2016

Cảm thức Đông Dương: Khi không gian là chất liệu

“Trong nghệ thuật đương đại, ngữ cảnh là yếu tố quan trọng nhất và then chốt. Do đó, thuật ngữ Site-specific đã ra đời, nghĩa là ứng tác theo địa hình, ứng tác theo ngữ cảnh. Tôi sẽ dựa theo nơi chốn mà viết ra những dự án, để làm cho không gian ấy có tiếng nói của nó”.

Khi nhắc đến triển lãm Cảm thức Đông Dương, ánh mắt anh sáng lên. Đây là một trong những dự án mà anh tâm huyết nhất và cũng là minh chứng rõ ràng cho triết lý nghệ thuật của anh.

“Khi được mời về làm giám tuyển triển lãm tại tòa nhà Đông Dương này, tôi cảm thấy may mắn và vinh dự, bởi vì tôi đã “sống” với Đông Dương rất nhiều năm rồi. Một không gian đầy tính biểu tượng, tòa nhà ấy đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của nền giáo dục Việt Nam, từ thời Đông Dương đến nay. Tôi luôn tin rằng không gian như thế không chỉ là nơi trưng bày, mà chính nó là một tác phẩm nghệ thuật. Và tôi muốn triển lãm của mình khai thác điều đó”.

Triển lãm bao gồm nhiều cụm tác phẩm sắp đặt, từ tranh, tượng, âm thanh đến video art. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn giải thích rằng mỗi tác phẩm được thiết kế để đối thoại với không gian của tòa nhà.

“Chẳng hạn, hệ thống âm thanh trong triển lãm được thiết kế để gợi lên tiếng vọng từ quá khứ, như thể bạn đang nghe những câu chuyện lịch sử thì thầm từ các bức tường. Hay những bức tượng ở dưới sảnh, như ông Victor Tardieu đối thoại với các phù điêu ở trên cây cột, gồm phù điêu của ngành văn chương, phù điêu của ngành khoa học với kính lúp, phù điêu của ngành dược thì có con rắn, rồi là phù điêu của ngành mỹ thuật và kiến trúc thì có bút lông, có thước êke”.

Một trong những tác phẩm mỹ thuật hiện đại nổi bật với 200 nhân vật của Victor Tardieu, bức tranh tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam thời Đông Dương, được làm sống động bằng công nghệ AI.

“Tôi không muốn bức tranh chỉ là hình ảnh tĩnh. Với AI, các nhân vật trong tranh có thể chuyển động, kể lại câu chuyện của họ. Tôi muốn người xem không chỉ nhìn, mà còn cảm nhận được sức sống của lịch sử”.

Vai trò của giám tuyển trong nghệ thuật đương đại

Tác phẩm của anh tại Wink Hotel Saigon Centre (TP. HCM), năm 2021

Một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chính là vai trò giám tuyển. Khi tôi hỏi về công việc này, anh giải thích bằng sự nhiệt huyết:

“Ở Việt Nam, giám tuyển vẫn còn là một khái niệm khá mới. Phần lớn các triển lãm hiện nay vẫn phụ thuộc vào nghệ sĩ tự sắp xếp. Nhưng để triển lãm có tầm vóc thì cần một người giám tuyển để xây dựng câu chuyện, kết nối các tác phẩm lại với nhau”.

Anh mô tả công việc giám tuyển gần giống với vai trò của huấn luyện viên bóng đá, hay một người nhạc trưởng trong dàn nhạc:

“Tôi cần hiểu rõ từng nghệ sĩ, từng tác phẩm và cách chúng có thể phối hợp để kể câu chuyện tổng thể. Ví dụ, trong Cảm thức Đông Dương, mỗi tác phẩm là một mảnh ghép của bức tranh lớn, tạo nên hành trình xuyên suốt về lịch sử và văn hóa Đông Dương. Bạn biết đó, nếu một sân chơi mà thiếu huấn luyện viên và nhạc trưởng, cầu thủ hay nghệ sĩ sẽ rất khó để triển khai các công việc với nhau”.

Những thách thức và hy vọng cho nghệ thuật Việt Nam

Khi tôi hỏi về thực trạng nghệ thuật đương đại Việt Nam, anh thở dài:

“Chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Công chúng chưa quen với việc tiếp cận nghệ thuật đương đại, số lượng nghệ sĩ thực sự đam mê lĩnh vực này vẫn rất ít. Ngoài ra, phải mất thêm nhiều năm nữa, người dân Việt Nam mới có văn hóa xếp hàng đi xem triển lãm”.

Nhưng anh không bi quan. Anh nhìn thấy hy vọng từ các sự kiện như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, nơi anh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và định hướng từ năm 2021.

“Đây là cơ hội để Việt Nam hòa nhập với thế giới. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư và làm việc nghiêm túc, tôi tin rằng nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trong tương lai”.

Ngồi trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, tôi cảm nhận được sự tận tâm của một người rất yêu nghệ thuật và văn hóa, không gian cổ của Việt Nam. Qua từng lời nói, từng dự án anh kể, tôi không chỉ thấy được hành trình cá nhân mà còn là hành trình của một thế hệ nghệ sĩ đương đại đang nỗ lực bảo tồn di sản và mở ra cánh cửa cho tương lai. 

“Lịch sử không chỉ nằm trong sách vở, nó hiện diện ngay trong không gian này một cách sống động”

– Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn –

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm