Cuộc gặp gỡ giữa tôi và họa sĩ Nguyễn Đình Văn diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, TP. HCM trong không gian tĩnh lặng. Chàng họa sĩ trẻ mặc chiếc áo thun tối màu với vóc dáng mảnh khảnh đón tôi bằng nụ cười hiền hậu.
Anh bắt đầu giới thiệu về triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, một sự kiện đánh dấu hành trình nghệ thuật dài đầy ấp ủ. Nguyễn Đình Văn nhẹ nhàng chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với gia đình và quê hương, nơi đã chắp cánh cho niềm đam mê sơn mài từ khi còn rất nhỏ. Những câu chuyện về quá khứ, nghề truyền thống gia đình, mở đầu cho hành trình nghệ thuật đầy cảm hứng mà anh đang tiếp tục nuôi dưỡng, theo đuổi.
Con nhà nòi của nghệ thuật sơn mài
Họa sĩ Nguyễn Đình Văn sinh năm 1991 trong gia đình có truyền thống vẽ tranh sơn mài. Bố anh, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, với hơn 50 năm gắn bó với sơn mài, đã truyền cảm hứng và hướng dẫn anh trong suốt quá trình trưởng thành nghệ thuật. Mẹ anh, họa sĩ Nguyễn Thị Tiến, cũng là một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực tranh sơn mài. Quê hương của Đình Văn là làng sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nơi có truyền thống làm sơn son thếp vàng và các sản phẩm sơn mài ứng dụng cao nổi tiếng tại Việt Nam.
Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Đình Văn đã được sống trong cái nôi nghệ thuật sơn mài đầy sắc màu và cảm xúc. Ký ức tuổi thơ của anh không chỉ gắn liền với nghề mà còn là những chuyến đi thực tế cùng gia đình, từ những làng quê yên bình, vùng núi hùng vĩ đến thành phố đông đúc. Chính những trải nghiệm này đã giúp anh thêm yêu thiên nhiên và cuộc sống, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm nghệ thuật sau này.
Mặc dù vậy, tuổi thơ của anh cũng không thiếu thử thách. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là lần đầu tiên bị “lở sơn” khi tiếp xúc với sơn ta trong bài tập gắn trứng vào năm lớp hai. Dù bị ngứa ngáy và phải nghỉ học một tuần nhưng anh đã dần quen với những khó khăn này. Trải qua quá trình đó, anh càng thêm yêu thích nghề sơn mài.
Nhờ sự chỉ dạy tận tình của cha mẹ, Nguyễn Đình Văn đã không chỉ học hỏi về nghề sơn mài mà còn hiểu sâu sắc về nghệ thuật nói chung. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật năm 2016 và thạc sĩ Mỹ thuật năm 2018, anh đã bước ra ngoài con đường truyền thống để phát triển sự nghiệp nghệ thuật độc lập. Anh không chỉ giữ gìn và phát huy nghề sơn mài mà còn sáng tạo, tìm kiếm cách thức mới để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật đương đại một cách sáng tạo, duy mỹ.
Kết hợp kỹ thuật sơn mài truyền thống và tư duy, sáng tạo của cá nhân
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật, Nguyễn Đình Văn thấm nhuần những giá trị truyền thống từ bố mẹ. Thế nhưng chính việc học và tiếp xúc với những quan điểm nghệ thuật mới đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề rồi từ đó phát triển lối đi riêng biệt. Quá trình vẽ tranh sơn mài của Nguyễn Đình Văn không chỉ tiếp nối truyền thống, mà còn là quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ, thể hiện rõ qua những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân.
Ngay từ khi học tại trường Mỹ thuật, dù ban đầu không nghĩ mình sẽ theo đuổi chuyên ngành Đồ họa, nhưng việc được học ở đây đã mở ra cho anh những góc nhìn mới về nghệ thuật. Anh chia sẻ rằng, qua những năm học, mình có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô giỏi, những người đã giúp anh mở rộng kiến thức và phát triển tư duy nghệ thuật hiện đại hơn. Những kiến thức này không chỉ giúp anh tiếp thu cách tạo hình, bố cục, mà còn định hình phong cách sáng tác của anh sau này. Mặc dù đã học hỏi nhiều từ gia đình và môi trường học tập, Nguyễn Đình Văn thừa nhận rằng việc kết nối kỹ thuật truyền thống với sáng tạo cá nhân là một thách thức lớn. Để làm được điều này, anh phải nỗ lực rất nhiều trong suốt những năm theo đuổi con đường nghệ thuật.
Anh chia sẻ:
“Việc vừa giữ gìn di sản gia đình, vừa tạo dấu ấn cá nhân là thử thách không chỉ với tôi mà còn với nhiều họa sĩ khác. Để làm được điều này, cần có nền tảng kỹ thuật vững chắc và quá trình vừa làm việc, vừa nghiên cứu. Hiểu được điều đó, ngay từ khi chưa vào đại học, tôi đã nỗ lực học hỏi từ gia đình, thầy cô và các bậc tiền bối. Sau 16 năm theo đuổi nghệ thuật, phong cách của tôi đã dần hình thành, dựa trên nền tảng kỹ thuật truyền thống từ gia đình”.
Một trong những điều khiến Nguyễn Đình Văn yêu thích sơn mài chính là vẻ đẹp lộng lẫy nhưng cũng đầy trầm lắng của chất liệu này. Các lớp sơn mài được đánh bóng kỹ lưỡng, chồng lên nhau tạo ra độ sáng và chiều sâu cho bức tranh. Họa sĩ sẽ kết hợp thêm các vật liệu khác như vỏ trai, vỏ ốc, kim loại mỏng hoặc các chi tiết mạ vàng, tạo nên hiệu ứng ánh sáng và chiều sâu đặc biệt. Anh cảm nhận sơn mài mang lại cho người xem cảm giác vừa sang trọng, gần gũi, vừa quý phái, giản dị. Điều đó khiến anh càng thêm yêu thích và gắn bó với chất liệu này.
Tác phẩm sơn mài đầu tiên mà Nguyễn Đình Văn thực hiện là bức tranh tĩnh vật giỏ hoa lan dù khá đơn giản nhưng chứa đựng rất nhiều kỷ niệm. Chính tác phẩm này đã đặt nền móng cho tình yêu mãnh liệt với sơn mài của anh. Anh nhớ lại:
“Ngày đó, tôi vừa vẽ, vừa học kỹ thuật sơn mài. Dù bức tranh đầu tiên của tôi còn khá ngô nghê, nhưng chính những nét vẽ hồn nhiên ấy lại mang đến một sự rung động đặc biệt. Và thật bất ngờ, sau này, tôi đã bán được bức tranh ấy cho một nữ sưu tập người Hồng Kông”.
Tuy nhiên, Nguyễn Đình Văn cũng thừa nhận rằng việc vượt qua bóng dáng của thế hệ đi trước để khẳng định phong cách riêng là thử thách không nhỏ. Do đó, anh đã không ngừng học hỏi từ những bậc tiền bối, tham gia vào các khóa học, nghiên cứu nghệ thuật và thử nghiệm với nhiều phong cách khác nhau.
Họa sĩ trẻ giãi bày:
“Với tôi, việc sinh ra trong gia đình có nền tảng nghệ thuật là một món quà may mắn, nhưng cũng là thử thách lớn khi quyết định bước chân vào con đường hội họa. Bố mẹ tôi đều là những họa sĩ có tên tuổi trong giới nghệ thuật. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với những tác phẩm của họ. Tôi cũng học được rất nhiều kỹ thuật sơn mài ngay từ trong gia đình, nên thật khó để tránh khỏi ảnh hưởng phong cách của bố mẹ. Đó là thử thách lớn nhất đối với tôi, làm sao để tìm được dấu ấn riêng, làm sao để khẳng định cái tôi và vị trí độc đáo trong thế giới nghệ thuật.
Nhiều năm qua, tôi đã không ngừng học hỏi, khám phá nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, thực hành không mệt mỏi. Và cuối cùng, tôi thật sự may mắn khi tìm được lối đi riêng, con đường mà mình có thể tự hào và tiếp tục theo đuổi”.
Một yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tác của Nguyễn Đình Văn là cân bằng giữa giá trị truyền thống và cá tính sáng tạo. Anh cho rằng, khi đã thành thạo kỹ thuật sơn mài, việc sử dụng chất liệu chỉ là công cụ để thể hiện tư duy sáng tác. Trước khi bắt tay vào vẽ, anh luôn chuẩn bị kỹ lưỡng phác thảo, tính toán bố cục và câu chuyện muốn truyền tải trong tác phẩm. Chỉ khi có ý tưởng rõ ràng, anh mới tính đến việc lựa chọn chất liệu phù hợp để thể hiện. Vì vậy, anh không bao giờ để chất liệu lấn át tư duy của mình. Sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và những sáng tạo cá nhân đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, mang đậm dấu ấn của một họa sĩ trẻ không ngừng nỗ lực, học hỏi và đổi mới.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Đình Văn mang tên Dưới tán cây rừng tại TP. HCM
Triển lãm là hành trình đi qua nhiều vùng đất, qua những thay đổi của cảnh vật và dòng chảy thời gian. Lấy cảm hứng từ tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, Nguyễn Đình Văn đã tạo ra không gian nghệ thuật, nơi người xem có thể cảm nhận được sự giao thoa giữa tĩnh lặng của thiên nhiên và chuyển động của thời gian. Các tác phẩm trong triển lãm không chỉ đơn giản là những hình ảnh thiên nhiên mà còn chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc, những lớp cảm xúc đan xen, thể hiện rõ sự “khắc khoải mênh mông”.
Họa sĩ Nguyễn Đình Văn chia sẻ:
“Khi còn ngồi ở giảng đường đại học, tôi được dạy để tạo ra một tác phẩm có chiều sâu, họa sĩ cần có nhiều tư liệu thực tế và ý tưởng rõ ràng. Hai yếu tố này hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên tác phẩm sâu sắc. Để vẽ được một bức tranh tốt, họa sĩ phải có trải nghiệm thực tế, đi đến nhiều nơi, kể cả những vùng hoang vu, hẻo lánh để tìm kiếm cảm hứng.
Đại gia đình cũng làm nghệ thuật, nên tôi thường xuyên tham gia những chuyến đi thực tế tại các địa phương mà chúng tôi ghé thăm nhiều lần trong nhiều năm. Từ những chuyến đi đó, tôi đã chứng kiến sự thay đổi của thiên nhiên và hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa không gian, thời gian và sự tác động của con người lên tự nhiên.
Các tác phẩm của tôi vì thế vừa phản ánh thiên nhiên một cách chân thực, vừa mang đậm cảm xúc, từ niềm vui đến sự tĩnh lặng, và đôi khi là sức sống mãnh liệt. Mục tiêu của tôi là lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên và những cảm xúc mà chúng mang lại”.
Bảng màu rực rỡ trong các tác phẩm của Đình Văn không chỉ mang đến sự tươi mới, mà còn giúp thể hiện triết lý “trở về với tâm hồn nguyên sơ”. Màu sắc có thể kích thích nhiều cung bậc cảm xúc và tạo nên một không gian giàu sức sống. Họa sĩ người Hà Nội muốn mỗi tác phẩm của mình đem lại cảm xúc riêng biệt và mong triển lãm như một hành trình đưa người xem về gần hơn với thiên nhiên, giúp họ cảm nhận sự trong lành của mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.
Harper’s Bazaar Vietnam