Hoa hậu Giáng My và tình yêu với hội họa

Sau khi chứng tỏ tài năng ở nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, điện ảnh, thi ca và cả kinh doanh, Hoa hậu Giáng My bất ngờ ra mắt bộ sưu tập tranh đầu tay

Hoa hậu Giáng My tham quan State Library Victoria, Melbourne, Úc

Nhắc đến Giáng My người ta thường dùng những mỹ từ như: “Nữ hoàng ảnh lịch”, “Hoa hậu không tuổi”, “tượng đài nhan sắc”… để miêu tả về chị. Tuy nhiên không chỉ sở hữu vẻ đẹp kiều diễm, ở Giáng My có thể mô tả là “tinh hoa hội tụ” khi chị vừa là một doanh nhân thành đạt, vừa cầm − kỳ − thi − họa, am tường nhiều bộ môn nghệ thuật.

Mới đây, Giáng My vừa giới thiệu với bạn bè thân bộ sưu tập tranh đầu tay của chị.

Hội họa, “người tình” của Giáng My

Một tác phẩm của Giáng My

Giáng My ví hội họa là “người tình” hiện tại, khiến chị si mê và dành hết toàn bộ thời gian của mình cho nó. Hội họa bén duyên với chị từ sau đại dịch Covid−19.

“Lúc đó, tôi muốn khám phá nội tại bên trong nhiều hơn nên thường dành cuối tuần để đi workshop như nặn gốm, vẽ tranh. Mỗi lần đến đó thì một bức tranh bé xíu 50x70cm nhưng ngồi bốn giờ đồng hồ liền và cảm giác được thiền với hội họa. Tôi nghĩ sao mình không mang thế giới này về trong nhà?”

Thế rồi Giáng My mua màu vẽ, khung tranh và biến căn phòng của mình trở thành phòng tranh. Hàng ngày, chị tự mày mò, đọc sách về hội họa, sách về các danh họa nổi tiếng rồi ngắm các bức tranh của họ. Chỉ trong vòng tám tháng, chị cho ra đời hơn 40 tác phẩm với nhiều kích thước và đề tài khác nhau.

Hội họa, nơi Giáng My tìm thấy hạnh phúc

Một bức tranh của Giáng My treo trong nhà

Tranh của Giáng My mang màu sắc vui tươi, sống động với cỏ cây hoa lá trên yếu tố âm dương ngũ hành. Nhiều bạn bè của chị nhận xét rằng hoa trong tranh chị tựa như những bông hoa biết cười.

Chị giải thích: “Khi vẽ, tôi nghĩ nhiều đến những bông hoa mùa Xuân. Và con người tôi, bất kể ở hoàn cảnh nào, đều nghĩ đến bông sen. Vậy nên tranh của tôi mang tất cả những gì sống động, tích cực. Có những bức tranh tôi vẽ như tuyết rơi, như giọt nước mắt, có cả những nốt nhạc, nhưng tổng thể vẫn vui tươi”.

Khi đam mê quá lớn, Giáng My từng nghĩ cần phải tầm sư học đạo. Nhưng bạn bè chị, những họa sĩ nổi tiếng, cho rằng cứ giữ bản chất riêng của chị, cứ vẽ một cách tự nhiên và cảm thấy hạnh phúc nhất trên toan vẽ. “Thế nên đến với hội họa, tôi vẽ như một cô bé hồn nhiên, trong trí tưởng tượng thế nào tôi vẽ như vậy”, − Giáng My bộc bạch.

Hội họa và nền tảng từ gia đình

Giáng My tại State Library Victoria, Melbourne, Úc

Không phải bây giờ Hoa hậu đền Hùng mới tiếp cận với hội họa lần đầu tiên. Chị may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về văn hóa nghệ thuật. Từ thuở ấu thơ, Giáng My đã được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Chị kể: “Ba, bốn tuổi, tôi đã hát véo von các làn điệu dân ca. Lớn hơn một chút, tôi theo bố xem các cô tập kịch, rồi đóng cả vai Thị Mầu, Mẹ Đốp. Bố tôi có tất cả những cuốn sách của các danh họa nổi tiếng thế giới. Ông thường cho tôi ngồi trong lòng và ngắm những bức tranh của họ. Điều đó cũng giúp tôi hình thành tình yêu hội họa từ rất sớm”.

Sáu tuổi, Giáng My đã vào nhạc viện, học khoa piano cổ điển. Chị được đào tạo chuyên nghiệp suốt 16 năm trời và trong thời gian<đó, chị cũng tham gia rất nhiều ngành nghệ thuật khác như kịch, phim, ca hát… Vậy nên từ rất sớm, cuộc sống của chị đã thấm đẫm văn hóa nghệ thuật. Và hội họa cũng là một phần trong đó.

Với Giáng My, điều quan trọng hơn cả là sau khi đã vượt qua những hỷ nộ ái ố cuộc đời, thì hội họa như là cách để chị thể hiện tất cả những gì chiêm nghiệm được không bằng lời nói mà bằng sự im lặng, tưởng tượng.

“Tôi hạnh phúc khi được đến với hội họa, thi ca, âm nhạc nên cũng muốn mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Không cần biết bạn là ai, bạn vĩ đại đến mức nào nhưng chỉ cần mỗi ngày với bạn là một ngày hội trong tâm hồn, thì đó mới là điều tuyệt vời nhất” – Giáng My đúc kết lại.

Sống thượng lưu và thăng hoa với nghệ thuật

Giáng My cho hay, tất cả những gì chị làm liên quan đến nghệ thuật đều không bị ràng buộc bởi vật chất.

Chị hồi tưởng: “Tôi còn nhớ lúc vừa tốt nghiệp, được mời biểu diễn piano trong khách sạn 5 sao với giá 50 đô-la Mỹ/giờ. Đó là một cái giá rất cao lúc bấy giờ và không phải ai cũng được mời. Nhưng tôi dứt khoát từ chối. Tôi nghĩ mình học 16 năm âm nhạc cổ điển thì chỉ biểu diễn ở Nhà hát Lớn thôi, không thể biểu diễn kiếm tiền như vậy được”. Thế là Giáng My bắt đầu mở cái này, cái kia, làm đủ thứ công việc từ sơn mài mỹ nghệ đến giới thiệu tranh… để có tiền nuôi sống đam mê nghệ thuật.

Sau này cũng vậy, các dự án nghệ thuật của chị như cuốn sách ảnh Huyền bí phương Đông xuất bản vào năm 2011, hay hai CD nhạc Trịnh Công Sơn ra mắt sau đó ít năm, rồi các tập thơ Bốn mùa là em, Đường đời và tri kỷ… Tất cả chỉ được bày bán để làm từ thiện tại buổi ra mắt. Sau đó, Giáng My không gửi bán ở bất cứ nơi nào khác.

Chị cho biết bấy lâu nay sống đủng đỉnh, ung dung với những đam mê nhờ vào các công việc kinh doanh. “Nền tảng của các doanh nghiệp giúp tôi sống thượng lưu trong cảm xúc thăng hoa cùng nghệ thuật”, Giáng My tiết lộ.

Vậy nên đến với hội họa, Giáng My cho biết chỉ muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mang đến năng lượng sống tích cực cho mọi người. Triết lý ấy hiện rõ trong mỗi bức tranh của chị.

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm