Lúc tôi tìm gặp Vivienne Westwood, bà đang ngồi tại một cái bàn đầy ắp keo dán, những chiếc kéo và bản vẽ trong văn phòng ở tầng thứ tư của trụ sở chính ở Battersea, Anh quốc. Trong bộ suit sọc nhỏ với những đường cắt khéo léo, bà đeo đôi hoa tai dáng dài và trang điểm khá đậm để che đi dấu vết thời gian. Bà mở đầu câu chuyện: “Lúc nhỏ, tôi là một đứa trẻ can đảm và rất mê đọc sách. Tất cả những gì tôi có thể nhớ khi còn nhỏ là các đứa trẻ khác không quan tâm đến những điều đau khổ chung quanh. Tôi thì hoàn toàn trái ngược chúng”.
Có lẽ, tuổi thơ ấy đã tạo nên một nhà thiết kế không chỉ tài năng mà còn giàu lòng nhân ái.
Sau gần bảy thập kỷ, giờ đây Vivienne Westwood đã là nhà thiết kế thời trang được săn đón nhất nước Anh, được nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệu “Huân chương Đế chế Anh”. Dù thế nào, bà vẫn là người mẹ như bao phụ nữ khác và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người chồng nhỏ hơn 25 tuổi… Cạnh đó, bà vẫn giữ những nhận thức khác biệt của mình trước thế giới và con người.
Điều này đã thể hiện rất rõ qua gu thẩm mỹ và nhận xét của Vivienne Westwood về thời trang hiện nay: “Bây giờ cách ăn mặc của nhiều người thật không thể chấp nhận được. Ai cũng mặc đồ giống nhau. Cuộc sống của bạn sẽ đa dạng và phong phú hơn nhiều nếu bạn mặc những trang phục gây ấn tượng”.
Khác với nhiều phụ nữ trạc tuổi mình, bà Westwood rất quan tâm đến những vấn đề như sự tuyệt chủng của loài người sau khi đọc các cuốn sách của nhà khoa học, nhà bảo vệ môi trường James Lovelock, người ủng hộ giả thuyết Gaia. Lovelock lập luận rằng một khi nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng vượt quá một điểm nhất định, nó sẽ xảy ra hiệu ứng domino không thể kiểm soát được. Vivienne Westwood xem Lovelock là một thiên tài vĩ đại, sánh ngang với Darwin và Einstein. Cũng vì niềm tin đó, bà vừa cho biết sẽ quyên góp một triệu bảng Anh cho quỹ rừng nhiệt đới Cool Earth. Đã ba năm liên tiếp bà tham gia Cool Earth, một tổ chức từ thiện nhằm mục đích ngăn chặn một thảm họa trong tương lai đã được dự đoán trước. Sự hỗ trợ của bà cho Cool Earth chỉ là một trong vô số những điều bà làm để bảo vệ môi trường và giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên blog cá nhân, Vivienne Westwood còn viết về việc ủng hộ chiến dịch gây quỹ cho các Hội đồng người tị nạn và cam kết hỗ trợ cho Greener upon Thames– một tổ chức vận động làm túi xách nhựa miễn phí cho London Olympics.
Ngoài ra, hiệu trưởng trường Tiểu học Uaso Nyiro tại Kenya, châu Phi, đã viết một lá thư cảm ơn về những cuốn sách bà đã gửi đến. Trong thư viết: “Nhà trường thành lập vào năm 1992 nhưng không có được một thư viện. Bây giờ, nhờ bà, chúng tôi đã có thư viện và đặt tên là thư viện Vivienne Westwood. Cảm ơn vì những điềutuyệt vời bà đã làm cho chúng tôi”. Bà cũng đã cho ra đời bộ sưu tập mùa Xuân Hè 2012 Red Label nhằm kêu gọi hỗ trợ chiến dịch No Fun Being Extinct (tạm dịch: Tuyệt chủng không phải là chuyện đùa). Bà nhắn nhủ: “Việc bảo vệ trái đất phải thực hiện ngay từ hôm nay, vì ngày mai là quá muộn”.
Bài: Marion Hume – Chuyển ngữ: Phương Thảo – Ảnh: Juergen Teller, Reuters