“Bà tôi không còn là một con người. Bà đã trở thành một tính từ”
Trong quyển sách sắp ra mắt, cháu trai của Diana – ông Alexander Vreeland đã chia sẻ những suy nghĩ và hồi ức của ông về người bà đặc biệt của mình.
Bà tôi có xu hướng lãng mạn hóa mọi thứ. Lúc còn nhỏ tôi và gia đình sống ở Morocco một thời gian và bà cứ cho rằng tôi cưỡi ngựa đến trường và nuôi một con lạc đà trong sân. Tư duy lãng mạn ấy chính là một trong những yếu tố giúp bà thành công, là cách bà truyền cảm hứng cho Richard Avedon sáng tạo nên những bức ảnh huyền thoại.
Những người làm trong giới thời trang thường hay đánh giá và chỉ trích cách người ta ăn mặc, nhưng bà tôi thì không. Bà tin rằng nếu bạn không thể nói lời tốt đẹp thì tốt nhất hãy im lặng. Ba luôn có cách giúp người khác phát huy được tiềm năng vì bà không áp đặt quan điểm lên bất kỳ ai.
Bà tôi đã ở Bazaar 26 năm và những gì bà đã cống hiến cho tạp chí vẫn có sức ảnh hưởng vang dội với thời trang hiện nay. Những bộ ảnh chưa từng bị lỗi thời. Khi xem lại tất cả, bạn có thể thấy rõ tiến trình giải phóng phụ nữ và vai trò của họ trong xã hội, trong gia đình và mối quan hệ với chính cơ thể họ. Bà tôi đã tiên phong trong việc đề cao nữ giới . Bà khiến hình ảnh người phụ nữ trông thật cao quý, không quá sexy mà cũng không quá tuềnh toàng, không dung tục mà cũng không cứng nhắc như những hình ảnh trên các tạp chí khác cùng thời.
Tôi còn nhớ những lần ăn tối với bà, có cả một đám đông gồm nhiếp ảnh gia và người mẫu vây quanh như David Bailey, Patrick Lichfield, Cecil Beaton… Bà rất thích Lauren Bacall, bà gọi cô ấy là Betty. Họ thuê chung một đầu bếp trong 10 năm cuối đời bà. Bà cũng có mối quan hệ đặc biệt với Jackie Kennedy, một tình bạn thật sự xuyên suốt cả đời. Trong thời gian Jack Kennedy tranh cử tổng thống, Jackie đã nhờ bà tôi tư vấn trang phục. Trong những bức thư gửi đến, bà thường bắt đầu với câu: “Bà Vreeland thân mến này”, “Bà Mrs Vreeland thân mến nọ” hoặc có khi chỉ là “Diana yêu quí”.
Bà tôi là người cực kỳ kỹ tính và kén chọn. Bà luôn có một chiếc khăn trải bàn đồng bộ với khăn ăn, và tất cả được là phẳng không một nếp nhăn. Tất cả những dao nĩa đều phải thật sáng bóng. Bà tin rằng mùi hương chính là trụ cột của ngôi nhà nên bà có một bộ sưu tập hương thơm và tinh dầu chuyên dùng cho ngôi nhà. Bà xịt phòng và thắp nến thơm khắp nhà, tẩm hương lên gối bằng kim tiêm. Tất cả phải được thực hiện đồng thời. Bà rất quan trọng việc dùng gối, vì bà tin rằng nếu không có gối tựa lưng bạn sẽ không cảm thấy thoải mái. Bà luôn để ý chuyện người ta có ngồi thẳng lưng hay không. Khi còn nhỏ bà từng nắm tóc tôi để kéo thẳng người lên. Bà cho rằng đó là do bà từng được đào tạo thành một vũ công nên cử chỉ hành động đều rất chuẩn mực. Tôi nghĩ ‘tinh thần kỷ luật’ là từ chính xác để nói về bà.
Bà có thể nhìn thấy những gì mà người khác không thấy. Những người làm việc cho bà ở Bazaar đều có sự thông minh, sức mạnh và năng lượng nhất định. Tôi từng gặp một người từng là thư ký cho bà trong nhiều năm. Bà ấy bảo rằng khi một người mẫu được bà mời đến buổi chụp, mọi người đều cho rằng không biết chụp cô ta để làm gì. Nhưng khi họ thấy bộ hình, họ phải thốt lên “Oh”. Bà tôi có thể nhìn vào ai đó và thấy được tài năng của họ. Đó là một khả năng thiên phú tuyệt vời.
… và đây là chân dung người phụ nữ đã dùng chính cuộc đời mình để định nghĩa lại thời trang
Đầu mùa Xuân năm 1936, Carmel Snow, tổng biên tập huyền thoại của Harper’s Bazaar, nhìn thấy một người phụ nữ trẻ, tóc đen, lướt điệu nghệ trên sàn khiêu vũ tại khách sạn St. Regis ở New York. Cô ấy mặc đầm ren trắng của Chanel cùng áo khoác lửng bolero và hoa hồng trắng cài trên tóc. Đôi gò má cao ửng hồng màu phấn đậm. Ấn tượng với phong thái của người phụ nữ ấy, bà Snow đã đề nghị cô đến làm việc cho Harper’s Bazaar. Và phần còn lại đã đi vào lịch sử thời trang.
“Tôi sẽ chỉ ở đây 6 tháng thôi”, Diana Vreeland nhớ bà đã trả lời Carmel Snow như thế. Đó là vào năm 1937, Diana vừa cùng chồng trở về New York sau 6 năm ở London. Bà luôn cảm thấy thoải mái hơn khi ở Châu Âu, không chỉ vì nước Anh là quê hương của cha bà và bà được ở gần những salon couture yêu chuộng (Chanel là nhà mốt bà thích nhất), mà còn vì bà biết rằng cá tính của một người phụ nữ không sở hữu vẻ đẹp thông thường như bà chỉ có thể được xem trọng ở xứ này. “Tại Châu Âu, những người tiên phong khởi tạo xu hướng thời trang đều không phải là người đẹp, và Diana biết bà thích hợp với truyền thống này”, Eleanor Lambert, nhân vật chủ chốt trong ngành thời trang Mỹ, nhà sáng lập Hiệp hội các nhà thiết kế Mỹ CFDA, nhận xét.
Do đó, trở về Mỹ có thể xem là một sự hụt hẫng lớn với Diana. Là mẹ của 2 đứa con nhỏ, trong khi chồng đang làm ngân hàng và tình hình tài chính chưa ổn định, Diana cần lắm một công việc. “Tôi tiêu tiền như thể một bợm rượu dễ dàng nốc cạn chai”, bà nhớ lại. Thật may là ở Mỹ vẫn có một người tinh mắt nhìn ra tài năng của Vreeland. Lời đề nghị của Carmel Snow đến vừa đúng thời điểm. Thời điểm đưa Harper’s Bazaar vào thời kỳ vàng son trong suốt 26 năm. Thời điểm đưa Diana trở thành biểu tượng thời trang của nước Mỹ.
Tại Bazaar, Diana nổi bật ngay từ những ngày đầu. Bà và Carmel Snow như hai cá tính cân bằng lẫn nhau. “Bà Vreeland giống như một sao chổi kỳ diệu, và bà Snow tỏa sáng như một hành tinh”, một cộng sự của cả hai kể lại. Một trong những dấu ấn sâu sắc đầu tiên mà Diana đóp góp cho Bazaar là chuyên mục “Why don’t you – Sao bạn không…”, do bà khởi động từ tháng 8-1936. “Sao bạn không… biến cô con gái thành một nàng công chúa trong một buổi party hóa trang lộng lẫy?”, “Sao bạn không làm như một phụ nữ cực kỳ thông minh, sở hữu 12 bông hoa hồng bằng kim cương đủ mọi kích cỡ?” Trong bối cảnh của thời đại Suy thoái, những lời khuyên của Diana tưởng chừng như viễn vông nhưng lại truyền tải một thông điệp, một sự khích lệ lớn với phụ nữ: đừng biến bản thân trở thành những cá nhân ủ dột tầm thường. Sao bạn không khéo léo xoay sở làm cho cuộc sống mình bớt tẻ nhạt hơn, và dám thực hiện ước mơ?
Chính cách nghĩ này đã giúp bà vượt qua những ngày khó khăn của tuổi thơ. Sinh ra ở New York trong một gia đình có cha là người Anh, ông Frederick Young Dalziel, mẹ là một người đàn bà Mỹ quảng giao xinh đẹp, bà Emily Key Hoffman, cô con gái bé nhỏ Diana đã không nhận được sự ưu ái của mẹ bởi ngoại hình xù xì. Với mái tóc đen xoăn tít, đôi mắt sâu, mũi khoằm và gò má cao, Diana khác biệt hoàn toàn so với vẻ đẹp chung của mọi người trong gia đình. Mẹ của bà, một người giao thiệp rộng, từng bảo với bà rằng, “Thật tệ khi con có một đứa em gái xinh đẹp trong khi con lại cực kỳ xấu xí và quá ganh tỵ với em mình”. Càng lớn, Diana càng bất đồng với mẹ về mọi thứ, bà chọn cách tự thay đổi, tự thiết lập lại bản thân. Bà tìm kiếm hình mẫu quý cô hoàn hảo để theo đuổi, nhưng rồi mãi vẫn chưa tìm ra. Vậy là bà quyết định “Tôi sẽ là cô gái đó”. “Tôi nhận ra điều duy nhất có thể làm là vận dụng tầm nhìn và khiếu thẩm mỹ để thay đổi định mệnh cuộc đời. Thay vì cố che giấu khuyết điểm, tôi biến chúng thành điểm nổi bật và đặc trưng của riêng mình. Tôi cắt tóc ngắn, buộc chúng ra sau, nhấn đôi má bằng phấn hồng và trung thành với màu sơn móng tay đỏ”.
Khi được Carmel Snow thăng lên làm biên tập thời trang, Diana Vreeland đã định hình lại hoàn toàn công việc này. Không chỉ có mắt thẩm mỹ, một biên tập thời trang phải là sự kết hợp giữa đạo diễn phim, người lo đạo cụ, thợ may và người làm đẹp. Bà chọn trang phục của các nhà thiết kế Mỹ để đăng trên tạp chí, giám sát việc chụp ảnh và làm việc với các người mẫu. “Tôi biết họ phải mặc gì trước khi họ mặc lên người, nắm rõ những gì họ ăn trước cả khi họ ăn”, bà tuyên bố.
“Bà ấy có đôi tay ma thuật”, Lillian Groueff, một người mẫu từng làm việc với Diana kể lại. “Có một lần, tôi trở về từ chuyến nghỉ mát và da bị cháy nắng nghiêm trọng, tóc thì rối bời, và tôi phải chụp với nữ nhiếp ảnh gia Louis Dahl-Wolfe. Diana đã làm gì đó với đôi tay thần kỳ của bà, và ngay lập tức tóc tôi gọn gàng trở lại. Bà bỏ hai miếng độn vai ra khỏi bộ suit, thay đổi gấu áo. Bà luôn biết cách biến đổi trang phục trước cả các nhà thiết kế. Tôi nghĩ họ lấy ý tưởng từ bà”. Khi chiến tranh ngăn chặn đường tin tức về xu hướng thời trang từ kinh đô Paris, các nhà thiết kế người Mỹ phải nương nhờ vào trí tưởng tượng phong phú của bà.
“Bà là một nguồn cảm hứng to lớn cho thời trang sportswear ở Mỹ”, một đồng nghiệp của Diana tại Bazaar cho biết. “Khi giày bị hạn chế, bà đặt bàn chân người Mỹ vào những đôi giày ballet. Bà nhờ nhà thiết kế Ceil Chapman khơi lên trào lưu lãng mạn chỉ trong một đêm – phối đầm ballet với nơ. Nhờ bà, các nhà thiết kế Mỹ đã từng có thời gian độc lập với Paris, và sáng tạo ra những gì tốt nhất mà họ đã làm. Nhưng khi cánh cửa thời trang Paris rộng mở lại sau chiến tranh, mọi chuyện đã kết thúc”.
Nói về Diana Vreeland, nhiếp ảnh gia danh tiếng Richard Avedon bắt đầu với cụm từ “một người mới cực kỳ chuyên nghiệp”. Trước bà, biên tập thời trang là một quý cô thượng lưu đặt mũ lên những quý cô thượng lưu khác. Ngược lại, Vreeland cho rằng dấu ấn cá nhân mới quan trọng. Tôi không tin chúng ta nên đặt lên tờ tạp chí những thứ gọi là “xã hội”, vì nó đã lỗi thời và thực sự không tồn tại. “Chỉ có những cá tính thú vị mới là thứ mê hoặc nhất thế giới – những cuộc đối thoại, những sở thích của họ, bầu không khí mà họ tạo ra mới là những điều tôi cảm thấy đáng giá nhất để đưa lên mặt báo”.
Khi Avedon gặp Vreeland lần đầu tiên, ông đứng ở cửa ra vào trong văn phòng dài và hẹp của bà, đằng xa là một cô người mẫu đang mặc áo cưới. “Bà Vreeland chẳng thèm nhìn tôi. Bà kêu lên, “Baron!”. Và đứng bên cạnh bà là Baron de Gunzburg, biên tập viên thời trang là nam duy nhất trên thế giới lúc bấy giờ, với một chiếc gối cắm kim treo như huy hiệu từ chiếc nơ nơi cổ áo của anh ta. Và bà gào lên, “Baron!, Baron!, kim!”. Bà lấy một cây kim và bước đến phía cô người mẫu đang đứng. Bà đâm cây kim không chỉ vào chiếc đầm mà còn vào cả cô gái, khiến cô buộc miệng rên lên một tiếng nhỏ. Vreeland trở về bàn, nhìn tôi lần đầu tiên và nói: ‘Aberdeen, Aberdeen, thấy cảnh này có làm anh muốn khóc không?’ Vâng, thật sự là vậy. Tôi trở về tìm Carmel Snow, bức xúc, ‘Tôi không thể làm việc với người phụ nữ đó. Cô ta gọi tôi là Aberdeen’. Nhưng Carmel Snow trả lời, ‘Cậu phải làm với cô ta’. Và tôi đã làm, vì lợi ích to lớn của mình, trong suốt gần 40 năm”.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Vreeland làm việc ăn ý với nữ nhiếp ảnh gia Louise Dahl-Wolfe để phản ánh cuộc sống của phụ nữ giai đoạn này. Trên những trang bìa từ năm 1942 đến 1945, người xem có thể nhận ra tinh thần dân tộc của tạp chí với hình ảnh chủ đạo là quốc kỳ và người mẫu mặc quân phục. Ấn tượng hơn cả là bìa tháng 3–1943. Với bối cảnh trước cửa phòng hiến máu thuộc Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, người mẫu Lauren Bacall mặc trang phục hải quân, tay cầm chiếc túi đỏ tươi. Đó không chỉ là tuyên ngôn hình ảnh cho mùa thời trang mới mà còn thể hiện sự cổ động của phụ nữ dành cho quân đội.
Lauren Bacall là một trong những người mẫu yêu thích nhất của Diana Vreeland. Cơ hội gặp gỡ người biên tập huyền thoại của Harper’s Bazaar đã thay đổi cuộc đời cô người mẫu 16 tuổi. Trong quyển Empress of Fashion: A Life of Diana Vreeland, tác giả Amanda Mackenzie Stuart đã miêu tả chi tiết cuộc gặp gỡ đầu tiên của Diana và Lauren năm 1942 như sau:
“Tôi đã sợ chết đi được. Hoạt động chuyên nghiệp và chính xác đến từng li của cả tạp chí và đặc biệt là sự khó tính của bà Vreeland khiến tôi rất hồi hộp”, Bacall nhớ lại. Trong buổi chụp đầu tiên diễn ra ngay sau đó, bà Vreeland cho tôi mặc một bộ suit, chỉ tôi phải make up như thế nào, nhưng nhấn mạnh chỉ làm rất ít thôi. “Betty, tôi không muốn thay đổi diện mạo của em”, bà nói. Khi tất cả đã xong, bà lấy một chiếc khăn choàng qua cổ tôi, khéo léo thắt hơi lệch sang một bên, và thế là tôi sẵn sàng cho tấm ảnh bìa đầu tiên của mình trên Harper’s Bazaar”. Nói về cô người mẫu yêu thích nhất của mình, Diana nhận xét, “Betty là một cô bé ngoan, luôn giữ kỹ những suy nghĩ và giấc mơ của mình. Cơ ấy không có gì nổi bật hơn chính bản thân mình. Tôi rất có hứng thú với cô bé này”. Tấm ảnh bìa tháng 3-1943 sau đó đã mở đường cho Lauren Bacall đến với Hollywood. Ngoài Lauren, Diana còn có công phát hiện và lăng xê các nhân tố khác như Marisa Berenson, Jean Shrimpton – người được xem là siêu mẫu đầu tiên trên thế giới, biểu tượng của thập niên 1960.
Bài: Nhi Ong – Harper’s Bazaar Việt Nam