4 TỪ KHÓA CỦA RICHARD TRỊNH, NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG LÀNG THỜI TRANG VIỆT

Mỗi từ khoá bạn thấy dưới đây đại diện cho một chương sự nghiệp của Richard Trịnh, chủ tịch công ty Maison Retail và Xuân An Fashion & Lifestyle. Nhiều người cũng sẽ nhìn thấy chính mình qua câu chuyện đầy cảm hứng của người đàn ông này

Richard Trịnh

Khi đến trung tâm thương mại Saigon Centre sầm uất, ở lầu 2, bạn sẽ nhìn thấy một cửa hiệu màu hồng rực rỡ treo bảng Missguided. Thương hiệu thời trang từ Anh Quốc vừa về Việt Nam khoảng hai tháng nay. Người đứng sau thương hiệu này là anh Richard Trịnh.

Richard Trịnh là một cái tên không mấy xa lạ đối với giới thời trang. Anh là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành bán lẻ thời trang Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp đầy liều lĩnh của anh.

1. LIỀU LĨNH

Đây có lẽ là từ khóa quan trọng đối với nhiều người làm kinh doanh, có anh Richard Trịnh trong đó. Trước khi bắt đầu câu chuyện của mình, anh nhấn mạnh: “Nếu không bắt đầu, làm sao biết mình làm được gì, thất bại ở đâu để sửa và thành công?”.

Anh quyết định ngay lập tức: “Thôi thì mình cứ làm, tới đâu thì tới!”.

Anh theo đuổi ngành hàng không được một thời gian đến 2001. Khủng hoảng kinh tế toàn thế giới diễn ra. Vào ngày 11 tháng Chín, bọn khủng bố đâm máy bay vào tòa tháp đôi tại Mỹ. Sự kiện này không chỉ gây thương vong nặng nề.

Nó còn gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi sử dụng máy bay khiến nhiều hãng hàng không phải ngừng bay.

Anh Richard Trịnh hồi tưởng: “Tôi nghĩ đến nhiều đường khác để phát triển. Đầu tiên là buôn bán, mở nhà hàng, nhưng nó quá cực và phải sát sanh. Một suy nghĩ nảy ra: Sao mình không làm thời trang nhỉ. Thế là tôi dấn thân vào ngành mà ngày nay có cái tên là retail (bán lẻ). Thời đó, nó vẫn chưa có tên mà chỉ được gọi chung là thời trang. Tôi không có một chút kiến thức, kinh nghiệm gì lúc ấy cả”.

Có lẽ chính sự liều lĩnh đó đã giúp anh phát triển sự nghiệp trong cả ngành hàng không lẫn không viết lầm đâu. Hàng không đã luôn là đam mê từ thuở bé của anh. Anh hồi tưởng: “Lúc ấy, tôi vừa từ nước ngoài về nên chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền chứ không nghĩ gì xa xôi cả. Đời ai biết được chữ ngờ. Tôi tình cờ gặp người quen đề cập đến ngành hàng không”. Tình yêu năm xưa trỗi dậy.

2. LÌ LỢM

Để biết nhiều hơn, anh qua Singapore, đến cửa hàng Mango. Mango lúc này vừa được mang về đến Singapore nên rất đông khách. Anh kể: “Tôi lấy tờ rơi, trên đó có thông tin liên lạc của trụ sở chính bên châu Âu. Thời đó còn chưa có cả email, chỉ có fax. Tôi gửi fax cho bên kia, nhưng đợi mãi vẫn không thấy hồi âm”.

“Gọi điện trực tiếp vẫn tốt hơn”, anh nghĩ. Thế là anh gọi cho họ, gọi mỗi ngày. “Họ thậm chí còn không biết đến đất nước tên Việt Nam nữa. Thế mà tôi vẫn kiên trì gọi chỉ để hỏi việc đưa Mango về”. Rồi một ngày, họ mời anh bay đến trụ sở chính tại Tây Ban Nha để thảo luận.

“Chắc họ thấy tôi lì quá và phát chán việc phải tiếp điện thoại tôi mỗi ngày rồi. Khi nhận được lời đề nghị gặp trực tiếp, tôi biết rằng mình đã thắng rồi”.

Giờ đây, việc anh phải làm là tìm mặt bằng tốt. Anh trầm trồ: “Mặt bằng khi ấy vừa nhiều, vừa rẻ. Tôi mạnh dạn thuê một căn nhà 20 mét, 5 tầng với giá 6 nghìn đô la Mỹ. Ngay cả chủ nhà cũng quan ngại khi nghe tôi bảo thuê để bán quần áo. Bán lẻ thời trang khi ấy không được xem là một ngành có tương lai. Anh sợ tôi không có tiền trả”.

Tuy nhiên, Mango là một thành công lớn. “Trong ngày khai trương đầu tiên, chúng tôi thu được hơn 8 nghìn đô la Mỹ. Nghe nhân viên thông báo mà tôi cũng bất ngờ”. Đó là tiền đề để anh mang những thương hiệu khác về và thành lập Maison, sau đó là Xuân An Fashion & Lifestyle. Tất cả là nhờ những cuộc gọi bướng bỉnh ngày ấy.

Richard Trịnh

3. CHỌN ĐÚNG NGƯỜI, GIAO ĐÚNG VIỆC

Qua năm tháng thăng trầm trong ngành bán lẻ thời trang, anh học được rất nhiều. Khi được hỏi về bài học đắt giá nhất, anh hơi ngần ngừ một thoáng, rồi đáp: “Đó là chọn người. Làm kinh doanh, tốt nhất là đừng bao giờ ỷ y và phó thác mọi chuyện cho nhân viên của mình khi chưa biết rõ năng lực của họ. Đầu tiên, bản thân mình phải đầu tư công sức vào đó”.

Anh từng có một bài học đắt giá với Kiton. Khi vừa mở thương hiệu, anh quá bận rộn nên không thể bay sang Milan mua hàng. Anh giao cho nhân viên thân tín. “Tôi nghĩ họ có đủ thẩm mỹ để chọn. Tuy nhiên, họ không hiểu được thị trường Việt, không biết được người mua cần gì. Họ chọn những mẫu suit chói lọi, những áo jacket da mùa đông dày. Mỗi một lần đi như vậy ngốn cả vài trăm nghìn euro, còn cả thuế nhập khẩu nữa. Về đây mà không bán được gì thì mất vốn, biết đến bao giờ mới bù lỗ được. Đến khi tôi phát hiện ra thì họ sợ chịu trách nhiệm nên xin nghỉ. Từ đó, tôi luôn tự mình đi”, anh Richard bùi ngùi kết luận.

“Buying giống đi đánh golf”, Richard Trịnh ví von: “Khi đánh trong sân tập nhỏ, bạn có thể đánh mọi quả golf vào lỗ, nhưng đừng vì thế mà nghĩ nghĩ mình giỏi. Sân golf thật lớn lắm, trái banh thì rất bé khiến nhiều người dễ bị choáng. Tương tự, khi nhìn thấy một showroom đầy ắp mẫu mã và màu sắc, họ rất dễ bị lạc lối và chọn sai. Còn tôi làm chủ, đồng tiền là xương máu của mình nên mình không thể qua loa được. Tôi lựa từng mẫu mã, màu sắc và chất liệu. Xong, tôi kiểm tra lại một lượt mới dám chốt hàng”.

Nhớ lại lúc ấy, ai cũng khuyên anh đóng cửa Kiton để cắt lỗ vì không ai mua. Anh kiên quyết từ chối. Anh bảo, thương hiệu đâu có lỗi gì đâu. Thật không công bằng khi họ chọn mình làm đối tác lâu dài. Mình làm sai mà bỏ ngang, cắt đứt tình cảm, cắt đứt quan hệ. Anh chỉ trách bản thân không có mặt ở đó, chỉ  dẫn nhân viên cặn kẽ. Anh khẳng định: “Là đàn ông, phải dám làm, dám chịu, dám hy sinh và không đổ lỗi cho người khác.” Sau bài học đó, giờ đây anh đã tìm được những nhân viên đáng tin cậy và cùng chí hướng.

Để một thương hiệu thành công không hề đơn giản. Nếu không có đam mê lớn hơn người, quả thực không thể làm thời trang.

4. CHĂM CHỈ VÀ TRUNG THỰC

Đây là hai điều mà anh Richard luôn dạy nhân viên của mình. Bản thân anh mỗi ngày đều nỗ lực sống đúng với hai điều này. Anh cho rằng tài cần đi đôi với đức. Khi có tính trung thực, bạn đi đâu ai cũng quý. Ngay cả khi thất bại tới tận cùng, người ta vẫn sẽ giúp mình vì chính cái sự trung thực ấy. Anh cho hay: “Trong bất cứ thứ gì tôi làm, nếu không biết chính xác tôi sẽ không nói”.

Trước khi chào tạm biệt, anh Richard Trịnh dặn dò: “Khi viết bài, đừng gọi tôi là doanh nhân nhé. Tôi không thích thế. Doanh nhân là chỉ những người kinh doanh nổi tiếng và thành công. Đến phút này, chưa bao giờ tôi dám nhận mình thành công cả. Thành công rất khó định nghĩa. Mình thành công trong công việc mà gia đình không mỹ mãn không thể gọi là thành công. Mình giàu có nhưng không hạnh phúc cũng không thành công. Cứ gọi tôi là Richard Trịnh”.

Ảnh: RABHUU. Bài: KHÁNH AN
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

4 TỪ KHÓA CỦA RICHARD TRỊNH, NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG LÀNG THỜI TRANG VIỆT
Richard Trịnh
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Doanh nhân
Thành tựu chính
    • Chủ tịch công ty Maison Retail và Xuân An Fashion & Lifestyle