Andy Warhol, người mối mai thời trang và pop art

27 năm trước, Andy Warhol đã từ biệt thế giới, nhưng tinh thần của ông thì vẫn ở lại cùng thời trang thế giới

Có lẽ ngay từ khi ngành công nghiệp thời trang bắt đầu xuất hiện, các fashionista đã không còn ngạc nhiên với việc tác phẩm của những họa sỹ nổi tiếng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế. Song, trên thế giới chỉ có một họa sỹ duy nhất mà sự xuất hiện của ông không chỉ tạo ra một trào lưu nghệ thuật, một khuynh hướng thẩm mỹ mới, mà còn đánh dấu sự hòa trộn giữa thế giới giữa nghệ thuật và thời trang. Không ai khác, đó chính là Andy Warhol.

Đối với Andy Warhol, nghệ thuật và thời trang là một

Andy-warhol-1

Một trong những hình minh họa thời trang do Andy Warhol thực hiện

Nổi tiếng với tuyên ngôn: “Tôi thà mua một bộ quần áo rồi treo lên tường thay cho một bức tranh”, họa sỹ nổi tiếng nhất của trào lưu pop art khởi đầu sự nghiệp bằng nghề vẽ minh họa cho các tạp chí thời trang. Có lẽ nền tảng đó chính là lý do khiến ông luôn giữ tình yêu say đắm với việc thiết kế ra những trang phục cũng như mối quan hệ chặt chẽ với giới thời trang New York. Với ông, một trang phục chính là một tác phẩm nghệ thuật.

Việc Andy Warhol gắn bó với thời trang cũng là một lẽ tất yếu. Trào lưu nghệ thuật do ông dẫn đầu có tên là pop art có nhiều điểm tương đồng với thời trang. Đối tượng chủ yếu mà cả hai nhắm đến là những ngôi sao, những tên tuổi nổi bật, những hiện tượng “popular” trong giới đại chúng.

Warhol không vẽ chân dung của những cô gái không tên tuổi. Nhân vật của ông luôn phải là biểu tượng của văn hóa thời đại như Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe… Những nhân vật ấy tất nhiên cũng là biểu tượng của thời trang. Họ là khách hàng quý và cũng là đẳng cấp mà các thương hiệu hướng đến.

Biểu tượng sắc đẹp Marilyn Monroe trong bức chân dung nổi tiếng của Andy Warhol xuất hiện trên thiết kế của Pepe Jeans.

Biểu tượng sắc đẹp Marilyn Monroe trong bức chân dung nổi tiếng của Andy Warhol xuất hiện trên thiết kế của Pepe Jeans

Tính cách sôi động của nghệ sỹ phong cách Pop Art

Bên cạnh đó, khác xa với các nghệ sỹ của các trào lưu khác, người thường đóng kín thế giới nghệ thuật của mình, Andy Warhol cũng như nhiều nghệ sỹ pop art lại thích tìm cảm hứng từ cuộc sống sôi động. Họ đắm chìm vào không gian văn hóa sôi động, trưng bày các tác phẩm của mình theo cách xa hoa, ồn ào nhất. Thời trang cũng như vậy. Nói đến thời trang là người ta nghĩ ngay đến thế giới của những show diễn, cuộc trưng bày lộng lẫy và khách mời đầy phong cách.

Chính Warhol cũng là một biểu tượng nổi loạn đầy thú vị của làng thời trang. Ông thường xuất hiện giữa một bữa tiệc trang trọng với cặp kính màu vàng, chiếc áo tuxedo được biến thành tả tơi và một chiếc quần đủ màu sắc. Bằng những trang phục ấy, người nghệ sỹ này đã xóa nhòa mọi ranh giới giữa cao cấp và bình dân, giữa sự nghiêm túc và đùa cợt.

andy_warhol_model_boy_-David_Siqueiros

Những sản phẩm của Andy Warhol luôn trở thành biểu tượng

Andy Warhol đã biến những sự vật rất đỗi bình thường trở thành biểu tượng của thời đại. Những bức tranh hộp sốt cà chua Campbell hay chai Coke của ông chính là ví dụ. Ông đã sử dụng đến kỹ thuật kẻ, vẽ quảng cáo đương thời để thực hiện các tác phẩm của mình. Và đã giống quảng cáo thì tất nhiên luôn sống động, bắt mắt và hấp dẫn.

Phong cách nghệ thuật đó của Andy Warhol đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà thiết kế thời trang đương thời và cả ngày nay. Cùng cái tên Andy Warhol, cụm từ “Pop-art fashion” đã trở thành một khái niệm mặc nhiên được chấp nhận trong giới thời trang. Nghe đến khái niệm ấy, người ta sẽ ngay lập tức hình dung ra những trang phục có màu sắc rực rỡ, họa tiết đơn giản, có chút nghịch ngợm. Ví dụ khác, người yêu thời trang giờ đây đã quá quen với color-block. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được rằng cách phối hợp táo bạo những màu sắc đối chọi ấy đã khởi đầu từ thập niên 1960, trong không khí đầy sôi động của pop art.

Đầm giấy với họa tiết là các hộp soup của campbell do chính andy warhol thiết kế nhằm mục đích quảng cáo

Đầm giấy với họa tiết là các hộp soup của Campbell do chính Andy Warhol thiết kế nhằm mục đích quảng cáo

Đến nay, thật khó mà đếm hết được các bộ sưu tập thời trang từ cao cấp đến bình dân, từ haute couture đến ready-to-wear, lấy cảm hứng từ Andy Warhol. Bóng dáng của nghệ sỹ huyền thoại này đã từng xuất hiện trong trang phục họa tiết hoa của Prada mùa thu đông 2013, họa tiết trừu tượng rực rỡ trên đầm của Comme des Garcons hay bộ sưu tập Resort 2013 của Marc by Marc Jacobs… Những bức tranh Andy Warhol vẽ cũng xuất hiện không ngừng trên sản phẩm của hàng trăm hãng thời trang.

Họa tiết hoa lấy cảm hứng từ tranh vẽ của andy warhol đã trở thành một phần bộ sưu tập resort 2013 của marc by marc jacobs

Họa tiết hoa lấy cảm hứng từ tranh vẽ của Andy Warhol đã trở thành một phần bộ sưu tập Resort 2013 của Marc by Marc Jacobs

Không chỉ vậy, nếu Andy Warhol từng thiết kế ra những chiếc váy bằng giấy với họa tiết là các sản phẩm phục vụ sinh hoạt đời thường, thì hãng Gucci vừa cho trưng bày những chiếc túi làm bằng giấy với họa tiết đậm chất pop art. Sự lòe loẹt trong màu sắc trang phục của các ca sỹ nổi loạn như Lady Gaga hay Nicki Minaj dường như cũng bắt đầu từ trào lưu nghệ thuật đó.

Có lẽ, nếu một lúc nào đó thời trang chính thức được đưa vào từ điển các ngành nghệ thuật, Andy Warhol sẽ được ca tụng như một biểu tượng tiên phong. Và để nói về ông, hẳn các nhà nghiên cứu sẽ còn tốn nhiều giấy mực.

 Bài: Huy Phương
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm