Một bầu không khí buồn bã bao trùm hãng thời trang Alexander McQueen khi người sáng lập qua đời vào đầu năm 2010, dù Sarah Burton đã được mời làm giám đốc sáng tạo ngay sau đó. Với chức vụ mới, Sarah Burton vẫn thầm lặng với công việc thiết kế ở hãng như cô vẫn làm hơn mười năm qua. Thế rồi tháng Tư năm ngoái, chiếc váy cưới thanh nhã và quý phái của công nương Kate Middleton trong đám cưới hoàng gia Anh đã biến cái tên Sarah Burton trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Sarah Burton là ai? Khi cả thế giới còn mải tra tên cô trên Google thì có lẽ Lady Gaga đã kịp đặt thêm một chiếc váy mới từ Burton. Từ lâu, cô ca sỹ có gu thẩm mỹ độc và lạ đã tín nhiệm nhà thiết kế 38 tuổi này.
Nhìn vào danh sách khách hàng của Burton, người ta càng kinh ngạc khi nhận ra còn có đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, diễn viên Cate Blanchett, Gwyneth Paltrow, những người nổi tiếng với phong cách thanh lịch. Thế mới thấy, tài biến hóa của vị giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu Alexander McQueen thật đáng ngưỡng mộ.
Mãi đến khi hòa cùng hàng nghìn người theo dõi đám cưới của công nương Kate Middleton, cha mẹ Sarah Burton mới biết chiếc váy cưới tinh tế mà cả thế giới đang xuýt xoa khen ngợi do chính con gái yêu của mình thiết kế. Người mẹ vốn là một giáo viên dạy nhạc có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới ngày này trước đây. Bà chỉ biết rằng cô con gái luôn đạt điểm nhất của mình từ bé đã quyết tâm trở thành nhà thiết kế.
Người cộng sự lâu năm của Lee Alexander McQueen
Sau khi tốt nghiệp đại học, Sarah Burton thực tập tại công ty của McQueen, lúc ấy mới chỉ là một studio nhỏ tại quảng trường Hoxton, Anh. Kỷ niệm đầu tiên của cô sinh viên trẻ trường Central Saint Martins College of Art and Design với nhà thiết kế lừng danh trong giai đoạn khởi nghiệp là câu hỏi: “Em có tin vào đĩa bay không?”. Hẳn câu trả lời của Sarah Burton là có, bởi cô đã trở thành người phối hợp ăn ý với Lee Alexander McQueen suốt nhiều năm sau đó.
Sự qua đời của anh có lẽ cũng là một cú sốc lớn đối với Sarah Burton, khi anh vừa là cấp trên vừa là người thầy của cô từ những bước đi đầu tiên. “Nếu bạn không biết cách làm điều gì đó, Lee (tên gọi thân mật của Alexander McQueen) sẽ khuyến khích bạn phải thử thách mình và dạy bạn cách thực hiện hoặc để cho bạn được tự tìm ra cách của riêng mình”.
Mười bốn năm gắn bó với thời trang cũng là mười bốn năm cô gắn bó với McQueen. Bộ thiết kế dở dang cuối cùng của McQueen đã được chính tay Sarah Burton hoàn thành và đưa lên sàn diễn. Thế nhưng khi được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo, nỗi hoang mang chợt ùa đến với người phụ nữ lâu nay đã quen đứng trong bóng tối.
Giữa lúc bối rối trước trách nhiệm lớn lao, cô suy nghĩ: “Tôi tự hỏi, Lee đã làm việc vì điều gì? Tôi nghĩ về điều tôi mong muốn nhất. Như mọi phụ nữ ở tuổi mình, tôi muốn dành thời gian để thực hiện thiên chức làm mẹ, nhưng tôi biết đó không phải lý do để mình chối từ thử thách lớn này”. Vậy là Sarah Burton, người phụ nữ bấy lâu nay vẫn đứng sau Alexander McQueen đã bước ra ánh sáng, nắm lấy trách nhiệm giữ gìn và phát triển thương hiệu thời trang luôn hướng tới sự độc đáo này.
Sarah Burton đưa Alexander McQueen bước về tương lai
Các nhà phê bình thời trang bình luận rằng chiếc áo cưới hoàng gia đã đưa cái tên Alexander McQueen lên một nấc thang cao hơn nữa. Thế nhưng, họ cũng không quên sau khi nhà sáng lập ra hãng thời trang này qua đời, người ta chưa từng phải thất vọng với sản phẩm nào do Sarah Burton sáng tạo.
Tháng Chín năm 2010, bộ sưu tập trang phục nữ đầu tiên của Burton đã được giới thiệu tại Paris. Vẫn là vẻ đẹp gai góc, kỳ lạ đặc trưng của Alexander McQueen, nhưng giờ đây những tác phẩm thời trang đã được bổ sung thêm rất nhiều vẻ đẹp mềm mại.
Giám đốc sáng tạo mới vui vẻ giải thích: “Tôi là phụ nữ mà, thế nên phải có thêm sự nữ tính chứ!”. Bên cạnh đó, cô đã can đảm gạt bỏ cảm giác tăm tối vốn có của nhiều thiết kế của McQueen ra khỏi bộ sưu tập mới: “Tôi vẫn giữ một chút bóng tối huyền bí cho bộ sưu tập, vì nếu không có bóng tối thì bạn không thể biết ánh sáng quý giá đến mức nào”.
Liệu có phải vì tinh thần “sáng” đó mà thương hiệu do Sarah Burton chèo lái đã nhanh chóng vượt qua được sự khủng hoảng, vững vàng tiến bước và đã được hoàng gia Anh chọn lựa. Bàn tay của số phận đã giúp chiếc đầm do cô thiết kế trở nên nổi tiếng hơn bất cứ sản phẩm nào của người thầy đoản mệnh. Tuy nhiên, có lẽ đó cũng là cách Sarah Burton nói với người đã mất rằng cuộc sống này vẫn phải tiếp tục và thương hiệu vẫn sẽ phát triển.
Trong bữa tiệc tưởng niệm Alexander McQueen tại New York vào tháng Năm năm ngoái, khi đa số khách mời chọn mặc các thiết kế mang màu sắc u tối đặc trưng của thương hiệu này, Sarah Burton đã chọn chiếc đầm dạ hội trắng, tách mình ra khỏi bóng dáng cũ của người thầy. Khi tất cả bận nói về quá khứ, chỉ một mình Sarah Burton hướng tới tương lai. Cô không cần thể hiện điều đó ra bằng lời, cô đã để trang phục tự nói lên những điều cần thiết.
Hiện tại, Sarah Burton cảm thấy vui mừng vì mình đã dũng cảm đảm trách cương vị giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen. Cô giãi bày: “Tôi nhận công việc vì điều đó sẽ giúp cho hãng duy trì được tinh thần của anh Lee”. Có lẽ Sarah Burton vẫn quen với việc khiêm tốn khi đánh giá về mình, bởi sự có mặt của cô không chỉ ở việc duy trì tinh thần của một người đã ra đi. Đó là một bước chuyển thực sự, từ đau thương, mất mát và khủng hoảng sang niềm vui và hy vọng. Điều quan trọng nhất là với những thiết kế của mình, cô đã khẳng định Alexander McQueen đang bước đi, đang thay đổi, vì một thương hiệu không tiến về phía trước sẽ là một thương hiệu chết.
Ảnh: Reuters, Dan & Corina Lecca
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam