3 nhà thiết kế gốc Việt chinh phục làng thời trang thế giới

Ba nhà thiết kế gốc Việt chinh phục sàn diễn thời trang cao cấp nhờ kết hợp yếu tố hiện đại với nét lãng mạn mang màu sắc phương Đông trong làng thời trang

Họ là Barbara Bùi, Betty Trần, Olympia Lê Tân, những nhà thiết kế gốc Việt tên tuổi đã và đang chinh phục tín đồ thời trang thế giới qua các bộ trang phục, phụ kiện đẳng cấp. Giữa rừng thời trang lắm nhân tài, sự phá cách độc đáo và dám đi tới tận cùng đam mê là yếu tố giúp họ thành công.

BARBARA BÙI: KẾT HỢP ĐÔNG – TÂY

Có thể nói vui, điểm chung của Củng Lợi, Kristen Steward hay Michelle Pfeiffer là mê đắm những bộ trang phục chất liệu da của Barbara Bùi – nhà thiết kế nửa dòng máu Việt, thành viên Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp.

Barbara Bùi tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2015 ở Pháp - Ảnh: AFP

Barbara Bùi tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2015 ở Pháp – Ảnh: AFP

ĐI TÌM CHÍNH MÌNH

Yêu văn học nghệ thuật, cố công theo đuổi bằng được tấm bằng tiến sỹ văn chương, Barbara Bui mới biết thế giới chữ nghĩa chưa đủ chỗ cho người năng động và tư tưởng phóng khoáng như mình bay nhảy. Bà yêu thích thời trang. Cùng hợp sức với người bạn trai, Barbara dấn thân vào giới thời trang bằng cửa hàng mang tên Kabuki. Giữa muôn trùng sản phẩm thời trang, phong cách thiết kế của bà lúc bấy giờ chưa được đánh giá cao. Dù vậy, là người có khả năng cảm thụ nghệ thuật cao, Barbara dần hiểu ra khách hàng cần gì, gu thẩm mỹ của họ ở đâu. Trang phục do bà thiết kế vì thế càng lúc càng biến hóa, Kabuki trở thành thương hiệu uy tín.

Sau này, khi được hỏi thử thách nhất trong nghề thiết kế là gì, Barbara trả lời: Đó là lúc khởi đầu bằng tờ giấy trắng và những ý tưởng còn mơ hồ. Thật khó giải thích với cộng sự về các ý tưởng chỉ mới phảng phất trong đầu.

PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI

Cửa hàng thời trang mang chính tên Barbara Bui ra mắt năm 1988 và nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Bà tiếp tục giới thiệu thương hiệu BB hướng tới khách hàng đại chúng hơn. Sau khi giới thiệu phụ kiện, túi xách và giày dép năm 2000, Barbara ra mắt thương hiệu BUI vào năm 2003. Năm 2009, bà lại giới thiệu thời trang len Barbara Bui Tricot. Đến nay, sản phẩm của bà có mặt ở các kinh đô thời trang lớn như Milan, Tokyo, New York. Ngay trong lòng Paris, Barbara Bui tự tin sánh vai cùng Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Armani, Dior, Prada… tại đại lộ Montaigne hoa lệ. Nét đặc sắc trong thiết kế của bà là văn hóa phương Đông kết hợp hài hòa với phương Tây. Đặc biệt, trang phục của bà mang màu sắc rock & roll mà vẫn nữ tính. Barbara thích nghịch chất liệu và tạo cho nó diện mạo mới, đặc biệt là chất liệu da mạnh mẽ và quyến rũ.

Đối tượng khách hàng của Barbara là những phụ nữ, mạnh mẽ, giàu cảm xúc và nhạy cảm. Đó là người phụ nữ hòa nhập được với đời sống đương đại mà vẫn giữ được nét riêng. Bạn có thể tìm hiểu các mẫu thiết kế của Barbara Bùi qua www.barbarabui.com

“Mang hai dòng máu Âu, Á nên tôi rất cởi mở trước các nền văn hóa khác. Cởi mở và tò mò đã là ADN của tôi”, Barbara Bùi chia sẻ

BZ_BARBARA-BUI-BAG

ĐỂ THÀNH CÔNG

– Định hình phong cách thiết kế giúp trang phục của bà không lẫn vào đâu giữa làng thời trang đẳng cấp. Đó là phong cách thanh lịch với chất liệu da cao cấp, đôi lúc phá cách với họa tiết rồng phượng phương Đông cùng bohemian tạo nét độc đáo.

– Xây dựng nhiều dòng thời trang với phân khúc khách hàng khác nhau. Đối với phân khúc hàng hiệu, bà định vị thương hiệu ngang hàng với các hãng thời trang hàng đầu với giá rất đắt. Chạm được thế giới thượng lưu, các phân khúc khác của bà chẳng khó chinh phục khách hàng.

BETTY TRẦN: KHẲNG ĐỊNH TÊN TUỔI Ở ĐẤT NƯỚC CHUỘT TÚI

Betty Trần vừa kỷ niệm sinh nhật nhãn hàng thời trang của mình lần thứ hai. Dù còn khá mới mẻ nhưng thương hiệu của cô được giới thời trang tại Úc và thế giới đánh giá cao.

BETTY-TRAN-BZ

Nhà thiết kế Betty Trần (trái) tại hậu trường Mercedes- Benz Fashion Week Australia. Ảnh: Getty Images

ĐỨNG LÊN TỪ THẤT BẠI ĐẦU ĐỜI

Đường đến thành công của Betty không hề suôn sẻ. Thương hiệu đầu tiên do cô thành lập với cái tên Betty Sugar thất bại, khách hàng từ chối khiến Betty lâm vào cảnh nợ nần. Cô quyết đoán nhưng âm thầm gầy dựng thương hiệu Betty Tran.

“Mẹ nghĩ tôi điên. Tôi đã dùng 2.000 đô-la Mỹ (khoảng 40 triệu đồng) cuối cùng để làm ra bộ sưu tập thời trang và mang đến Tuần lễ Thời trang Perth. May mắn là được đón nhận. Cùng năm đó, tôi được mời tham gia tuần lễ thời trang tại New York”, Betty hồi tưởng.

Động lực thúc đẩy nhà thiết kế gốc Việt này tiến lên chính là nỗ lực làm việc và đánh giá của khách hàng. Thất bại đầu đời đặt Betty vào nỗi sợ: sợ thành quả của mình không đủ tốt, sợ không thể trả hóa đơn và tiền thuê cửa tiệm, sợ thất bại… Cô chỉ biết cố hết sức để tạo ra sản phẩm hoàn hảo.

TÔN VINH NỮ TÍNHBZ_NHATHIETKEVIET-1

Quyết tâm là vậy nhưng Betty Trần không đặt doanh thu làm trọng trong kinh doanh. “Đừng quá háo hức và để tài chính kiểm soát bạn. Hãy làm những gì bạn có thể, đi từng bước nhỏ thôi – đây không phải chuyện tiền bạc mà là giấc mơ của bạn”, cô chia sẻ. Với Betty Trần, thiết kế là cách thể hiện bản thân theo kiểu đàn bà nhất. Người phụ nữ mặc trang phục Betty Trần là người có sự nghiệp, dám mạo hiểm, lãng mạn và coi trọng giá trị gia đình. Nếu Barbaba Bùi thích chất liệu da thì Betty Trần hay dùng chất liệu lụa, ren mềm mại và bay bổng. Thiết kế của Betty tôn lên nét nữ tính, sang trọng và tinh tế nhưng vẫn đầy cá tính.

Khách hàng ruột của cô là cựu thành viên nhóm Spice Girls Mel B, siêu mẫu Jessica Hart của Victoria’s Secret, hoa hậu hoàn vũ Úc Jesinta Campbell và mới đây là chị em Serena và Venus Williams của làng quần vợt thế giới.

TẬN DỤNG ƯU THẾ TỪ NHỎ

Mẹ Betty Trần là thợ may người Việt nhập cư ở Úc. 8 tuổi, Betty đã phải phụ mẹ tháo chỉ, sửa đường may. Lúc đó, công việc nhàm chán khiến Betty Trần càu nhàu rằng không bao giờ làm nghề may vá kiếm sống. Dù vậy, cô yêu nghề thiết kế lúc nào không hay. Nhờ vậy, cái tên Betty Trần mới có cơ hội vinh danh trên sàn diễn.

OLYMPIA LE-TAN: XỨNG DANH CON NHÀ NÒI

Trong dòng chảy của chiếc áo dài Việt Nam tân thời, họa sỹ Lê Phổ ghi dấu ấn bằng cách kết hợp sự cách tân và nét truyền thống, tạo nên kiểu áo dài màu kết hợp quần trắng nền nã đến ngày nay. Cháu gái ông – Olympia Le-Tan tiếp nối dòng máu nghệ thuật của gia đình, trở thành nhà thiết kế nổi tiếng với nhiều kiểu trang phục, phụ kiện xuất hiện trong Tuần lễ Thời trang Paris và thế giới.

Nhà thiết kế Olympia Le-Tan năm nay 37 tuổi. Ảnh: AFP

Nhà thiết kế Olympia Le-Tan năm nay 37 tuổi –  Ảnh: AFP

TÔN THỜ CÁI ĐẸP

Mang dòng máu Việt – Pháp – Anh, lại thừa hưởng tính nghệ sỹ của ông nội và cha (một họa sỹ vẽ tranh minh họa nổi tiếng ở Pháp), Olympia Le-Tan sống phóng khoáng, phá cách và có chút lập dị. Olympia Le-Tan chưa từng được học về thiết kế thời trang nhưng từng có thời gian làm việc tại xưởng thiết kế của nhà tạo mẫu nổi tiếng Karl Lagerfeld. Cô bị ảnh hưởng bởi lối thiết kế lập dị, nổi loạn nhưng đỉnh cao của Karl. Các thiết kế về sau của cô vì thế trung thành với phong cách thời trang cao cấp, độc đáo, kết hợp với hội họa và văn học.

Năm 2009, cô ra mắt bộ sưu tập ví cầm tay với chủ đề “Đừng đánh giá quyển sách qua trang bìa”. Những chiếc ví này hình vuông, kích thước như quyển sách. Hình ảnh minh họa cho ví dựa trên nguyên bản của 21 quyển sách kinh điển thế giới, được chính Olympia thêu tay tỉ mỉ trên chất liệu vải dạ, thêu chữ từng nét. Có những chiếc túi đòi hỏi mấy chục giờ công, công phu thêu từng nét. Như nhà thiết kế bộc bạch, các mẫu ví cầm tay này là “sự tôn thờ cái đẹp, mà buồn thay đã bị thay thế bởi hình ảnh rẻ tiền, hàng chợ”. Thiết kế này ngay lập tức trở thành món hàng được tín đồ thời trang săn đón.

BZ-OLYMPIA-TAN-4

Hàng càng hiếm càng quý, Olympia giới hạn mỗi mẫu chỉ làm ra đúng 16 chiếc (16 là ngày sinh của cô), mỗi chiếc được đánh số thứ tự rõ ràng, giá cả nghìn euro vẫn được lùng mua.

GIA TÀI TUỔI THƠ

Cô tâm sự: “Tuổi thơ ảnh hưởng lớn đến các thiết kế của tôi. Tất cả những trò đã chơi, những lần bị anh trai bắt nạt, khi chăm sóc em gái, tôi đã vẽ lên tác phẩm. Tôi vẫn thích xem phim dành cho trẻ con”.

Không dừng ở việc sáng tác mẫu ví cầm tay, Olympia gây ấn tượng mạnh trên sàn diễn thời trang với dòng trang phục ready-to-wear. Mới đây, bộ sưu tập xuân hè 2015 của nhà thiết kế gốc Việt lại gây sốt với thiết kế nhiều màu sắc, tươi trẻ, khỏe khoắn gợi nhớ những nữ sinh hồn nhiên trong trang phục học đường. Bộ sưu tập gồm váy yếm, vest, blazer, quần âu, thắt lưng to bản… ấn tượng và phong cách. Một lần nữa, Olympia Le-Tan cho thấy sức sáng tạo không giới hạn.

 Những mẫu thiết kế trẻ trung, gợi cảm của Olympia Le-Tan

Chất “gây nghiện” trong những mẫu thiết kế trang phục của Olympia Le-Tan là phong cách vừa gợi cảm vừa ngây thơ

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

– Tiêu biểu cho sức sáng tạo của Olympia Le-Tan là những chiếc clutch có kiểu dáng tựa như một cuốn truyện xinh xắn, tạo cảm giác thời thượng và đầy tri thức. Olympia cho
biết cô lớn lên trong không gian của những cuốn sách nên đó là điều cô nghĩ đến đầu tiên khi sáng tạo.

– “Tôi thích nấu nướng, thêu thùa, bởi trong tôi có chút bản tính của người nội trợ”, Olympia Le-Tan chia sẻ. Khi còn bé, cô thăm ông bà vào cuối tuần và học thêu, học vẽ. Đó là bước khởi đầu cho những thiết kế thành công của cô sau này.

Bài: Thanh Ngọc – Theo: TTGD

Xem thêm