Rachel, một tiếp viên hàng không 30 tuổi, thường xuyên mua một vali đầy hàng xa xỉ mỗi khi có dịp đến châu Âu. Về đến Hồng Kông, cô sẽ bán những mặt hàng này đến người tiêu dùng địa phương. Kinh doanh bên lề như thế này vừa mang lại một ít lợi nhuận cho cô, vừa cho phép mình mua sắm thoả thích.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm ngoái, mọi thứ đều thay đổi.
Kinh tế Hồng Kông đã bắt đầu suy thoái khi những cuộc biểu tình diễn ra hàng loạt. Còn bây giờ, công việc chính của cô cũng bị ảnh hưởng nặng vì dịch cúm corona. Các quốc gia đóng cửa biên giới. Hầu như không có mấy khách đi du lịch hay công tác. Các chuyến máy bay vắng khách. Êkíp tiếp viên hàng không vừa được yêu cầu nghỉ không lương trong một thời gian tới.
Những diễn biến này đã bắt Rachel phải bán sang tay bộ sưu tập hàng hiệu của mình. Hồi đầu tháng 3, cô đã bán được túi Chanel flap bag và một chiếc đồng hồ kim cương, đổi lấy 60,000 đô-la Hồng Kông tiền mặt (khoảng 180 triệu đồng).
“Công ty có thể sẽ sa thải tôi nếu ngành hàng không tiếp tục ế ẩm. Tôi muốn có một ít tiền mặt dự trữ để đối mặt với tình huống này”, Rachel nói.
Giống như Rachel, nhiều người dân Hồng Kông đã bắt đầu bán lại những món hàng hiệu như túi, đồng hồ và nữ trang quý giá.
Tháng 1/2020, doanh số từ mặt hàng trang sức, đồng hồ và quà tặng đắt tiền đã giảm 42% so với năm ngoái. Nhưng doanh thu đến từ mặt hàng xa xỉ sang tay (second hand) lại tăng vọt.
WP Diamonds, một công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh kim cương second hand, nhận được một lượng lớn yêu cầu bán lại nữ trang. Trong vòng hai tháng đầu năm 2020, website của họ nhận lượng truy cập tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người thậm chí muốn bán cả nhẫn đính hôn!
“Ai ai cũng muốn đảm bảo mình có trữ lượng tiền mặt tốt. Đây là giai đoạn thích hợp để mọi người giải quyết những món nữ trang không cần nữa”, ông Andrew Brown, đại diện WP Diamonds nói.
Thị trường cũng xuất hiện nhiều chiếc túi xách quý hiếm.
Trong môi trường kinh tế ảm đạm, việc bán đi những tài sản nhỏ như túi xách hàng hiệu và trang sức là cách nhanh nhất để kiếm tiền mặt.
Cửa hàng bán lẻ túi xách hàng hiệu sang tay Milan Station tại Hồng Kông cho biết, số lượng túi xách họ mua lại đã tăng 30% trong hai tháng vừa qua. Trong đó bao gồm rất nhiều mẫu mã quý hiếm. Nhà sáng lập và chủ tịch Milan Station Yiu Kwan-tat cho biết, họ đã nhận được đến 10 mẫu túi xách Hermès làm từ da cá sấu – mỗi chiếc trị giá hơn 300,000 đô-la Hồng Kông (khoảng 900 triệu đồng).
Ông Yiu cũng sở hữu những mô hình kinh doanh khác liên quan đến thời trang hàng hiệu. Một công ty của ông, Yes Lady, là tiệm cầm đồ cho túi xách xa xỉ. Trong chỉ nửa đầu tháng 3/2020, Yes Lady đã cho vay số lượng gấp 4 lần so với bình thường. “Chúng tôi có khách hàng khoán hẳn 5 chiếc túi hiệu để lấy 1 triệu đô-la Hồng Kông”.
Vàng vẫn là tài sản được tích trữ mỗi dịp kinh tế bất ổn.
Tập đoàn kim hoàn Chow Tai Fook cho biết, họ đã nhận mua lại rất nhiều nữ trang bằng vàng trong đầu năm 2020. Người mua vui vẻ vì giá vàng tăng. Các nhà đầu tư cũng vui vẻ vì vàng an toàn hơn cổ phiếu trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, tình hình này lại không diễn ra ở Đại Lục.
Đây có thể vì Trung Quốc đang từ từ hồi phục sau cơn bùng phát dịch cúm corona hồi đầu năm. Nhiều người vẫn còn hạn chế đi lại, và vì vậy chưa có cơ hội để bán sang tay bộ sưu tập hàng hiệu của mình.
>>> Xem thêm: GIỚI THỜI TRANG XA XỈ BỊ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO VÌ VIRÚT CORONA?
Theo Nikkei Asian Review
Harper’s Bazaar Việt Nam