7 nguyên tắc nghệ thuật tranh luận giúp giữ lửa tình

Cuộc sống lứa đôi luôn có bất đồng không đáng. Bazaar mách bạn các nguyên tắc tranh luận giúp bạn vừa giữ lửa tình yêu vừa giải quyết vấn đề tận gốc

7 nguyên tắc nghệ thuật tranh luận giúp giữ lửa tình

Người ta thường nói: Yêu nhau lắm, cắn nhau đau. Có lẽ người xưa cố tìm ra một cách giải thích hài hước cho những bất đồng, vì dường như chúng mang gia vị cho hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế thì việc tranh luận trong hôn nhân thế nào?

Theo số liệu thống kê trên tờ Journal of Family Psychology của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, những cặp đôi hay tranh cãi, chỉ trích lẫn nhau trước khi cưới có nhiều khả năng kết thúc hôn nhân sớm hơn các cặp đôi khác. Trong khi đó, nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Howard Markman tại Đại học Denver, Mỹ cho thấy: các cặp đôi biết cách tranh luận hiệu quả lại hạnh phúc hơn những cặp ít tranh luận.

Trong cuộc sống lứa đôi, mâu thuẫn là điều khó tránh, “bát đũa trong chạn còn có lúc xô”. Quan trọng là bạn đã biết cách tranh luận một cách công bằng hay chưa.

Khi tranh cãi, nếu bạn thường: nổi giận đùng đùng, la hét, dùng từ ngữ nặng nề hoặc tỏ thái độ “nếu không có được điều tôi muốn, mọi chuyện sẽ kết thúc ở đây”, bạn có thể tham khảo bảy nguyên tắc của nghệ thuật tranh luận công bằng dưới đây.

1) Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói

Khi tranh cãi, bạn thường cảm thấy tức ngực, tim đập nhanh và run rẩy. Để biến tranh cãi thành tranh luận, kiểm soát bản thân tốt hơn, bạn có thể thử:

• Thở sâu 3-4 lần. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng.
• Tự nhủ: Tôi không có ý định cư xử thô lỗ và hạ thấp anh ấy.
• Nói rõ cho anh ấy biết cảm giác của mình lúc này. Đừng quên hạ thấp giọng.

2) Tranh luận không phải để chiến thắng

Khi tranh cãi, chúng ta thường muốn chứng tỏ quyền lực của mình, muốn phân bì người đúng, kẻ sai. Vô hình chung, chúng ta biến cuộc nói chuyện thành một đấu trường phân định thắng thua. Điều này càng khiến bất đồng không thể giải quyết.

Do đó, bạn cần nắm vững nguyên tắc: Đừng cố gắng trở thành người chiến thắng trong bất cứ cuộc tranh cãi nào. Hãy bình tĩnh tự hỏi: anh ấy sẽ cảm thấy gì khi là kẻ thua cuộc? Ngoài ra, bạn đừng quên mục đích cuộc tranh luận là để giải quyết vấn đề chứ không phải đánh bại người bạn đời. 

3) Đưa ra những phê bình hữu ích

Khi bất đồng, chúng ta khó tránh khỏi việc thốt ra những lời phê phán, mỉa mai. Tuy nhiên, những chỉ trích tiêu cực và thái độ buộc tội sẽ ăn mòn cảm giác an toàn và tình cảm gắn bó giữa hai người. Do vậy, bạn nên bình tĩnh tìm cách ướp gia vị “tích cực” vào mỗi lời phê bình:

• Tự hỏi việc anh ấy làm có nghiêm trọng đến mức phải phê phán như thế không
• Chọn thời điểm phù hợp. Tránh những lúc cả hai đang mệt mỏi, căng thẳng.
• Đừng phê phán tính cách chung. Hãy tập trung vào những hành động cụ thể khiến bạn cảm thấy khó chịu.
• Nhắc đến những điểm tốt anh ấy có. Ngoài ra, hãy xem nhược điểm của anh ấy chỉ là chút gián đoạn của những ưu điểm.
• Hãy cho anh ấy cơ hội để giải thích hoặc trả lời. Sự phê bình chỉ có hiệu quả khi diễn ra theo hai chiều.

Bên cạnh đó, nếu anh ấy phê bình bạn, bạn nên lắng nghe với thái độ cởi mở. 

4) Tôn trọng tính cách riêng của mỗi người

Khi phản ứng của anh ấy không giống với trông đợi của bạn, đương nhiên bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, sau một vài lần xung đột, bạn đã có thể xác định phong cách tranh luận của mỗi người. Hãy chấp nhận và hiểu rằng anh cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề giống như bạn, chỉ là theo một cách khác thôi.

5) Nhận ra phần lỗi của mình trong vấn đề

Trong quan hệ đôi lứa, mỗi người đều góp phần tạo ra các rắc rối và mâu thuẫn. Chỉ cần bình tĩnh ngẫm nghĩ lại, bạn sẽ nhận ra phần lỗi ấy thuộc về ai. Khi bạn chủ động thừa nhận phần lỗi của mình, anh ấy chắc chắn sẽ cởi mở và sẵn sàng bàn luận thêm với bạn. Đề nghị anh ấy cho bạn thêm thời gian để có thể suy nghĩ sâu sắc hơn về việc này. Sau cảm giác khó chịu vì phải phán xét bản thân, bạn sẽ hiểu vấn đề ở một khía cạnh mới sáng suốt hơn.

6) Luyện tính kiên nhẫn

Nếu bế tắc trước một rắc rối, có thể vì bạn chưa tập trung hoặc thiếu năng lượng để giải quyết. Các nhà tâm lý đã chỉ ra các cách khắc phục sau:

• Nghĩ ra càng nhiều giải pháp cho vấn đề càng tốt. Bạn có thể viết ra giấy để tiện theo dõi. Sau đó, hãy cùng nhau đánh giá.
• Nếu bạn thích cách giải quyết này nhưng anh khăng khăng không đồng ý, hãy hỏi rõ nguyên nhân. Tiếp tục thảo luận về cách khác và cố gắng hiểu quan điểm của anh.

Nên nhớ rằng thời gian luôn là điều cần thiết để hai người suy nghĩ vấn đề thấu đáo hơn. Ngoài ra, cả hai cần cảm thông cho nhau.

7) Xin lỗi và tha thứ

Lời xin lỗi không phải lúc nào cũng có nghĩa thừa nhận mình sai mà là để chứng tỏ cho người kia biết rằng bạn đặt mối quan hệ lên cao hơn lòng tự tôn của mình. Một lời xin lỗi sau khi lỡ to tiếng với nhau sẽ giúp cả bạn và anh ấy cùng “hạ hỏa”, bình tĩnh hơn khi nhìn nhận lại mọi mặt của vấn đề.

Bên cạnh đó, tha thứ là khi bạn vẫn đón nhận người yêu cho dù trong lúc tranh cãi, anh đã làm bạn tổn thương và thất vọng. Nhờ đó, mối quan hệ của bạn sẽ càng bền chặt và yên bình trên cơ sở cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau.

CHUYÊN GIA TƯ VẤN

Theo tiến sỹ Bonnie Eaker Weil, tác giả cuốn sách Make Up, Don’t Break Up: “Tranh luận là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn vẫn còn mạnh mẽ và đầy đam mê. Bạn vẫn cảm thấy đủ thoải mái để thể hiện cảm xúc khó chịu mà không sợ mất nhau trong những lúc xảy ra mâu thuẫn”.

Do vậy, không có gì để lo lắng nếu như mối quan hệ của bạn thường xuyên xảy ra bất đồng, bởi đó cũng là cách bạn hâm nóng tình cảm. Quan trọng là bạn biết áp dụng các nguyên tắc của nghệ thuật tranh luận công bằng để tình cảm của bạn sẽ không có gì ngoài hai chữ “hạnh phúc”.

>>> Xem thêm: 9 ĐIỀU PHỤ NỮ HẠNH PHÚC KHÔNG BAO GIỜ LÀM

Bài: Phương Thảo – Ảnh: Corbis

Xem thêm