Nếu nói về nghề thêu tay truyền thống, cũng như nhân vật được nhờ vả phục chế các tác phẩm hoàng bào, phượng bào bậc nhất ở Việt Nam, chúng ta phải nhớ ngay đến anh Vũ Văn Giỏi.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống làm nghề thêu ở làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội). Làng nghề này do ông tổ Lê Công Hành sáng lập, truyền dạy nghề thêu từ cách đây khoảng 350 năm.
Đã có nhiều nghệ nhân thêu thôn quê Thường Tín được trưng dụng tới Huế làm các trang phục cung đình như long bào, áo, mũ, hia, hài cho triều Nguyễn. Gia đình anh Vũ Văn Giỏi cũng vậy, đã nhiều đời làm nghề thêu truyền thống.
Theo thời gian nghề tỏa rộng ra các làng lân cận. Điều đặc biệt ở nghệ nhân này là bên cạnh việc mưu sinh bằng nghề thêu, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu phục dựng các bộ trang phục vua, hoàng hậu, quan thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn… cho các đoàn văn công, bảo tàng và đoàn làm phim.
Vũ Văn Giỏi, người đam mê cổ phục Việt
Anh tự hào chia sẻ: “Làng hầu hết cung cấp trang phục tế lễ, vua chúa cho cả nước”.
Trong 20 năm qua, những bộ trang phục cung đình của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm, bảo tàng trong và ngoài nước.
Mặc dù mất nhiều hơn được, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi vẫn luôn duy trì việc phục dựng những trang phục cổ. Hiện anh đang tìm hiểu và thực hiện bức tranh thêu có họa tiết của triều đại Lý, Trần, Lê, sau đó sẽ phục dựng trang phục nhà Lý.
Với những cống hiến của mình, năm 2013, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” của thủ đô Hà Nội.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi và các tác phẩm của anh đã trở thành nhân vật Người gìn giữ vẻ đẹp trong bộ ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Bích. Bộ ảnh này đã vượt qua nhiều tác phẩm khác, đạt giải nhì trong dự án Tôi gìn giữ vẻ đẹp của Davines Art Series. Ban giám khảo lựa chọn bộ ảnh này có họa sỹ Lê Thiết Cương, đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ
Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, vẫn là đường kim mũi chỉ, nhưng thêu xưa ngang ra ngang, dọc ra dọc, mũi kim không được đâm tùy tiện mà phải thẳng đứng, chỉ hơi chếch, hơi xiên đi một chút là đường thêu đã khác. Cách thêu xưa, từ mũi kim đầu tiên đến mũi kim thứ một nghìn, một vạn vẫn đều nhau tăm tắp.
Bài: Hải Dương, Thành Vũ. Ảnh: Lê Bích, Tư Liệu
Harper’s Bazaar Việt Nam