Nghe những tàn phai trong tranh của họa sỹ Nguyễn Công Hoài

Triển lãm cá nhân thứ 5 của họa sỹ Nguyễn Công Hoài với tên gọi Nghe những tàn phai. Tiếp tục sẽ là những tiếng lòng đầy cô đơn, những thanh âm nhẹ nhàng nhưng cào xé nội tâm của mỗi con người

Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_07

Họa sỹ Nguyễn Công Hoài cực kỳ tâm đắc những câu thơ của đại văn hào Nguyễn Du:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”

Có lẽ xuyên suốt triển lãm cá nhân lần thứ 5 của Nguyễn Công Hoài, bạn sẽ thấy phần lớn bức tranh đều chứa đựng một màu tâm trạng trầm buồn, sâu  lắng từ những áng thơ này.

Nguyễn Công Hoài, chàng lãng tử đầy hoang hoải

Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_08

Họa sỹ Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sĩ đương đại nổi bật. Nghe những tàn phai là triển lãm cá nhân thứ 5 của anh sau các triển lãm: Những người xung quanh tôi (2015), Mặt (2016), Ngột ngộp (2018) và Những ngày không mơ mộng (2021).

Nghệ thuật của Hoài là những lát cắt đầy chân thật về con người anh, dường như anh đang tự họa. Sự sáng tạo của Hoài không quá màu mè, phô trương, không rối rắm vòng vo. Anh nhìn thẳng, nhìn sâu vào trực diện của tâm hồn mình. Anh cho rằng, con người tưởng mình có thể vẫy vùng khỏi quá khứ, có thể hướng tới những điều lý tưởng huyễn hoặc, nhưng chính điều đó làm họ mất đi sự bình an thường tại.

Anh xem sự đau khổ hay hạnh phúc là hai mặt cố hữu trong đời sống con người. Đối mặt, xoa dịu và chữa lành, chính bản thân mình phải là người làm điều đó.

Triển lãm Nghe những tàn phai: Những bức vẽ đầy lạc lõng, cô đơn, vụn vỡ

Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_04

Bộ tranh lần này của Nguyễn Công Hoài tiếp tục đi sâu vào những hình thể cô đơn, tàn rữa, chuyển tải những u sầu, đau thương trong cõi người. Nhưng tất cả đều được thể hiện bằng bút pháp rất ngẫu hứng, tự nhiên và trôi chảy. Màu sắc hài hoà, sâu lắng, tạo ra những không gian vừa đầy sức trì kéo, nặng nề của trọng lực, lại vừa trầm tĩnh, tinh tế. Ở đó như nghe từng nhịp thở nhẹ nhàng nhưng mệt mỏi của những hữu thể tồn sinh trong tranh.

Với bút pháp nặng tính biểu hiện, mỗi bức của Hoài là một hình hài đang co lại, hoặc buông xuôi được tạo hình mờ nhoè như hiện ra từ một hiện thực xa xôi nào đó. Thế rồi những nhát đắp dày, cào xước hay bôi xoá như những tra vấn với mỗi thân phận đó. Thi thoảng, ánh sáng loé lên, tràn khắp thân thể để làm minh bạch một điều gì đó hoặc dìm tối đi để che đậy, an ủi cho những nỗi niềm riêng tư khác

Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_02 Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_06

Nguyễn Công Hoài chia sẻ:

“Với tôi, mỗi người cũng đều có những khoảng riêng trống rỗng trong tâm hồn. Tàn phai đơn giản như một quá trình. Có trẻ thì phải có già, có căng tràn thì sẽ có tàn phai. Chỉ là, cái thấy của mỗi người khác nhau”.

Thực chất mà nói, cô đơn và đau khổ là một ân sủng quý giá. Nó sẽ được trao cho những kẻ đủ mạnh để chịu đựng, để trưởng thành hơn. Nó tạo ra một thái độ ứng xử và nhìn nhận đời sống trầm tĩnh, sâu sắc hơn. Cuối cùng nó mang lại sự yêu thương, cảm thông, cùng tồn tại hạnh phúc với tha nhân, với cuộc đời.

Anh sẽ vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến không mệt mỏi, sẽ tiếp tục đào sâu vào tâm hồn của mỗi người. Tất cả những bức chân dung con người trong không gian sáng tạo ấy sẽ có những bước chuyển mình khác biệt, ở mỗi giai đoạn. Nhưng chắc chắn rằng, đó vẫn sẽ là những tâm hồn hoang hoải, vừa lãng mạn, vừa nội tâm, vừa trưởng thành lại vừa con trẻ.

Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_05 Harper's Bazaar_Triển lãm Nguyễn Công Hoài nghe những tàn phai_03

THÔNG TIN CHO BẠN

Triển lãm Nghe những tàn phai của Nguyễn Công Hoài diễn ra tại MAY Artspace

Địa chỉ: 36/70 Nguyễn Gia Trí, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Thời gian: Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 10/3/2022.

Trích một phần bài viết của họa sỹ Lương Lưu Biên
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm