Một ngày ở làng Lô Lô Chải ở Hà Giang

Giữa núi đồi trùng trùng điệp điệp của miền cao Đông Bắc, ngôi làng tựa viên ngọc tỏa sáng dưới ánh nắng ban mai. Mùa xuân, hoa mận, hoa đào điểm xuyết, những ngôi nhà trình tường bên hàng rào đá càng thêm nên thơ

Toàn cảnh làng Lô Lô Chải ở tỉnh Hà Giang trong nắng sớm. Ảnh: Venus Trần

Vài ngày trước khi lên Đồng Văn, tôi gọi Tân, cậu em làm du lịch ở vùng này. “Chị sắp lên Đồng Văn đây. Lần này em đưa chị đến chỗ nào?” Tiếng trả lời ấm áp, chất phác của Tân vang lên: “Chị yên tâm. Em sẽ đưa chị đến thăm một nơi, đảm bảo chị thích lắm!”.

Tân là người dân tộc Giáy, một trong 17 dân tộc đang sinh sống ở huyện vùng cao Đồng Văn. Tôi quen cậu trong một chuyến đi khảo sát nghề dệt thổ cẩm ở vùng này nhiều năm trước. Kể từ đó, tôi luôn cố gắng để mỗi năm có thể trở lại một lần, bởi Đồng Văn đã trở thành tình yêu của tôi. Mỗi lần lên, Tân lại có “trách nhiệm” đưa tôi đến những địa điểm mới mà mình chưa từng đến trước đó. Lần này là Lô Lô Chải.

Đường vào làng Lô Lô Chải quanh quanh

Ngày thứ hai sau khi đến Đồng Văn, ăn sáng xong, chúng tôi lên đường đi Lô Lô Chải.

Xe rời Đồng Văn đi theo quốc lộ 4C hướng lên Cột cờ Lũng Cú. Đoạn đường khoảng 26km quanh co giữa những quả núi thuộc cao nguyên đá Đồng Văn – đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu (Global Geopark) vào năm 2010. Hai bên đường là những thân ngô vươn cao bên những mỏm đá tai mèo sắc cạnh. Trục đường này cũng có rất nhiều ruộng tam giác mạch, điểm check-in thu hút du khách lên Hà Giang nhiều năm qua.

Xe qua một khúc quanh, chúng tôi ồ lên khi cánh đồng tam giác mạch lớn hiện ra. Dưới ánh nắng sớm, đồng hoa trải dài mênh mông từ đường lên tuốt đỉnh đồi, lãng mạn như trong phim cổ trang.

Dừng lại chụp một tấm ảnh ở cánh đồng tam giác mạch dọc đường lên làng Lô Lô Chải từ Đồng Văn. Ảnh: Venus Trần

Ngôi làng có bề dày lịch sử

Sau gần một tiếng đi đường, xe rẽ vào Lô Lô Chải, ngôi làng của đồng bào Lô Lô. Nếu đang xem bộ phim Thục Cẩm Nhân Gia, bạn sẽ nghe tên vương quốc Nam Chiếu. Thật lý thú khi biết rằng thủy tổ của người Lô Lô từ Nam Chiếu đã di cư đến Việt Nam khoảng từ thế kỷ thứ 8 – 9.

Bước vào làng, ấn tượng đầu tiên của tôi là những lối đi nhỏ yên bình giữa những bức tường rào xếp bằng đá. Chúng gợi cho tôi nghĩ đến những ngôi làng cổ xinh đẹp ở miền Nam nước Pháp. Bên tường rào đá là ngôi nhà trình tường màu vàng nổi tiếng của vùng Đông Bắc.

Các cô gái trong trang phục Lô Lô. Ảnh: Venus Trần

Hương Mai, cô bạn cùng đi của tôi là Việt kiều Mỹ, líu lo chỉ: “Nhà tường trình”. Tân chỉnh liền: “Nhà trình tường, chị ạ!”. Chúng tôi cười phá lên.

“Trình” nghĩa là “xây”. Trình tường nghĩa là xây tường. Đất thịt trộn với sỏi, đổ vào từng đoạn khuôn, nện cho chặt. Chờ khi nào khô mới lại làm đoạn kế tiếp. Nhà nào khá giả thì lợp ngói âm dương, nhà nào ít tiền thì lợp cỏ tranh. Nhà mới làm xong có màu vàng tươi rồi sẫm lại theo thời gian. Chỉ là đất đá thôi, nhưng nhà trình tường rất bền vững với thời gian.

Những ngôi nhà trình tường trong Lô Lô Chải tạo nên phong cảnh đẹp tựa tranh vẽ. Tôi ấn tượng vì làng rất sạch sẽ, không có cảnh gia súc ở chung với người.

Một trong những ngôi nhà trình tường cổ kính trong làng. Ảnh: Venus Trần

Được công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2018, nơi đây thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt khách nước ngoài. Ngoài ra, vì làng chỉ cách chân Cột cờ Lũng Cú khoảng 1km, từ nhiều góc trong làng, bạn có thể nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên đỉnh núi Rồng nổi tiếng phía xa.

Cột cờ Lũng Cú vào mùa xuân nhìn từ làng. Ảnh: Shutterstock

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ homestay À Lôi. Ảnh: Venus Trần

Bảng biển trong làng được sơn, vẽ đậm chất nghệ thuật. Tân dẫn chúng tôi đi theo một tấm bảng đề “Café Cực Bắc”, điểm checkin nổi tiếng trong vùng. Lối vào quán nằm giữa hai bức rào đá, rợp bóng cây xanh mát, làm chiếc máy ảnh trong túi tôi lại kìm lòng không đậu.

Café Cực Bắc do ông Yasushi Ogura, một người Nhật yêu Hà Giang dựng nên hồi năm 2016. Trang trí trong quán đơn giản, mộc mạc, kết hợp phong cách người Nhật với nét đặc sắc địa phương, vì thế đã tạo nên một kiến trúc độc đáo, thu hút du khách khắp nơi.

Cô bạn Hương Mai và tôi bước vào quán Café Cực Bắc. Ảnh: Venus Trần

Thăm điểm cực Bắc Việt Nam từ làng Lô Lô Chải

Rời làng, đi thêm khoảng 1km, bạn đến cột mốc đánh dấu điểm cực Bắc của đất nước. Đứng trên chòi cao, phóng tầm mắt ra xa, đường hàng rào biên giới Việt Nam – Trung Quốc vẽ một dải dài như lụa. Cảnh hùng vĩ làm tôi hứng chí “sửa” câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Việt Nam đất nước ta ơi. Mênh mông biển núi đâu trời đẹp hơn”. Tôi tin cảnh quan ấy có thể truyền cảm hứng–để bạn thực hiện những dự án tầm vóc trong năm 2025.

Từ Làng Lô Lô Chải ở Hà Giang, đi thêm 1km là sẽ đến cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Venus Trần

Cột đánh dấu điểm cực Bắc của Việt Nam, phía xa là đường biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Venus Trần

ĐÔI NÉT VỀ LÀNG LÔ LÔ CHẢI Ở HÀ GIANG

Làng Lô Lô Chải nằm ở đâu?

Địa chỉ: Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km.

Làm sao đến làng Lô Lô Chải?

Bạn thuê xe từ Đồng Văn, theo quốc lộ 4C hướng đến Cột cờ Lũng Cú. Mất khoảng một tiếng đi đường từ Đồng Văn.

Có nên nghỉ lại làng Lô Lô Chải?

Theo tôi, bạn nên ở Đồng Văn và đến đây tham quan, vì homestay không thật thoải mái. Tuy nhiên, nếu muốn ở lại thì trong làng có nhiều homestay, nhà hàng và quán cà phê. Giá khoảng từ 200.000–vacva800.000 đồng/đêm. Món ăn rất ngon.

DU LỊCH HÀ GIANG:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm