Mỏ kim cương Golconda: Thủ đô kim cương của thế giới Trung Cổ

Golconda, Ấn Độ được biết đến như khu mỏ kim cương huyền thoại, xuất xưởng của những viên tinh thể độc đáo và quý giá nhất lịch sử

Viên kim cương Archduke Joseph đạt 21,5 triệu đô-la Mỹ tại buổi đấu giá năm 2012 có xuất xứ từ mỏ Golconda ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày nay, Ấn Độ là trung tâm cắt kim cương lớn nhất trên toàn cầu. Các xưởng tại đây xử lý đến 90% lượng kim cương cần cắt của thế giới. Một lượng lớn kim cương từ các mỏ ở Brazil, Nga, Botswana, Úc,… được chuyển đến đây để mài giũa sau khi khai quật.

Tuy nhiên trong quá khứ, Ấn Độ không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là nơi khai quật nên những viên kim cương đắt giá nhất thế giới. Nổi bật chính là mỏ kim cương Golconda. Đây là một khu mỏ huyền thoại, nơi đã sản xuất ra những viên kim cương tinh xảo và độc đáo nhất trong lịch sử, như kim cương Koh-i-Noor thuộc kho báu hoàng gia Anh, kim cương xanh Hope, kim cương xanh Dresden…

Ngày nay, mỏ kim cương Golconda đã cạn kiệt. Tuy nhiên, những truyền thuyết về mỏ kim cương huyền thoại này vẫn còn sống mãi. Những viên kim cương xuất sắc nhất cũng được ưu ái gọi là “thuộc thể loại kim cương Golconda”, như một hình thức tiếp thị khiến nhiều người sẵn sàng mở hầu bao đầu tư.

Ngược dòng thời gian, trở về Ấn Độ hơn 2500 năm trước

Tranh khắc cho thấy khung cảnh bên trong mỏ kim cương ở vùng Golconda năm 1725 CN. Ghi chép đến từ Pieter van der Aa, một nhà xuất bản người Hà Lan nổi tiếng với việc biên soạn bản đồ. Nguồn ảnh: Pieter van der Aa

Trước khi kim cương được tìm thấy ở Brazil và Nam Phi vào thế kỷ 18, Ấn Độ là vùng lãnh thổ lớn nhất và duy nhất khai thác kim cương. Mỏ Golconda là một trong những nguồn kim cương chính của Ấn Độ thời điểm này.

Nói đúng hơn thì Golconda không phải là một mỏ độc nhất, mà là một tổ hợp các mỏ kim cương tập trung xung quanh sông Krishna, cùng với pháo đài Golconda – chợ kim cương sỉ kết nối các mỏ và thương lái. Trong thế kỷ 16, khu vực này chính là thủ đô của triều đại Qutb Shahi (còn gọi là tiểu vương quốc Golconda). Sau đó bị sáp nhập vào đế quốc Mogul vào năm 1687. Ngày nay trực thuộc tiểu bang Andhra Pradesh của Ấn Độ thống nhất.

Tổ hợp mỏ rải rác trong một khu vực dài khoảng 210 dặm và rộng 95 dặm, kéo dài từ thủ phủ Golconda cho đến Vịnh Bengal nối tiếp Ấn Độ Dương. Trong giai đoạn từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19, có khoảng 20 mỏ kim cương hoạt động tại khu vực này. Sau khi được khai quật, các tinh thể sẽ được đưa đến chợ tại pháo đài, nơi chúng được rao bán cho những thương lái.

Bản đồ cổ của tiểu vương quốc Golconda, năm 1744. Các mỏ của Golconda nằm quanh thung lũng dọc sông Krishna và mỏ quan trọng nhất nằm ở Kollur (được tô vàng), chính là thủ phủ của tiểu vương quốc. Ảnh: Antique Prints

Bản đồ của khu vực năm 1920 (ngày nay là Hyderabad). Ảnh: Dreamstime

Do giàu kim cương tự nhiên, Golconda trở thành một trung tâm giao dịch kim cương quan trọng tại Ấn Độ. Cho đến thế kỷ 19, chợ Golconda là nguồn cung cấp chính những viên kim cương tốt nhất và lớn nhất trên thế giới, được tìm thấy cả ở khu vực lân cận và nhiều nơi khác tại tiểu lục địa Ấn Độ.

Do mỏ Golconda đã trở nên đồng nghĩa với kim cương chất lượng cao, được nhắc đến với sự tôn kính trong giới thương nhân và nhà sưu tầm kim cương, nên dù viên kim cương có được khai quật ở quanh khu vực này hay không, chúng đều sẽ được gắn nhãn hiệu và tiếp thị là “kim cương Golconda” một khi được giao dịch trong pháo đài này. Đây là nhận định của Sajjad Shahid, một nhà sử học và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hyderabad.

Vì sao mỏ kim cương Golconda lại nổi tiếng như vậy?

Tuy Ấn Độ những viên kim cương chất lượng cao đều được gắn nhãn mác “kim cương Golconda”. Có lý do như vậy. Bởi những. viên kim cương tự nhiên tinh khiết nhất và lớn nhất – kim cương loại IIa – bắt nguồn từ mỏ quanh khu vực Golconda.

Tinh thể kim cương loại IIa có cấu trúc 100% carbon, không lẫn hoặc chỉ lẫn một lượng rất nhỏ nitơ do đó nước trong suốt và không ngả vàng, ít khi bị vấy bẩn bởi các tạp chất vẩn đục khác. Vì vẻ đẹp hiếm có, chúng kích thích sự khao khát của giới quý tộc.

Từ vực sâu tối tăm của mỏ Golconda, những viên tinh thể nổi tiếng nhất hành tinh lần lượt được tìm thấy. Koh-i-Noor, “ngọn núi ánh sáng” đang nạm trên vương miện Anh Quốc. Orlov, viên kim cương thuộc bảo khố Nga. Hope, viên kim cương xanh dương nổi tiếng và đắt giá nhất thế giới. Regent từng được Marie Antoinette trưng diện, ngày nay vẫn còn nằm ở bảo tàng Louvre. Daria-i-Noor, một trong những viên kim cương hồng to nhất thế giới, hiện thuộc bảo khố của hoàng gia Iran. Idol’s Eye, viên kim cương xanh bị cho là thuộc sở hữu của cựu tổng thống Philippines Marcos, hiện đang mất tích v.v.

Tranh vẽ Tổng giám mục trao vương miện đính viên kim cương Koh-i-Noor cho hoàng hậu Elizabeth trong lễ đăng quang của vua George VI

Một phiên bản phục chế của viên kim cương Koh-i-Noor, một trong những tinh thể kim cương to nhất thế giới và nổi tiếng nhất từ vùng mỏ Golconda. Ảnh: Wikimedia Commons

Những cái tên đình đám kể trên đều thuộc loại IIa quý hiếm và đều được tìm thấy tại vùng Golconda. Các mỏ kim cương Golconda cũng theo đó mà nổi tiếng cho đến khi bị khai thác đến cạn kiệt. Cộng hưởng với sự phát hiện ra các vùng mỏ kim cương khác tại Nam Phi, Brazil vào giai đoạn 1720, kết quả là đến đầu thế kỷ 19, ngành buôn bán kim cương của Golconda rơi vào quên lãng. Dẫu vậy ngày nay, thuật ngữ kim cương Golconda vẫn tồn tại và gắn liền với những viên kim cương chất lượng nhất.

>>> TÌM HIỂU THÊM VỀ KIM CƯƠNG LOẠI IIA: LOẠI KIM CƯƠNG TINH KHIẾT NHẤT, CỰC KỲ QUÝ HIẾM

Một vùng mỏ trở thành huyền thoại

Pháo đài Golconda ngày nay. Ảnh: Bernard Gagnon / Wikimedia Commons

Vùng đất Golconda tồn tại những câu chuyện truyền miệng rất hấp dẫn. “Những đứa trẻ Nabaalik (nhỏ tuổi), chúng sẽ chơi đùa bên ngoài trong bùn đất rồi được gọi đến để phân loại kim cương. Lời nói của chúng về việc định giá và phân loại kim cương được coi là quyết định cuối cùng và chính xác vượt trội.”

Marco Polo, nhà thám hiểm người Ý, là một trong những người đầu tiên mô tả sự tráng lệ của Golconda và những viên ngọc của nó. Ông đã đến thăm Ấn Độ trong khoảng từ năm 1292 đến năm 1294 sau Công Nguyên và viết trong quyển Marco Polo du ký rằng: “Chúng [kim cương] được mang đến nơi chúng ta ở (châu Âu) chỉ là phần thừa của những viên đá lớn hơn, đẹp hơn. Vì các loại đá quý, kim cương hay ngọc trai lớn nhất đều đã được mang đến cho Đại Hãn, các vị Vua và Hoàng tử khác trong vùng.”

Trong khi đó, những ghi chép từ Công ty Đông Ấn (East India Company) vào đầu những năm 1600 ước tính rằng kho báu của hoàng đế Mughal Jahangir tại Agra có trữ lượng kim cương thô vượt hơn 135.000 carat, và không có viên nào dưới hai carat rưỡi!

Golconda cũng là cảm hứng cho các văn sỹ. Điển hình như Nghìn Lẻ Một Đêm về thung lũng kim cương của Sinbad; The Travels of Marco Polo của nhà thám hiểm Marco Polo; và bài diễn văn Acres of Diamonds của Russell Conwell.

Tác phẩm minh họa mỏ Golconda cho cuốn sách Sindbad the Sailor and the Valley of the Diamonds. Ảnh: Maxfield Parrish, xuất bản năm 1907.

NHỮNG VIÊN KIM CƯƠNG ĐẾN TỪ MỎ GOLCONDA:

Trích dẫn Only Natural Diamond,Gem-A
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm