Công cuộc trở thành kinh đô thời trang thế giới của Milan

Milan tuy không phải thủ đô của nước Ý nhưng lại là trung tâm kinh tế, thương mại chính tại đất nước này. Bên cạnh đó, Milan còn được biết đến là một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất thế giới cùng Paris, New York và London.

kinh-do-thoi-trang-milan

Flagship của Prada tại Milan, một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. Ảnh Instagram @Prada

Nói về các kinh đô thời trang có sức ảnh hưởng toàn cầu không thể không nhắc đến Milan (hay Milano trong tiếng Ý). Một thành phố pha trộn giữa di sản, truyền thống và chủ nghĩa hiện đại. Những nhà thờ phong cách gothic hùng vĩ xen lẫn với những tòa nhà chọc trời của các trung tâm thương mại làm nền cho rất nhiều sự kiện có sức ảnh hưởng lớn đến ngành thời trang toàn cầu.

Vậy, tại sao thành phố xinh đẹp này có thể vượt qua Rome, Florence, Turin để trở thành trung tâm thời trang nước Ý? Và làm thế nào để Milan góp mặt cùng Paris, London, New York, trở thành bốn thủ phủ thời trang lớn nhất thế giới?

Ngược dòng ngành công nghiệp thời trang ở Ý

Từ thế kỷ 12, Milan đã là một thành phố công nghiệp, được biết đến với ngành dệt len chất lượng cao. Đến thời kỳ Phục Hưng hưng thịnh, nơi đây bắt đầu quy tụ những xưởng sản xuất hàng xa xỉ phẩm cho giới vua chúa và quý tộc, gồm gấm thêu và dệt tay, ren hoa, găng tay lụa, ruy-băng và mũ nón. Nghề làm nón, trong tiếng Anh gọi là miliner, thực chất được cải biên từ cái tên Milener, có nghĩa là người sinh sống và làm việc ở Milan.

Ren bobbin lace làm tay ở Milan đầu thế kỷ 18. Ảnh: ForeverChicTextiles/Etsy

Tuy vậy, nhiều thành phố khác ở nước Ý đều có ngành công nghiệp thời trang phát triển mạnh, như Venice, Florence, Napoli…

Về mặt giao thương, Venice và Napoli có lợi thế hơn Milan. Những nơi này có cảng biển, cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường thủy dễ dàng. Còn Milan nằm sâu trong đất liền phía Bắc phải sử dụng con đường giao thương lắm gian truân khi so với đường tàu biển.

Trong khi đó, Florence lại có sức ảnh hưởng hơn Milan vào giai đoạn Phục Hưng Ý. Thành phố này là thủ phủ của Cộng hòa Florence, địa hạt quản lý của gia đình quý tộc Medici, và luôn dẫn đầu trong các xu hướng thời trang lúc bấy giờ. Florence là cái nôi sinh ra các tên tuổi như Guccio Gucci, Emilio Pucci, Roberto Cavalli, Ermanno Scervinno, và Salvatore Ferragamo.

Milan chỉ thật sự vượt lên dẫn đầu cuộc đua, trở thành một kinh đô thời trang của thế giới hiện đại vào giữa thế kỷ 20.

Ready-to-wear cao cấp giúp Milan trở thành một kinh đô thời trang

Tuần lễ thời trang đầu tiên của Ý do Giovanni Battista Giorgini tổ chức. Ảnh: Foto Levi/© Archivio Foto Locchi

Vào thế kỷ 20, chính phủ Ý thúc đẩy làn sóng “made in Italy” nhằm định vị các sản phẩm sản xuất tại Ý là hàng chất lượng cao.

Vốn Ý đã nổi danh trong ngành chế tác phụ kiện da thuộc và trang sức. Nhưng quốc gia này, do có nhiều biến động trong chính trị, nên khó tạo dựng sự ổn định cần thiết cho ngành công nghiệp. Mãi sau 1871 khi Vương quốc Ý thống nhất các tiểu bang, rồi trở thành Cộng hòa Ý năm 1946, thì sự ổn định mới cho phép sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp thời trang hiện đại.

Thập niên 1950, nhờ hợp tác giữa Rome và Hollywood, các ngôi sao đổ dồn đến Ý để quay phim. Họ có nhu cầu ăn diện đỏm dáng, và các nhà mốt Ý tranh giành cơ hội để cung cấp phục trang cho các ngôi sao.

Các buyer xem xét một mẫu thiết kế được trình diễn tại show thời trang đầu tiên của nước Ý, diễn ra ở Florence ngày 24/7/1952. Ảnh: Foto Levi/© Archivio Foto Locchi

Vào năm 1952, Giovanni Battista Giorgini tổ chức show diễn thời trang cao cấp đầu tiên tại Ý, cụ thể là tại Sala Bianca ở Florence. Buổi diễn giới thiệu trang phục và phụ kiện chất lượng cao, chủ yếu hướng tới người tiêu dùng Mỹ đang quan tâm đến đồ da và mặt hàng cao cấp. Phong cách thời trang Ý bắt đầu được thế giới chú ý đến.

Cũng trong giai đoạn này, thị trường thời trang nội địa tại Ý tự cạnh tranh lẫn nhau, và các thành phố tự tìm thấy một phân khúc chuyên biệt. Florence là thời trang thủ công, còn Turin và Milan là thời trang may mặc sẵn. Tuy nhiên Milan, với lợi thế là có nhiều xưởng sản xuất thời trang, có sân bay lớn và nhiều nhà hàng sẵn sàng phục vụ khách quốc tế, vượt mặt các thành phố khác để trở thành một kinh đô thời trang.

Tuần lễ thời trang Milan được củng cố bởi những thương hiệu trung thành

Năm 1958, tuần lễ thời trang Milan lần đầu tiên được tổ chức. Những người tiên phong trong việc đặt trụ sở tại Milan và tham gia tuần lễ này cũng đã góp phần rất lớn trong việc củng cố tên tuổi của thành phố sau khi thiết kế của họ trở nên phổ biến. Đó là Missoni, Giorgio Armani, Prada và Versace.

Buổi diễn của Missoni trên hồ bơi Piscina Solari ở Milan. Ảnh: Missoni

Bắt đầu với Missoni. Năm 1966, hai nhà sáng lập Ottavio và Rosita Missoni tham gia buổi diễn thời trang cao cấp Sala Bianca tại Florence. Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi nội y ren của các người mẫu không phù hợp để mặc cùng những chiếc đầm bằng chất liệu lamé bó sát của Missoni. Họ đành cắn răng chịu trận, cho phép nội y lộ qua chiếc đầm trong show diễn.

Tuy cách phối đồ này được cánh báo giới khen ngợi là “táo bạo và xuất thần”, Missoni lại bị bài xích bởi nhà tổ chức Sala Bianca và không được mời quay lại trong năm sau. Họ đành rời Florence để đến Milan để trình diễn. Địa điểm họ chọn là một hồ bơi. Các người mẫu mặc đồ Missoni được ngồi trên phao nổi thiết kế như một căn nhà. Rồi bỗng nhiên căn nhà phao bị xì hơi khiến tất cả người mẫu bị té nhào xuống hồ bơi! Sự kiện gây scandal lớn nhưng cũng giúp tên tuổi Missoni và Milan nổi lên như cồn.

Sự thành công của Missoni khiến các nhà mốt Ý khác học theo, bỏ rơi Florence để chuyển đến Milan, để có thể tìm ra một không gian sáng tạo hợp nhất với cảm hứng bộ sưu tập.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-03

Richard Gere trong phim American Gigolo” (1980).

Năm 1978, Giorgio Armani đã chịu trách nhiệm trang phục cho diễn viên Diane Keaton tại đêm trao giải Oscar và tài tử Richard Gere trong bộ phim American Gigolo đình đám. Những thiết kế của Armani lập tức thu hút các tín đồ thời trang thế giới. Và chính lúc này, thời trang Milan bắt đầu trỗi dậy như một hiện tượng.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-04

Ảnh: Prada

Tiếp đó, Miuccia Prada chính thức gia nhập đường đua vào năm 1988 khi giới thiệu BST Ready-to-wear đầu tiên cho thương hiệu Prada. Những đường cắt sạch sẽ, những thiết kế vượt thời gian với màu đen chủ đạo nhanh chóng nhận về những đánh giá tích cực của giới phê bình.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-04-versace-ending-milan-fashion-show

Ảnh: Getty Images

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến năm 1991, khi Gianni Versace giới thiệu BST Thu Đông cho phái nữ. Khoảnh khắc hàng loạt siêu mẫu sải bước dưới nền nhạc Freedom (bản hit ngày đó) đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp thời trang. Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi Campbell và Christy Turlington xuất hiện trong những chiếc đầm cocktail đỏ, vàng, đen. Họ tay trong tay thực hiện màn kết show và thành công mang tên tuổi không chỉ của Gianni Versace, mà còn của thời trang Milan, lên một tầm cao mới.

Bên cạnh tuần lễ thời trang, Milan còn có nhiều hỗ trợ thương mại cho giới chuyên môn

Tại Milan, giới chuyên môn gặp nhau nhiều lần một năm cho các hội chợ thương mại (trade show).  Quốc gia này cũng có nhiều trường đại học chuyên ngành thời trang, thu hút các nhân tài với sức sáng tạo vượt bậc, từ đó đào tạo nên nhân sự dồi dào cho ngành công nghiệp thời trang Ý.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-07

Ảnh: Milano Unica

Milano Unica là một hội chợ tập trung vào tầm cao và xa xỉ, diễn ra tại Rho Fiera Milano, Strada Statale Sempione, 28 20017 Rho, Milan. Hội chợ dành riêng cho quần áo và phụ kiện được sản xuất tại Ý và châu Âu. Milano Unica sẽ là nơi du khách có thể tìm thấy các loại vải, vật liệu, phụ kiện sáng tạo độc quyền, chiêm ngưỡng những thiết kế sắp ra mắt cũng như tìm hiểu quy trình sản xuất sáng tạo và bền vững.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-08

Ảnh: MICAM

Trong khi đó, MICAM lại là hội chợ thương mại chuyên về giày dép và phụ kiện tô điểm cho đôi bàn chân. Sự kiện MICAM thường niên tập trung giới thiệu những mẫu giày dép mới nhất, ấn tượng nhất trước giới mộ điệu và các nhà báo thời trang. Sự kiện MICAM thường được diễn ra hàng năm vào tháng 3 và tháng 9.

Quận thời trang cao cấp của Milan: Quadrilatero d’Oro

Nếu ở Paris có Tam giác vàng, thì ở Milan có Quadrilatero d’Oro (tứ giác vàng hay hình chữ nhật vàng).

Quận Quadrilatero d’Oro là một dãy phố nằm ở phía bắc Duomo. Cái tên tạm dịch là Tứ giác vàng do bốn con đường chính xung quanh nó tạo nên. Gồm Via Monte Napoleone, Via Manzoni, Via della Spiga và Corso Venezia.

Từ lâu, Quadrilatero d’Oro được coi là một trong những trung tâm thời trang quan trọng nhất thế giới. Đây cũng là nơi có các cửa hàng và xưởng sản xuất độc quyền nhất Milan. Từng tấc đất tại đây đều có bóng dáng của thời trang cao cấp. Dạo bước trên những con phố Milan vừa có thể nhìn ngắm kiến trúc đầy nghệ thuật, vừa nhìn lại cả hành trình lịch sử thời trang Ý. Bao gồm cả cửa hàng đầu tiên của Prada được mở vào năm 1913.

Bz-kinh-do-thoi-trang-milan-04-versace-ending-milan-fashion-show-pexels-tuur-tisseghem-2954412

Khu mua sắm Galleria Vittorio Emanuelle II. Ảnh @Tuur Tisseghem

Trong số các con đường kể trên, Via Monte Napoleone là con phố mua sắm cao cấp nổi tiếng nhất quận Quadrilatero d’Oro. “Thiên đường mua sắm” này còn được biết đến là một trong những con phố đắt đỏ nhất thế giới (đứng thứ ba châu Âu năm 2019). Đây được xem là một trong những con đường lâu đời nhất tại Milan. Tên của nó có từ năm 1804, thời trị vì của Napoléon. Via Monte Napoleone vốn nổi tiếng với các cửa hàng thời trang may sẵn, là “trái tim” thời trang của Milan.

TÌM HIỂU VỀ CÁC KINH ĐÔ THỜI TRANG KHÁC:

Trích dẫn Poli Moda, Another Mag, Met Museum
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm