Lò gạch Campuchia bị phát hiện đốt rác thải thời trang, thải khí độc gây ung thư

Vấn đề xử lý rác thải thời trang luôn là bài toán nan giải. Đặc biệt khi thời trang thể thao, athleisure trở nên ngày càng thịnh hành, lượng rác thải polyester cũng càng tăng cao

Lượng rác thải thời trang khổng lồ ở các lò gạch tại Campuchia. Nguồn ảnh: LICADHO-Cambodia

Có lý do để ngành thời trang bị đánh giá là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau ngành khai thác dầu mỏ. Vừa qua, Liên đoàn Campuchia thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền (LICADHO) đã lên án lượng rác thải từ các thương hiệu thời trang tại quốc gia này.

Được biết, các nhà máy này ở Phnom Penh và Kandal đốt rác thải may mặc đã qua sử dụng để làm nhiên liệu cho lò gạch. Tuy nhiên, khí thải từ quá trình đốt này đã làm độc hại trực tiếp đến sức khỏe công nhân.

Vấn đề rác thải từ ngành thời trang đã trở thành tình trạng cấp thiết không chỉ tại Campuchia mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt vì trong những năm qua, sự quan tâm đến thời trang thể thao và athleisure tăng cao, mà những trang phục này chủ yếu được làm từ vải gốc dầu mỏ không phân hủy môi trường.

Các lò đốt rác thải thời trang tại Campuchia gây hại đến sức khỏe công nhân

Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền tại địa phương, vừa được công bố hôm thứ Hai, chất thải từ ít nhất 19 thương hiệu quốc tế bao gồm Adidas và Walmart đang tăng ở Campuchia. Khảo sát từ LICADHO xác nhận có tổng cộng 21 nhà máy gạch ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal lân cận trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 đã tham gia đốt rác thải thời trang.

Tổ chức phát hiện rác thải may mặc chưa qua sử dụng bao gồm vải, nhựa, cao su và các vật liệu khác từ các thương hiệu này đang bị đốt tại 7 nhà máy. Được biết, các nhà máy đang đốt rác thải may mặc để tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, sau một thời gian, đã có một số lượng lớn công nhân tại những nơi này được ghi nhận bị ốm.

Tổ chức Nhân quyền Campuchia đã tiến hành cuộc phỏng vấn các công nhân tại nhà máy. Họ cho biết khi tiếp xúc với khói từ rác thải may mặc, họ gặp vấn đề về hô hấp, đau đầu. Đặc biệt, các nữ công nhân mang thai cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu hơn.

Khói bay lên từ các lò gạch tại Campuchia. Nguồn ảnh: LICADHO-Cambodia

Dựa theo nghiên cứu, quá trình đốt quần áo sẽ thải khí carbon cũng như các khí thải độc hại khác, ví dụ như chất gây ung thư dioxin. Trong khi đó, tro tàn có thể sót lại các hóa chất như formaldehyde, amonia, kim loại nặng, PVC hay các loại nhựa resin có trong màu tổng hợp nhuộm vải. Nếu bị chôn mà không được xử lý kỹ, chúng sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.

Mặt trái của làn sóng thời trang athleisure

Từ khi đại dịch bắt đầu, xu hướng làm việc từ nhà (work from home/wfh) đã khiến người tiêu dùng tăng cường mua hàng athleisure hoặc đồ thể thao. Tuy nhiên, mặt hàng thời trang thể thao và athleisure chủ yếu dùng sợi gốc dầu mỏ (ví dụ polyester, spandex) vì có tính chất co giãn lại dễ giặt sấy.

Hiện nay, chất liệu polyester chiếm gần 64% thị trường tiêu thụ chất liệu toàn cầu. Tuy nhiên, chất liệu này thuộc thể loại tổng hợp hóa học, nên khả năng phân hủy của polyester trong môi trường rất thấp. Quá trình sản xuất chất liệu này cũng thải ra nhiều khí và chất độc hại, gây ra ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.

Số lượng lớn đồ thể thao, athleisure, cùng các sản phẩm thời trang nhanh (fast fashion) bị đào thải ra môi trường dưới dạng đốt và chôn. Nhưng các hai phương thức xử lý này đều không hiệu quả, gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người và dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Ngư dân đi ngang qua bãi rác dọc bờ biển Accra. Nguồn: Nhiếp ảnh gia Andrew Caballero-Reynolds từ Bloomberg

Nếu chôn, phải mất tận 200 năm thì chất liệu polyester mới có thể phân hủy hoàn toàn. Đây là kết luận từ nhiều nghiên cứu khoa học. Trong quá trình phân hủy, nó sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và sinh vật biển tiêu thụ, gây ra những hậu quả khó lường về sức khỏe khi thâm nhập chuỗi thức ăn.

Nếu đốt, chất liệu này sẽ thải ra một lượng lớn khí carbon làm ảnh hưởng tới đường hô hấp và làm tăng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên.

Tiêu thụ bền vững là giải pháp

Một câu nói phổ biến ngày nay rằng: “Nếu có một thứ mà mọi người luôn vội vã muốn tiêu thụ, đó là thời trang”. Các thương hiệu thời trang luôn chiêu đãi khách hàng bằng những mẫu mã mới nhất từng ngày từng giờ. Điều này làm người tiêu dùng cảm thấy bản thân phải luôn thay đổi tủ quần áo. Đó là lý do làm tăng cao lượng rác thải đồ mặc trong nhũng năm gần đây.

Chu kỳ “một lần sử dụng” và áp đặt tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế đẩy nhanh xu hướng tiêu thụ và tăng cường áp lực lên tài nguyên. Hệ quả là lượng lớn rác thải và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội. Vì vậy vai trò và ý thức của mỗi các nhân trong việc xây dựng thời trang bền vững là thiết yếu.

Vấn đề rác thải thời trang bị đốt tại lò gạch Campuchia cho thấy rằng cả các thương hiệu lẫn người tiêu dùng đều cần tăng cường chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Với tầm ảnh hưởng, các nhãn hàng thời trang không chỉ là những người hình thành xu hướng mà còn là những đối tác chủ chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi sang một ngành công nghiệp thời trang bền vững. Về phần người tiêu dùng, cần tỉnh táo trong việc mua sắm, và hãy tăng cường tái chế – tái sử dụng sản phẩm.

TÌM HIỂU THÊM VỀ THỜI TRANG BỀN VỮNG:

Trích dẫn Reuters
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm