Những tranh cãi gần đây về một số sự kiện liên quan nhiều phụ nữ nổi tiếng của cộng đồng mạng xã hội cho thấy một phần sự thật về sự phù phiếm, đua chen đang trở thành lối sống ảo của không ít con người hiện đại. Lướt qua các câu chuyện và những comment gây bão Facebook hoặc các mạng xã hội khác, dễ thấy nhiều người đang lấy sự khoe khoang, đố kỵ, săm soi người khác làm niềm vui sống mỗi ngày. Mạng xã hội từ là phương tiện kết nối trở thành tấm gương phản chiếu bản đồ sân si ảo tưởng của người sử dụng. Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng đã cảm thán trong tác phẩm mới nhất Đong tấm lòng khi nhận ra hai mặt của mạng xã hội, một thứ vốn “dùng để chia sẻ cũng đi bên lằn ranh chia rẽ” tình cảm con người.
Tuy vậy vẫn không thể phủ định thực tế khách quan mạng xã hội giờ là thứ phương tiện kết nối và truyền thông đắc dụng nhất. Quan sát cho thấy phụ nữ luôn chiếm số lượng áp đảo trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, MySpace, Bebo, Flickr… Điều thú vị là nhiều phụ nữ thường mượn thế giới ảo của mạng xã hội để giải quyết các vấn đề thực trong đời sống. Có vẻ như ranh giới sống ảo và thực trong thế giới mạng này hoàn toàn phụ thuộc người sử dụng.
Nhiều doanh nhân đã chọn mạng xã hội không chỉ là chốn vui chơi, bày tỏ quan điểm với bạn bè mà còn là nơi chia sẻ những bài học cuộc sống, bí quyết kinh doanh. Những người phụ nữ thông minh cho thấy họ sử dụng chức năng truyền thông của mạng xã hội để khiến cuộc sống mình chuyển biến tích cực thay vì đếm lượng like hay soi mói đời tư của người khác. Đó cũng là câu chuyện làm truyền thông điện ảnh của chị Lê Hạnh, về dịch vụ chăm sóc sức khỏe mang tầm quốc tế của chị Nguyễn Thanh Phương…
Hãy cùng BZ chia sẻ đề tài này với nữ doanh nhân Phan Ánh Tuyết Hương, một “hot Facebooker”.
Facebook & tôi
Tôi ở ngoài đời và ở mạng xã hội có điểm chung là luôn hòa đồng, vui vẻ. Tôi luôn chỉn chu mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, và bạn có thể thấy những tấm hình tôi post lên Facebook dù chỉ một mình hay với bạn bè, đều là những khoảnh khắc tôi vui tươi, giống như cuộc sống của tôi chỉ toàn màu hồng vậy. Điểm khác biệt rõ nhất là: trên mạng xã hội tôi là người phụ nữ bản lĩnh, ít khi than vãn hay bi quan, hầu như các bạn đều nghĩ tôi không biết buồn là gì. Nhưng ngoài đời, có khi tôi thấy mình cũng mong manh lắm, nhiều khi cũng khóc một mình đấy!
Trên Facebook, tôi nghĩ mình cũng có ảo một tí, nhưng tuyệt nhiên không thể “ảo tung chảo” – Doanh nhân Phan Ánh Tuyết Hương đã xuất hiện trên Bazaar số tháng 9-2014
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tham gia mạng xã hội là tháng 9 năm 2011. Lúc đó tôi có mấy cô bạn thân hồi còn bé tí từ Mỹ về Việt Nam chơi, chúng tôi chụp hình chung và họ cứ nói post Facebook đi. Lúc đó tôi mới biết đến tính năng của mạng xã hội và nhờ… em gái mở giùm tài khoản, chỉ cách post hình lên. Sau đó, khi vào mạng đọc trang của người này, người kia tôi thấy Facebook như cuốn nhật ký ghi lại những kỷ niệm, khoảnh khắc nào đó trong đời bằng hình ảnh và cảm xúc. Tôi coi Facebook như một sân chơi giải trí. Những lúc không thể ra tiệm cà phê gặp gỡ các bạn bè của mình, tôi vẫn trò chuyện với được nhiều bạn bè. Từ ngày có Facebook, khi gặp chuyện căng thẳng, bực bội, thậm chí cảm thấy bế tắc, tôi post lên cái gì đó vui vui hay kể vài mẫu chuyện. Bạn bè vào comment, tôi trò chuyện tếu táo một chút lại cảm giác nhẹ nhàng, bớt bực bội đi, và tôi có thể bình tĩnh quay trở lại giải quyết việc của mình. Facebook cũng có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân tôi, nhưng làm tôi thay đổi thì không!
Mạng ảo, tình cần chân
Trên mạng xã hội có không ít người sống ảo, tự tô vẽ cho mình những thứ không có, gọi là “nổ”. Họ thường nhận lại những thứ tương đương! Cho nên nhiều người than thất vọng khi sự thật phơi bày sau những ảo tưởng. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy nhiều trường hợp “mạng ảo, tình chân”. Có nhiều người thật sự có tấm chân tình của một tình bạn, và để có được điều đó cũng cần thời gian kiểm nghiệm, để rồi kéo tình bạn ảo đó ra ngoài đời thật và chơi cùng với nhau rất vui vẻ, hòa đồng.
Tôi nghĩ mình cũng có ảo… một tí (chấp nhận được), ví như chụp hình phải lựa tấm nào đó đẹp nhất post lên, chỉnh ánh sáng màu sắc cho lung linh, nhưng tuyệt nhiên không thể để “ảo tung chảo” đến mức không ai nhận ra mình ngoài đời thật được.
Niềm vui và sự phiền toái
Khi viết những câu chuyện, những tiêu đề cho tấm hình mình post lên Facebook, niềm vui lớn nhất là tôi nhận được rất nhiều inbox. Trong những câu, chữ tôi viết, các bạn chia sẻ thấy như có mình trong đó, cảm nhận sự lạc quan, mạnh mẽ, tin tưởng điều tốt đẹp phía trước. Bởi những gì trải qua, tôi đều nghiền ngẫm rút ra điều gì đó cho bản thân và viết bằng cả sự chân thành, không giáo điều sách vở. Chỉ tiếc là cuộc đời quá… rộng lớn bao la, đôi khi rút kinh nghiệm chuyện này, nó lại xảy ra chuyện khác chả giống với cái mình vừa học được, nên cứ phải học mãi bài học đường đời! Bên cạnh đó, đọc những chia sẻ, comment của nhiều người khác, tôi cũng học được nhiều thứ, cũng thấy “sáng” ra khi mình bị bủa vây và mò mẫm trong bóng tối.
Ngoài những niềm vui, thì thật sự thế giới ảo này cũng có những phiền toái cho tôi. Khi tôi không thể trả lời các tin nhắn vì không có đủ thời gian, hoặc không muốn cho biết quá nhiều chuyện về cá nhân, công việc, gia đình, thì có bạn quay ra… chửi! Hoặc có những người làm quen, nhắn tin trêu chọc rất vô văn hóa. Đối với những trường hợp đó, ban đầu không quen tôi rất bực, nhưng sau đó tôi học được cách cứ lờ đi, block bạn đó lại, cho tan biến vào… hư vô!
Nếu như một ngày nào đó không có Facebook? Chắc cũng không ảnh hưởng gì đến tôi là mấy, bởi từ bé tôi không để mình bị lệ thuộc vào bất cứ chuyện gì, tôi kiểm soát mình khá tốt. Không có Facebook, có thể các bạn sẽ gặp tôi trong vai trò là người viết báo, viết truyện chẳng hạn. Cuộc đời đưa đẩy khiến tôi phải trải qua nhiều ngành nghề để mưu sinh. Sau này ổn định rồi, có thời gian thảnh thơi tôi sẽ trở lại sở thích viết lách từ thuở bé của mình, như một thú vui tao nhã lúc…tuổi già. Mong là sẽ có… vài fan theo dõi!
Ý kiến chị Trần Trúc Ly, giảng viên khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội:
CHIA SẺ LUÔN LÀ NIỀM VUI LỚN
Bazaar (BZ): Chị thấy trên mạng xã hội, người ta có sống ảo không?
Trần Trúc Ly (TTL): Mình thấy mọi hình thức thể hiện suy nghĩ (lời nói, hành xử) trong giao tiếp, kể cả trên mạng hay ngoài đời, đều có thể mang yếu tố ảo. Mình nghĩ mạng xã hội có một phần yếu tố ảo trong đời sống của mình, ngoài phần đó ra thì mình sống không ảo lắm.
BZ: Có những nguyên tắc nào chị đặt ra trong công việc, đời sống khi giao tiếp trên Facebook?
TTL : Tiếp cận sinh viên trên mạng xã hội đúng là việc cần phải cân nhắc dù cũng có nhiều điểm tiện lợi. Khả năng kết nối của Facebook khiến thông tin mình cần phổ biến đến sinh viên được truyền đi nhanh chóng và thuận tiện. Nguyên tắc của mình: vui vẻ, thân thiện nhưng giữ khoảng cách, không quá thân mật hoặc suồng sã, cợt nhả.
BZ: Niềm vui và sự phiền toái của chị trên Facebook?
TTL: Nhận được sự chia sẻ luôn là niềm vui lớn dù trên mạng ảo hay trong giao tiếp thực tế. Phiền toái là đôi khi mình muốn kiểm duyệt thông tin đối với một vài đối tượng, hoặc đôi khi mình nhận ra rằng những điều mình viết ra, đăng lên không hẳn là điều mình muốn nói, hoặc đôi khi mình cũng không cần những chia sẻ trên Facebook đến thế. Tuy nhiên đó cũng ít khi là vấn đề lớn, cùng lắm thì mình nghĩ kiểu AQ rằng Facebook chỉ là những điều nhăng nhít cho vui thôi.
Thực hiện bài: Mỹ Trang. Ảnh: Getty images, Tư liệu