Louis Vuitton và cuộc chiến chống hàng giả trên khắp thế giới

Chống hàng giả là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của các hãng thời trang và hiện vẫn chưa có hồi kết. Vấn nạn này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia phát triển khác. Để bảo vệ danh tiếng của thương hiệu, các hãng thời trang đều đang ra sức đẩy mạnh việc chống nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, trong đó, "mạnh tay" nhất có lẽ là thương hiệu Louis Vuitton

CUỘC CHIẾN BẢO VỆ SỰ SÁNG TẠO

Louis Vuitton là thương hiệu phải đối mặt với vấn nạn hàng giả ngay từ những ngày đầu tiên khi vừa mới đạt được danh tiếng. Năm 1896 Georges Vuitton đã tạo ra hoa văn Monogram Canvas để tưởng nhớ người cha quá cố của ông, Louis Vuitton, người sáng lập công ty. Hoa văn này cũng nhằm ngăn chặn những kẻ làm hàng giả cố ăn theo danh tiếng của thương hiệu.

Mức độ “hot” của các sản phẩm nhà Louis Vuitton khiến hãng này trở thành mục tiêu chính của những kẻ sản xuất hàng giả khắp nơi trên thế giới. Việc này đồng nghĩa với hành động đánh cắp bí quyết của những người thợ thủ công, những người chịu trách nhiệm cho thương hiệu, đồng thời cướp đi những nguồn đầu tư để phát triển nhãn hàng. Do đó Louis Vuitton từ lâu đã có những chính sách không khoan nhượng trong cuộc chiến chống hàng giả.

Bộ phận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Louis Vuitton (giám sát toàn bộ về mặt hàng thời trang và sản phẩm da của LVMH) đã được thành lập hơn 20 năm trước để quản lý các tài sản chiến lược bao gồm các thương hiệu, thiết kế và bản quyền. Ngày nay, bộ phận này đã xây dựng một đội ngũ nhân viên đến từ những nền văn hóa khác nhau, với các nền tảng hỗ trợ lẫn nhau chẳng hạn như các luật sư, nhân viên thi hành luật.

Cuộc chiến chống hàng giả là một yếu tố lâu dài trong chiến lược phát triển bền vững của Louis Vuitton trên toàn cầu.

Những chiếc túi với hoa văn monogram đặc trưng của Louis Vuitton

CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG HÀNG GIẢ 

Với sự góp sức của 250 bộ phận quản lý thương hiệu khắp nơi trên thế giới, gần 11.500 dòng sản phẩm, thương hiệu được đăng ký, bảo vệ và quản lý bản quyền. Hàng trăm thỏa thuận cũng được bổ sung mỗi năm để bảo vệ các dự án sáng tạo khác nhau.

Nhờ các điều phối viên tại trụ sở Paris cùng với các văn phòng thuộc từng vùng đóng tại các khu vực ở các quốc gia ở Tokyo, Hồng Kông, Quảng Châu, Milan, Dubai, New York và Buenos Aires, hàng nghìn cuộc đột kích chống hàng giả hàng nhái diễn ra mỗi năm.

Bên cạnh đó, bộ phận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chuyên mảng Internet của Louis Vuitton đã tiến hành đăng ký tên miền, ngăn chặn việc chiếm dụng bất hợp pháp địa chỉ của công ty. Họ cũng truy tìm dấu vết của hàng giả trên mạng bằng cách giám sát trên Internet, cụ thể là các công cụ tìm kiếm, các danh mục và những trang web đấu giá. Cho đến nay, hàng nghìn trang web liên quan đã bị đóng.

Từ năm 2003, Louis Vuitton đã khởi đầu thành công một chương trình nhằm vào “đối tượng trung gian” – nơi cung cấp các dịch vụ cho các mạng lưới làm giả ngầm, như các chủ cho thuê nhà đất, các phương tiện thanh toán, và các công ty vận chuyển. Chương trình này rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc buôn bán hàng giả Louis Vuitton tại các tụ điểm nóng của hàng giả chẳng hạn như phố Canal ở New York.

Những động thái của Louis Vuitton cho thấy quyết tâm của hãng trong việc bảo vệ và giữ gìn giá trị, hình ảnh nhãn hiệu trên thị trường.

Louis Vuitton quyết tâm bảo vệ và giữ gìn bí quyết thủ công cũng như giá trị, hình ảnh nhãn hiệu trên thị trường

NHŨNG TIẾN TRIỂN GẦN ĐÂY TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Ngày 20-3-2009, cơ quan thi hành luật Guardia di Finanza đã thu giữ được gần 140.000 chiếc khăn giả mạo thương hiệu Louis Vuitton và 12.000 mét vải giả tại một cửa hàng ở Milan (Ý).

Ngày 23-4-2009, Louis Vuitton hợp tác với chính quyền địa phương nhằm vào 4 xí nghiệp và 3 nhà kho ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, thu giữ khoảng 900.000 món phụ tùng thay thế giả và bắt giữ 5 người.

Vào tháng 5-2009, các cán bộ hải quan cảng Piraeus (Athens, Hy Lạp) đã bắt giữ trên 49.000 mặt hàng giả nhãn hiệu Louis Vuitton trên một xe chở hàng đến từ Trung Quốc và Mã Lai.

Ngày 3-6-2009, gần 40.000 mặt hàng giả hiệu Louis Vuitton đã bị bắt giữ với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ 2 xe tải đi về hướng cảng Ningbo.

Ngày 6-8-2009, 16 công cụ máy móc được dùng để làm hàng giả và 350 mét monogram canvas giả được thu giữ từ một công xưởng bất hợp pháp ở Asunción, Paraguay đã bị thiêu hủy.

Ngày 28-8-2009, ban bồi thẩm các quận phía bắc của California ở San José, thung lũng Silicon của California, đã trao thưởng 32,4 triệu đô-la Mỹ cho Louis Vuitton vì những thiệt hại trong hành động chống lại các công ty Akanoc, Inc. và tập đoàn Managed Solutions, Inc., những nơi sở hữu hơn 200 trang web Trung Quốc bán hàng giả.

Một trong những mẫu túi được làm giả phổ biến của Louis Vuitton

Một trong những mẫu túi được làm giả phổ biến của Louis Vuitton

Ngày 6-10-2009, cảnh sát đã thu giữ 31.785 món hàng da giả sản phẩm Louis Vuitton ở Kyungki-Do (Philippines). Người chủ của công xưởng và nhà kho này đã dùng những máy móc tinh vi với sự hỗ trợ của những kỹ thuật viên chuyên nghiệp để chế tạo hàng nghìn sản phẩm nhái Louis Vuitton cho thị trường hàng giả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ngày 20-10-2009, cảnh sát Quảng Châu (Trung Quốc) đã ban lệnh bắt giữ 2 chủ sở hữu trang web yeslouisvuitton.com sau khi thu giữ 200 mặt hàng Louis Vuitton giả. Trang web này đã được sở hữu bởi tập đoàn Managed Solutions, Inc., một trong 2 công ty bị kết tội bởi lời tuyên án của bồi thẩm đoàn ở California vào tháng 8-2009.

Ngày 30-10-2009, 9.271 túi xách Louis Vuitton và 500 mét vuông vải LV giả đã được thu giữ bởi cơ quan thi hành luật Guardia di Finanza từ 3 phân xưởng ở Florence (Ý). Trong một cuộc tấn công cùng lúc ở Prato, chính quyền địa phương đã thu giữ được 20.000 mét vuông vải Louis Vuitton giả. Các hành động này đã gây sự chú ý cho các phương tiện truyền thông do điều kiện làm việc độc hại của những xưởng này, nơi có khoảng 20 người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp và gia đình của họ đã sống và làm việc, bao gồm cả trẻ con từ 3 đến 5 tuổi.

Ngày 4 -12-2009, Yahoo! Nhật Bản và Louis Vuitton đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), thiết lập chủ trương hợp tác lâu dài trong công cuộc đấu tranh chống lại việc làm giả trên Yahoo! Auction.

Cuộc chiến chống hàng giả là một yếu tố lâu dài trong chiến lược phát triển bền vững của Louis Vuitton trên toàn cầu.

Cuộc chiến chống hàng giả là một yếu tố lâu dài trong chiến lược phát triển bền vững của Louis Vuitton trên toàn cầu

CHỐNG HÀNG GIẢ TẠI VIỆT NAM

Vào ngày 16-9-2009, trên 13.000 CD và DVD bất hợp pháp mang logo LV và làm giả dòng Damier Canvas, đã bị tiêu hủy ở TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Tháng 4 năm nay, hãng Louis Vuitton đã ký kết với Cục Quản lý thị trường Hà Nội một biên bản ghi nhớ với mục tiêu tăng cường sức mạnh cho cuộc chiến chống hàng giả tại Hà Nội. Đây là biên bản ghi nhớ đầu tiên được ký kết giữa Cục quản lý thị trường và một công ty để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của công ty này tại Việt Nam.

Dựa vào ký kết này, Louis Vuitton sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về phương thức chống hàng giả và các buổi tập huấn dành cho cán bộ hải quan, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa hai bên. Ngược lại, Cục Quản lý thị trường sẽ có những chương trình giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân cũng như tăng cường các hoạt động quản lý và tịch thu hàng giả trên thị trường.

MÁCH BẠN: Để tránh mua phải hàng giả, hãy đến thẳng các cửa hàng của Louis Vuitton trên toàn cầu hoặc thông qua website chính thức www.louisvuitton.com. Đây là mạng lưới phân phối độc quyền của hãng nhằm đảm bảo tính xác thực của sản phẩm.

Nguồn: Louis Vuitton

Xem thêm