Louis Vuitton, Cartier, Prada sử dụng công nghệ Blockchain để chống hàng giả

Một dự án công nghệ không chỉ giúp đỡ các thương hiệu chống lại hàng nhái mà còn giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi mua sắm sản phẩm

Ảnh: Louis Vuitton

Ba tập đoàn hàng đầu trong ngành thời trang và xa xỉ phẩm – LVMH, Richemont và Prada – vừa thông báo sẽ chung tay đầu tư cho công nghệ blockchain. Dự án blockchain của ba ông trùm ngành thời trang này được gọi là Aura Blockhain sẽ được mở rộng cho các thương hiệu khác trong ngành thời trang tham gia. Hy vọng của họ là blockchain sẽ giúp đơn giản hóa việc xác thực sản phẩm và chống lại tệ nạn làm hàng giả, hàng nhái.

Công nghệ blockchain là gì?

Blockchain cho phép ghi chép thông tin về một cuộc giao dịch, và lưu trữ nó một cách bảo mật. Thông tin về cuộc giao dịch này có thể được truy cập rộng rãi, nhưng không thể bị sao chép hay thay đổi.

Công nghệ blockchain hiện tại chính là nền tảng xây dựng các đồng tiền ảo như Bitcoin.

Khai sinh dự án Aura Blockchain

Mỗi nhà mốt đều có hệ thống quản lý riêng lẻ của mình. Sự riêng lẻ này gây khó khăn cho người tiêu dùng khi muốn kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, khi kỷ nguyên resale – bán hàng second hand – lên ngôi, thì việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, tránh tiếp tay cho hàng nhái là quan trọng hơn bao giờ hết.

Tệ nạn hàng nhái cũng là mối lo của các nhà mốt lớn. Công nghệ ngày càng tinh vi, tốc độ sao chép nhanh chóng khiến thị trường hàng nhái có thể đạt doanh thu 991 tỉ đô-la Mỹ ước tính đến năm 2022.

Vì vậy, tập đoàn LVMH (sở hữu Dior, Louis Vuitton), Richemont (Cartier, Piaget), và Prada Group (Prada, Miu Miu) cùng chung tay đầu tư cho một hệ thống blockchain gọi là Aura Blockchain. Hệ thống này sẽ được nâng đỡ về mặt công nghệ từ Microsoft và ConsenSys.

>>>Xem thêm: MUA HÀNG SECOND HAND CAO CẤP Ở ĐÂU ĐỂ KHÔNG SỢ MUA NHẦM ĐỒ GIẢ?

Aura Blockchain sẽ được sử dụng như thế nào?

Một số ví dụ các nhà mốt đưa ra liên quan đến việc mua bán, đổi trả hàng.

Ở thương hiệu Hublot thuộc tập đoàn LVMH, Aura Blockchain được sử dụng để xác minh nguồn gốc hàng hóa. Ví dụ, một chiếc đồng hồ Hublot bán ra vào ngày X tháng Y cho khách hàng A. Cuộc giao dịch này được ghi chép ở chuỗi blockchain. Trong tương lai, nếu khách hàng này có tặng chiếc đồng hồ này đi, hay bán sang tay nó, thì giao dịch với Hublot vẫn được ghi chú trong mã bảo mật của hệ thống Aura Blockchain. Chủ sở hữu mới có thể dễ dàng đưa đồng hồ Hublot đi bảo trì.

Ở Cartier, Aura Blockchain được dùng để giúp với việc đổi trả hàng. Ví dụ, nếu người dùng không thích sản phẩm mình vừa mua, họ có thể trả hàng cho Cartier. Họ sẽ chụp một tấm hình cho Cartier để minh chứng chất lượng sản phẩm trước khi trả hàng. Nếu có bất kỳ xây xát nào xảy ra với sản phẩm, Cartier sẽ biết rằng đó là lỗi của bên vận chuyển chứ không phải của khách hàng.

Tập đoàn LVMH, Richemont và Prada cho biết sẽ mở rộng Aura Blockchain để các đối tác khác có thể tham gia sử dụng. Công nghệ bảo mật của Aura Blockchain cho phép các đối thủ cạnh tranh khó lòng theo dõi thông tin của nhau.

“Lòng tin tưởng là chìa khóa quan trọng làm nên thành công của ngành xa xỉ phẩm. Chúng tôi muốn bằng mọi giá giúp khách hàng giữ vững niềm tin ở chúng tôi”.

– Ông Antonio Belloni, giám đốc điều hành nhóm LVMH –

>>> Xem thêm: VÌ SAO NGƯỜI TIÊU DÙNG THÍCH MUA HÀNG FAKE? LÝ DO KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN NHƯ BẠN NGHĨ

Trích Bloomberg, Designboom
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm