Quế – tên gọi khoa học là Lauraceae – là một trong những nông sản quý của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng đầu thế giới. Không những mang lại giá trị kinh tế cao, quế còn được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều bài thuốc cổ truyền, cũng như dùng để chế biến hương liệu và gia vị xưa nay.
Hơn nữa, đây không chỉ là loại gia vị cho các món ngon mà còn được xem là “trợ thủ đắc lực” trong y học lẫn làm đẹp. Điều mà mọi người ít biết đến là quế chứa nhiều tinh chất có lợi cho làn da. Dưới dạng tinh dầu và bột, được chiết xuất từ vỏ của cây quế, chúng có ích cho nhiều vấn đề da và nhiễm trùng.
Có thể bạn chưa biết về quế
Cây quế có nguồn gốc từ các vùng ở Nam Á, ngày nay, chúng được trồng ở nhiều quốc gia và vận chuyển toàn thế giới dưới dạng tinh dầu quế hoặc gia vị quế. Có nhiều loại quế được trồng trên khắp thế giới, nhưng hai loại phổ biến nhất: quế Ceylon ở khu vực Sri Lanka và các vùng phía Nam của Ấn Độ và quế Cassia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Các thành phần hoạt chất chính của tinh dầu quế lấy từ vỏ cây là cinnamaldehyde, eugenol và linalool. Ba loại này chiếm khoảng 82,5% thành phần của dầu. Thành phần chính của tinh dầu quế phụ thuộc vào bộ phận của cây mà tinh dầu được lấy từ: vỏ cây, lá hoặc rễ.
Có hai loại dầu quế chính hiện có trên thị trường: dầu vỏ quế và dầu lá quế. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng chúng là những sản phẩm khác nhau với cách sử dụng hơi khác nhau. Tinh dầu vỏ quế được chiết xuất từ vỏ ngoài của cây quế, có mùi rất mạnh, nồng nặc giống mùi quế xay.
Dầu lá quế có mùi xạ hương và cay, thường có màu nhạt hơn. Trong khi dầu lá quế có thể có màu vàng và đục thì dầu vỏ quế có màu nâu đỏ đậm hơn. Cả hai đều có lợi, nhưng dầu vỏ quế có đặc tính mạnh hơn. Dầu vỏ quế thường đắt hơn dầu lá quế.
Lợi ích của tinh dầu quế
Quế mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, danh sách lợi ích của quế rất dài. Quế được biết là có đặc tính chống ô-xy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, cũng có thể giúp chống lại bệnh tim, cholesterol cao và các rối loạn sức khỏe thần kinh, như bệnh Alzheimer và Parkinson.
Là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất, quế có hương vị ấm áp và dễ chịu sẽ khiến bất kỳ ai sử dụng cũng cảm thấy sảng khoái. Nó hoạt động như một loại thuốc thông mũi tự nhiên, rất tốt cho mùa lạnh và cảm cúm. Quế cũng có các đặc tính lý tưởng để giảm đau nhức cơ bắp, giúp giảm viêm và thúc đẩy lưu thông máu.
Còn về mặt làn da, tinh dầu quế có nhiều tác động tích cực đến làn da. Một số lợi ích của quế đối với làn da đã chứng minh rằng nguyên liệu này là thành phần chăm sóc da đáng thèm muốn.
- Ngăn ngừa mụn đầu đen: Quế có đặc tính sát trùng nên rất tốt trong việc điều trị mụn. Nó tiêu diệt vi khuẩn và giúp giảm kích thước của mụn nhọt. Thành phần này có khả năng làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp cải thiện tình trạng mụn và thâm.
- Giảm các dấu hiệu của lão hóa: Một lợi ích của quế là giúp tăng cường sản xuất collagen và hỗ trợ tái tạo tế bào. Nhờ đó ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa hiệu quả. Nguyên liệu này cũng cung cấp một lượng lớn chất chống ô-xy hóa cho da để bảo vệ khỏi tác hại của gốc tự do bằng cách xông tinh dầu quế.
- Làm mịn da: Nếu có làn da xỉn màu, khô hoặc thiếu sức sống, bạn có thể sử dụng quế để làm đều màu da. Nó có khả năng loại bỏ các tế bào da chết, hỗ trợ làn da trông sáng và đều màu hơn. Đặc tính sát trùng của quế giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, do đó, mang lại cho bạn làn da sáng tự nhiên.
- Giúp môi căng mọng: Quế sẽ giúp đôi môi căng mọng nhờ tác dụng hơi cay và châm chích. Vì phần da trên môi mỏng manh hơn phần còn lại của khuôn mặt, nên nó có thể tác động và làm môi đầy đặn hơn.
Những lưu ý trước khi sử dụng tinh dầu quế để làm đẹp
Bên cạnh các công dụng của loại nguyên liệu này, bạn cũng cần lưu ý khi sử dụng tinh dầu quế vì có tính nóng. Không bôi tinh dầu quế khi chưa pha loãng. Ngoài ra, một số lưu ý sau để giúp bạn sử dụng quế hiệu quả và an toàn nhất.
- Thoa các hỗn hợp có chứa tinh dầu quế thử ở những vùng da nhỏ trước khi bôi lên vùng da có diện tích lớn.
- Tránh xa tầm tay trẻ em.
- Không bôi lên vết thương hở.
- Tránh tiếp xúc với mắt và các vùng da nhạy cảm.
- Không sử dụng tinh dầu quế cho phụ nữ mang thai.
- Bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
1001 cách làm đẹp từ tinh dầu và chiết xuất quế
Dùng tinh dầu quế mát-xa lưu thông máu, giảm mỡ thừa
Dầu quế có tác dụng lưu thông máu đồng thời giúp cải thiện các sắc tố da. Ngoài ra, tinh dầu quế còn giúp làm giảm mỡ bụng, bắp tay, bắp đùi vì có tính nóng cao nên tác động đến lớp mỡ thừa dưới da hiệu quả.
Cách thực hiện: Pha tinh dầu quế nguyên chất với các loại dầu nền hoặc dầu mát-xa để tăng khả năng thẩm thấu và độ trơn. Mát-xa nhẹ nhàng lên vùng cơ thể cần giảm mỡ trong thời gian 20–30 phút để làm săn chắc cơ thể. Tỷ lệ thích hợp khi xoa bóp giảm mỡ là 5% tinh dầu quế. Tuy nhiên do tinh dầu quế có tính nóng, vì vậy, bạn nên thử nghiệm trước và cân nhắc liều lượng phù hợp với cơ thể.
Xông hơi với tinh dầu quế
Dầu vỏ quế có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, chống ô-xy hóa và điều hòa miễn dịch, có thể có tác động tích cực đến hệ hô hấp. Điều này giúp quế trở thành lựa chọn xông hơi phổ biến để giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh và cúm như đau họng, nghẹt mũi và đau đầu.
Sử dụng quế trong chu trình chăm sóc tóc
Ít ai biết rằng ngoài tác dụng trị mụn. quế còn là nguyên liệu tuyệt vời hỗ trợ rất nhiều trong chu trình chăm sóc tóc hàng ngày để mang lại một mái tóc bóng khỏe suôn mượt. Các nghiên cứu cho thấy bột quế có thể kích thích mọc tóc bằng cách cải thiện lưu thông máu. Vì bột quế giàu đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn nên làm giảm các vấn đề về da đầu như khô vảy, gàu và ngứa da đầu.
Cách thực hiện: Tạo hỗn hợp gồm 1 quả trứng gà, 1 thìa cà phê bột quế, 1 thìa cà phê mật ong và 1 thìa súp dầu ô liu. Trộn đều hỗn hợp và bôi lên tóc. Giữ mặt nạ tóc trong vòng 20 phút, gội đầu lại với dầu gội dịu nhẹ đồng thời để tóc khô tự nhiên.
Dùng mặt nạ bột quế trị da mụn
Từ xưa tới nay, quế luôn là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề về da mụn. Với đặc tính chống nấm, chống ô-xy hóa và kháng khuẩn cao, quế đã trở thành một trong những lựa chọn hoàn hảo dành cho làn da mụn. Sử dụng mặt nạ làm từ bột quế sẽ giúp hỗ trợ tăng cường lưu lượng máu, làm sạch da và kháng viêm. Sử dụng loại mặt nạ kết hợp từ bộ đôi mật ong và bột quế chấm mụn 2–3 lần/tuần sẽ hỗ trợ làm xẹp các nốt mụn viêm, thúc đẩy quá trình gom còi mụn.
Cách thực hiện: Trộn đều hỗn hợp 1/4 thìa bột quế nguyên chất cùng 1 thìa mật ong. Làm sạch da mặt bằng nước ấm giúp loại bỏ bụi bẩn và lượng dầu thừa. Sau đó, chấm hỗn hợp lên các nốt mụn để trong khoảng 10–15 phút, rửa sạch và lau khô.
Tẩy tế bào chết cho da bằng bột quế
Bột quế với đặc tính chống ô-xy hóa mạnh chính là thành phần hỗ trợ tẩy da chết hữu ích. Không chỉ giúp làn da thoát khỏi tình trạng bí tắc lỗ chân lông mà còn tăng cường lưu thông máu, mang đến vẻ ngoài tươi sáng.
Cách thực hiện: Trộn đều 1 thìa bột quế, 1 thìa cà phê đường và 1 thìa mật ong. Thoa hỗn hợp lên da mặt và mát-xa nhẹ nhàng theo hình xoắn ốc khoảng 5 phút. Sau đó, rửa lại với nước để tận hưởng làn da sạch thoáng.
Dùng quế ngăn ngừa lão hóa
Một nghiên cứu được công bố trên PubMed Central đã cho thấy rằng trong số 26 thành phần, quế có hiệu quả nhất khi nói đến hoạt động chống ô-xy hóa. Đối với những tổn thương do các gốc tự do gây ra bao gồm nếp nhăn, sắc tố và làn da xỉn màu nói chung, quế có thể giúp làn da của bạn khỏe mạnh và tươi trẻ hơn. Ngoài ra, bột quế còn có tác dụng kích thích sản xuất collagen, làm mờ các nếp nhăn và giúp da trở nên mềm mịn, căng bóng. Bạn có thể kết hợp quế cùng trứng gà để làm săn chắc và nâng cơ da. Bộ đôi này có khả năng làm giảm nếp nhăn, ngăn ngừa lão hóa và đồng thời cải thiện mụn đầu đen.
Cách thực hiện: Trộn 1 muỗng bột quế với 1 lòng trắng trứng gà, thoa hỗn hợp lên da và mát-xa nhẹ nhàng khoảng 5 phút. Sau đó làm sạch da lại với nước.
LÀM ĐẸP VỚI TINH DẦU THIÊN NHIÊN:
TINH DẦU AZULENE, LỰA CHỌN DƯỠNG ẨM CHO LÀN DA KHÔ VÀ NHẠY CẢM
LỢI ÍCH KHI SỬ DỤNG TINH DẦU TRÀM TRÀ ĐỂ DƯỠNG TÓC
DA MỤN CÓ NÊN DÙNG DẦU DỪA KHÔNG? THAM KHẢO ĐỂ KHÔNG GÂY NỔI MỤN
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar