Những căn nhà trắng nhỏ xinh nằm cheo leo trên sườn núi cứ như chực chờ rơi xuống biển xanh
Bạn đã từng nghe câu chuyện thần biển cả thua cây olive? Hàng nghìn năm trước, để giành quyền bảo hộ cho thành phố Athens, Hy Lạp, giữa thần biển cả Poseidon và nữ thần Athena, vị thần của trí tuệ và thủ công mỹ nghệ, đã xảy ra một cuộc tranh tài.
Poseidon biểu diễn phép thần, chọc đinh ba xuống đất, một dòng nước lập tức chảy ra. Nhưng khi lấy nước uống, mọi người đều nhăn mặt vì nước biển quá mặn. Đến phiên mình, Athena gieo một hạt giống xuống đất, lát sau nảy mầm thành cây olive tươi tốt. Cây olive mộc mạc nhưng là một món quà có ích cho người dân. Nữ thần Athena thông thái thắng cuộc, trở thành thần bảo hộ cho thành phố. Vùng đất mang tên Athens ra đời từ đó.
Lớn lên với những trang truyện thần thoại Hy Lạp, tôi quyết định rủ Adam, bạn trai tôi, thực hiện chuyến khám phá Athens vào một ngày đầu mùa hè. Trên chuyến bay đến Hy Lạp, trong giấc ngủ, tôi mơ màng nhớ đến những thước phim đẹp mê mẩn của bộ phim Mamma Mia! quay ở những hòn đảo của xứ sở này.
Đảo và biển
Đảo Santorini hay còn gọi là Thera, cách Athens khoảng 200km, nằm trong vành đai núi lửa phía Nam biển Aegean. Thay vì đi phà thường mất 8 giờ, chúng tôi mua vé phà nhanh Blue Star để 5 giờ sau có mặt trên hòn đảo xinh đẹp nhất Athens. Lúc tôi đi không phải mùa cao điểm (cao điểm là từ 15–7 đến cuối tháng Tám) nên không cần đặt vé trước. Ở trung tâm thành phố, tôi có thể bắt gặp rất nhiều điểm du lịch bán vé và cũng không mắc hơn so với đặt trước trên mạng. Khi gần cập bến, phà có chao đảo đôi chút nhưng vẫn không làm các du khách, trong đó có tôi và Adam thôi mê mẩn ngắm nhìn hòn ngọc của vùng biển Aegean từ xa. Chúng tôi hồi hộp quan sát những căn nhà màu trắng nhỏ xinh nằm cheo leo trên sườn núi cao cứ như chực chờ rơi xuống làn nước biển xanh thẳm.
Bước chân lên đảo, trong khi những người khác chọn đi cáp treo hay đi bộ, chúng tôi chọn cho mình cách cổ điển nhất để đi lên đỉnh: vắt vẻo trên lưng lừa. Người và lừa men theo một con đường lát đá quanh co và uốn lượn, ôm lấy một bên là núi cao kiêu hãnh cùng mây trắng nhởn nhơ, bên kia là mặt nước xanh huyền bí của biển Địa Trung Hải.
Đi khoảng 280 mét, tôi và Adam đã đặt chân đến Fira, ngôi làng lớn nhất đảo Santorini. Chúng tôi đã đặt phòng trước ở một khách sạn nhỏ nhắn nhưng tươm tất nằm trên sườn núi của Fira. Tuy nhiên, điều làm cả hai nôn nóng nhất là một buổi chiều đi dạo ở làng Oia. Người ta truyền tai nhau rằng nếu bạn muốn thưởng ngoạn một cảnh sắc làm mê đắm lòng người và tìm kiếm sự bình yên hay cả tình yêu, hãy đến làng Oia.
Ngôi làng chỉ có khoảng 500 cư dân sinh sống này cấm tất cả các loại xe, du khách phải đậu xe ở ngoài và thả bộ vào làng. Cuốc dạo bộ khám phá Oia đã để lại cảm giác khó quên trong tôi. Ánh nắng rực rỡ chiếu vào những con hẻm nhỏ, len lỏi qua từng ngôi nhà trắng tinh có các cụm hoa giấy màu hồng làm cho ngôi làng cổ rực lên một thứ ánh sáng tinh khiết.
Hầu hết những con đường đều không có tên, ngoằn ngoèo tiếp nối nhau. Đây đó là những quán ăn, cà-phê, cửa hàng trang sức của các nghệ nhân người bản xứ. Thoạt đầu cả hai chúng tôi đều cảm thấy có gì đó hơi kỳ lạ khi ngôi làng nổi tiếng là chốn nghỉ mát lý tưởng lại không có vẻ gì đông đúc. Ấy vậy mà tầm bốn giờ chiều, làng Oia bỗng tràn ngập tiếng cười nói rộn ràng của đám đông từ khắp nơi kéo về. Tầm 5 giờ, tại quảng trường, nơi cao nhất của Oia trở nên đông đúc du khách. Họ cũng giống như chúng tôi, đang tìm kiếm một chỗ ngồi tốt nhất để thưởng thức giây phút tuyệt đẹp khi mặt trời dần tắt nắng.
Sự ồn ào của đám đông vơi dần rồi sau đó im bặt. Đột nhiên, sự yên lặng lại bị phá vỡ, nhưng không do tiếng người râm ran nói chuyện mà là do tiếng lách cách bấm máy của camera và máy chụp ảnh. Quả cầu mặt trời đỏ rực đang phát ra thứ ánh sáng lạ kỳ làm sắc trắng tinh khôi của những ngôi nhà chuyển dần sang vàng nhạt, rồi nhuốm hồng và ngả hẳn sang một màu tím thẫm. Lòng biển cả Aegean mênh mông đã ôm trọn mặt trời cho riêng mình, bỏ lại cả ngôi làng chìm trong ánh hoàng hôn đặc quánh trước khi trở nên lung linh và huyền ảo bởi ánh đèn về đêm. Nép sát người vào vai của Adam, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Chả trách người ta vẫn nói hoàng hôn đẹp nhất là khi được ngắm cùng một ai đó.
Nơi ở của những vị thần huyền thoại
Sách báo đều viết rằng du lịch Hy Lạp mà không leo lên ngọn đồi Acropolis là xem như chưa từng đến Hy Lạp. Thế là, sau khi từ đảo Santorini trở về Athens, tôi và Adam ngay lập tức khởi hành đến khu thành cổ Acropolis. Sau khi mua vé tham quan, chúng tôi hăm hở hòa cùng dòng người khá đông leo lên những bậc thang bằng đá. Đoạn cuối cùng của con đường chạy hình zigzag dẫn đến những cây cột lớn của cổng chào Propylaea, lối dẫn vào đồi Acropolis.
Trước kia, cổng chào là cả một tòa nhà có tên Propylaea, nay chỉ còn sót lại những bức tường đá loang lỗ và hàng cột bằng đá cẩm thạch to bằng hai người ôm. Quần thể kiến trúc được xây dựng bằng cẩm thạch trắng. Bình thường mặt đá sẽ lạnh và dịu, nhưng khi tiếp xúc với ánh nắng hay hơi ẩm, tất cả sẽ sáng bừng lên. Ngôi đền Parthenon hùng dũng, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, nằm ngay giữa khu đồi kéo chúng tôi bước
nhanh về phía trước. Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi khó lòng tin được từ các khối đá bằng phẳng xếp chồng lên nhau, dù không có xi măng kết dính nhưng vẫn đỡ được những bức tường và trụ cột qua bao nhiêu năm.
Bức tượng thần Athena khổng lồ, cao hơn 12m bên trong là tác phẩm của nhà điêu khắc Phidias lừng danh. Bức tượng bằng gỗ, khảm vàng và ngà voi nên giá trị còn hơn cả ngôi đền bên ngoài. Khác với Parthenon mạnh mẽ và cao lớn, ngôi đền thờ hai vị thần Athena và Poseidon với tên gọi Erechtheion trông khá nhỏ nhắn và khiêm tốn nằm ở phía Bắc của ngọn đồi Acropolis. Vết tích đáng chú ý nhất của ngôi đền là hàng cột phù điêu chạm trổ hình sáu cô gái nô lệ xứ Caria xinh đẹp với những đường cao tuyệt mỹ. Đây cũng chính là nơi diễn ra cuộc tranh tài năm nào giữa vị thần biển cả và nữ thần thủ công mỹ nghệ mà tôi đã kể lúc đầu.
Và dĩ nhiên chúng tôi cũng không thể bỏ qua bảo tàng Acropolis nằm phía Đông Nam của ngọn đồi. Tận mắt chiêm ngưỡng những di vật khảo cổ được khai quật từ cách đây hơn 2.500 năm, tôi tưởng như cả nền văn minh cổ đại Hy Lạp rực rỡ một thời đang sống lại, hiển hiện trước mắt để tôi có thể nhìn ngắm và cảm nhận.
Cuộc sống và người dân xứ thần thoại
Tạm biệt khu đồi Acropolis, Adam bảo hãy tranh thủ trời vẫn còn nắng đẹp để tham quan sân vận độn Panathinaiko, nơi diễn ra đại hội Olympic hiện đại đầu tiên trên thế giới vào năm 1896. Không những choáng ngợp trước sức chứa 45.000 người của sân vận động, chúng tôi còn ấn tượng vì toàn bộ ghế ngồi đều được làm bằng đá cẩm thạch trắng. Đây được xem là sân vận động lâu đời nhất và duy nhất trên thế giới được xây bằng cẩm thạch trắng. Bỗng dưng, tôi sực nhớ cung điện Buckingham Palace, Anh quốc, không phải là nơi duy nhất trên thế giới để xem màn thay đổi lính gác thú vị. Trước tòa nhà Quốc hội của Athens, binh lính vẫn còn thực hiện nghi thức trang trọng này.
Sau khi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm ở Panathinaiko, cả hai cuốc bộ đến quảng trường Syntagma. May mắn thay, lúc chúng tôi vừa đến cũng là lúc hai anh lính bắt đầu làm nhiệm vụ chuyển đổi. Trong trang phục truyền thống với váy trắng, mũ đỏ và guốc đỏ trang trí quả cầu len ngộ nghĩnh, từng hành động của hai anh lính diễn ra đồng bộ đến mức độ hoàn hảo.
Các anh lính này được gọi là Evzones, làm nhiệm vụ canh gác mộ của những chiến sỹ vô danh. Không chú ý đến sự hiếu kỳ của đám đông du khách, họ vẫn nghiêm túc làm nhiệm vụ. Quay sang hỏi một anh chàng bản xứ đứng gần, tôi biết được lính gác thay đổi mỗi giờ một lần, trong suốt 24 giờ. Vào 11 giờ mỗi sáng Chủ nhật, màn thay đổi lính gác diễn ra hoành tráng với nhiều lính gác và nghi thức phức tạp. Đó cũng là lúc du khách tập trung đông nhất trước tòa nhà Quốc hội để sở thị màn trình diễn độc đáo này.
Cảm thấy hơi khát, Adam lần giở bản đồ tìm đến nơi được xem là cổ xưa nhất của Athens, khu phố Plaka. Nằm ngay dưới chân đồi Acropolis, Plaka nổi tiếng là nơi của các dịch vụ ăn uống, hát hò và các điệu nhảy. Chúng tôi vào ngẫu nhiên một quán bên đường. Adam gọi một ly frappé mát lạnh, còn tôi chọn một phần salad Hy Lạp. Vừa thưởng thức vị ngọt mát của rau củ trong món salad, tôi vừa ngắm nhìn màn đêm buông dần và ánh đèn lần lượt sáng lên bừng cả góc phố. Người dân Athens ăn muộn, dễ đến 9, 10 giờ tối. Tôi dễ dàng tìm thấy các taverna (nhà hàng truyền thống của Hy Lạp) ở khắp mọi nơi với những chiếc bàn màu xanh duyên dáng kê bên đường.
Sau bữa ăn tối ồn ào và đông đúc, không phân biệt dân bản xứ hay du khách, tất cả lại chìm vào những điệu nhảy sôi động của các bài dân ca Hy Lạp. Âm nhạc có thể phát ra từ một quán ăn nhộn nhịp nào đó hay từ một ban nhạc đang hăng say biểu diễn trên đường. Tôi có cảm tưởng, vào ban ngày, phong thái của người Hy Lạp khoan thai thư giãn đến chừng nào thì khi đêm về nhịp sống của Athens lại nhộn nhịp và sôi động đến dường ấy. Nắm tay của Adam, hòa vào dòng người đang tưng bừng nhảy múa, tôi thấy mình như trẻ lại và càng thêm yêu mến xứ sở Địa Trung Hải này.
Những bãi biển ở Santorini
– Kokkini (bãi biển đỏ): Bãi biển khá nóng, ít sóng và nước khá sâu. Là nơi lý tưởng dành cho những ai thích lặn biển vì nước ở đây rất sạch và trong vắt.
– Aspri (bãi biển trắng): Khá tách biệt vì được bao quanh bởi những tảng đá khổng lồ màu trắng. Ở đây có các căn-tin nhỏ và dịch vụ thuê dù, giường để tắm nắng.
– Kamari (bãi biển đen): Tại đây, bạn có thể leo núi, tham gia nhiều trò chơi thể thao dưới nước như môn lướt ván buồm, lặn biển. Bãi biển được trao chứng nhận Blue Flag cho độ sạch của vùng nước.
Thông tin thêm
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Athens là từ mùa xuân đến cuối mùa hè. Mùa đông ở Athens thường có mưa và tuyết nên là mùa thấp điểm. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm chi phí và tận hưởng không khí yên bình, ít khách du lịch ở Athens, bạn có thể đến đó vào mùa đông.
Cách đơn giản nhất để bạn đi lại ở Athens là mua một tấm vé tích hợp với giá 1,40 euro (khoảng 39.000 đồng), bạn có thể đi lại trên bất kỳ phương tiện nào, từ tàu điện ngầm metro, xe lửa đến xe điện… trong vòng 90 phút.
Bài: Thiện Phương. Ảnh: Getty Images, Shutter Stock