Bhutan từng được công nhận là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, những ai nghĩ nơi này là chốn xa hoa, tráng lệ, lộng lẫy sẽ dễ thất vọng. Những ngày du lịch Bhutan, tôi hiểu rằng hạnh phúc không có nghĩa là phải giàu có! Xin đừng nhầm xứ sở hạnh phúc đồng nghĩa với những sự đẹp đẽ, hào nhoáng, dư dả bề ngoài. Bhutan không hề là một vương quốc giàu có. Xứ sở này chỉ hợp cho bạn đến để ngẫm nghĩ về sự bình yên, hay nhìn ngắm nét thân thiện nhất mà nơi đây đã sở hữu và giữ gìn bao nhiêu năm qua. Và để bạn chiêm nghiệm, thế nào là hạnh phúc.
Vương quốc sùng đạo: một ngày cầu nguyện bốn lần
Bất ngờ và gây tò mò cho tôi là các ngôi đền luôn đông người vào buổi chiều. Người ta đến đến để cầu nguyện, đủ mọi thành phần và đủ lứa tuổi. Từ các ông bà lão già chậm rãi đi quanh đền đến những quý ông trung niên, các cô thiếu nữ, các cậu bé, cô bé tuổi thiếu niên. Ai nấy đều tập trung cầu nguyện. Họ lần lượt xếp hàng để xoay các vòng cầu nguyện kinh luân đều đặn.
Người dân xứ này không chỉ cầu nguyện ban ngày, mà cả ban đêm. Đã hơn 10 giờ đêm, tôi gặp một người đàn ông trung niên lầm rầm cầu nguyện bên dòng suối nhỏ. Tay ông lần tràng hạt, đi quanh các vòng xoay cầu nguyện kinh luân suốt cả tiếng đồng hồ. Ông làm việc này hết sức tập trung, thành kính mà không để ý đến những người xung quanh. Đây cũng là hình ảnh tôi luôn gặp ở xứ sở này.
Không chỉ ở nơi này, mà suốt cuộc hành trình du lịch Bhutan, khám phá vương quốc rồng sấm, tôi luôn nhìn thấy những hình ảnh thanh bình như vậy. Ngoài các tu viện, có rất nhiều ngôi đền lớn nhỏ có để những vòng quay cầu nguyện kinh luân. Chúng được xây dựng rất nhiều nơi. Ven các con đường, trong các khu dân cư, người dân có thể dễ dàng đến đây cầu nguyện. Trên đường đi, ai cũng tranh thủ ghé qua một ngôi đền nào đó trên đường về chỉ để cầu nguyện. Thói quen này như một nhu cầu rất tự nhiên.
Ở Thimphu – thủ đô Bhutan, tôi chứng kiến một hình ảnh thường nhật của người dân nơi đây. Sau giờ tan sở, dường như tất cả những dòng người trước khi tỏa muôn hướng về nhà đều đi ngang qua Khu tưởng niệm quốc gia Chorten.
Buổi chiều là thời gian đông người nhất trong ngày. Người ta đi bộ thong thả vòng quanh đền với các bánh xe và tràng hạt cầu nguyện. Có người mang theo đệm, miếng lót để tiện việc hành lễ ngoài sân quanh đền, bên cạnh là những đứa con đang say sưa học bài. Những người già ngồi nguyện cầu cả buổi trong đền hoặc bất kỳ giờ nào rảnh trong ngày. Đây là thói quen thường nhật không thể bỏ của người Bhutan. Các cô cậu học trò cũng cầu nguyện hết sức thành kính.
Cảnh tượng đẹp đẽ ấy gợi đến sự bình yên trong tâm hồn bất cứ du khách nào đến đây. Những hình ảnh này đã giải đáp cho sự tò mò của tôi, trước khi đến vương quốc này, rằng người Bhutan cầu nguyện bốn lần trong một ngày.
Thân thiện, dễ gây thương nhớ như người Bhutan
Một sáng trên đường đi đến Punakha, tôi theo bạn đồng hành dừng chân ở một ngôi làng ven đường. Những con bò đang thong thả gặm cỏ, làng đi đâu vắng, có lẽ người ta đi làm. Có mấy bà lão đang vắt sữa bò. Thấy khách lạ, họ ngẩng lên một thoáng, khẽ mỉm cười như cho biết rằng: “Tôi biết có người lạ đến đấy”. Rồi họ lại tiếp tục công việc. Khi tôi có ý muốn chụp hình, họ đều vui vẻ dừng lại, cười thật tươi hết sức thân thiện
Đến đây, ai cũng muốn chụp hình với lũ trẻ. Chúng rất ngoan. Trẻ con xứ này dễ khiến người ta ưa ngoái lại nhìn lắm. Đứa nào đứa nấy đều xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống rất đặc trưng của người Bhutan, không lẫn vào đâu được. Những bộ gho dành nam và kira dành cho nữ được chúng mặc trông ngồ ngộ hơn người lớn rất nhiều. Hình như từ khi biết đi, trẻ con ở đây đã được mặc gho và kira. Những bộ cánh này sẽ theo chúng đến suốt đời. Bất cứ cô cậu bé nào, khi thấy ống kính của tôi, dù đang làm gì đều ngoan ngoãn đứng yên và cười để tôi chụp hình.
Thông tin thêm về Bhutan
- Cách quản lý số lượng du khách của Bhutan không giống ai. Bhutan không hạn chế cấp visa, nhưng quy định mọi du khách đều phải mua tour trọn gói của các công ty do nhà nước cấp phép hoạt động. Mức phí tối thiểu cho một ngày lưu trú là 200 USD (đã bao gồm chi phí đi lại,ăn ở, hướng dẫn).
- Bay đi Bhutan phải quá cảnh ở Bangkok hoặc Nepal. Từ Việt Nam bay đi Bangkok, ngủ đêm ở Bangkok, sáng hôm sau bay đi Bhutan. Thời gian bay sáu tiếng. Thỉnh thoảng mới có chuyến bay thẳng nếu du khách đủ kinh phí thuê bao nguyên chuyến.
- Đồ ăn ở Bhutan không hẳn dễ ăn, bạn nên mang theo đồ ăn Việt và một ít vitamin C (C sủi) để dễ thích nghi với không khí loãng và độ cao. Bhutan sử dụng điện 220V, dùng loại ổ cắm ba chấu tròn.
- Tiền Bhutan gọi là Ngultrum (Nu). Một đô la Mỹ tương đương 71 Nu.
Những cái nhất của vương quốc rồng sấm
Từng được xem là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới, Bhutan tự thân cũng sở hữu những cái nhất hiếm gặp ở những nơi khác. Đây là nước duy nhất đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross National Happiness – GNH) thay cho tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product – GDP). Theo Quốc vương Jigme Singye Wangchuck, người đưa ra khái niệm GNH, ông cho rằng GDP chưa chắc mang lại hạnh phúc cho người dân. Hạnh phúc chính là sự phát triển nhằm vào sự tăng tiến giá trị đời sống nhưng vẫn bảo tồn được thiên nhiên và văn hóa, chứ không phải nằm ở số lượng vật chất sản xuất và tiêu thụ.
Điều này cũng dễ hiểu khi tôi hỏi anh bạn mới quen: “Điều gì khiến anh tự hào về đất nước mình?”. Anh trả lời: “Diện tích rừng và cây xanh của chúng tôi rất nhiều. Người dân nói không thuốc lá, không trộm cắp, mại dâm. Chúng tôi có một chính phủ tốt, luôn lo lắng cho người dân”.
Chính phủ và người dân Bhutan rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo sắc lệnh của nhà vua, cứ đốn một cây xanh vì bất cứ mục đích gì đều phải trồng bù ba cây mới. Nhờ vậy mà cho đến nay, hơn 60% diện tích Bhutan vẫn còn rừng bao phủ. 1/4 lãnh thổ là các công viên quốc gia. Túi nylon bị cấm sử dụng. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm săn bắn và đánh cá.
Bhutan còn cấm được việc hút thuốc lá trong dân chúng. Đem thuốc lá vào nước này, bạn phải đóng thuế 200%. Cảnh sát sẽ phạt tiền nếu bạn hút thuốc nơi công cộng. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với nông dân. Những chính sách tích cực này giúp Bhutan có môi trường nguyên sơ và hệ sinh thái đa dạng vào bậc nhất thế giới.
Vương quốc rồng sấm này cũng nói không với truyền hình bạo lực, không tội phạm. Bhutan nằm trong số rất ít quốc gia có thể bảo vệ bản sắc văn hóa rõ nét.
Từ trẻ con đến thanh niên hay người già đều như thế. Từ dân chúng đến vua, hoàng hậu hay thủ tướng, đều luôn mặc trang phục truyền thống. Đó là những bộ gho (áo khoác dài đến đầu gối, thắt lưng ở ngang eo, dành cho nam giới) và kira (áo dài tay với váy quấn của phụ nữ dài chấm gót). Đó là quy định nhưng người dân đều tỏ ra rất thoải mái khi diện chúng. Họ mặc khi đi học, đi làm, đi chơi, mua sắm, tham dự lễ hội… Trong những ngày lưu lại nơi đây, tôi chưa thấy một bộ Âu phục nào.
Bhutan mở cửa để phát triển kinh tế du lịch, nhưng đồng thời áp dụng quản lý chặt để chủ động hạn chế số lượng du khách hàng năm. Chính sách này phù hợp cơ sở hạ tầng địa phương, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như các di sản văn hóa.
Du lịch Bhutan, tôi nghĩ rằng đây là một trong những nơi đến thú vị nhất của mình sau bao năm xách vali mà đi.
Tour Bhutan
Các công ty du lịch trong nước đang thực hiện tour Bhutan ngày một nhiều. Bạn nên chọn những công ty chuyên về tour Bhutan để hưởng dịch vụ tốt hơn. Có thể tham khảo thêm tại www.gobhutan.net.
Khách sạn
Khách sạn 5 sao ở Bhutan không quá nhiều, nhưng nổi bật nhất phải kể đến các khách sạn sau, có mức giá trung bình từ 600 USD đến khoảng 1300 USD/phòng.
- Uma Bhutan Địa chỉ: Paro Valley Como, Paro 00000, Bhutan. ĐT: +975 8 271 597
- Amanroka thimphu Địa chỉ: Upper Motithang, P.O. Box 831, Thimphu. ĐT: +975 2 331 333
- Le Méridien Paroriverfront Địa chỉ: P.O. Box 1265, Shaba, Paro, Bhutan. ĐT: +975 8 270 300
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 10/2018