Mang an yên vào nhà với sắc xanh Classic Blue, màu của năm 2020

Tất cả những gì bạn cần biết khi thiết kế nội thất với màu xanh Classic Blue, màu của năm 2020

Trước khi Pantone công bố màu của năm 2020, Harper’s Bazaar đã tham khảo ý kiến với một vài chuyên gia nội thất về phong cách thiết kế cho năm 2020. Thật trùng hợp, phần lớn các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất có xu hướng chọn màu xanh dương. Thư giãn, kết nối và tĩnh lặng là những thuộc tính được chọn lựa cho màu sắc căn nhà của năm 2020. Bởi đây chính là thời điểm chúng ta cần sự yên bình, tĩnh tâm để sạc lại năng lượng. Sau đó, con người sẽ tập trung tâm lực để mở ra một kỷ nguyên kế tiếp đầy hứng khởi. Hãy cùng tham khảo cách thiết kế nội thất màu xanh với gam màu của năm 2020.

Pantone chưa bao giờ tuỳ tiện quyết định màu của năm

Ngày 4 tháng 12 vừa qua, Pantone đã công bố màu classic blue – xanh cổ điển (mã Pantone 19- 4052) là sắc màu của năm mới.

Khác với sự nồng nhiệt của màu san hô sống (living coral) năm ngoái, sắc thái của 2020 có phần nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Tuy nhiên, màu xanh này lại khá phổ biến và quen thuộc. Từ những tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng, trường học đều chọn màu xanh dương cho logo của mình. Bởi không có sắc màu nào tạo sự tin tưởng tuyệt đối như classic blue. Không phải tự nhiên mà David Beckham và Jaguar đều chọn cái tên classic blue và màu sắc này cho một dòng nước hoa của mình.

Màu xanh cũng được cho là có liên quan đến giao tiếp, hướng nội và sự tinh khiết. Các lợi ích khác của màu xanh đó là giúp hỗ trợ sự tập trung và thông suốt các luồng suy nghĩ. Một không gian đậm màu xanh, không cần quá rộng, cũng có thể giúp gia chủ nạp lại năng lượng và phấn chấn tinh thần hơn.

“Màu xanh gợi lên sự vô tận của bầu trời đêm. Pantone 19-4052 classic blue khuyến khích chúng ta nhìn xa hơn để mở rộng suy nghĩ. Từ đó, con người suy nghĩ sâu hơn, tăng quan điểm và mở rộng sự kết nối.

– Bà Leatrice Eiseman, Giám đốc điều hành của Viện màu Pantone

 

Thiên biến vạn hóa với cách thiết kế nội thất màu xanh

Classic blue đúng như cái tên của nó, chính là màu xanh nguyên sơ và cơ bản nhất trong bánh xe màu. Khi thiết kế nội thất màu xanh, bạn có thể tự do sử dụng xanh dương cho toàn bộ không gian hoặc chỉ dùng một màu để nhấn nhá. Cho dù là phòng khách, phòng ngủ, bếp hay mái nhà, bạn đều có thể ứng dụng màu classic blue. Sau đây là một số cách kết hợp màu xanh với các màu khác trên bánh xe màu sắc.

Cách tạo màu mang lại hiệu ứng thị giác mạnh mẽ

Xanh dương, vàng, đỏ là ba tông màu cơ bản cấp 1. Nếu bạn thích tương phản mạnh, hãy kết hợp xanh dương với tông màu đối trọng của nó, màu da cam. Không gian căn nhà sẽ cực kỳ ấn tượng. Để giảm bớt tính tương phản, bạn có thể phối màu theo quy tắc tương phản bổ sung, đó là chọn 2 màu bên cạnh của màu da cam trong bánh xe màu. Đó là màu đỏ cam và vàng cam. Sự kết hợp này sẽ tạo nên một sự kích thích cân bằng.

Kết hợp màu xanh và cam tạo sự tương phản mạnh mẽ, phù hợp cho ngôi nhà hiện đại

Cách kết hợp tạo hiệu ứng êm ả, thư giãn

Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp những màu gần xanh dương trong bảng màu như màu xanh lá hay tím. Sự kết hợp giữa màu classic blue với xanh lá tạo ra không gian nội thất hài hòa, gần gũi với thiên nhiên. Màu tím cho không gian nội thất thêm sống động và kích thích thị giác. Căn phòng với hai màu xanh và tím sẽ tạo nên sự thư giãn tối đa cho tâm trí và tinh thần. Bạn có thể thiết kế một căn phòng thiền hay phòng ngủ với hai gam màu này.

Thiết kế nội thất màu xanh dương và xanh lá cây tạo góc thư giãn cho bạn

Tạo vẻ mát mắt, cổ điển cho ngôi nhà

Classic blue và trắng là sự phối màu phổ biến và kinh điển. Trắng và xanh dương tạo nên sự tươi mát, nhẹ nhàng, gợi nhớ đến vẻ đẹp của thành phố biển Santorini, Hy Lạp. Sự kết hợp đơn sắc giữa các cấp độ xanh tạo sự luân chuyển màu từ xanh đậm tiến gần về màu trắng trên các chất liệu khác nhau tạo linh hồn cho không gian căn nhà.

Màu xanh dương và trắng có thể sử dụng cho không gian nhà tắm tạo nên sự tươi mát và thư giãn

Cách phối màu nội thất tạo vẻ sang trọng

Những tông màu trung tính vẫn chưa hạ nhiệt đối với thiết kế nội thất đòi hỏi sự trang nhã, tinh tế và pha chút hiện đại. Đối với không gian trung tính sẵn có, bạn chỉ cần chọn một điểm nhấn màu xanh như rèm, phụ kiện trang trí, ghế sofa hoặc rộng hơn là một mảng tường nghệ thuật.

Đặc biệt, màu xanh dương sẽ toát lên vẻ sang trọng bậc nhất khi phối với những chi tiết trang trí có tông vàng ánh kim. Nếu classic blue được xem là màu vua của năm 2020 thì màu champagne cũng được xem như là màu nữ hoàng. Sự kết hợp giữa tông xanh cổ điển với màu champagne lấp lánh ánh vàng sẽ tạo nên không gian lung linh, đầy mê hoặc.

Màu xanh classic blue trong từng phong cách trang trí nhà cửa

Đối với những phong cách mang tính tối giản hay những phân nhánh nhỏ hơn của nó, như phong cách Bắc Âu hay Nhật Bản đương đại, màu xanh dương được bố trí như một điểm nhấn như đèn, thảm, hoặc bộ ấm chén tạo nên sự độc đáo và thú vị.

Gợi nhớ về một bầu trời đêm đầy sao, Pantone 19-4052 là một tông nền hoàn hảo cho một thiên hà xanh huyền bí ngay tại hành lang, phòng khách hay thậm chí phòng ngủ của các bạn nhỏ.

Với nhà theo phong cách cổ điển hoặc bán cổ điển, bạn có thể trang trí các món đồ như gối chất liệu nhung, bình hoa với hoa văn Art Nouveau màu xanh trong không gian nền trắng chủ đạo hoặc ngược lại.

Đối với phong cách vintage, nhà bạn không thể thiếu những bức tường vẽ tay hoặc giấy dán hoa màu xanh.

Nếu bạn thích vẻ bụi phủi hoặc là một tín đồ của phong cách Rustic, các chất liệu nội thất denim cho ghế, rèm, thảm kết hợp với gỗ thô mộc và mây tre đan cũng là một gợi ý thú vị.

4 mẹo nhỏ khi thiết kế nội thất với màu xanh Classic Blue

Bạn không nhất thiết phải tái tạo toàn bộ không gian với màu classic blue. Tính linh động của màu sắc này giúp bạn dễ dàng thay đổi một điểm nào đó trong căn nhà nhưng vẫn thổi bừng sức sống mới. Ví dụ: Bạn chỉ cần sơn xanh khu vực ốc đảo bếp, hay một mảng tường bất kỳ trong phòng. Thậm chí, chỉ là một tấm thảm nhỏ, một bộ ly cũng giúp thay đổi sắc diện ngôi nhà.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm