Tình yêu của Miuccia Prada đã làm nên đế chế thời trang Prada như thế nào?

Ít ai biết phía sau Miuccia Prada, người thừa kế tập đoàn Prada có sự hậu thuẫn vững chắc của phu quân cô, Patrizio Bertelli.

Miuccia Prada và chồng, Patrizio Bertelli, hai người làm nên lịch sử Prada huy hoàng và rạng rỡ ngày nay

Prada là thương hiệu thời trang cao cấp của Ý nổi tiếng với các dòng sản phẩm xa xỉ như trang phục nam nữ và phụ kiện bao gồm túi xách, giày, đồng hồ, mắt kính… Thành công của thương hiệu là nhờ vào cuộc hôn nhân mỹ mãn giữa Miuccia Prada với tầm nhìn thời trang đi trước thời đại và thương gia Patrizio Bertelli với đầu óc kinh doanh sắc bén.

Sự khởi đầu của lịch sử Prada

Thương hiệu Prada khởi nghiệp vào đầu thế kỷ trước. Năm 1913, Mario Prada mở một cửa hàng sang trọng ở Galleria Vittorio Emanuele II tại Milan, chuyên bán túi xách da, rương đi du lịch, phụ kiện bằng da, hộp đựng đồ trang điểm, phụ kiện sang trọng và các sản phẩm có giá trị.

Nhờ những hàng hóa thiết kế riêng bằng thủ công sử dụng vật liệu tốt và kỹ thuật tinh xảo, Prada nhanh chóng được các tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản châu Âu yêu chuộng và truyền miệng.

Năm 1919, Prada chính thức trở thành nhà cung cấp cho hoàng tộc Ý. Thương hiệu Prada ngày càng gia tăng danh tiếng và uy tín theo thời gian.

Khi phái nữ kế thừa và nối tiếp truyền thống

Năm 1958, Mario Prada qua đời. Vì thành kiến phụ nữ không thể làm kinh doanh, Mario đã không cho bất kỳ người phụ nữ nào trong gia đình tham gia vào công ty. Tuy nhiên, do người con trai của ông không có hứng thú với kinh doanh nên cuối cùng, con gái của ông, Luisa Prada trở thành người kế nhiệm thương hiệu.

Năm 1977, Miuccia Prada thừa kế gia nghiệp từ tay mẹ dù khi đó cô đã có trong tay bằng tiến sỹ khoa học chính trị và mong muốn trở thành diễn viên kịch câm. Không ai ngờ chính Miuccia Prada là người sẽ tạo ra thành tích vượt trội cho nhà Prada, biến một công ty chỉ bán đồ da thành thương hiệu hàng đầu trong ngành thời trang Ý.

Miuccia Prada và chồng, Patrizio Bertelli

Miuccia Prada và chồng, Patrizio Bertelli

Bước ngoặt lớn nhất của tập đoàn là khi Miuccia Prada bắt đầu hợp tác với Patrizio Bertelli, một nhà kinh doanh trong ngành da thuộc. Ông cho rằng cô nên ngừng bán các mặt hàng của thương hiệu khác tại cửa hàng Prada mà làm lại những thiết kế túi xách, hành lý bằng da nguyên gốc của ông cô và tập trung sản xuất tại Ý.

Bertelli từ vai trò người cố vấn trở thành phu quân của Miuccia Prada năm 1987. Cuộc hôn nhân mỹ mãn giữa một đầu óc kinh doanh chiếc lược và một tài năng “tiên tri” trong thời trang đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhà Prada. 

Patrizio Bertelli và Miuccia Prada bành trướng tập đoàn

Để mở rộng kinh doanh, Miuccia và Bertelli đã đưa túi Prada vào bán trong các trung tâm bách hóa và boutique cao cấp trên toàn thế giới . Năm 1983, Prada mở cửa hàng thứ hai ở Via della Spiga, khu mua sắm uy tín nhất của Milan. Cửa hàng mới được thiết kế gợi nhớ đến cửa hàng khi xưa nhưng hiện đại và hào nhoáng hơn. Trước đó một năm, hãng đã cho ra mắt dòng giày đầu tiên.

Năm 1984, Miuccia đưa ra mẫu ba lô làm bằng chất liệu ni-lông đen, một bước đột phá chưa từng có lúc bấy giờ. Chiếc túi này không được đón nhận ở thời điểm ra mắt nhưng đến năm 1995, nó đã trở biểu tượng đẳng cấp nhất và là niềm ao ước nhất của mọi tín đồ thời trang. Cùng năm, Prada bành trướng khắp châu Âu và châu Mỹ với các cửa hàng ở các trung tâm mua sắm tại Florence, Paris, Madrid và New York.

Năm 1985, Miuccia phát hành mẫu túi Prada classic và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Chiếc túi mang tính thiết thực và mạnh mẽ cùng với những đường nét sang trọng và thủ công tinh tế đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của nhà Prada.

Mặc dù là thương hiệu cao cấp nhưng logo của Prada không được thiết kế cầu kỳ và đặc trưng như các hãng khác vì Prada chủ trương không chú trọng giai cấp và sự màu mè của các trưởng giả học làm sang.

prada_bag_classic

Năm 1989, Prada ra mắt bộ sưu tập thời trang ready-to-wear đầu tiên dành cho nữ. Dòng thời trang Prada nổi tiếng với các thiết kế tối giản đã trở thành chuẩn mực cho vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng. Những đường cắt cúp tinh tế, phom dáng cứng cáp, họa tiết art deco đậm tính kiến trúc nhưng không bao giờ lỗi mốt là một trong những hình ảnh đóng mác Prada.

Doanh số bán hàng của hãng đạt được 31,7 triệu đô-la ở Mỹ vào năm 1998. Partrizio di Marco trở thành người phụ trách phát triển kinh doanh tại Mỹ sau khi làm việc cho các cửa hàng của Prada tại châu Á. Ông đã đem lại nhiều thành công cho công ty.

Khai sinh thương hiệu Miu Miu

Năm 1992, Miuccia ra mắt nhãn hiệu Miu Miu, được đặt theo tên gọi thân mật của bà. Miu Miu chủ yếu phục vụ đối tượng người tiêu dùng trẻ, chẳng hạn giới showbiz. Đến năm 1993, Prada được Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ trao tặng giải thưởng CDFA nhà thiết kế phụ kiện của năm.

Đến năm 1994, doanh số bán hàng của Prada tại Mỹ đạt 210 triệu đô-la Mỹ trong đó doanh số bán trang phục tăng đến 20%. Năm 1995, Miuccia Prada cũng dành giải CDFA nhà thiết kế của năm. Một năm sau, thương hiệu mở rộng cửa hàng tại Manhattan, New York và là cửa hàng lớn nhất lúc bấy giờ. Hiện nay, Prada có 40 điểm bán hàng trên khắp thế giới, trong đó có 20 cửa hàng đặt tại Nhật Bản. Prada và công ty của Bertelli được sáp nhập để tạo thành Prapar B.V vào năm 1996. Tuy nhiên, sau đó nó được đổi thành Prada B.V và Patrizio Bertelli trở thành CEO của tập đoàn.

Bộ sưu tập Xuân Hè 2014 của Prada

Bộ sưu tập Xuân Hè 2014 của Prada

Năm 1997, Prada đạt doanh thu 674 triệu đô-la Mỹ. Thêm một cửa hàng được mở ở Milan cùng năm. Theo Wall Street Journal, Bertelli đã từng đập vỡ các cửa sổ của cửa hàng một ngày trước khi khai trương vì ông không hài lòng với cách thiết kế sắp đặt. Ông cũng mua cổ phiếu của Gucci sau đó lại đổ lỗi cho Gucci “bắt chước thiết kế của vợ ông”.

Cuối thập niên 1990, Tập đoàn Prada dưới sự điều hành của Bertelli đã thâu tóm rất nhiều thương hiệu như Helmut Lang, Jil Sander. Prada còn hợp tác với LVMH và đánh bại Gucci để mua 51% cổ phần của Fendi, nhưng sau đó phải bán đi 25,5% cổ phần Fendi cho LVMH vì Prada bị áp lực ngân hàng do các khoản nợ đã vay. Đến năm 2006, các nhãn hiệu Helmut Lang, Amy Fairclough, Jil Sander cũng bị Prada bán đi.

Hiện nay, Patrizio Bertelli vẫn nắm quyền CEO tại tập đoàn Prada và là một trong những tỷ phú giàu nhất ngành thời trang với tài sản 6 tỷ đô-la Mỹ theo thống kê mới nhất của Forbes. Trong khi đó, Miuccia Prada tập trung cho công việc sáng tạo với những mẫu thiết kế luôn tạo nên sự đột phá qua các mùa thời trang.

>>> Xem thêm: MIUCCIA PRADA: TÔI MUỐN PHẢI THẬT KHÁC BIỆT, TÔI MUỐN LÀ NGƯỜI TIÊN PHONG

Nguồn: Prada
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm