Một trong những chất liệu được ưa chuộng nhất mùa lạnh chính là lông thú. Những năm gần đây, lông thú không còn là một trang phục thời trang thuần túy. Mà nó còn đại biểu cho châm ngôn sống. Nhiều người vì quyền thú vật đã chọn lông thú giả để thay thế. Họ cho rằng lông thú giả là lựa chọn tốt hơn – không tiêu tốn tài nguyên môi trường như lông thú thật, bảo vệ quyền động vật, v.v.
Thực chất, đây có phải là lý do xuất hiện lông thú giả trong thời trang? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu xuất xứ của chất liệu này, và ảnh hưởng của nó lên thị trường thời trang toàn cầu.
Bao quát về lịch sử lông thú trong thời trang
Thời cổ đại, lông thú là thứ chất liệu ấm áp nhất để giữ lạnh. Người tiền sử lúc ấy chưa biết dệt vải, chỉ biết may vá thứ đồ đơn giản nhất – chính là da thuộc và lông thú.
Khi các nền văn hóa bắt đầu phát triển, lông thú tiến hóa thành thứ chất liệu vương giả. Ở Ai Cập cổ đại, chỉ có các vị tư tế và gia đình hoàng tộc mới được mặc trang phục làm từ da báo, da gấm. Tại Anh Quốc thời Trung Cổ, từ 1300 đến 1600, xuất hiện chỉ thị: Những loài da thú quý hiếm nhất, như da báo tuyết, lông cáo và lông chồn ermine, là sản phẩm đặc quyền của giới quý tộc.
Dễ hiểu vì sao lông thú đắt đỏ. Lúc này con người chưa tìm ra cách chăn nuôi thú lấy lông. Săn bắn ngoài thiên nhiên lúc được, lúc không. Da thú hoang dã không phải lúc nào cũng hoàn hảo, sản lượng thấp và khan hiếm.
Sự mê mệt với lông thú kéo dài cho đến tận những năm 1900. Các cô đào Hollywood xúng xính trong áo khoác lông thú dày, mượt và ấm áp là hình ảnh đại diện cho cuộc sống xa hoa ai cũng ao ước.
Trở thành chất liệu tội đồ vào thập niên 1970
Cũng trong thế kỷ 20, chỉ mới vài chục năm mà địa vị của thời trang lông thú thật đã thay đổi. Vào thập niên 1970 xuất hiện làn sóng hippie, yêu hoà bình, yêu động vật. Từ đấy cũng gây dấy lên trào lưu chống đối thời trang lông thú.
Vào thập niên 1970, thế giới ký hiệp ước quốc tế bảo vệ động vật quý hiếm, Endangered Species Act 1973. Hiệp hội quyền thú vật PETA được thành lập tháng 03/1980. Vì sự thúc đẩy mạnh mẽ của PETA mà hàng loạt cuộc biểu tình chống lông thú được tổ chức ở quy mô lớn. Phải kể đến chiến dịch quảng bá năm 1994, khi hai siêu mẫu Naomi Campbell và Cindy Crawford khoe thân trần bên cạnh dòng chữ “Tôi thà trần như nhộng còn hơn mặc lông thú”.
Thời trang giả lông thú xuất hiện
Nhìn vào dòng lịch sử trên, có lẽ bạn cho rằng thời trang lông thú giả xuất hiện vào giai đoạn những chiến dịch bảo vệ quyền động vật xuất hiện.
Thực chất điều này không đúng. Lông thú giả là thứ sáng chế để thay thế lông thú đắt đỏ. Hoàn toàn vì yếu tố thương mại!
Lần đầu tiên thời trang lông thú giả được nhắc đến chính là trong tạp chí Harper’s Bazaar vào cuối thập niên 1860. Harper’s Bazaar từng viết hướng dẫn cách đan len sao để tạo hiệu ứng mềm mại, xù xù thường thấy ở lông thú, tạo quần áo trẻ em và phụ kiện nhỏ xinh. Tất nhiên, lúc ấy chẳng ai mua lông thú cho trẻ em cả, vì chúng lớn quá nhanh.
Thậm chí, trên Harper’s Bazaar năm 1899 từng có bài viết, “Tuyệt đối không nên mua thời trang lông thú giả vì đây là món đầu tư thiếu khôn ngoan”. Vogue, năm 1912, cũng ghi nhận, “lông thú giả sẽ chẳng bao giờ được giới yêu thời trang cao cấp đón nhận”.
Lúc ấy, thứ lông thú đắt đỏ nhất là lông chồn (mink). Nhiều kẻ vụ lợi từng bán lông thú rẻ tiền để thay thế lông thú cao cấp. Ví dụ, lông chuột xạ hương dùng để giả mạo lông chồn, lông mèo thay thế cho lông cáo. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người ta đã tìm cách tạo nên chất liệu thay thế lông thú thật mà vẫn mang vẻ sang trọng tương tự. Như tờ New York Times ghi nhận năm 1924, “Luôn luôn sẽ có người tìm cách sản xuất đồ chất lượng thấp, giả mạo thứ hàng cao cấp đắt đỏ”.
Đại diện cho Fast Fashion và thời hoàng kim của nhựa
Ngày nay, lông thú giả được quảng bá là thứ bảo vệ động vật, chất lượng bền vững chẳng kém gì lông thú thật. Ấy mà khi nó mới ra đời, nó lại được ca tụng là thứ có thể thay đổi liền tay hàng năm.
Trong một bài phỏng vấn năm 1912 trên tờ Women’s Wear Daily, một người đứng đầu hiệp hội lông thú giả tuyên bố: “Người phụ nữ mua lông thú thật thì chỉ dám mua một lần trong đời. Mua xong lại phải chi tiền đều đặn bảo dưỡng món đồ đắt đỏ ấy. Lông thú giả thì khác. Rẻ tiền, thích thì mua bộ cánh mới hàng năm mà không tiếc. Lại còn theo đúng trend mới nữa!”
Những lời nhận xét này chính là tiền thân của ngành fast fashion (thời trang nhanh) bây giờ: Vì sao phải chi tiền mua một món đồ cao cấp đắt đỏ, trong khi bạn có thể mua nhiều thứ hơn với cùng số tiền ấy?
Đến thập niên 1950, thị trường đã xuất hiện khá nhiều loại lông thú giả rẻ tiền. Khi lông thú giả mới xuất hiện, nó vốn được làm từ len. Nhưng đến thập niên 1950 thì nó lại đa phần được làm từ chất liệu chế tác từ dầu mỏ – polyester, rayon, các sợi tổng hợp gốc nhựa. Các loại chất liệu lông thú giả được đặt tên rất kiêu như: Cloud No. 9, Borgana, Dynasty…
>>> Xem thêm: THỜI TRANG LÔNG THÚ GIẢ CÓ THỰC SỰ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG?
Tương lai của lông thú giả
Có thể thấy, món đồ này ra đời chẳng vì môi trường, cũng chẳng vì quyền thú vật. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, thì ngành thời trang lông thú giả, nhờ vin vào các biến chuyển này mà dần tìm được chỗ đứng vững chắc.
Nhưng, lông thú giả cũng gặp sự phản đối của một số đối tượng quan tâm đến bảo vệ môi trường. Vì lông thú giả là sản phẩm phải làm hoàn toàn từ dầu mỏ, sử dụng lông thú giả cũng chẳng khác gì dùng nhựa.
Vì vậy, điều một loạt các nhà mốt quan tâm đến là tìm ra chất thay thế nhựa an toàn với môi trường để sản xuất sợi lông thú giả. Tương tự như cách các phòng thí nghiệm có thể chế tác kim cương tổng hợp, hay thịt nuôi hoàn toàn từ tế bào gốc. Hiện tại, một số công ty đã thành công làm nên sợi lông giả từ polyester tái chế, hoặc từ chất liệu xơ bỏ đi trong ngành chế tác thực phẩm.
Liệu lông thú thật sẽ bị đánh bại trong tương lai? Không hẳn. Vì thứ gì tượng trưng cho sự xa xỉ sẽ chẳng bao giờ mất đi giá trị.
Điều duy nhất có thể kết luận là: Lông thú giả là một kiệt tác của thời đại kỹ thuật công nghệ cao.
Nó tượng trưng cho cách khoa học luôn tìm cách bù đắp cho tài nguyên thiên nhiên ngày càng kiệt quệ và có giới hạn. Nếu trước đây, sản phẩm lông thú thật cực kỳ đắt đỏ và khan hiếm. Thì bây giờ, ai cũng có thể có một chiếc áo khoác lông xù xì, mềm ấm tương tự – dù có thể nó chẳng phải hàng thật.
Harper’s Bazaar Việt Nam