Tiền thân của lịch sử thời trang haute couture
Đến tận năm 1850, chữ haute couture vẫn chưa có trong từ điển thời trang. Lúc bấy giờ, hầu hết trang phục của phụ nữ đều do họ tự may ở nhà theo khuôn mẫu chung được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, giới thượng lưu đã quen với những thiết kế cầu kỳ được may đo riêng.
Nếu như thời trang may đo khởi xướng từ thời vua Louis XIV nước Pháp thế kỷ 17, hoàng hậu Marie Antoinette thế kỷ 18 lại là người dẫn đầu xu hướng thời trang may đo xa hoa (tiền thân của haute couture). Những trang phục xa hoa, cầu kỳ của hoàng hậu nước Pháp chính là những minh họa rõ nét nhất cho thời trang haute couture.
Người có công xây dựng hình tượng cho bà chính là Rose Bertin, người may trang phục đồng thời là stylist riêng của hoàng hậu. Có thể nói Rose Bertin chính là nhà thiết kế thời trang và stylist đầu tiên trong lịch sử, được xem là người có công khiến thời trang haute couture trở thành trào lưu lan tỏa mạnh mẽ trong nước Pháp và cả Châu Âu.
Cha đẻ của khái niệm haute couture
Nói đến haute couture, hầu hết mọi người đều nghĩ đến nước Pháp. Kinh đô ánh sáng Paris luôn là tâm điểm của thế giới phù hoa. Vậy mà Charles Frederick Worth, nhà couturier được xem là cha đẻ của haute couture, lại là người Anh.
Ông đến từ Bourne, Lincolnshire, Anh, và ghi dấu ấn trong ngành thời trang nước Pháp, dưới thời hoàng đế Napoleon III (1808-1873). Charles Frederick Worth được xem là cha đẻ của thời trang haute couture, người quyết định phong cách thời trang Paris vào giữa thế kỷ XIX.
Vì sao Charles Frederick Worth chuyển đến Pháp?
Năm 1852, Napoléon III lên ngôi hoàng đế. Ông cải cách nước Pháp và biến Paris thành thủ đô hùng mạnh nhất châu Âu về kinh tế. Nhu cầu về hàng xa xỉ, đặc biệt là dệt may và thời trang, đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ sau Cách mạng Pháp (1789 – 1799).
Charles Frederick Worth chuyển đến Paris sống từ năm 1845. Charles thành lập salon thời trang đầu tiên mang tên House of Worth vào năm 1858, trên con đường Rue de la Paix ở Paris. Ông đã tạo nên khái niệm “nhà thiết kế thời trang”, thay cho cái tên “thợ may” thông thường.
Những thiết kế của Worth được chú ý nhờ sử dụng chất liệu phong phú, các đường cắt chuẩn xác và kết hợp các yếu tố độc đáo. Song song với việc may sẵn mặt hàng để khách hàng dễ dàng chọn lựa, ông cũng thiết kế những chiếc váy độc bản cho từng quý bà.
Charles cũng là người tiên phong trong việc trình diễn các thiết kế của mình bằng người mẫu ngay tại salon. Ông tạo ra lookbook bằng các bản vẽ và gắn nhãn mác lên quần áo. Tất cả những sáng kiến này đã tạo tiền đề cho xu hướng thời trang may đo cao cấp mà ngày nay chúng ta gọi là haute couture.
Nổi tiếng khi trở thành nhà thiết kế hoàng gia
Khi Napoléon III kết hôn với hoàng hậu Eugénie, phong cách thời trang của bà tạo nên trào lưu tại triều đình. Bà đặc biệt yêu thích thiết kế của Charles Frederick Worth.
Sự bảo trợ của hoàng hậu đã giúp ông trở nên nổi tiếng, đảm bảo thành công của Hosue of Worth từ những năm 1860.
Cửa hàng của ông ngay lập tức được giới quý tộc và các nhân vật hoàng gia lui tới. Họ xem đây là địa điểm uy tín để tiếp cận với thời trang xa xỉ.
Đến thập niên 1870, danh tiếng của Charles Frederick Worth vượt qua khỏi biên giới nước Pháp, lan rộng khắp thế giới. Làng thời trang bắt đầu vinh danh ông là “cha đẻ của haute couture”.
Lịch sử thời trang haute couture định hình vào đầu thế kỷ 20
Năm 1868, Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn may đo cao cấp) được sáng lập. Họ có vai trò là nhà bảo vệ cho thời trang cao cấp. Đến năm 1908, cụm từ “haute couture” lần đầu tiên được sử dụng chính thức.
Lúc này, Paris có đầy những người thợ chuyên làm các công việc thủ công như đính hạt, xử lý lông vũ, làm nút, làm giày, làm găng tay, làm mũ… Nhu cầu về các thiết kế thời trang cao cấp tăng cao. Paris trở thành kinh đô của thời trang thế giới, nơi sự thanh lịch ngự trị.
Kỷ nguyên vàng của thời trang Pháp là giai đoạn từ Thế chiến Thứ nhất đến những năm 1960. Haute couture trở thành xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt của các ngôi sao màn bạc và các nữ tài phiệt của Hoa Kỳ. Thời ấy có khoảng 15.000 phụ nữ theo đuổi xu hướng này, để rồi giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000. Haute couture có những thay đổi chóng mặt kể từ đầu thế kỷ 21.
Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến lịch sử thời trang haute couture?
Nhiều nhà mốt phải đưa ra những quyết định sống còn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thời hiện đại. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu ai có đủ khả năng chạy theo haute couture trong bối cảnh kinh tế hiện nay?”
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến dòng thời trang ready-to-wear dần thay thế thời trang may đo cao cấp. Chính vì thế, các nhà couturier phải có thêm những bộ sưu tập ready-to-wear đánh vào thị hiếu công chúng để duy trì doanh số. Nhiều nhà mốt bắt buộc phải đóng cửa xưởng haute couture của mình và chỉ tập trung vào dòng ready-to-wear. Tuy nhiên, những tên tuổi còn trụ lại vẫn duy trì được lượng khách hàng trung thành, dù chỉ là nhóm nhỏ.
Elie Saab thông báo rằng lượng khách hàng của họ gia tăng, chủ yếu đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ukraine cho những thiết kế áo cưới.
Giám đốc Sáng tạo Karl Lagerfeld quá cố của Chanel từng phát biển rằng, ông tin haute couture sẽ trụ vững: “Hiện nay có một dạng couture khác phù hợp với hoàn cảnh hơn. Ready-to-wear cao cấp cũng không khác couture trước kia. Các khách hàng couture mới đều trẻ, đẹp. Họ đến từ Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Mỹ. Các quý cô vùng Vịnh thậm chí không cần đến Paris để mua đồ. Các nhà mốt sẽ mang cả bộ sưu tập đến tận nơi cho họ”.
Trong xu hướng cá nhân hoá mạnh mẽ hiện nay, haute couture không mất đi giá trị vốn có mà dường như đang trở lại mạnh mẽ. Như Karl Lagerfeld từng nói: “Chỉ cần nhà Chanel còn, couture sẽ còn”.
Tổng hợp
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam