Năm 1968, chàng trai người Do Thái gốc Hungary Calvin Klein – lúc này mới 26 tuổi chính thức bắt tay với người bạn thời thơ ấu Barry Schwartz – để cùng đầu tư hợp tác, thành lập công ty Calvin Klein Inc. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu nằm ở York Hotel, New York City. Chỉ sau 5 năm, thành công vượt sức tưởng tượng của Calvin Klein Inc. Sự thành công đã mang lại cho Calvin Klein giải thưởng Coty American Fashion Critic năm 1973. Đây là giải thưởng danh giá của Mỹ; nhằm tôn vinh nhà thiết kế trong khoảng thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II. Khi nhận giải này, Calvin Klein mới 31 tuổi. Ông trở thành nhà thiết kế trẻ tuổi nhất được trao giải.
Những năm từ thập niên 1970 – 1990, thương hiệu Calvin Klein đã làm dậy sóng làng thời trang thế giới với những thiết kế tối giản mang tính cách mạng của mình. Năm 1978, Calvin Klein tuyên bố đã bán 200.000 chiếc quần jeans trong tuần đầu tiên ra mắt. Báo Fortune ước tính lợi nhuận hằng năm của Calvin Klein lên đến 8,5 triệu đô-la Mỹ. Cuối năm 2002, Calvin Klein chính thức được mua lại bởi Phillips-Van Heusen (PVH Corp.). Và vẫn tiếp tục giữ vững di sản và bản chất thời trang Mỹ cho đến tận ngày nay. Trụ sở hiện nay của Calvin Klein Inc. được đặt tại Midtown Manhattan, New York.
Thời trang Calvin Klein – đơn giản nhưng độc nhất
Ngay từ bộ sưu tập đầu tiên chỉ gồm 6 chiếc áo khoác và 3 bộ đầm. Thương hiệu Calvin Klein đã khẳng định bản sắc thương hiệu chính là tự nhiên và tối giản. Thông điệp đó của Calvin Klein, hiển hiện rõ nhất trong tất cả chiến dịch marketing từ lúc thành lập cho đến nay. Song song với việc tạo dựng nền tảng phong cách không dễ bị lu mờ bởi bất kỳ thương hiệu nào khác. Thương hiệu thời trang Calvin Klein còn thể hiện năng khiếu “nhìn người” chuẩn xác; khi luôn chọn đúng những gương mặt đại diện có khả năng khuấy động làng mốt.
Điển hình như siêu mẫu Kate Moss với nét đẹp lưỡng tính đặc biệt. Rapper Marky Mark với thân hình 6 múi hoàn hảo và nàng Brooke Shields 15 tuổi mang trong mình sự gợi cảm đầy thơ dại. Mỗi chiến dịch quảng cáo của Calvin Klein khi ra đời đều khuấy động làn sóng tư tưởng mới trong giới trẻ Mỹ.
Nhà thiết kế Calvin Klein có phương châm “As simple as possible. As unique as possible”. Và thương hiệu Calvin Klein luôn trung thành với phương châm này suốt nhiều thập kỷ. Từ cảm hứng thiết kế đến đường cắt may, không có một sản phẩm nào của Calvin Klein nhấn mạnh sự cầu kỳ hay trau chuốt mà luôn tôn vinh tinh thần tự do. Tuy nhiên, sự tự do của Calvin Klein luôn rất gợi tình, rất chân thật và đậm nét urban chic.
Công thức chung của các thiết kế thuộc Calvin Klein là dễ mặc, dễ sử dụng. Chất liệu thượng hạng và phom dáng nhẹ nhàng là đặc trưng của thương hiệu. Chính sự đơn giản có phần phóng túng đã tạo nên danh tiếng hiếm có cho nhà mốt đến từ New York.
“WHAT GETS BETWEEN ME AND MY CALVINS?” “NOTHING”.
Năm 1981, chiến dịch quảng cáo cho mẫu quần jeans lưỡng tính của Calvin Klein bắt đầu gây sóng gió làng mốt với phát ngôn của nàng mẫu 15 tuổi Brooke Shields.
Năm 1992, khi cơn sốt đồ lót vẫn chưa hạ nhiệt. Nhà mốt Calvin Klein lại đẩy nhu cầu sử dụng nội y của giới trẻ Mỹ lên cao trào bằng chiến dịch quảng cáo với rapper Marky Mark. Một chàng trai mang gương mặt thiếu niên điển trai “Boy’s next door”, nhưng lại sở hữu thể hình săn chắc chuẩn mực. Chỉ mặc mỗi chiếc quần lót Boxer Briefs trở thành nổi khát khao của cả hai giới. (Ảnh trên)
>> Xem thêm: NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG BST CALVIN KLEIN UNDERWEAR 2018
Cuộc cách mạng thời trang dựa trên di sản của văn hóa đại chúng Mỹ
Calvin Klein trước và sau Raf Simons là minh chứng lớn nhất cho điều đó. Ngày 02.08.2016, thương hiệu thời trang Calvin Klein chính thức thông báo nhà thiết kế thời trang Raf Simons sẽ đảm nhiệm vị trí Chief Creative Officer mới của thương hiệu. Ông sẽ là người chịu trách nhiệm về định hướng sáng tạo cho tất cả các dòng sản phẩm bao gồm thời trang cho nữ, nam, và dòng phụ kiện.
Việc chọn Raf Simons cho vị trí vô cùng đặc biệt và quan trọng này cũng hé lộ chiến lược mới của PVH, tập đoàn chủ quản của thương hiệu Calvin Klein, bao gồm những dòng sản phẩm khác nhau như dòng thời trang nam nữ, đồ denim, đồ lót và cả mỹ phẩm. Vào tháng 04-2016, Calvin Klein thông báo kết thúc hợp đồng với NTK Francisco Costa (Giám đốc sáng tạo của dòng womenswear) & NTK Italo Zucchelli (của dòng menswear) với mục đích tái cơ cấu các thương hiệu; các dòng sản phẩm và đồng nhất hóa tất cả với cùng một định hướng sáng tạo.
Steve Shiffman, CEO của Calvin Klein Inc. & chia sẻ: “Việc NTK Raf Simons gia nhập Calvin Klein đánh dấu một chương mới đối với thương hiệu và cả tập đoàn. Kể từ sau sự chuyển giao từ người sáng lập thương hiệu là Ngài Calvin Klein. Tất cả các dòng sản phẩm của thương hiệu chưa từng được phát triển và quản lý dưới cùng một định hướng về sáng tạo. Tôi tin rằng quyết định này sẽ mang đến một dấu ấn mạnh mẽ cần thiết cho tương lai của Calvin Klein”.
“AS SIMPLE AS POSSIBLE.AS UNIQUE AS POSSIBLE”
Calvin Klein luôn trung thành với phương châm của người sáng lập, nhà thiết kế Calvin Klein
Cuộc hồi sinh của pop culture
Trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York; thương hiệu thời trang Calvin Klein đã ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2018. Đây cũng là BST thứ 2 của NTK Raf Simons trình làng. Vẫn trung thành với tinh thần và giá trị của thời trang Mỹ từ bộ sưu tập Thu Đông. Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2018, Raf Simons cùng với cánh tay phải của mình là Pieter Mulier đã thêm thắt điểm nhấn mới để kể về chuyến phiêu lưu thời trang.
Đi ngược lại những tranh cãi về sự phong phú của văn hóa xứ cờ hoa. Raf Simons một lần nữa hồi sinh những đặc trưng đậm chất Mỹ nhạc Pop, cổ động viên và phim kinh dị. Cảm hứng văn hóa đại chúng Mỹ được thể hiện thông qua họa tiết của nghệ sỹ huyền thoại Andy Warhol trong bộ phim Easy Rider. NTK biến tấu với xu hướng cổ động viên “cheerleading” từ những thập niên 90. Simons đã khéo léo sử dụng chi tiết tua rua trên bông cổ động. Chi tiết ấy tạo ra váy liền màu sắc đầy sự ngỗ nghịch và cuồng nhiệt; được truyền cảm hứng từ bom tấn kinh dị Carrie và Friday the 13th lừng danh. Chất liệu da cổ điển đã được biến tấu cùng những mảng màu đỏ tạo nên cảm giác rùng mình hồi hộp.
Dẫu vậy, theo đúng tinh thần ready-to-wear của Tuần lễ Thời trang. Bộ sưu tập vẫn chưa bị làm quá tay đến mức chạm ngưỡng Halloween. Ngược lại, Raf Simon một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh “quái kiệt” làng mốt. Khi táo bạo kết hợp nhiều dạng họa tiết và phụ kiện khác nhau trong cùng một bộ sưu tập. Simon đã vẽ nên bức tranh thời trang Mỹ với âm hưởng sâu sắc từ vùng đất viễn Tây.
Raf Simons vẫn giữ vững những phom dáng và cách phối đồ đặc trưng đầy phóng khoáng của bộ sưu tập trước: áo sơ mi túi ngực cài kín cổ kết hợp cùng áo cổ lọ và quần âu; áo khoác dáng dài kẻ ô vuông cùng chất liệu nhựa trong. Sự đổi mới đến từ chất liệu kinh điển da được biến hóa bằng kỹ thuật cắt và tạo dáng. Tạo ra những chiếc váy liền và áo khoác đặc trưng của văn hóa đại chúng.
CƠN ÁC MỘNG NGỌT NGÀO
Với bộ sưu tập Calvin Klein Xuân Hè 2018, Raf Simons đã tạo nên hiệu ứng rùng rợn; được phô diễn triệt để với những vệt máu loang trên khắp trang phục. Tái hiện đầy sáng tạo những bộ phim kinh dị kinh điển như Carrie và Friday the 13th. Bộ sưu tập ngập tràn dáng hình của những chiếc áo ngủ; áo mưa cùng giày dép cao su bị lấm lem bùn đất. Ngoài ra còn là tần suất xuất hiện dày đặc của chiếc mặt nạ khúc côn cầu. Vốn gắn liền với hình ảnh tên sát nhân Jason Voorhees. Bên cạnh đó, âm hưởng sâu sắc từ vùng đất viễn Tây có thể được thấy rõ từ những mẫu áo sơ mi mang tông màu đối chọi; hay đôi boots cao bồi có mũi gắn kim loại.
Bài: HÂN TRẦN
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 6/2018