Lịch sử màu hồng trong thiết kế và trang trí nội thất

Từ một sắc màu của giới thượng lưu, hồng đã phổ biến rộng rãi và trở thành biểu tượng của phong cách sống hiện đại và lạc quan

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_1

Cung điện Trung Quốc ở cung điện hoàng gia Oranienbaum, St. Petersburg, Nga

Lịch sử màu hồng bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Hồng (pink) là màu sắc kết hợp giữa trắng và đỏ. Chúng được đặt theo tên của loài hoa Pink, thuộc họ cẩm chướng. Theo các cuộc khảo sát ở châu Âu và Mỹ, màu hồng thường gợi nhắc về sự quyến rũ, lịch sự, nhạy cảm, dịu dàng, ngọt ngào. Hồng còn gợi ký ức tuổi thơ êm đềm, tính nữ và lãng mạn.

Màu hồng có một lịch sử vô cùng thú vị. Sắc màu này từng được mô tả trong văn chương kể từ thời cổ đại. Cụ thể trong trường ca Odyssey của Homer vào năm 800 trước Công nguyên đã đề cập đến màu này. Ban đầu, màu hồng vốn không phải là màu phổ biến. Vào thời Trung cổ và Phục Hưng, nó chủ yếu được dùng trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo. 

Hồng từng là sắc màu của nam giới

Màu hồng ấn tượng và nổi bật, vì thế trước cuối thế kỷ 19, nam giới mặc màu hồng để thể hiện nam tính. Chỉ trong những thế kỷ sau này, hồng mới trở thành sắc màu đại diện cho sự nữ tính.

Đến nay, các sắc độ khác nhau của hồng dần trở nên đa dạng. Màu này ngày càng trở nên thịnh hành hơn trong cuộc sống nói chung và trang trí nội thất nói riêng. Tất cả là nhờ vào sự phát triển của công nghệ và các kỹ thuật nhuộm. 

Nhà dự báo màu sắc, giám đốc điều hành của Viện Màu Pantone, Leatrice Eiseman từng nói: “Ngày nay, màu hồng được sử dụng trong nội thất nhiều hơn bao giờ hết. Tôi không nhớ được trước đây có nhiều màu hồng như thế này”.

Vậy, lịch sử màu hồng đã trải qua những thay đổi như thế nào trong thiết kế nội thất kể từ khi ra đời?

Lịch sử màu hồng và ứng dụng trong thiết kế nội thất

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_2

Madame de Pompadour. Tranh sơn dầu của họa sỹ Francois Boucher, 1756

Hồng lần đầu tiên được hiểu như tên của một màu sắc vào cuối thế kỷ 17. Ở các nước phương Tây, màu hồng trở nên thời thượng vào giữa thế kỷ 18. Khi đó, giới quý tộc mặc trang phục có màu hồng để thể hiện sự vương giả và đẳng cấp của mình.

Người tình của vua Louis XV, Madame de Pompadour (ảnh trên), cực kỳ thích sắc hồng. Vì thế, năm 1757, nhà xưởng gốm sứ Sèvres của Pháp đã đặt tên một tông hồng mới của xưởng là Rose Pompadour theo tên của bà.

BẠN CÓ BIẾT?

Thành cổ Jaipur được coi là đô thị đầu tiên ở Ấn Độ có thiết kế quy hoạch khi xây dựng năm 1727.

Trong giai đoạn Ấn Độ làm thuộc đia của Anh, năm 1876, Albert Edward, Hoàng tử xứ Wales (sau này ông trở thành vua Edward VII, Hoàng đế Ấn Độ) có chuyến công du đến Jaipur. Để chào đón ngài, vua Sawai Ram Singh II của Jaipur đã ra lệnh sơn màu hồng – tượng trưng cho lòng hiếu khách – lên toàn thành phố.

Nhiều công trình kiến trúc tại Jaipur ngày nay vẫn mang sắc hồng. Thành phố Hồng là biệt danh của Jaipur.

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_3

Bên ngoài cung điện Hawa Mahal ở thành phố hồng Jaipur

Tác dụng của màu hồng với cảm xúc

Vào cuối thế kỷ 18, các nhà tâm lý học đã khuyến khích các quý ngài thương nhân dùng màu hồng cho phòng ngủ. Họ cho rằng hồng có tác dụng làm dịu hoặc cải thiện cảm xúc.

Nhưng có lẽ, việc sử dụng màu hồng trong nội thất được ưa chuộng nhiều hơn cả chỉ sau khi nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli (1890–1973) tôn vinh sắc màu này tại châu Âu. Giữa những năm 1930, Schiaparelli chọn hồng gần giống fuchsia là màu signature (đặc trưng) của bà. Bà đặt tên đó là màu Shocking Pink.

Harpers_Bazaar_lịch_sử_màu_hồng-7

Shocking Pink, sắc hồng rực trứ danh của Schiaparelli

Mặc dù các thiết kế thời trang của bà cũng chịu ảnh hưởng từ các danh họa siêu thực như Salvador Dalí và Alberto Giacometti, màu Shocking Pink của Schiaparelli đã tạo dấu ấn độc đáo trong thế giới thời trang và thiết kế nói chung. Theo đó, lĩnh vực thiết kế nội thất cũng thay đổi với sự lên ngôi của sắc màu hồng.

Màu hồng thời hậu chiến

Những năm 1920, Chiến tranh Thế giới I kết thúc. Phương Tây và nước Mỹ bước vào thời kỳ Roaring Twenties. Lúc này, phong cách thiết kế Art Deco lên ngôi với các gam màu lấp lánh được ưa chuộng. Cùng với các họa tiết hình học ấn tượng, góc cạnh, các màu sắc sáng nổi bật như vàng, xanh lá cây, xanh dương, đỏ và hồng đã được các nhà thiết kế nội thất ưu tiên sử dụng. 

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_4

Phòng ngủ với sắc hồng chủ đạo, trang trí theo phong cách Art Deco

Thập niên 1960, ở Mỹ có một câu chuyện thú vị về lịch sử màu hồng. Đệ nhất Phu nhân Mamie Eisenhower là người đã khiến công chúng Mỹ trở nên cuồng màu hồng. Bà mặc chiếc đầm màu hồng trong ngày lễ nhậm chức tổng thống của chồng bà, ông Dwight D. Eisenhower vào năm 1953.

Chưa hết, Đệ nhất Phu nhân còn trang trí Nhà Trắng bằng rất nhiều màu hồng. Giai đoạn này, Nhà Trắng từng được báo giới gọi bằng cái tên Dinh thự Hồng (The Pink Palace).

Sự thay đổi của màu hồng trong thiết kế nội thất qua các giai đoạn lịch sử

Đến những năm 1970, cách sử dụng màu hồng trong nội thất đã có sự thay đổi đáng kể. Lúc này, người ta ưa chuộng các gam màu hồng có tông đất và bùn để tô điểm nội thất.  

Vào những năm 1980, thị hiếu của công chúng lại hướng đến sự hòa hợp các sắc màu. Người ta bắt đầu kết hợp màu hồng với các gam màu khác như xám và xanh mòng két.

Các gam hồng được yêu thích lúc này có tông nhạt, hay nói cách khác là màu hồng pastel. Một phong cách thịnh hành trong phòng tắm những năm 1980 là sử dụng giấy dán tường, màn phòng tắm có mô-típ hoa, gạch ốp tường và khăn tắm có các gam màu pastel. 

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_5

Các sắc độ hồng phổ biến trong trang trí nội thất

Màu hồng trong thiết kế và trang trí nội thất hiện đại

Từ thập niên 1990 đến đầu thế kỷ 21, hồng gần như đã được xem như một màu trung tính dành cho cả hai giới. Sắc màu này bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất. 

Xu hướng trang trí nhà cửa lên ngôi vào những năm 2000 là hoài cổ. Phong cách vintage kiểu Anh (Shabby chic) chuộng cách phối nội thất cũ nhuốm màu thời gian nhưng lại có màu sắc sáng như beige, kem và hồng sáng. 

Sang đến những năm 2010, lĩnh vực nội thất đón chào một phong cách thiết kế mới. Trong đó, phối hồng cùng nội thất hoặc sơn tường có màu tối như nâu, xám… được yêu thích. Sắc màu này giờ đây mang ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe và hạnh phúc.

Các sắc hồng nổi bật trong thiết kế nội thất ngày nay

Năm 2016, màu hồng trở nên bùng nổ trong thiết kế nội thất. Đó là khi Viện màu Pantone bình chọn màu Rose Quartz (Thạch anh hồng) là một trong hai sắc màu của năm. 

Harpers_Bazaar_lich_su_mau_hong_6

Năm 2016, viện sắc màu Pantone chọn Hồng thạch anh là sắc màu của năm.

Năm tiếp theo, một tông màu hồng khác lên ngôi. Millennial Pink là màu sắc của năm 2017. Chúng trở nên phổ biến rộng rãi trong phong cách sống của mọi người. Màu hồng Thiên niên kỷ (Millenial Pink) được sử dụng để sơn cửa hoặc một mảng tường dễ làm nó nổi bật và trở thành điểm nhấn của căn phòng. 

Những chuyên gia về thiết kế nội thất cho rằng, trong tương lai, màu hồng sẽ tiếp tục trở thành xu hướng được ưa chuộng.  Màu rosy metallics  kim loại ánh hồng) sẽ lên ngôi. Chuyên gia về xu hướng và màu sắc, Sue Wadden của thương hiệu sơn phủ Sherwin-Williams cho biết:

“Chúng tôi cho rằng sự phổ biến gần đây của màu hồng là do phong trào yêu chuộng gam màu vàng hồng ánh kim, bắt đầu từ vài năm trước. Một cách nhanh chóng, người ta bắt đầu chuộng dùng sắc hồng ánh kim trong sơn tường. Bất thình lình, mọi người đều muốn có sơn hồng trên tường. Gam màu này đã thực sự trở thành một màu sắc tuyệt vời làm phong nền trong nội thất gia đình”. 

Bài: Trinh Huỳnh
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm