Họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Cùng Harper's Bazaar tìm hiểu bề dày lịch sử của họa tiết hoa trong thời trang

Chiến dịch Dolce & Gabbana Xuân Hè 2022 mang tên Renaissance. Nhà mốt Ý này nổi tiếng với những họa tiết hoa lấy cảm hứng từ văn hóa và lịch sử Hy Lạp – La Mã

Mỗi dịp xuân về, họa tiết hoa lại nở rộ trên váy áo người yêu thời trang. Tuy nhiên, bạn có biết rằng đây vốn là một họa tiết dành riêng cho giới quý tộc? Nó chỉ trở nên phổ biến trong hai thế kỷ gần đây nhờ vào kỹ thuật in ấn công nghiệp hiện đại. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu lịch sử họa tiết hoa đầy lý thú.

Tình yêu dành cho hoa từ thuở sơ khai của con người

Có gì đó thật lãng mạn về hoa. Chẳng vì vậy mà người Ai Cập cổ đại đã chú trọng đến việc cắm hoa. Họ làm nên những vòng hoa, lẵng hoa, và bó hoa cỡ đại cho những sự kiện trang trọng. Do khí hậu Ai Cập khắc nghiệt, hoa tươi luôn là vật trang trí dành riêng cho hoàng gia, giới quý tộc và gia đình giàu có.

Người Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng hoa để trang trí cho bản thân. Thời điểm này xuất hiện các loại vòng nguyệt quế đội đầu, hoa cài tóc và vòng đeo cổ tết từ hoa tươi. Vì dùng hoa như phụ kiện nên họ ưa thích những loài hoa có hương thơm ngát, như tulip, hoa hồng và lily.

Lịch sử họa tiết hoa bắt đầu từ niên đại này, khi hình ảnh hoa được cách điệu và đưa vào tranh ảnh của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại.

Châu Á, cái nôi khai sinh họa tiết hoa trong lịch sử thời trang

Ít ai biết rằng: Họa tiết hoa lần đầu tiên xuất hiện trên vải vóc là ở châu Á. Chính xác là Trung Quốc, từ thời nhà Đường (năm 619 – 907 sau Công Nguyên).

Lịch sử họa tiết hoa trong thời trang Trung Quốc cổ đại

Thời bấy giờ, không có kỹ thuật in ấn hiện đại, nên hoa phải được thêu tay lên trang phục. Chính vì vậy mà ở Trung Quốc phong kiến, họa tiết hoa luôn dành riêng cho hoàng thân quốc thích. Chỉ có họ mới có đủ tiền chi trả cho hàng trăm nghệ nhân ngồi thêu tỉ mỉ.

Lịch sử họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Họa tiết hoa thêu tay trên trang phục thời nhà Đường của Võ Tắc Thiên. Ảnh: Phim Võ Tắc Thiên Truyền Kỳ

Những môtíp hoa được yêu thích trong văn hóa Trung Quốc gồm tứ quân tử (mai lan trúc cúc), mẫu đơnliên hoa (sen). Không chỉ vì chúng đẹp mà còn vì ý nghĩa cao cả.

Mẫu đơn tượng trưng cho sự giàu sang và quý phái. Sen đại diện cho sự thuần khiết khi “gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn”. Mai lan trúc cúc ám chỉ bốn mùa xuân hạ thu đông, cũng như bốn đức tính cần có của người quân tử.

Lịch sử họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Phục trang phim Hậu cung như ý truyện được xem là sát với thời trang Trung Quốc trong quá khứ

Lịch sử họa tiết hoa của Nhật Bản

Qua đến Nhật, quốc gia này lại đặc biệt ưa chuộng hình ảnh hoa cúc. Hình ảnh cánh hoa thon dài, toả ra bốn phương trông giống với mặt trời, quốc huy của Nhật Bản.

Lịch sử họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Kimono (trái) và đai đeo obi (phải) thêu họa tiết hoa cúc bằng chỉ vàng

Nghệ nhân Nhật Bản cũng tìm ra công nghệ nhuộm vải và in khắc gỗ. Vì vậy mà nhiều chiếc kimono cổ của Nhật đã sớm xuất hiện môtíp họa tiết hoa được in với kỹ thuật truyền thống như katazome, shibori và e-gasuri.

Tranh khắc gỗ về truyện Genji (Tale of Genji), một câu truyện tình ưa thích của trong lịch sử phong kiến Nhật Bản, cho thấy cả nam giới cũng mặc kimono có họa tiết hoa

Họa tiết hoa từ châu Á lan tỏa đến châu Âu

Lần đầu tiên vải vóc họa tiết hoa xuất hiện tại châu Âu là vào thời Trung Cổ, khi thương lái châu Âu lần đầu tiên đặt chân được đến châu Á.

Khi họ trông thấy những thước vải in và thêu hoa, các lái buôn đã ngay lập tức nhìn thấy cơ hội làm giàu. Họ ngay lập tức nhập khẩu chúng vào châu Âu. Quá trình chuyên chở gian truân và mất nhiều thời gian, nên khi được mang về châu Âu, những loại vải vóc này có giá trên trời. Chính vì vậy, trong lịch sử châu Âu phong kiến, họa tiết hoa cũng là thứ dành riêng cho giới quý tộc và nhà giàu.

Trên con đường di chuyển giữa châu Á và châu Âu, vải vóc thêu hoa đến với đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Nghệ nhân Ottoman đã tìm cách sản xuất loại môtíp hoa, vừa để bán sang châu Âu, vừa để làm thỏa mãn nhu cầu trong nước. Họ đã thành công trong việc dệt vải nhung mang môtíp hoa. Vì có khung dệt nên họ có thể làm nên những tấm vải lớn, nhưng bù lại không thể tạo chi tiết đa sắc cầu kỳ như lụa thêu tay của châu Á. Vải hoa Ottoman thời kỳ này chủ yếu dệt những loài hoa ôn đới, như lily và hoa hồng.

Trái: Vải dệt bằng lụa và sợi kim loại sơ khai đầu những năm 1500. Phải: Họa tiết cầu kỳ hơn, dệt khoảng năm 1600, từ nhung, lụa, cotton và sợi ánh kim. Ảnh: The Met

Châu Âu tự sản xuất vải vóc có môtíp hoa

Vào thế kỷ 15, các nghệ nhân ở Ý đã mày mò cách tự dệt vải vóc in hoa của mình khi mô phỏng những thuớc vải từ đế chế Ottoman. Vải brocade tại Ý thường xuất hiện môtíp nho, lựu và dây tầm xuân. Tuy nhiên, họ còn có một sáng kiến khác: ren hoa.

Kỹ thuật đan ren tiên ra đời tại Ý vào thời kỳ Phục Hưng, tầm thế kỷ thứ 16. Mong muốn của người dân là tạo nên chút gì đó xinh xắn để trang trí viền của những tấm vải trơn. Những tác phẩm ren cầu kỳ nhất đến từ Venice, Ý. Họ cất kỹ bí quyết tạo hình những loại ren cầu kỳ nhất, để đảm bảo không bị ăn cắp bởi những khu vực lân cận. Ren Ý trở thành một sản phẩm xuất khẩu thượng thừa của quốc gia này.

Point de Venise, ren họa tiết hoa đặc trưng của Ý thời kỳ thế kỷ 17. Ảnh: fashionologiahistoriana.com

>>> Xem thêm: REN, CHẤT LIỆU MANG NGUỒN GỐC QUÝ TỘC

Song song với Ý, Pháp cũng tìm cách cải thiện ngành dệt may của mình. Ông hoàng mặt trời Louis XIV không muốn đất nước của mình phụ thuộc vào việc nhập khẩu vải từ Ý. Nên ông đã ép buộc thành phố Lyon, từ địa điểm nhập khẩu vải, thành trung tâm dệt may của Pháp.

Vải dệt brocade của Pháp, khoảng 1700 – 1800. Họa tiết hoa cho thấy sự ưa chuộng của các loài hoa ôn đới như hồng, cẩm chướng, và cúc dại. Ảnh: the-sustainable-fashion-collective.com

Marie Antoinette được cho là đã sáng chế nên kiểu tóc phồng cao để có thể…đặt bình hoa vào giữa, để cắm hoa trên tóc sao cho tươi nguyên ngày. Ảnh: Kirsten Dunst trong phim Marie Antoinette (2006)

Xuất hiện vải in họa tiết hoa, thay vì thêu hay dệt

Vào thế kỷ 17, khi các thương lái người Bồ Đào Nha và Hà Lan tìm đến Ấn Độ, họ phát hiện ra vải chintz. Đây là chất liệu cotton được in môtíp hoa đều tăm tắp nhờ kỹ thuật in khắc gỗ (wood block printing). Ở Ấn Độ, chintz là loại vải chuyên dụng để trang trí nhà cửa, như làm chăn màn, gối và khăn trải bàn. Nhưng khi sang đến châu Âu, nó lại được ưa chuộng để làm váy đầm.

Trái: Một họa tiết hoa cổ điển của vải chintz thời thế kỷ 18. Phải: Áo khoác và khăn bằng vải hoa chintz cùng váy cotton. Ảnh: Momu, Antwerp.

Sự tinh tế của chintz khiến người yêu thời trang châu Âu chi bạc trắng để mua nó. Cả Anh lẫn Pháp đều cấm nhập khẩu vải hoa chintz trong một thời gian dài, để bảo vệ ngành dệt may địa phương. Mãi đến cuối thế kỷ 18, các nhà sản xuất tại Anh mới tìm ra cách in ấn vải môtíp hoa. Từ đấy, chất liệu in hoa, đặc biệt là họa tiết hoa nhí, trở nên đủ rẻ tiền để thậm chí tầng lớp lao động cũng có thể mua nó.

Trái: Đầm kiểu robe à l’anglaise bằng vải chintz, giai đoạn 1770 – 1900. Ảnh: Momu, Antwerp. Phải: Vải chintz phổ biến để trang trí nhà cửa. Ảnh: Getty Images

Thế kỷ 19 phát triển ngôn ngữ loài hoa

Vào thế kỷ 19, không còn quá nhiều sự đổi mới liên quan đến thiết kế hay kỹ thuật làm vải môtíp họa tiết hoa. Nhưng đây lại là giai đoạn của trào lưu lãng mạn (Romanticism).

Dưới sự cai trị của nữ hoàng Victoria, xã hội Anh Quốc phát triển mạnh mẽ nhưng đồng thời gò bó quyền phụ nữ. Phái nữ bị ép buộc phải ở nhà và tập trung cho tay nghề nữ công gia chánh. Sự tiếp xúc giữa nam nữ trở thành điều tối kỵ.

Trong hoàn cảnh này, hoa trở thành một cách để bày tỏ nỗi lòng thầm kín giữa những người yêu nhau. Có hẳn những cuốn từ điển diễn giải cho ngôn ngữ của loài hoa. Ví dụ, hoa thủy tiên chứng tỏ cho lòng hào hiệp. Lan nam phi (freesia) tượng trưng cho tình yêu sự tự do. Hoa dành dành (gardenia) biểu hiện niềm vui, còn diên vỹ (iris) hàm ý cảm hứng dào dạt trong nghệ thuật. Dựa trên “thông điệp mật” này, các cặp đôi tặng nhau hoa cài áo hay bó hoa nhỏ cầm tay, gọi là nosegays/ tussie-mussies.

Lịch sử họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Tranh in lithograph “Ngôn ngữ của loài hoa” của Alphonse Mucha, phong cách Art Nouveau. Ảnh: Wikimedia Commons.

Thế kỷ 20: Nghệ thuật và họa tiết hoa

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có hai trào lưu nghệ thuật chú trọng vào hoa: trường phái Ấn tượng (Impressionism) và Tân nghệ thuật (Art Nouveau).

Những họa sỹ đi theo hai trường phái này cũng đặc biệt hứng thú với tranh ảnh và vật phẩm từ châu Á. Họ bị ấn tượng bởi họa tiết hoa trong những bức bình phong Trung Quốc và kimono Nhật Bản. Khi những vật phẩm này xuất hiện trong tranh sơn dầu Impressionist hay poster in khắc gỗ Art Nouveau, chúng khiến người dân châu Âu mê mẩn trước vẻ đẹp khác biệt của Á Đông.

Lịch sử kimono: Kimono trong tranh vẽ. Tranh sơn dầu Japonism dans la mode từ William Merritt Chase, James Tissot

Trái: Tranh sơn dầu “Các cô gái trẻ ngắm vật phẩm Nhật” của Jacques Joseph James Tissot (vẽ 1869). Phải: Tranh sơn dầu “Cô gái mặc kimono xanh” của William Merritt Chase (vẽ 1898). Nguồn ảnh: WikiArt

Sự quyến rũ của họa tiết Á Đông một lần nữa trỗi dậy ở phương Tây. Các quý nữ đua nhau tìm mua kimono để mặc nhà, hoặc may trang phục từ vải hoa Á Đông. Niềm đam mê này kéo dài hơn 100 năm, cho đến tận Thế Chiến II.

Cuối thế kỷ 21: Họa tiết hoa biến hóa đa dạng

Nói đến họa tiết hoa trong thế kỷ 20, không thể không nhắc đến những thập niên gần cuối thế kỷ.

Thập niên 1960, dân hippie lăng-xê lối sống hướng về thiên nhiên, tự do tự tại. Họa tiết hoa trở nên tương đồng với phong cách sống hippie, khi xuất hiện trong khăn cài đầu, khăn quàng, quần áo và thậm chí là giày dép.

Lịch sử họa tiết hoa: Dù sinh ra ở châu Á vẫn chinh phục cả thế giới

Họa tiết hoa bohemian của thập niên 1960. Ảnh: TheFashionFolks.com

Qua đến thập niên 1970, họa tiết hoa trở nên nhu mì hơn, với màu sắc thanh nhã và lãng mạn. Còn họa tiết hoa của thập niên 1980 lại rực rỡ đậm chất nhiệt đới.

Ngày nay, họa tiết hoa đã trở thành một phần thường nhật của thời trang. Những công nghệ in ấn mới giúp mang lại nhiều kiểu họa tiết cầu kỳ và sắc nét hơn bao giờ hết.

Quảng cáo Gucci Xuân Hè 2017

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm