8 con số quan trọng trong lịch sử Air Jordan, đôi giày khai sinh văn hóa sneakerhead

Như những chiếc túi xách quý hiếm luôn tăng giá, những đôi Air Jordan phiên bản giới hạn cũng có sức hút như vậy trên thị trường

Năm 2021 là kỷ niệm 30 năm sinh nhật dòng giày thể thao Air Jordan 6. Nike sẽ ra mắt phiên bản Electric Green mùa hè năm nay. Ảnh: Nike

Lịch sử giày thể thao đã có từ rất lâu rồi. Nhưng văn hóa sneakerhead – những kẻ cuồng giày – thì có lẽ chỉ mới bắt đầu vào giữa thập niên 1980, khi Michael Jordan bắt tay cùng Nike ra mắt mẫu giày thể thao Air Jordan 1.

Hơn ba thập kỷ sau khi đôi Air Jordan 1 lần đầu tiên xuất hiện, nó vẫn là một trong những dòng giày thể thao bán chạy nhất của Nike. Với nhiều mẫu màu mới, kiểu dáng mới, dòng Air Jordan luôn là tâm điểm được bàn tán trong cộng đồng yêu giày thể thao nói chung và hâm mộ Michael Jordan nói riêng.

Vậy, bạn biết gì về dòng giày thể thao này? Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm qua những con số quan trọng lịch sử đôi giày thể thao Air Jordan.

1: Air Jordan 1, đôi giày khai sinh khái niệm sneakerhead

Ảnh: Nike

Đôi giày Air Jordan 1 ra đời vào năm 1984. Thực chất, đây là một đôi giày được Nike thiết kế riêng cho Michael Jordan để anh sử dụng trên sân bóng.

Còn phiên bản được bán rộng rãi ra thị trường thì ra mắt năm 1985. Đây cũng là mẫu Air Jordan duy nhất được trang trí với logo Swoosh của Nike. Tất cả những mẫu Air Jordan sau này đều không có logo ấy.

5000: Mức phạt ở đô-la Mỹ cho từng trận đấu của Michael Jordan năm 1984

Ngay khi vừa xuất hiện, đôi Air Jordan 1 đã gây “sóng gió”.

Theo luật của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ (NBA), các tuyển thủ có thể sử dụng bất kỳ đôi giày nào trên sân bóng, miễn sao là chúng có cùng màu với đồng phục.

Năm 1984, Michael Jordan là thành viên của Chicago Bulls. Ở sân nhà, đội này mặc đồng phục đỏ, viền trắng và đen. Đấu sân khách, đội mặc đồ trắng, viền đỏ và đen. Giày thì màu trắng có viền đỏ.

Tuy nhiên, đôi Air Jordan 1 lại là giày màu đen, có logo Nike màu đỏ và đế trắng. Combo màu này vi phạm luật của NBA, vì không đồng nhất với các thành viên khác. Hiệp hội NBA đã phạt anh chàng 5000 đô-la Mỹ cho mỗi trận đấu mà anh mang đôi giày này.

Ngay lập tức, Nike nhận ra cơ hội làm tên tuổi. Hãng mau chóng thiết kế các mẫu giày khác hợp luật cho Michael Jordan. Nhưng Nike cũng vui vẻ bỏ ra số tiền 5000 đô-la ấy để bồi thường cho Michael Jordan, với điều kiện họ có thể khai thác thông tin này trên quảng cáo.

Năm 1985, Nike chạy quảng cáo TV như sau:

“Ngày 15/10, Nike thiết kế một đôi giày chơi thể thao mới phá vỡ các giới hạn. Ngày 18/10, Hiệp hội bóng rổ NBA cấm sử dụng chúng. Nhưng hiệp hội không thể cấm bạn sử dụng chúng hàng ngày. Giới thiệu mẫu giày Air Jordans, từ Nike”.

450,000: Số lượng Air Jordan 1 bán ra trong tháng đầu tiên

Một đôi giày Air Jordan 1 nguyên thủy mà Michael Jordan từng mang năm 1985. Nó được bán đấu giá tháng 07/2020, đạt mức phá kỷ lục: 615,000 đô-la Mỹ. Ảnh: Christie’s

Ban đầu, Nike ước tính rằng hãng sẽ bán ra 100,000 đôi giày Air Jordan trong năm đầu tiên. Lúc ấy, một đôi Air Jordan có giá bán là 64,94 đô-la Mỹ. Nike hy vọng mình sẽ đạt doanh thu 6.495.000 đô-la Mỹ từ dòng giày này.

Nhưng thực chất, chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt, dòng Air Jordan 1 mang về tổng doanh số 29 triệu đô-la Mỹ. Tương đương 450,000 đôi giày được bán ra!

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy một đôi giày nào có sức tiêu thụ như thế này. Thật là một hiện tượng”, trích bài phỏng vấn của Chris Van Dyke, giám đốc truyền thông của Nike vào năm 1985, với tờ Los Angeles Times.

2: Air Jordan 2, đôi giày thể thao “Made in Italy”

Ảnh: Nike

Tiếp nối thành công của mẫu Air Jordan 1, Nike ra mắt phiên bản 2 năm 1986.

Lúc này, sức nóng của đôi Air Jordan 1 đã bắt đầu thuyên giảm. Doanh thu giảm dần. Cá nhân Michael Jordan bị chấn thương trong mùa giải 1985-86 nên cũng vắng mặt trên sân bóng. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến hình tượng của dòng Air Jordan. Chưa kể là hàng loạt thương hiệu khác cũng tung ra những mẫu na ná cùng tông màu đen–trắng–đỏ ăn theo.

Trước tình cảnh này, Nike hiểu rằng có lẽ họ không thể tạo được một đôi giày có sức hút khủng như mẫu đầu tiên. Vì vậy, thương hiệu chọn hướng đi cao cấp hơn. Mẫu Air Jordan 2 là một đôi giày thể thao cực xa xỉ. Nó được gia công ở Ý, với da thuộc Ý có kết cấu bề mặt nhám rất sang. Gót giày có chữ Nike. Nhưng logo Swoosh đã biến mất.

3: Air Jordan 3, lần đầu tiên Nike giới thiệu logo hình người chơi bóng rổ

Ảnh: Nike

Ở thời điểm hiện đại, nếu có ai hỏi làm sao nhận diện đôi giày Air Jordan, thì người cuồng giày thể thao sẽ đáp rằng: Nhờ biểu tượng hình người chơi bóng rổ (Jumpman).

Biểu tượng này lần đầu tiên xuất hiện trên mẫu Air Jordan 3, được Nike tung ra năm 1988. Giày có họa tiết da voi độc lạ.

6: Air Jordan 6, đôi giày Michael Jordan sử dụng để chiến thắng giải NBA

Ảnh: Nike

Tuy Michael Jordan lúc này đã nổi tiếng không chỉ vì giải đấu bóng rổ mà còn vì màn hợp tác triệu đô với Nike, anh vẫn chưa lần nào thắng cúp vô địch của giải thi đấu NBA cả.

Mãi đến năm 1991, Michael Jordan và đội The Bulls mới vô địch giải NBA. Anh thắng giải khi đang mang mẫu giày Air Jordan 6 mới toanh.

Đôi giày này có thiết kế da thuộc được cách điệu tạo thành số 2 và 3 – con số trên áo đồng phục của Michael Jordan. Hình dáng lấy cảm hứng từ một mẫu xe hơi thể thao của Đức, một bộ môn thể thao yêu thích khác của tuyển thủ. Quanh cổ chân ít đệm hơn, vì vậy tạo nên một đôi giày nhẹ mà mềm dẻo hơn so với các mẫu trước.

Sau đó, mẫu giày này bước chân vào thế giới của anime và manga, khi tác giả bộ truyện Slam Dunk nổi tiếng, ông Takehiko Inoue, lựa chọn nó làm đôi giày biểu tượng của nhân vật nam chính Hanamichi Sakuragi. Virgil Abloh thì tuyên bố, đây là mẫu Air Jordan yêu thích nhất của mình.

10: Air Jordan X, ăn mừng sự quay trở lại của Michael Jordan

Ảnh: Nike

Năm 1993, Michael Jordan “nghỉ hưu non”, rời khỏi giải đấu bóng rổ NBA. Anh tuyên bố không còn yêu bóng rổ nữa. Ngược lại, anh tập tành với bóng chày.

Tuy nhiên, tháng Ba năm 1995 thì Michael Jordan lại một lần nữa đổi ý định, quay về với bóng rổ. Để ăn mừng việc anh quay lại với giải đấu, Nike ra mắt mẫu Air Jordan X. Đôi giày làm bằng chất liệu Phylon cực nhẹ. Những thành tựu ở những mùa giải trước của anh được ghi chú trên đôi giày.

Mẫu Air Jordan X đầu tiên có 5 gam màu đặc trưng của các đội bóng nổi nhất giải NBA lúc bấy giờ: đội Chicago, Orlando, New York, Sacramento và Seattle. Sau khi mẫu nguyên thủy này cháy hàng, Nike chưa bao giờ sản xuất thêm. Chúng bây giờ đã trở thành một trong những đôi Air Jordan được săn lùng nhất, với mỗi đôi giày có thể trị giá hàng ngàn đô-la Mỹ trên thị trường chuyển nhượng. Gấp tối thiểu 10 lần so với giá bán ban đầu!

BÍ QUYẾT CHỌN MUA GIÀY AIR JORDAN CỦA NIKE

Bạn muốn đầu tư vào một đôi giày nhưng chưa biết nên chọn mẫu giày nào? Sau đây là một số bí quyết từ Harper’s Bazaar.

• Nếu bạn mua giày để mang, việc chọn lựa hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Dòng giày Air Jordan vô cùng đa dạng, có đủ ba thiết kế cổ giày (cao, vừa, thấp) và vô số màu sắc khác nhau.

• Tuy nhiên, nếu bạn tính mua để bán sang tay, thì cần lưu ý độ hot của giày. Mẫu giày cao cổ luôn là mẫu được săn đón nhất. Nike cũng thường xuyên ra mắt phiên bản Retro – tức là những đôi Air Jordan mới, nhưng được thiết kế giống nhất với mẫu nguyên thủy. Những phiên bản Retro thường là sản phẩm số lượng giới hạn, đáng đầu tư.

• Đừng bỏ qua các phiên bản được thiết kế bởi ngôi sao, như Travis Scott hay Virgil Abloh. Ngoài ra, các mẫu Air Jordan mà Nike bắt tay cùng những thương hiệu xa xỉ, ví dụ như Dior, cũng rất hot.

Đôi OFF WHITE x Air Jordan 1 Retro High OG “Chicago”, một phiên bản quý hiếm do Virgil Abloh thiết kế. Ảnh: eBay

>>> XEM THÊM: NGẮM QUY TRÌNH LÀM NÊN DIOR X AIR JORDAN 1 OG, ĐÔI GIÀY THỂ THAO CÓ 5 TRIỆU LƯỢT ĐĂNG KÝ MUA

Trích LA Times, Foot Locker
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm